Duyên phận không thành, bị ép gả cho người chết
Tuy nhiên, những bi kịch ở nhà họ Kiều trong Hồi Môn không chỉ có như thế. Nếu các anh em còn nhớ thì Mọt từng nói Kiều Dư An còn một người chị hai tên là Kiều Ngọc Trinh. Khác với người chị cả có vẻ đoan trang dịu dàng, bị tư tưởng phong kiến của xã hội cũ tẩy não, Kiều Ngọc Trinh lại là một cô gái hồn nhiên, vui tươi và lạc quan, theo đuổi sự tự do, phóng khoáng, không bị ảnh hưởng của tư tưởng thời đại. Vào năm 1919, cái năm mà Kiều Thục Anh mưu sát chồng mình, chị hai Kiều Ngọc Trinh gặp gỡ và đem lòng yêu một chàng trai họ Hạ làm nghề phóng viên. Hạ phóng viên và Kiều Ngọc Trinh như một đôi uyên ương, quấn quýt không rời, thế nhưng chuyện của hai người lại bị người chị cả Kiều Thục Anh phát hiện.
Thục Anh đem chuyện này kể với cha mẹ, ông bà họ Kiều không đồng ý cho con mình lấy một kẻ làm nghề phóng viên nên đã sắp xếp gả Kiều Ngọc Trinh cho Hứa thiếu gia. Nhưng khác với người chị ngoan ngoãn của mình, Kiều Ngọc Trinh quyết không đồng ý. Cô viết cho người yêu một lá thư, hy vọng anh có thể sớm mang sính lễ đến dạm hỏi cô, rồi nhờ em trai Kiều Dư An chuyển thư giúp mình. Đáng buồn thay, lá thư này lại bị Kiều Thục An phát hiện, cô ta làm kế ly gián, vậy là Hạ phóng viên không hề biết chuyện Kiều Ngọc Trinh bị ép gả, không có cách nào đến cứu cô kịp thời.
Ngày thành hôn gần đến, Hứa thiếu gia đột nhiên qua đời, ông bà Kiều vốn quan niệm con gái chẳng khác gì mấy món đồ vật trong nhà nên vẫn quyết định gả Kiều Ngọc Trinh cho nhà họ Hứa để làm âm hôn. Kiều Ngọc Trinh biết chuyện đã nhiều lần tìm cách bỏ trốn, thế nhưng lần nào cô cũng bị bắt lại và phạt đòn rất nặng. Cuối cùng mối âm hôn giữa hai nhà Hứa Kiều trong Hồi Môn cũng được kết, Kiều Ngọc Trinh bị giết rồi chôn theo Hứa thiếu gia, hóa thành lệ quỷ quay về báo thù nhà họ Kiều. Ngoài ra, trong khoảng thời gian năm 1912 còn xảy ra một câu chuyện mà Mọt rất ấn tượng. Tại bến tàu có một người vợ góa chồng mang lòng yêu một chàng trai trẻ, hai người vốn tự nguyện yêu nhau, cũng không vi phạm luân thường đạo lý, nhưng người dân xung quanh lại cảm thấy người vợ đó không biết thủ tiết cho chồng mình, vậy là bắt trói cả hai người họ lại.
Hai con người đáng thương bị phơi dưới trời nắng mấy ngày liền, người dân thì thi nhau ném đá họ, nhân vật chính Kiều Dư An khi đó chỉ là một đứa trẻ, bị người ta xúi bậy cũng cầm đá ném theo, kết quả ném chết người nhưng không bị chịu tội, vì với tư tưởng lúc bấy giờ, họ cảm thấy người phụ nữ có chồng mất mà dám tái giá thì chết là đáng đời, không một ai cảm thương cho hai con người tội nghiệp kia. Nhưng đáng sợ hơn là, những hủ tục và hình phạt man rợ này vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay, người dân ở một số vùng lạc hậu vẫn cảm thấy tư tưởng đó là đúng đắn, và họ có quyền định đoạt số phận của kẻ mà họ xem là tội đồ.
