Phải nói rằng sau khi chứng kiến những việc Ubisoft đã làm với phần game Assassin’s Creed gần đây Game4V đã bắt đầu có lại niềm tin với hãng game nước pháp này và Prince of Persia: The Lost Crown lại củng cố thêm niềm tin đó.
Có rất nhiều người khi mới nhìn vào Sargon, nhân vật chính của Prince of Persia: The Lost Crown cho rằng nhân vật chính này nhìn không có một chút gì là quý tộc cả, việc này khiến họ không có cảm giác điều khiển một hoàng tử. Nhưng điều này là vô cùng chính xác vì nhân vật chính của chúng ta là một Immortals (ai coi phim 300 rồi sẽ biết nhóm này), những chiến binh thiện chiến được lập ra để bảo vệ ngai vàng của xứ sở Ba Tư. Sau khi anh hỗ trợ đập tan một âm mưu đe dọa ngai vàng của xứ Ba Tư thì anh lại phải lên đường đến một thành phố bị nguyền rủa dưới chân núi Qaf nhằm giải cứu vị hoàng tử Ghassan. Lúc này chúng ta mới biết được ẩn sau một nhiệm vụ tưởng chừng vô cùng đơn giản này là nhiều âm mưu được ẩn chứa bên trong.
Prince of Persia: The Lost Crown sẽ đưa chúng ta quay lại với phong cách xa xưa của dòng game Hoàng Tử Ba Tư khi mà tựa game này sẽ có gameplay theo dạng 2.5D side-scrolling (màn hình ngang), chứ không còn cố gắng theo đuổi hướng xây dựng một tựa game có đồ họa 3D lung linh hoành tráng nữa. Điều đó khiến các game thủ trong đó có cả tôi lúc mới biết được điều này đã vô cùng thất vọng thế nhưng phải tới khi game ra mắt thì tôi biết tôi đã lầm. Nhân vật chính của tựa game lần này, Sargon vẫn sở hữu những kỹ năng cơ bản của các nhân vật trong những tựa game metroidvania khác như nhảy, lướt ở dưới mặt đất và lướt trên không để có thể di chuyển qua lại giữa các platform một cách dễ dàng nhất. Thế nhưng tương tự với bộ ba tựa game Prince of Persia huyền thoại khi mà các bạn càng tiến vào sâu bên trong tựa game các bạn có thể mở mở khóa thêm nhiều kỹ năng điều khiển thời gian. Những kỹ năng này không chỉ giúp các bạn có thể dễ dàng hạ gục kẻ thù bạn chạm tráng trên đường mà còn hỗ trợ rất nhiều trong các màn giải đố từ đó giúp các bạn có thể mở khóa nhiều bí mật trong game đồng thời tiến sâu hơn trong cốt truyện.
Bản đồ trong Prince of Persia: The Lost Crown được kết nối với nhau rất rất chặt chẽ, từng khu vực đều chứa nhiều lối đi ẩn và các bí mật, những thứ mà dù cho các bạn có biết đến từ đầu nhưng vẫn phải đợi tới khi có đủ các kỹ năng cần thiết thì mới có thể quay trở lại thu thập hết được. Việc ghi nhớ, cố gắng khám phá từng ngóc ngách của game sẽ mang về những phần thưởng vô cùng xứng đáng tiêu biểu các bạn sẽ kiếm được các mảnh Time crystals, thứ có thể giúp các bạn nâng cấp vũ khí của Sargon. Bên cạnh những vũ khí Sargon mang theo anh ta còn có thể mở khóa rồi sử dụng Aura, những kỹ năng có thể hỗ trợ trong việc giúp bạn hồi máu hoặc tạo lợi thế trong các giao tranh. Kế đến là chiếc dây chuyền Talisman với nhiều ô cho phép các bạn trang bị những kỹ năng như tăng sức đánh, giảm sát thương nhận vào, tăng máu,…. Có một điều khiến các game metroidvania trở nên khá kén người chơi là việc đòi hỏi các bạn phải nhớ nhiều chi tiết trên bản đồ. Nếu như các bạn cảm thấy không tự tin về trí nhớ của mình thì đừng lo, The Lost Crown có một tính năng vô cùng thú vị đó là chụp hình các vật cảng, vị trí cần ghi nhớ rồi ghim chúng trên bản đồ của game để rồi khi có những thứ cần thiết thì các bạn có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào.
Cơ chế combat của Prince of Persia: The Lost Crown có nhịp độ nhanh và mượt mà nhưng quan trọng nhất là có chiều sâu, khi các bạn có thể tùy biến cách đánh cũng như chiến thuật của mình bằng cách kết hợp các Aura và Talisman với nhau. Đây là một điều vô cùng quan trọng khi mà kẻ thù trong game khá đa dạng và ở mỗi khu vực chúng lại có những đặc điểm riêng nên nếu bạn không trang bị cho mình một lối chơi thích hợp rất dễ bị bọn chúng làm bất ngờ. Tôi đặc biệt ấn tượng với các màn đầu boss vì giờ đây không chỉ tôi được đấu với những con quái vật khá xa lạ (vì chúng được dựng theo thần thoại Ba Tư) mà tất cả bọn chúng đều đòi hỏi các bạn phải tận dụng mọi thứ mình biết để vượt qua các thử thách khó khăn này.
Về mặt hình ảnh thì Prince of Persia: The Lost Crown (do tôi chơi bản trên Switch) được làm khá tốt từ mô hình nhân vật có độ chi tiết khá cao, hiệu ứng VFX bắt mắt môi trường sinh động với đầy rẫy các cạm bẫy. Phần âm thanh thì các bài nhạc được dựng theo các bản nhạc đến từ xứ sở Ba Tư huyền bí từ đó tạo cho một cảm giác mới lạ khi mà đa phần các tựa game gần đây thường hay lấy các bạn nhạc của vùng Hy Lạp, Bắc Âu hay châu Âu thời trung cổ thế nên chúng để lại cho tôi nhiều ấn tượng rất tốt. Nhìn chung Prince of Persia: The Lost Crown đã giúp cho Game4V có thêm hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục đón chào nhiều tựa game có chất lượng đến từ Ubisoft và một tương lai không xa hãng game này có thể thoát khỏi cái nick name không mấy hay ho gắng với họ trong suốt những năm qua.