Phần game sequel của siêu phẩm God of War (2018) được công bố vào tháng 9 vừa rồi và không giống như những phần hậu bản trước như God of War 2 hay 3, có vẻ như tất cả các sự kiện quan trọng trong phần game sắp tới đều đã được bày ra sẵn trước mắt các fan. Điều này cũng khá dễ hiểu bởi game sẽ xoay quanh đại thảm họa Ragnarok, sự kiện đánh dấu sự diệt vong của các vị thần Bắc Âu, và Loki hay còn được biết với cái tên Atreus, con trai của thần chiến tranh Kratos sẽ đóng vai trò là một trong những nhân tố chính trong mốc thời gian quan trọng trên.
Rất nhiều chi tiết cho thấy Ragnarok sẽ là chủ đề chính của phần hậu bản đã từng được “teased” bởi vị thần thông thái Mimir (nickname: “Head”, được đặt bởi Kratos vì khi này ông ta bị chặt mất thân chỉ còn mỗi cái đầu) trong suốt quá trình đồng hành cùng hai cha con nhà Kratos. Bên cạnh đó sự kiện trên cũng được tiên đoán thông qua các bức vẽ trên tường tại Jotunheim được thấy ở gần cuối game. Mặc dù phần lớn các sự kiện có liên quan đến Ragnarok được dự báo trong game đều giống y hệt theo đúng những gì đã xảy ra trong thần thoại Bắc Âu nhưng tất nhiên God of War là một trò chơi nên chắc chắn một số thứ sẽ được “xào nấu” lại để phù hợp hơn với bối cảnh của game cũng như phần sequel trong tương lai.
Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu
Phải nói thần thoại Bắc Âu có sức hấp dẫn không hề thua kém so với người hàng xóm Hy Lạp thế nhưng thật đáng ngạc nhiên là có rất ít tư liệu được viết một cách rõ ràng về nó. Thần thoại Bắc Âu bao gồm tôn giáo và tín ngưỡng thời kỳ tiền Kitô giáo, cùng với các truyền thuyết của cư dân vùng Scandinavia, kể cả những người định cư trên đảo Iceland – nơi tìm thấy nhiều tư liệu viết của thần thoại Bắc Âu. Thần thoại Bắc Âu tồn tại chủ yếu bằng con đường truyền miệng, do đó nó bị thất truyền một phần lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều bị mất đi nhờ vào các ghi chép của các học giả Ki-tô giáo, đặc biệt là các Edda và tác phẩm Heimskringla của Snorri Sturluson. Và phần lớn thế giới Bắc Âu trong God of War được phỏng tác dựa theo những gì Snorri viết lại, trong đó bao gồm cả Ragnarok.
Giống như trong thần thoại Bắc Âu, cái chết của Baldur (hay còn có tên khác là Balder), nhân vật phản diện chính trong God of War chính là sự kiện đầu tiên báo hiệu cho đại thảm họa Ragnarok. Theo các ghi chép thì chính người em trai song sinh của Baldur là Hod, vị thần mùa đông và bóng tối, do Loki bơm đểu đã giết hại anh mình bằng một nhánh tầm gửi. Hod sau đó bị giết bởi một vị thần khác là Vali. Sau cái chết của Baldur, toàn bộ thế giới chìm vào mùa đông lạnh giá trong ba năm liền và khoảng thời gian này thường được nhắc đến với cái tên Fimbulwinter và đống thời nó cũng là dấu hiệu thứ hai cho thấy Ragnarok đang gần kề. Để trừng phạt những tội lỗi của Loki cũng như ngăn ngừa mầm mống thảm họa vốn được cảnh báo từ trước về những đứa con của hắn là sói khổng lồ Fenrir, nữ thần chết Hel và mãng xà thế giới Jörmungandr, Odin, vị thần tối cao của Bắc Âu và vua của Asgard đã đày Loki xuống dưới lòng đất, trói Fenris bằng sợi xích ma thuật Gleipnir, ném Jörmungandr xuống đáy biển Midgard và bắt Hel xuống cai quản địa ngục Helheim.
