Dù sở hữu rất nhiều ý tưởng thú vị muốn đưa vào game nhưng do thời gian và kinh phí phát triển cực kì hạn chế nên có rất nhiều nội dung đã phải bị cắt bỏ. Cũng chính vì lẽ đó nên các boss trong game chỉ vỏn vẹn có hai con nhưng bù lại Nemesis được vai trò quan trọng hơn cũng như xuất hiện với tần suất liên tục để bù đắp cho việc thiếu những anh đại to con này. Một điều thú vị khác đó là Nemesis ban đầu được dự định tạo hình như một khối nhầy không có hình dạng cụ thể giống như con quái vật The Blob trong bộ phim kinh dị cùng tên ra mắt năm 1958. Tuy nhiên các nhà thiết kế cảm thấy tạo hình này quá low nên đã chọn lấy cảm hứng từ kẻ hủy diệt T-1000 trong Terminator 2: Judgement Day. Cuối cùng chúng ta có một Nemesis bất bại, một tyrant mà người chơi sẽ cảm thấy kinh hãi mỗi khi nghe tiếng rống của nó.
Ban đầu, Resident Evil: Code Veronica vốn dự định sẽ có sự xuất hiện của Jill Valentine thế nhưng về sau Jill được thay thế bởi một nhân vật mới khác. Cuối cùng thì Capcom quyết định đặt Jill Valentine vào Resident Evil 1.9 như là nhân vật chính đồng hành cùng nhóm lính đánh thuê của Umbrella. Như vậy, mạch truyện chính của Resident Evil 1.9 được thống nhất sẽ theo chân Jill cùng đồng đội trong thành phố Raccoon vào lúc đại dịch bùng phát nhưng các mốc sự kiện vẫn xảy ra trước khi mạch truyện của RE2 được bắt đầu. Dự án khi đó được gọi là Resident Evil 1.9 + 2.1 như một cách ví von việc nó vừa là sequel vừa là prequel của phần 2. Cuối cùng Capcom quyết định 1.9 + 2.1 sẽ không còn là spin off như dự định mà sẽ chính thức trở thành phần 3 với tên gọi Resident Evil 3: Nemesis. Bởi bản chất của dự án từ khi được bắt đầu vốn là spin off của phần 2 nên việc Capcom chính thức ghi nhận 1.9 + 2.1 là phần 3 đã khiến toàn thể đội ngũ Aoyama hết sức bất ngờ.
“Tựa game này từ đầu được dự tính là một bản spin off nên tâm trí của tôi luôn suy nghĩ như vậy trong suốt thời gian phát triển. Bản thân tôi cũng không hề trông đợi việc nó sẽ trở thành Resident Evil 3.” – Aoyama chia sẻ. Cũng bởi việc Resident Evil 3: Nemesis được công nhận là một phần chính truyện đến quá đột ngột, trong khi bản thân trò chơi vốn thiên hướng về hành động với lối chơi tốc độ cao, nhóm phát triển sợ rằng những fan hâm mộ đang mong chờ phần 3 sẽ phải thất vọng, đặc biệt là sau những thành công của 2 phần đầu tiên. Lo lắng chung quy là lo lắng nhưng lúc đó chỉ còn có vài tháng trước khi Resident Evil 3: Nemesis chính thức được lên kệ, Capcom dĩ nhiên không hề muốn game bị dời ngày phát hành. Nhóm phát triển của Aoyama không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dồn hết những gì có thể vào dự án này, càng nhanh càng tốt.