Hiểu rõ mọi chuyện, xuống địa phủ giải cứu em gái
Tiếp tục câu chuyện trong Hồi Môn, vào năm 1921, nhà họ Kiều bị nghi có dính dáng đến đường dây buôn lậu muối nên bị quân phiệt đến xoát nhà. Cha của Từ Trần là Từ quản gia đứng ra chịu tội thay cho chủ nhân, bị quân lính đánh chết ngay tại chỗ. Kiều Dư An nhìn thấy cảnh tượng man rợ đó thì hồn vía lên mây, ngất xỉu ngay tại chỗ, gọi thế nào cũng không tỉnh. Người trong nhà đồn Kiều Dư An đã bị ma quỷ bắt hồn, phải ăn canh thịt chó, uống máu chó thì mới tỉnh lại, vậy là hai ông bà họ Kiều quyết định giết chết con chó Kiều Ngũ mà Kiều Dư An nuôi để hầm canh cho con uống.
Đồng thời, họ cũng mời một đạo sĩ đến làm phép, cầu phúc cho Kiều Dư An, vị đạo sĩ đó chính là Yến Hoài Khâm. Yến Hoài Khâm dùng xương của chú chó Kiều Ngũ và Từ quản gia để lập thận cảnh cầu phúc cho Kiều Dư An. Tuy nhiên, chỉ như thế là chưa đủ với hai vợ chồng nhà họ Kiều, vậy là họ bỏ tiền ra mua một bé gái về, đặt tên là Kiều Dung, cũng là người em gái đang mất tích của Kiều Dư An. Thật ra Kiều Dung không hề bị bệnh hay gì cả, cô đã bị Yến Hoài Khâm và hai ông bà Kiều giết hại rồi chôn cùng với vong hồn của sáu cô gái khác ở mắt trận được đặt trong từ đường nhà họ Kiều nhằm mục đích cầu phúc cho Kiều Dư An.
Vì không muốn cho Kiều Dư An biết, ông bà Kiều đã nói dối rằng Kiều Dung bị bệnh đang điều trị ở bệnh viện Thánh Âm, đó cũng là lí do tại sao Kiều Dư An không thể tìm thấy em gái mình trong hồ sơ bệnh nhân của bệnh viện. Sau khi biết được sự thật, Kiều Dư An ngỏ ý muốn xuống địa phủ của Kiều Dung. Lục Hào đưa cho anh ta một đoá hoa sen đỏ, bảo rằng đèn hoa sen có thể giúp Kiều Dư An trở về an toàn. Kiều Dư An đi xuống địa phủ, qua sông Vong Xuyên, đến Nghiệt Kính Đài. Theo quan niệm Phật giáo, Nghiệt Kính đài là một chiếc gương lớn, có thể giúp linh hồn nhìn lại tội nghiệt của mình.
Vậy Kiều Dư An đã từng gây ra tội lỗi gì trong Hồi Môn không? Có, khi còn nhỏ, chính anh ta đã gián tiếp gây ra ba sai lầm mà bản thân mình không hề hay biết, và chính ba sai lầm này đã trở thành quỷ dữ, đuổi theo Kiều Dư An trong suốt quãng đường xuống địa ngục của anh. Sai lầm thứ nhất là vào năm 1912, Kiều Dư An đi trên đường thấy người ta ném đá goá phụ, bị xúi giục cầm đá ném cùng, kết quả ném chết một mạng người. Sai lầm thứ hai là vào năm 1919, khi Kiều Thục Anh sai Kiều Dư An đi mua thuốc độc về hạ sát chồng mình. Kiều Dư An biết thuốc mình mua là thuốc độc nhưng vẫn làm theo, gián tiếp hại chết Liên thiếu gia khờ khạo.
Sai lầm thứ ba là khi Kiều Ngọc Trinh nhờ Kiều Dư An đưa thư cho người yêu là Hạ phóng viên, thế nhưng anh lại mang lá thư và trâm ngọc đưa cho Kiều Thục Anh, gián tiếp gây ra cái chết của chị mình. Thật ra, những sai lầm này Kiều Dư An không cố tình gây ra, anh cũng không có ý xấu. Anh không hề biết Kiều Thục Anh mua thuốc để giết chồng, bị người ta xúi giục nên mới ném chết góa phụ, cũng không biết Kiều Thục Anh tâm lý vặn vẹo nên mới mang thư đưa cho Thục Anh. Trong câu chuyện của nhà họ Kiều, không ai vô tội, cũng không ai là hoàn toàn có tội, thủ phạm chính của câu chuyện thật ra chính là những suy nghĩ cổ hủ và tàn khốc của xã hội cũ, hay ta có thể gọi đây chính là bi kịch của thời đại lúc bấy giờ.