Tuy chuẩn bị kỹ lưỡng là như vậy nhưng kế hoạch của Odin cũng không thể ngăn được Ragnarok diễn ra. Loki sau đó trốn thoát được khỏi ngục tù và Fenris cũng thoát khỏi xiềng xích của Odin. Còn Jörmungandr với kích thước khổng lồ của mình đã trỗi dậy vì tức giận và gây ra một trận đại hồng thủy trên toàn thế giới. Đồng thời hai đứa con của Fenrir được sinh ra trong thời gian con sói trên bị giam giữ là Skoll và Hati đã nuốt lấy mặt trăng và mặt trời. Đây chính là sự kiện cuối cùng đánh dấu sự bắt đầu của Ragnarok. Tận dụng thời cơ này, Surtr, một trong những vị thần đầu tiên thuộc chủng tộc Khổng lồ (vốn dĩ đã có mối thù lâu năm với các vị thần của Asgard) đã tập hợp một đội quân và hủy diệt toàn bộ Asgard. Surtr hội quân với Loki và con cháu của mình tại Vigrid. Odin cùng đồng bọn cũng nhanh chóng tiến quân tới nơi này không lâu sau đó.
Khỏi phải nói một trận chiến long trời lở đất đã diễn ra giữa hai phe và kết quả là rất nhiều vị thần đã phải bỏ mạng, trong đó có thể kể đến những cái chết đầy thảm khốc như Odin bị nuốt chửng bởi sói Fenris, Thor tiêu diệt được mãng xà Jörmungandr nhưng lại mất mạng vì nọc độc của nó, Tyr – vị thần chiến tranh của thần thoại Bắc Âu, cũng không thể sống sót khi đối đầu với chó địa ngục Garm (thú cưng của nữ thần Hel) và Loki, người đóng vai trò khởi đầu cho mọi sự việc cũng đã ngã xuống trong lúc chiến đấu với thần gác cổng Heimdall. Tuy Ragnarok tàn khốc là như vậy thế nhưng đây lại là sự kiện đóng vai trò như nút “reset” toàn bộ lại sự sống trên toàn Trái Đất. Chín ngày sau tận thế, thế giới sẽ lại nổi lên lần nữa và màu mỡ, những vị thần còn sống sót sau cuộc chiến sẽ trở lại Asgard và thế giới sẽ được tái sinh, bắt đầu một chu kỳ luân hồi mới.
Ragnarok trong God of War
Nói về Ragnarok trong God of War thì hầu hết các sự kiện liên quan đến thảm họa trên được kể lại thông qua thần Mimir trong game đều gần như y hệt so với những gì được ghi chép bởi học giả Snorri. Tuy vậy nó vẫn có một số điểm khác biệt nhất định so với bản gốc. Đầu tiên chúng ta có thể thấy rằng Baldur bị giết bởi Kratos chứ không phải mất mạng do mấy trò khích đểu của Loki như trong truyền thuyết. Thứ hai, có vẻ như việc Loki hay Atreus bị giam giữ trước khi Ragnarok bắt đầu đã không thực sự xảy ra trong dòng thời gian của God of War. Tiếp đến, chuyện Fenrir là con của Loki quả thực nghe khá vô lý bởi vào cuối God of War Atreus vẫn đang là một chú nhóc chưa qua tuổi dậy thì thì làm sao có thể abcxyz với ai đó để đẻ ra con sói trên được, trừ khi đây lại là một cú “f#$% timeline” nữa giống như trường hợp rắn khổng lồ Jörmungandr bị Thor tung chưởng cho xuyên không trở về quá khứ.
Và cuối cùng, bức vẽ trên tường tại Jotunheim cho thấy Atreus có vẻ như chính là người đã giết chết một nhân vật được miêu tả là “cha”. Thật sự các fan vẫn chưa hiểu “cha” ở đây là Odin hay chính Kratos bởi cho đến lúc này người vốn được mệnh danh là “Cha của các vị thần” trong thần thoại Bắc Âu vẫn chưa có tạo hình cụ thể trong game và bên cạnh đó, nhân vật trong bức vẽ lại có ngoại hình nhìn khá giống vị chiến thần nhưng lại không có trên người hình xăm kinh điển của mình. God of War kết thúc để lại rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ cho người hâm mộ như liệu các nhân vật có thể thoát khỏi vòng lặp hận thù không có hồi kết hay không hoặc liệu Ragnarok có thật sự không thể bị ngăn chặn giống như những gì chúng ta được kể…v…v ? Để có được câu trả lời cho những thắc mắc trên thì có lẽ fan sẽ phải thật sự chú ý đến những điểm khác nhau giữa cách thể hiện sự kiện Ragnarok trong phần hậu bản so với những gì đã diễn ra trong truyền thuyết để từ đó có được một bức tranh toàn cảnh về một trong những sự kiện quan trọng nhất của series nói riêng và của lịch sử thần thoại thế giới nói chung.