The Legend of Zelda: Lịch sử hình thành và phát triển (P.1)

Là một trong những dòng game có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, The Legend of Zelda đã có bề dày lịch sử phát triển hơn 30 năm.

Khởi đầu của một huyền thoại

Sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô của thành phố Kyoto, ngay từ nhỏ, nhà làm game huyền thoại Shigeru Miyamoto đã có đam mê khám phá thiên nhiên xung quanh mình. Trong một lần đi dạo, ông tìm thấy một hang động rộng lớn nằm dưới chân của ngọn đồi gần nhà. Khung cảnh tăm tối trong hang phần nào khiến chàng trai trẻ nhụt chí. Những tưởng điều này sẽ khiến Miyamoto bỏ cuộc. Nhưng ngay sáng hôm sau, ông trở lại với một chiếc đèn nhỏ trong tay. Miyamoto dũng cảm tiến vào và khám phá mọi ngóc ngách bên trong. Một hệ thống hang động rộng lớn với nhiều đường hầm thông với nhau hiện ra trước mắt. Thứ mà theo Miyatomo, đã tạo ra cảm giác phiêu lưu vô cùng thú vị. Cậu bé Miyamoto không hề biết rằng những trải nghiệm này sẽ là cảm hứng để ông tạo ra một trong những dòng game có sức ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. The Legend of Zelda.

Những năm 70 của thế kỷ trước, Nintendo khi đó vẫn còn là một công ty sản xuất đồ chơi cho trẻ em. Sự phát triển của các máy chơi game arcade tại Nhật Bản đã thuyết phục các cổ đông dấn thân vào ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Cũng trong thời gian đó, Shigeru Miyamoto nhận được tấm bằng tốt nghiệp tại Trường đại học Thiết kế và Mỹ thuật công nghiệp Kanazawa Munici. Trong một dịp tình cờ, cha của Miyamoto đã giới thiệu cậu con trai của mình với chủ tịch Hiroshi Yamauchi. Chàng trai trẻ ngay lập tức lọt vào mắt xanh của vị chủ tịch và được nhận vào Nintendo dưới vai trò Họa sĩ thiết kế. Trong khoảng thời gian đầu, công việc của Miyamoto chủ yếu là vẽ hình minh họa cho các tựa game arcade của hãng. Ông chỉ thực sự được biết đến sau thành công vang dội với tựa game Donkey Kong và Mario Bros. Lúc này, Miyamoto đảm nhiệm vị trí sản xuất cho nhiều dự án quan trọng.

Năm 1986, Nintendo cho ra mắt máy chơi game mới với tên gọi Famicom Family Disk System tại Nhật Bản. Đây được coi là phiên bản mở rộng của cỗ máy Famicom Computer, hay còn được biết đến với tên gọi NES tại Mỹ. Famicom Family Disk System được Nintendo giới thiệu sẽ cho một trải nghiệm trọn vẹn hơn nhờ vào hệ thống âm thanh chất lượng. Ngoài ra, thay vì những băng game truyền thống như NES, cỗ máy này sử dụng hệ thống đĩa cứng để tiết kiệm chi phí sản xuất. Tuy đây là một sản phẩm thất bại của Nintendo khi chỉ bán được vỏn vẹn 4.4 triệu máy, Famicom Family Disk System đã đánh dấu sự ra đời của 2 trong số những dòng game nổi tiếng nhất của hãng là Metroid và The Legend of Zelda.

The Legend of Zelda – 1986

Shigeru Miyamoto được giao trọng trách tạo ra một tựa game mới cho hệ máy này. Sau thành công với Super Mario Bros., ông muốn thử sức với một thứ gì đó thách thức hơn. Và thế là ý tưởng cho The Legend of Zelda được ra đời. Khi đó, vẫn chưa hề có khái niệm về thể loại game phiêu lưu hành động. Người ta chỉ quen với những tựa game với lối chơi nhanh và nặng về tính giải trí trên các máy arcade. Ký ức về những cuộc phiêu lưu ngày thơ bé đã trở thành cảm hứng để Miyamoto tạo ra trò chơi này. Thế giới của trò chơi được xây dựng trên một bản đồ rộng lớn và liền mạch. Được phân chia thành các khu vực riêng biệt như rừng rậm, đầm lầy hay đồi núi. Sau khi nhận được thanh kiếm, người chơi sẽ có  thể tự do khám phá mọi ngóc ngách của trò chơi. Để tạo ra sự kịch tính, Miyamoto thêm vào những con quái vật trên bản đồ. Ban đầu, Nintendo phản đối quyết định này vì cho rằng bản đồ rộng lớn và hệ thống combat với độ khó cao có thể khiến game thủ nản lòng. Nhưng Miyamoto đã tin tưởng tuyệt đối vào trực giác của người chơi. Và điều này đã khiến trò chơi trở thành một cơn sốt trong cộng đồng game thủ. Những cải tiến trong lối chơi trở thành tiêu chuẩn cho nhiều tựa game sau này. The Legend of Zelda đã đặt nền móng cho thể loại game thế giới mở và phiêu lưu hành động.

