Câu chuyện về tòa lâu đài chết chóc này gắn liền với cái tên Herman Webster Mudgett hay H.H. Holmes - kẻ được mệnh danh là “kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của nước Mỹ. Mudgett sinh năm 1860, là con trai của một gia đình giàu có và danh giá ở New Hampshire. Ngay từ khi còn nhỏ, Mudgett đã tỏ ra vô cùng hứng thú với việc “giải phẫu” những loài động vật nhỏ. Lớn lên, hắn thi đỗ trường Đại học Y Michigan nhưng nhanh chóng bị đuổi vì ăn cắp xác chết từ phòng thí nghiệm để thực hiện những nghiên cứu điên rồ. Cũng tại đây, Mudgett cũng thường xuyên rình mò những nhà xác địa phương, ăn trộm xác chết rồi dàn dựng cải trang, làm giả giấy tờ sao cho giống một vụ tai nạn để lừa tiền bảo hiểm. Mudgett theo học chuyên ngành bác sĩ thực hành nhưng cuối cùng lại chuyển sang ngành dược. Năm 1885, Mudgett bỏ vợ con, sau đó lấy tên là H.H. Holmes (một họ rất được kính trọng ở Chicago thời điểm đó) và chuyển đến Englewood để bắt đầu cuộc sống mới như một doanh nhân, một kiến trúc sư nghiệp dư và… một kẻ sát nhân.
Năm 1887, Holmes tiếp quản một hiệu thuốc ở Englewood do một người đàn bà góa bán lại và người này, sau đó cũng mất tích một cách bí ẩn. Đồng thời hắn ta cũng mua một lô đất trống đối diện hiệu thuốc để xây dựng một tòa lâu đài, chính là Lâu Đài Giết Chóc mà chúng ta đang đề cập đến. Bằng việc thuê gia đình Conner từ Iowa để quản lý cửa hàng và sổ sách, Holmes có nhiều thời gian hơn để tự thiết kế tòa nhà của mình. Việc xây dựng lẽ ra chỉ mất 6 tháng nhưng thời gian thực tế kéo dài gấp 3 lần vì hắn ta liên tục thuê và sa thải nhân công. Việc này đã tiết kiệm cho Holmes một khoản tiền kha khá bởi cứ làm được một vài ngày thì hắn ta buộc tội công nhân làm việc không đạt tiêu chuẩn và sa thải mà không trả một xu tiền lương nào. Quan trọng hơn, mục đích Holmes không bao giờ để ai đó làm việc quá lâu tại tòa nhà là để dễ bề che giấu thiết kế bên trong. Chẳng bao lâu, công trình đã thu hút rất nhiều ánh mắt tò mò của người qua đường, bao gồm cả một người cảnh sát mà Holmes đã kết bạn cùng. Công trình kiến trúc đồ sộ được cư dân Englewood đặt biệt danh là “Lâu Đài” nằm ở góc giao nhau giữa đường 63 và phố Wallace. So với những tòa nhà chọc trời hiện nay, lâu đài này tất nhiên không thấm tháp gì nhưng nó thực sự lớn, chiếm cả một góc đường. Lâu Đài được biết có 3 tầng và một tầng hầm, tầng đầu tiên được sử dụng như một khách sạn để tiếp đón mọi người. Dĩ nhiên, hắn ta làm thế là có mục đích. Để dụ dỗ người khác thì Holmes phải cung cấp chỗ ở cho họ. Nếu hắn ta tình cờ bắt gặp một ai đó mới đến thị trấn, hắn ta sẽ tỏ ra hào phóng bảo họ đến Lâu Đài của mình ở và những người này không phải dân bản địa nên đến lúc có chuyện gì xảy ra cũng chỉ cần báo họ đã rời đi mà chẳng ai nghi ngờ.
Năm 1892, Holmes thông báo rằng hắn ta sẽ cho những khách du lịch tham gia Hội chợ Thế giới (còn được biết đến là Triển lãm Colombia, kỷ niệm ngày Columbus khám phá ra Châu Mỹ) thuê phòng. Thật vậy, hầu hết các phòng ở tầng 3 đều được trang bị nội thất sang trọng nhưng tìm được vị trí của nó là không hề đơn giản. Các phòng nằm rải rác giữa các hành lang hẹp, ánh sáng yếu ớt hắt ra từ các lỗ khí gas trên tường. Những ngách cụt và cầu thang chẳng dẫn đến đâu xen kẽ với những cánh cửa khóa chặt mà chỉ có Holmes mới có chìa khóa. Một trong những căn phòng bị khóa liền kề với văn phòng cá nhân của Holmes, nơi vốn là chỗ cất tiền đã được sửa lại để đặt một đường ống dẫn gas trong đó. Chỉ hắn ta mới có thể kiểm soát dòng khí đặc biệt này, thông qua một bảng điều khiển giấu trong tủ quần áo trong phòng ngủ của hắn ta. Tầng hai thậm chí còn khó hiểu hơn, có đến 51 cửa ra vào và sáu hành lang. Ba mươi lăm phòng là phòng bình thường, nhưng những phòng khác thì kín gió và được lót bằng các tấm thép phủ amiăng hoặc cách âm hoàn toàn. Một số rất nhỏ với trần nhà thấp, chỉ cỡ bằng cái tủ quần áo. Hầu hết các phòng này đều được lắp đặt đường ống dẫn ga nối với cùng một bảng điều khiển trong phòng ngủ của Holmes và được trang bị các lỗ nhìn trộm bí mật. Thậm chí còn có cả hệ thống “báo động” nếu các hành khách cố tình bỏ trốn. Trong Lâu Đài cũng có một căn hầm bí ẩn được lót bằng gạch và tối tăm giống như địa ngục. Ở đó, Holmes chỉ có một bình axit, thùng đựng vôi sống, một bàn mổ, tủ đựng thuốc của bác sĩ phẫu thuật và những vật dụng do hắn ta tự chế ra. Holmes gọi nó là "yếu tố quyết định độ đàn hồi" và tuyên bố nó có thể kéo các đối tượng thí nghiệm dài ra gấp đôi so với chiều cao bình thường, để cuối cùng tạo ra “một cuộc chạy đua của những người khổng lồ.” Tất nhiên, những hành khách đến đây thường chỉ vào mà không có ra. Khi bị cảnh sát bắt hai lần vào năm 1894 vì tội gian lận bảo hiểm, điều tra viên Frank P. Geyer dần dần khám phá ra những tội ác đáng sợ của Holmes và cuối cùng dẫn đến cuộc điều tra của cảnh sát Chicago về Lâu Đài Giết Người. Holmes thú nhận 28 vụ giết người mặc dù con số thực tế được cho là lên đến 200. Đây là một trong những vụ án giật gân nhất thế kỷ, khiến người dân cả nước kinh sợ. Holmes bị kết án tử hình còn tòa lâu đài sau đó cũng bị dỡ bỏ để xây bưu điện.
Câu chuyện về tòa Lâu Đài Giết Chóc và gã sát nhân hàng loạt hẳn là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim và tựa game kinh dị. Nhiều người không khỏi liên tưởng đến dinh thự dòng họ Spencer trong Resident Evil - một tòa nhà đồ sộ với đầy những hành lang nhỏ hẹp giống như mê cung và một kẻ giết người luôn lăm le các nạn nhân.