Làn sóng 'Game made in Việt Nam' đang trở lại - Trào lưu nhất thời hay sự vươn tầm của ngành game Việt

23/03/2021 10 năm kể từ ngày phát hành 7554 tại Việt Nam, chúng ta cùng ôn lại về game “Made in Việt Nam” có nền đồ họa cao cấp đầu tiên tại nước ta.

Trào lưu game thuần Việt gần đây khiến cho làng game Việt đứng ngồi không yên. Liệu đây chỉ mang tính nhất thời hay sẽ là bước ngoặc cho thị trường game Việt?

Sự khởi đầu và khó khăn

Từ khi 7554 – do Hiker Games Studio (tiền thân là Emobi Games) sản xuất, được ra mắt game thủ đã bắt đầu có nhiều kỳ vọng về sự phát triển của ngành sản xuất game tại Việt Nam ta, 7554 là tựa game tiên phong được đầu tư về đồ hoạ, gameplay và cả cốt truyện. Được kỳ vọng như thế nhưng có một điều mà studio lúc đó vẫn chưa tính được game thủ Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng tiếp nhận dạng game này (bấy giờ game thủ đã quen các game online mang tính cộng đồng hoặc các flash game), dạng game mang cốt truyện vẫn quá mới mẽ đặc biệt thói quen “game free” nên dù có chơi họ vẫn chọn crack. Chỉ có một số ít người chịu bỏ tiền ra để mua game khiến cho doanh số không đạt kỳ vọng của nhà sản xuất hay. Đây là bài học cho các nhà sản xuất, dẫn đến một khoảng thời gian không thấy thêm một tựa game Việt nào được sản xuất nữa (một thập kỷ) vì làm game là một công việc, nên sẽ không có ai muốn mình bị lỗ cả. Nhưng bộ phận chờ mong tựa game do người Việt vẫn còn đó, ngày càng phát triển chỉ chờ mong một vệt lửa để có thể bùng cháy cả cánh rừng. Một thập kỷ có thể là khoảng thời gian không ngắn nhưng có lẽ vừa đủ để cộng đồng bắt đầu có thêm nhiều cái nhìn mới về game đặc biệt là các game offline có gameplay đặc sắc.

Đĩa 7554

Trong 10 năm, các nước láng giềng của chúng ta đã có những tựa game mang màu sắc quốc gia của họ, những tựa game không phải là bom tấn nhưng đầy màu sắc dân tộc. Khiến ngay cả chúng ta khi trải nghiệm cũng phải ao ước rằng khi nào ta chơi game mà không cần đọc phụ đề, khi nào thì sẽ có thể thấy những tấm gạch lốt thân quen hay những dòng chữ in đầy trên tường “Khoan cắt bê tông”, “Cấm …”,… khi nào sẽ thấy được những bức tranh Đông Hồ trên game, những bài hát ru những câu truyện cổ tích dân gian được khắc hoạ để được “sánh vai với các cường quốc năm Châu”.

Sự trổi dậy từ tro tàn…

Sự chờ đợi cũng có kết quả, có lẽ phát triển là bản chất của con người. Năm 2016, lại một tựa game do studio đã làm 7554 được ra mắt tên Toy Odyssey được phát hành trên Steam, Xbox và cả PS4, game 2D thuộc thể loại hành động, phiêu lưu dạng màn hình ngang hướng đến trải nghiệm hoài cổ các game từ thập niên 80, 90. Với kinh nghiệm đã có từ trước thì tựa game mới này cũng được đón nhận bởi game thủ Việt cũng như có nhiều đánh giá tích cực. Từ đây cũng mở ra cái nhìn lạc quan hơn về việc làm các tựa game chất lượng cho PC – console.

game4v-toyoddyssey

Bất ngờ vào năm nay 2021 hàng loạt game do Việt Nam sản xuất đều sẽ được ra mắt, đặc biệt đều được đầu tư và hứa hẹn sẽ thoả mãn được game thủ. Có thể kể tới là “Hoa” tựa game Việt đầu tiên của Việt Nam được phát hành trên cả Steam và Nintendo Switch. Được sản xuất bởi một Skrollcat – một studio non trẻ, qua một thời gian dài liên ý tưởng và sản xuất thì cuối cùng cũng được ra mắt vào tháng 4 tới đây. Game được đánh giá là tựa game indie đáng mong chờ đầu năm 2021 và được các tạp chí lớn giới thiệu rất tích cực. Game có lối thiết kế nghệ thuật “Ghibli” tươi sáng, lấy nhân vật chính là Hoa trên đường phiêu lưu qua thế giới phép thuật điệu kỳ để về nhà. Có thể thấy đây là một game nhẹ nhàng và phù hợp mọi lứa tuổi.

