Chơi game là một sở thích đắt đỏ với game thủ Việt. Những chiếc console giá hàng trăm USD có thể là cả tháng lương hoặc hơn, còn những tựa game mới toanh 60 USD có thể bằng với chi phí ăn uống nhiều ngày liền. Đó là còn chưa kể đến đủ kiểu thu tiền mà các nhà phát triển, phát hành game đang thực hiện, từ đẻ DLC như gà đẻ trứng đến các hộp đồ ngẫu nhiên đắt tiền trong các tựa game cả online lẫn offline. Chưa hết, các nhà phát hành cũng bắt đầu tăng giá bán game khi một loạt game đã công bố mức giá 70 USD như NBA 2k21, Demon’s Souls, Destruction All Star, Godfall,… Trong tình hình này, sự tồn tại của những dịch vụ cho thuê game thu phí tháng mà Microsoft, EA, Sony, Ubisoft,… đang làm bỗng dưng trở nên rất hấp dẫn trong mắt Mọt tui, dù chúng cũng có những vấn đề không thể bỏ qua trong mắt game thủ. Trong bài viết này, Mọt sẽ nói với các bạn về lý do khiến mình đi đến nhận định này cũng như vấn đề mà hình thức kinh doanh này ẩn chứa.
Xbox: Nhiều game mới và rẻ
Trong thời điểm hiện tại, Xbox Game Pass là ngôi sao của làng cho thuê game bởi nó có mức giá quá hời và có thể giúp game thủ giảm bớt chi phí bỏ ra khi chơi game trên PC hoặc Xbox, và đặc biệt vừa mở cửa chào đón game thủ Việt sau khi giai đoạn beta kết thúc. Dù không có tất cả mọi tựa game lớn, nó đem lại cho game thủ khoảng hơn 100 game trên Xbox và PC, trong đó bao gồm toàn bộ game do Microsoft phát hành (kể cả các tựa game của Bethesda sau phi vụ thâu tóm trị giá 7,5 tỉ USD gần đây), chưa kể đến việc nếu chi 15 USD/tháng, bạn còn có thể chơi chúng qua “mây” xCloud mà không cần phải đầu tư quá nhiều vào phần cứng.
Điều này có nghĩa là ngay cả khi mua gói Xbox Game Pass Ultimate 15 USD/tháng trong cả năm trời, bạn sẽ dễ dàng hòa vốn sau khi đã chơi qua ba tựa game AAA giá 60 USD, hoặc gần hòa nếu chúng ta tính theo mức giá mới 70 USD. Đó là chưa kể đến những giá trị gia tăng mà dịch vụ này đem lại như khả năng chơi ở bất kỳ đâu trên màn hình smartphone, cộng thêm hàng trăm tựa game vừa và nhỏ có thể không phù hợp với tất cả mọi người nhưng chắc chắn sẽ có một vài game phù hợp với bạn. Như vậy, Xbox Game Pass vừa là một cách tiết kiệm tiền, vừa là một phương thức khám phá những tựa game mới.
Dĩ nhiên là nếu bạn dùng Xbox Game Pass như nguồn game chính của mình, bạn sẽ bỏ qua rất nhiều game lớn đến từ bên ngoài Microsoft. Dù các game của chính Microsoft lên Xbox Game Pass ngay ngày đầu, đại đa số game AAA không lên Xbox Game Pass hoặc chỉ đến sau một thời gian dài và nhanh chóng ra đi. Tuy nhiên điều này vẫn không làm giảm giá trị của dịch vụ này, khi nó là lựa chọn tốt nhất nếu bạn muốn một bộ sưu tập game lớn, đa dạng để thử nghiệm và chơi trong những giờ rảnh rỗi. Bạn chẳng mất gì khi tải game về chơi thử và phát hiện mình không thích nó bởi khác với những game thủ đáng thương ở Mỹ, chúng ta không phải lo ngại về giới hạn dung lượng internet hàng tháng.
PlayStation: game khủng nhưng cũ
Sony không có một dịch vụ nào tương đương với Xbox Game Pass, nhưng chúng ta cũng có thể xem PlayStation Now và PlayStation Plus là những hình thức thuê game bởi ngoài chi phí hàng tháng cho các dịch vụ này, bạn không cần trả thêm gì để được chơi game từ chúng. Nếu nói tới mức độ mới mẻ của game, hai dịch vụ này có leo lên xe F1 cũng không đuổi kịp Xbox Game Pass, nhưng chúng lại có lợi thế về chất lượng.
Thật vậy, các tựa game trong PlayStation Now thường là những tựa game lớn được không ít game thủ yêu thích, và PlayStation Now giúp những game thủ nhạy cảm với chi phí được chơi những tựa game đó với một mức giá thấp hơn dù phải chờ đợi khá lâu. PlayStation Plus đem lại hai game “miễn phí” mỗi tháng nhưng bởi bạn chỉ có thể chơi chúng khi còn đăng ký Plus nên đây cũng chỉ là một kiểu thuê game.
