Cụm từ “Souls-like” hiểu đơn giản là những game giống Dark Souls, danh từ này ra đời sau khi 3 phần game của From Software đạt được những thành công to lớn và nổi tiếng toàn cầu. Kể từ sau đó thì những kẻ kế thừa của seri này liên tục ra mắt, có thể đến những cái tên thành công như Bloodborne, Nioh, Sekiro, The Surge, Code Vein… dù không phải trò chơi nào cũng do From Software sản xuất.
Từ chỗ là một dạng game mang tính thử thách cực đại, thì giờ đây các game Souls-like dần dần trở nên dễ tiếp cận hơn và rất nhiều game thủ có thể trải nghiệm tương đối. Nhưng cũng chính vì độ phổ biến của nó mà cụm từ Souls-like đang bị dùng một cách vô tội vạ, rất nhiều tựa game hành động vốn dĩ chẳng có chút liên quan cũng được gọi là “trông giống như Dark Souls” và điều này chắc chắn chẳng lành mạnh chút nào cả.
Có rất nhiều yếu tố để gọi một game nào đó là “Souls-like”, nhưng chắc chắn điều tiên quyết và 100% cần có là nó phải vô cùng khó theo một cách cực kỳ khủng bố, thêm nữa là người chơi không có quyền chỉnh sửa độ khó mà nó sẽ mặc định từ đầu tới cuối. Do đó bạn chắc chắn không thể gọi các game như Horizon Zero Dawn, Assassin’s Creed Odyssey hay God of War là Souls-like được – mặc dù nếu chỉnh độ khó cao nhất thì God of War cũng khó gần ngang ngửa các game kể trên, nên nhiều người còn chế ra cái từ Semi-Souls và nói chung thì tôi cũng chẳng hiểu nó là cái gì luôn.
Dark Souls không phải là game đầu tiên đưa vào yếu tố thể lực nhưng chắc chắn nó là sản phẩm nâng tầm tính năng này cao nhất, một phần độ khó khủng khiếp của dòng game này đến từ việc người chơi không thể nhấn nút vô tội vạ mà phải tính toán sao cho chính xác đặc biệt là khi đánh trùm. Nhưng theo thời gian khi mà dòng game này phát triển, thì thể lực cũng không còn đóng vai trò quan trọng như lúc đầu nữa, khi có rất nhiều game bỏ luôn cái thanh này như Sekiro: Shadows Die Twice hay Hollow Knight – có thể vì điều này mà nhiều người bị nhầm khi nói về Souls-like chăng?
Cuối cùng khi nói tới các game Souls-like là nói tới những trận đánh trùm liên tục và siêu khó, do đó dù các tựa game dạng này đều có cốt truyện và bối cảnh tuyệt hay, nhưng thứ game thủ quan tâm hàng đầu không phải là phiêu lưu hay khám phá thế giới. Một vài trường hợp như Star Wars Jedi: Fallen Order rất dễ khiến game thủ hiểu lầm nó là thế giới mở, nhưng thực tế đây chỉ là một dạng free-roam mà thôi.
Thực tế thì sau khi các game Souls-like ra mắt và đạt được nhiều thành công to lớn, rất nhiều nhà sản xuất cả lớn lẫn nhỏ đều cố gắng tạo ra những sản phẩm có thiên hướng tương tự như vậy, tôi có một cảm giác rằng cứ cái game nào mà có tag “Souls-like” là đột nhiên nó sẽ trở nên thượng đẳng hẳn, kiểu như được bảo chứng cho chất lượng vậy. Chính vì lý do này mà trong vài năm trở lại đây các cụm từ như: Dark Souls phiên bản XYZ… được các NSX ra rả liên tục tới phát nhàm, cứ như kiểu game hành động cũng phải có cho nó sang thì mới chịu.
Ví dụ thì có mà đầy, chẳng hạn như Ghost of Tsushima thì ngay trước khi ra mắt nó đã bị so sánh với Sekiro (vì cùng bối cảnh Nhật), sau khi ra mắt thì cộng đồng bắt đầu bàn tán xem lối đánh của nó có đủ độ khó để gọi là Souls-like hay không và may mắn thay vì nhiều yếu tố khác nhau, cộng thêm đây là game thế giới mở thực sự nên không ai quan tâm nó có phải là Souls-like hay không nữa.