Quay lại với câu chuyện, Kiều Dư An tìm thấy Kiều Dung bị giam trong hầm ngục, thành công đưa cô chạy khỏi địa phủ. Tuy nhiên, vì thời gian Kiều Dư An ở địa phủ quá lâu nên đèn hoa sen đã sắp cạn, chỉ có thể phù hộ một người bình an quay lại nhân gian. Kiều Dư An đưa đèn cho Kiều Dung đi trước, dẫn đến việc bản thân anh bị mù, bị kẹt lại ở địa phủ, sống chết không rõ. Sau khi thoát khỏi địa phủ, Kiều Dung quay về nhân gian một mình, câu chuyện sẽ có hai kết thúc khác nhau tùy thuộc vào lựa chọn của người chơi trong xuyên suốt câu chuyện. Trong Happy Ending, Kiều Dung sau khi quay về sẽ cầm con diều mà cô thường chơi cùng Kiều Dư An lúc nhỏ, lủi thủi bước đi trong nỗi buồn mất anh.
Hình ảnh Kiều Dung cầm con diều lên, đại biểu cuộc sống sau này của cô sẽ như cánh diều tung bay trong gió, thoát khỏi xiềng xích phong kiến của xã hội, không bị những hủ tục kia ràng buộc dẫn đến biến chất, đại diện cho hình ảnh con người sẽ không bao giờ chịu thua trước bi kịch của thời đại. Trong Bad Ending, thay vì cầm con diều thì Kiều Dung lại lựa chọn cầm chiếc kéo giấu sau lưng mình, cũng chẳng mang gương mặt buồn bã vì đánh mất Kiều Dư An. Ngụ ý của hành động này chứng minh rằng Kiều Dung đã bị những hủ tục của xã hội này làm cho tha hoá, dẫn đến việc thay đổi tính tình.
Tính cách ngây thơ hồn nhiên của cô đã trở thành độc ác, tàn nhẫn, và giờ đây cô muốn quay về để trả thù nhà họ Kiều vì những tội ác họ đã gây ra. Hình ảnh này của Kiều Dung tượng trưng cho việc con người đã chịu thua trước bi kịch của xã hội, họ dần tha hóa, đánh mất bản ngã của chính mình và rồi trở thành con người mà bản thân từng căm ghét. Câu chuyện trong Hồi Môn khép lại với ca khúc Kiều Mộc Cố Ly và tiếng thở dài của những con người trong thời đại xưa, để lại cho người chơi nhiều suy nghĩ. Phải chăng nếu những hủ tục và tư tưởng cổ hủ ấy không tồn tại, vậy thì những bi kịch trong Hồi Môn cũng sẽ không xảy ra? Hồi Môn lấy đề tài chính về những hủ tục của xã hội xưa, vẽ ra một thời đại tang thương đã từng tồn tại trong quá khứ, qua đó phê phán những hủ tục và cái nhìn hà khắc đã không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Những con người trong xã hội đó chỉ có thể lựa chọn giữ vững hoặc đánh mất bản ngã của mình trước guồng xoay của thời đại, và họ thường sẽ không chống chọi lại được sự tàn khốc của lịch sử, để rồi bản thân lại trở thành người tiếp tay cho những hủ tục ấy tồn tại dần đến ngày nay. Theo Mọt thì những con người ấy đáng thương hơn đáng giận và phải chăng nếu họ được lựa chọn tốt hơn thì những sai lầm ấy đã chẳng xảy ra. Để đánh giá thì Hồi Môn sở hữu đồ họa bắt mắt, lối chơi phong phú và đa dạng, kết hợp với cốt truyện đầy tính nhân văn, tuy rằng trò chơi vẫn còn một vài khúc mắc chưa được giải thích, nhưng đây vẫn là một tựa game đáng để anh em trải nghiệm thử một lần.
Ngoài ra cũng nên ghé thăm fanpage Gosugamers Vietnam khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video… vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN.
Cuối cùng bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?