Bên cạnh đó, việc Sony công bố gói PlayStation Plus Collection dành cho các game thủ đăng ký PlayStation Plus trước thềm ngày ra mắt của PS5 cũng là một phương thức tiết kiệm rất tuyệt vời: gói nội dung miễn phí này chứa 18 tựa game khủng mà game thủ PlayStation có thể tải về chơi không mất một xu nào!
Việc game đến trễ trên các dịch vụ của Sony cũng là một khuyết điểm lớn của chúng này, đặc biệt là khi chúng ta nói đến những tựa game thiên về cốt truyện hơn gameplay kiểu The Last of Us, Uncharted,… Mức độ nổi tiếng của những tựa game này khiến nội dung của chúng bị spoil tràn lan trên internet, phần nào phá hỏng trải nghiệm của những game thủ đã bỏ công chờ đợi để chơi chúng trên PlayStation Now hoặc PlayStation Plus. Bên cạnh đó, dù game thủ mang tiếng là được nhận game miễn phí trên PlayStation Plus, chúng cũng chỉ là một kiểu cho thuê bởi khi ngừng trả tiền thì bạn cũng phải ngừng chơi.
Dĩ nhiên là nếu nhìn về tổng thể, việc game cũ lên PlayStation Now, PlayStation Plus Collection vẫn là một điều rất có ích cho hàng chục triệu game thủ. Một ví dụ nho nhỏ: theo các số liệu mà Mọt tui tìm được, dịch vụ PlayStation Plus có khoảng 41,5 triệu người dùng (số liệu tháng 5/2020), còn Uncharted 4 – tựa game bán chạy nhất do Sony phát hành – có doanh số là 17 triệu bản. Điều này có nghĩa là việc Uncharted 4 lên PlayStation Plus Collection đã tạo điều kiện cho 24,5 triệu game thủ cơ hội thưởng thức Uncharted 4 lần đầu tiên mà không phải bỏ tiền mua game.
Các nhà phát hành khác
Bởi việc cho thuê game đã trở thành xu thế thời thượng, nhiều ông lớn khác trong làng game cũng đang nhảy vào phương thức kinh doanh mới này. EA có EA Play (sẽ được tích hợp vào Xbox Game Pass Ultimate), Ubisoft có Uplay+, Apple có Arcade, Google có Google Play Pass. Những dịch vụ này thường khá hạn chế bởi chủ nhân của chúng không sở hữu một nền tảng console riêng (EA, Ubisoft) hoặc không phải là một công ty chuyên kiếm ăn từ game (Apple, Google), nhưng cũng là những phương thức tiết kiệm tạm ổn cho game thủ.
Trong khi Microsoft và Sony đều có những dịch vụ mạnh mẽ, Nintendo – một trong ba ông lớn của làng game console – thậm chí còn chẳng có một dịch vụ cho thuê game. Tất cả những gì fan của Nintendo có được chỉ là một danh sách vài tựa game NES và SNES (có thể lớn tuổi hơn nhiều bạn đọc Kênh Tin Game) dành cho những ai đăng ký dịch vụ Nintendo Switch Online của hãng. Tuy nhiên Nintendo thực sự chẳng cần phải bước chân vào thị trường cho thuê game làm gì, bởi các hãng khác có ganh đua đụng chạm thế nào thì Nintendo vẫn cứ nắm giữ một thị trường riêng.
Những điểm yếu của thuê game
Dù là lựa chọn hàng đầu cho những game thủ muốn tiết kiệm chi phí, bất kỳ hình thức cho thuê game nào cũng có một nhược điểm không thể bỏ qua: bạn không sở hữu game. Ngoài việc phải chấp nhận hạn chế chỉ có thể chơi game khi còn đăng ký trả phí tháng, bạn còn phải đối mặt với nguy cơ các tựa game yêu thích của mình sẽ “a lê hấp” biến mất khỏi dịch vụ cho thuê vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn hết hạn hợp đồng hay đơn thuần là “xoay tua” kiểu PlayStation Now. May mắn là với hầu hết các dịch vụ thuê game, game thủ đều sẽ được nhận mức giá ưu đãi khi quyết định mua hẳn trò chơi chứ không thuê mướn nữa.
Tuy nhiên việc mua game cũng chỉ có thể giúp bạn tiếp tục được chơi khi không còn trả phí cho dịch vụ thuê game, còn chuyện mất game do nhà phát hành rút phích server thì… vẫn vậy. Đây là vấn đề chung mà cả ngành game đang phải đối mặt, bởi khi internet đã phát triển vượt bậc và trở thành nền tảng cho việc phát hành game, các tựa game càng ngày càng khác biệt so với những gì chúng ta quen thuộc nhiều năm trước. Ngay cả khi cài đặt game bằng những đĩa Blu-ray 60-70 USD mà bạn bỏ tiền ra mua, chúng cũng cần phải được cập nhật và nếu server của trò chơi đã bị tắt đi, bạn cũng phải chấp nhận đánh mất tựa game của mình và buộc phải tìm đến crack hoặc server lậu nếu còn muốn tiếp tục chơi.