Tiếp theo đó là Black Myth: Wu Kong và một lần nữa game còn chưa ra mắt thì đã có vài thảo luận bắt đầu gán ghép đó là “Souls-like bối cảnh Tây Du”, cái này không những sai hoàn toàn (vì game đã phát triển xong đâu) mà còn đang tạo ra một cái nhìn bất hợp lý về những game hành động mới.
Bản thân tôi thì sau khi xem các đoạn trailer gameplay cũng chưa tìm ra lý do nào để gọi Black Myth: Wu Kong có thể là Souls-like được, ít nhất thì theo những gì được thấy trong 13 phút gameplay là như vậy. Đầu tiên đối với thể loại game cực khó thì các đòn đánh phải được tối giản, kế đó những combo dài hoặc chuỗi chiêu thức hoành tráng phải được hạn chế vì hai lý do – một là không đào đâu ra lắm thể lực như thế và hai là đánh combo càng dài thì càng dễ hở sườn rồi bị ăn đòn.
Black Myth: Wu Kong không thỏa mãn cả hai yếu tố trên cả hai điều kể trên, đồng ý là nó vẫn có thanh thể lực và nhịp độ nhìn qua thì khá chậm, nhưng số lượng đòn đánh và cách ra đòn của con khỉ trong game vô cùng màu mè, thời gian hồi sau khi đi hết chiêu thức rất lâu… những thứ vốn không thường xuất hiện trong các game Souls-like. Có thể là nhà sản xuất tựa game này cũng từng nói về việc mình học hỏi các ý tưởng từ nhiều game như Sekiro hay thứ gì đó tương tự, nhưng vấn đề game chỉ mới tung ra có đoạn trailer gameplay kiểu nhá hàng, từng đó là quá ít thông tin để khẳng định bất cứ điều gì
Tại sao nói NSX gán mác Souls-like vô tội vạ là không lành mạnh, vì điều dễ thấy nhất là nó tạo ra tâm lý so sánh từ game thủ. Nếu như bây giờ cứ game hành động mới nào cũng bị gọi là giống như một sản phẩm nào đó, thì chắc chắn mức độ trông chờ và độ hứng thú của cộng đồng sẽ bị giảm, chưa kể là chẳng cần biết có giống thật hay không nhưng kiểu gì nó cũng sẽ bị vạch lá tìm sâu so sánh.
Tiếp theo quan trọng hơn là điều này trực tiếp ảnh hưởng tới tâm huyết của những người tạo ra tựa game đó, chúng ta đều biết yếu tố sáng tạo là thứ rất quan trọng trong ngành công nghiệp. Bạn bỏ bao nhiêu năm trời vào đứa con tinh thần của mình xong tới lúc ra mắt thì một thằng ất ơ nào đó gọi nó là “Souls-like” – mà vốn chẳng có chút liên quan nào. Điều này chẳng khác gì đang phủ nhận cố gắng của bọn họ, nó vô cùng thiếu lành mạnh. Còn trường hợp NSX tự gọi game của mình là Souls-like để quảng cáo hay câu khách thì thôi khỏi bàn nữa.
Cuối cùng thì việc lúc nào cũng có một băng nhóm chuyên môn đi ra rả trên các kênh MXH rằng game này giống game kia và nó là Souls-like thì càng khó đỡ hơn. Nhận định kiểu gì game còn chưa ra mắt là đã bắt đầu đi gắn mác cho nó rồi, thực sự là vô cùng mất hứng không thể chịu được. Cả thế giới này đâu chỉ có mỗi mình Souls mới là game hành động, chúng ta còn đầy siêu phẩm hành động kiểu khác để thưởng thức cơ mà?
Souls-like nó cũng chỉ là một tag game hay thể loại đặc biệt giống như bao thể loại khác, nó không thể đại diện cho tất cả các game hành động được. Do đó nếu cứ áp đặt cụm từ này một cách vô tội vạ cho các game hành động mới thì không hay cho lắm.