Như vậy là sau 14 năm kể từ ngày ra mắt, cuối cùng Steam cũng chấp nhận VNĐ như một loại tiền tệ quan trọng trong các giao dịch qua cổng phát hành này. Đây được xem là thông tin không thể vui hơn với game thủ Việt Nam trong những tháng cuối năm 2017.
Steam chấp nhận thanh toán bằng VNĐ, điều này có nghĩa là, game thủ sẽ không còn cần tới việc nhờ người khác đi mua game hộ nữa mà chỉ cần gán tài khoản thẻ vào tài khoản Steam, bạn sẽ có thể mua game ngay lập tức bằng đồng nội tệ. Thêm một thông tin đáng lưu ý khác đó là khi chuyển giá game về VNĐ, Steam chắc chắn sẽ xem xét vấn đề ưu đãi giá cho thị trường VNĐ. Tương tự như ở Malaysia, nhiều khả năng người dùng Việt Nam sẽ được mua game rẻ hơn so với giá niêm yết của nhà sản xuất.
Việc được trợ giá hay không vẫn chưa được Steam chính thức công nhận, thế nhưng vào sáng nay, dạo một vòng qua cửa hàng game trực tuyến trên Steam, chúng tôi bất ngờ nhận ra không ít những tựa game bom tấn đang được bán với mức giá hàng chục USD tại cửa hàng quốc tế lại chỉ có giá vài trăm nghìn Đồng tại cửa hàng Steam bán tiền Việt Nam.
Lấy ví dụ, Nioh: The Complete Edition. Sử dụng VPN truy cập từ Mỹ, mức giá bán game vẫn đang ở mức 50 USD, tức là 1.136.000 VNĐ, nhưng tại Việt Nam chúng ta có thể mua game với giá chỉ gần 400 nghìn Đồng mà thôi. Cần nhớ, tựa game này mới ra mắt, chưa được sale, mà cũng chỉ tại Việt Nam chúng ta mới có mức giá tốt đến giật mình như thế này:
Khá chắc kèo là 50 USD quy đổi tỷ giá năm 2017 không thể nào tương đương gần 400 nghìn Đồng được!
Trong khi đó, một bom tấn khác cũng khiến game thủ Việt điên đảo chính là Middle-Earth: Shadow of War. Hiện game đang được bán trên toàn thế giới với giá 59.99 USD, trong khi đó tại Việt Nam mức giá chỉ là... gần 500 nghìn Đồng, còn chưa bằng nửa giá!
Rõ ràng điều này đã tạo ra cơ hội để chúng ta sở hữu những game bom tấn cực hay với giá chỉ bằng... 50%. Hiện tại vẫn còn rất nhiều những game tuyệt hay khác đang có mức giá bán rẻ hơn nhiều so với giá bán tại các thị trường quốc tế. Điển hình là Hellblade: Senua's Sacrifice với giá 250.000 Đồng trong khi tại Mỹ tựa game này có giá lên tới 30 USD, hơn 600 nghìn Đồng. Nhiều khả năng đây chính là lợi thế của việc mua game bằng tiền Việt khi chúng ta được chính Steam trợ giá.
Trong khi đó, rất nhiều game khác vẫn chưa cho phép người Việt mua, đơn giản vì nhà phát hành vẫn chưa quyết định được xem có nên giảm giá hay giữ nguyên mức giá như cửa hàng quốc tế. Khi truy cập vào các trang Steam của nhiều game như Call of Duty: WWII hay NBA 2K18, game không có nút mua và cũng không có giá bán cụ thể.
Tuy nhiên không phải game nào cũng có mức giá như vậy, lấy ví dụ Wolfenstein II: The New Order và The Evil Within 2 dưới đây. Game vẫn có giá hơn 1,3 triệu Đồng cho mỗi tựa:
Sử dụng VPN để truy cập cửa hàng Steam tại Nga, mức giá của những game bom tấn kể trên cũng có sự chênh lệch rất lớn với mức giá tiền USD hoặc GBP. Nioh có giá 900 Ruble, tức hơn 350 nghìn Đồng, còn Shadow of War thì vẫn giữ giá 2.000 Ruble, khoảng 770 nghìn VNĐ. Điều này có nghĩa là, nếu đây thực sự là cách Steam trợ giá game cho những người hâm mộ Việt Nam, thì chỉ cần làm một thẻ thanh toán quốc tế, chúng ta sẽ có thể tiếp cận game bản quyền cực kỳ dễ dàng với mức giá không còn quá khủng khiếp như trước đây nữa!