Trong đợt tổng duyệt đầu tiên, toàn bộ thời lượng để hoàn thành game lần đầu vào khoảng 2-3 giờ chơi, con số quá ngắn này không làm Capcom hài lòng. Yoshiki Okamoto, quản lí cấp cao của Capcom yêu cầu phải tăng thêm nội dung trong game nhằm kéo thời lượng chơi dài nhất có thể. Thế nên nhóm phát triển quyết định “ăn gian” bằng cách mở lại một số khu vực cũ đồng thời gấp rút thêm thắt vài khu vực mới, điển hình nhất là khu vực nhà máy với công viên chỉ được bổ sung trước khi trò chơi chính thức ra mắt 2 tháng. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển phải “crunch” (làm việc quá giờ) để đảm bảo tiến độ. Công việc phát triển căng thẳng và khó khăn đến mức vài bà vợ của các nhân viên đã báo cảnh sát rằng chồng mình… mất tích khi họ không về nhà trong nhiều ngày liền do quá bận rộn công việc.
Căng thẳng và khó khăn là vậy nhưng biên kịch Kawamura vô cùng hào hứng và tâm huyết với dự án, minh chứng rõ nhất là việc ông ta vẫn có thừa tinh lực để bổ sung thêm những ý tưởng mới, điển hình như mode The Mercenaries – Operation: Mad Jackal. Lấy cảm hứng từ bộ phim hành động The Running Man (1987), The Mercenaries – Operation: Mad Jackal cho phép game thủ vào vai các tay đánh thuê với nhiệm vụ tiêu diệt thật nhiều kẻ địch để kiếm điểm đồng thời trốn thoát trong thời gian giới hạn. Thật không may khi thời gian ra mắt gấp rút khiến nhiều ý tưởng thú vị khác của Kawamura không thể hoàn thiện và dĩ nhiên đã bị cắt bỏ, trong đó bao gồm một màn chơi quái dị khi cho phép người chơi vào vai Brad Vicker dưới hình hài của zombie.
Khi ngày ra mắt Resident Evil 3: Nemesis cận kề, cả Kawamura và Aoyama cùng đội ngũ phát triển dường như không thể hít thở một cách bình thường được nữa bởi họ luôn lo lắng rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Cũng phải thôi khi mà dự án Resident Evil có quy mô nhỏ, bị ép phát triển trong thời gian ngắn không tưởng và hoàn thành bởi toàn những con người ít tên tuổi trong ngành. Cuối cùng tâm huyết cùng nỗ lực không biết mệt mỏi của họ đã được đền đáp xứng đáng. Resident Evil 3: Nemesis lại là thắng lợi mới của Capcom khi nhanh chóng tẩu tán được 1 triệu bản ngay trong tuần đầu tiên ra mắt tại Nhật Bản. Game bán được tổng cộng 3,5 triệu bản trong suốt vòng đời của mình, vẫn thấp hơn các phần trước thế nhưng không ai có thể chê trách điều gì khi nhìn lại những khó khăn mà đội ngũ phát triển gặp phải.
Thực tế Resident Evil 3: Nemesis vẫn mang đến nguồn lãi vô cùng phong phú cho Capcom dẫu doanh số không bằng hai người đàn anh bởi chi phí đầu tư thấp. Cùng với những lời khen ngợi không ngớt từ cả giới chuyên môn lẫn game thủ, xem như con game này đã công thành doanh toại về nhiều mặt rồi. Ngoài ra hình ảnh Nemesis cũng trở thành một trong những con boss đáng sợ bậc nhất, kẻ phản diện ấn tượng gắn liền với danh tiếng của dòng game kinh dị huyền thoại. Đến nay người ta vẫn không ngừng nhắc lại về Resident Evil 3: Nemesis như thời kì đỉnh cao của dòng game Resident Evil nói riêng và thể loại game kinh dị nói chung.
Hơn 20 năm sau, Capcom quyết định tái hiện lại siêu phẩm ngày nào với một phiên bản làm lại. Bản remake không biết vô tình hay cố ý cũng ra mắt đúng một năm sau phần 2, chỉ có điều lần này phép màu đã không xuất hiện như 20 năm trước và đến bao giờ người ta lại có thể thấy một sự diệu kỳ như Resident Evil 3 đã từng làm được trong quá khứ?