game4v-hoa

Tiếp đến không kém phần hot dạo gần đây là “Thần Trùng” được sản xuất bởi DUT studio – một studio nổi tiếng nhưng không phải làm game mà họ là các streamer, tập tành làm game để thoa đam mê. Dù mới tung gameplay trailer nhưng đã nhanh chóng lên tab thịnh hành của youtube, đồng thời nhận được sự mong chờ của cộng đồng. Game mượn truyền thuyết về thần trùng để kể một câu chuyện, tuy chưa rõ cốt truyện nhưng từ video ta có thể kỳ vọng game sẽ mang những chi tiết gần gũi người Việt chúng ta. Tuy đây là gameplay trailer nhưng theo thông tin từ studio thì game dự kiến sẽ rất khác video, có những nâng cấp về đồ hoạ cũng như gameplay. Game dự kiến ra mắt vào quý 4 năm 2021.

game4v-thantrung

Cuối cùng là dự án game kinh dị “The Scourge (Tai Ương)” sản xuất bởi Beaztek Studio. Tuy chưa có thời gian ra mắt nhưng chỉ bằng teaser cũng khiến game thủ phải ám ảnh. Game mang đậm màu sắc Việt Nam với lối thiết kế cũng như lấy chất liệu từ các truyền thuyết đô thị đời thực ở Việt Nam mà game thủ có thể từng nghe qua. Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá chất lượng của game nhưng chúng ta có thể kỳ vọng sự phát triển của game.

game4v tai ương

Thấy gì…

Nhìn chung thì thị trường game Việt đang ngày càng bùng nổ, có thể từ nhiều yếu tố. Thời đại mà tin tức dễ dàng cập nhật như hiện nay thì game thủ dễ dàng tiếp cận các tựa game bom tấn, được trải nghiệm nhiều các siêu phẩm khiến cho game thủ trở nên khắc khe và có yêu cầu cao hơn về các món ăn tinh thần. Cộng thêm sự phát triển kinh tế của Việt Nam thì việc bỏ tiền ra để thưởng thức một tựa game đã không còn bất khả thi như những ngày trước, nên việc crack game cũng phần nào thuyên giảm (không phải đã chấm dứt). Thế hệ này họ tài năng, họ thích được khám phá được trải nghiệm cũng như dám làm không sợ thất bại, hoặc chỉ làm vì đam mê, muốn cống hiến cho cộng đồng nước nhà một cái gì đó, tóm lại thì có thể gọi đó là nhiệt huyết.

Không phải hấp dẫn và lôi cuốn như những tựa game mà chúng ta hay trải nghiệm. Việc làm game cần rất nhiều thời gian cũng như khối lượng công việc rất nặng, đặc biệt các studio nhỏ, số lượng nhân sự ít ỏi nên họ đồng thời sẽ phải đồng thời đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc. Thậm chí nhiều người còn bỏ cuộc vì stress, cũng như không đáp ứng được môi trường khắc nghiệt đó. Vậy thì việc các studio làm game cũng làm một quá trình gian nan để đưa ra sản phẩm cho chúng ta trải nghiệm. Đặc biệt ở nước ta, từ khâu sản xuất đến khi ra mắt đã là một quá trình, luôn có các luồn ý kiến có thể tích cực có thể tiêu cực khiến cho tâm lý của những người sản xuất bị ảnh hưởng. Sau khi ra mắt còn phải lo đến việc nếu game có giá quá cao thì sẽ không ai mua, hoặc nếu game chưa đáp ứng sự kỳ vọng thì cũng sẽ trở thành một tiền lệ xấu khiến các nhà đầu tư không dám rót tiền để sản xuất các tựa game “made in Vietnam” chất lượng nữa.

Nói đến cùng vẫn xoay quanh bài toán kinh tế, nếu các tựa thuần Việt có dấu hiệu khả quan thì trong tương lai sẽ có thêm nhiều tựa game được đầu tư cũng như số lượng cũng sẽ tăng lên. Vậy điều mà chúng ta có thể làm bây giờ là kỳ vọng vào sự thành công của các tựa game sắp tới. Có thể tốt hơn nếu chúng ta có những nhận xét tích cực, ủng hộ nếu là tựa game hay, hoặc nếu chưa đạt kỳ vọng cũng không nên ném đá mà thay vào đó chỉ ra thiếu sót, những hạn chế của tựa game đó. Cộng đồng nên có một cá nhìn tích cực với các tựa game nước nhà vì tương lai của ngành game Việt Nam. Tuỳ thuộc vào phản ứng của cộng đồng mà số phận của các tựa game thuần Việt quyết định. Có thể mong trào lưu này sẽ chỉ mới bắt đầu để ngành công nghiệp làm game sẽ phát triển ở nước ta, để game thủ nước nhà có thể trải nghiệm các tựa game thuần Việt một cách tự hào.