Khác với lầm tưởng của nhiều người, nhân vật chính của trò chơi có tên là Link và lấy cảm hứng trực tiếp từ anh chàng Peter Pan của hoạt hình Disney. Miyamoto muốn cho người chơi cảm giác phiêu lưu giống như trong bộ phim Indiana Jones, vì thế ông đã nghĩ ra một câu chuyện về người hùng giải cứu công chúa. Ông muốn tên của trò chơi bắt đầu với The Legend of. Nhưng Huyền thoại của ai thì Miyamoto tạm thời chưa nghĩ ra. Lúc đó thì đội ngũ quảng bá sản phẩm có đưa ra ý tưởng về một nàng công chúa với nhan sắc tuyệt trần và mái tóc vàng óng ả. Tên gọi Zelda được lấy theo tên của Zelda Fitzgerald – vợ của nhà văn nổi tiếng người Mỹ, F. Scott Fitzgerald. Miyamoto thích cái tên này và thế là Huyền thoại về công chúa Zelda được ra đời. Trò chơi sử dụng tổng cộng 5 bản nhạc nền, và tất cả đều được nhạc sĩ Konji Kondo sáng tác trong vòng 1 đêm. Theo kế hoạch ban đầu, Konji muốn sử dụng bản Bolero của Maurice Ravel để làm nhạc nền. Thế nhưng những rắc rối liên quan tới vấn đề bản quyền đã buộc ông phải tạo ra những sản phẩm mới. Tuy nhiên, ta vẫn có thể thấy dáng dấp của Bolero trong các bản nhạc của Konji. The Legend of Zelda cũng là tựa game console đầu tiên cho phép người chơi lưu và tiếp tục phần chơi của mình. Tuy rất thành công về mặt doanh số, trò chơi cũng không thể cứu vãn chiếc Famicon Family Disk System khỏi một thất bại đau đớn. Phải mất hơn một năm thì tựa game mới được nhìn thấy ánh sáng trời Tây khi mà Nintendo quyết định phát hành nó trên hệ máy NES. Để giải quyết vấn đề kỹ thuật, hãng này đã phải thêm vào băng game một thanh ram nhỏ để lưu trữ lượng dữ liệu khổng lồ. The Legend of Zelda trở thành một cú hit lớn với 6.5 triệu bản được bán ra trên toàn thế giới.

Zelda II: The Adventure of Link – 1987

Sau thành công của The Legend of Zelda, Nintendo đã bật đèn xanh để sản xuất các phần hậu bản. Zelda II: The Adventure of Link được ra mắt 1 năm sau đó. Miyamoto giờ đây đảm nhiệm vai trò sản xuất. Còn đạo diễn Takashi Tezuka lúc này đang tham gia vào 1 dự án khác. Vì thế mà phiên bản Zelda này đã có rất nhiều thay đổi so với người tiền nhiệm. Câu chuyện của Zelda II nói tiếp những sự kiện đã diễn ra ở phần 1. Nhưng thay vì góc nhìn từ trên xuống, trò chơi lại sử dụng lối thiết kế màn ngang giống với các tựa game đi cảnh khác như Super Mario hay Metroid. Ngoài ra, Zelda II cũng mạnh dạn thêm vào những yếu tố nhập vai vốn đang rất phổ biến ở thời điểm đó. Ví dụ như hệ thống cấp độ sẽ gia tăng những chỉ số như máu hay mana của nhân vật. Thay vì sử dụng lại thế giới của phiên bản trước, trò chơi giới thiệu tới game thủ hệ thống thành thị và làng mạc, nơi người chơi có thể tương tác với các NPC. Tuy được giới chuyên môn đánh giá khá cao, thế nhưng trò chơi lại không được cộng đồng đón nhận tích cực như phần game đầu tiên. Nhưng chí ít Zelda II cũng là một lời tuyên bố của Nintendo với thế giới, rằng họ không ngần ngại thay đổi trò chơi của mình để mang tới những cải tiến sáng tạo trong lối chơi.

The Legend of Zelda: A Link to the Past – 1991

game

Bốn năm sau đó, tức là năm 1991, Nintendo mang đến cho người hâm mộ một phiên bản game hoàn toàn mới. The Legend of Zelda: A Link to the Past. Rút kinh nghiệm từ thất bại của phiên bản trước, ông lớn này đã cho đội ngũ sản xuất thêm nhiều thời gian để chuẩn bị. Trước đó 1 năm, Nintendo đã tung ra thị trường chiếc máy SNES với vô số cải tiến về hiệu năng. Shigeru Miyamoto và Takashi Tezuka quay trở lại với vai trò đạo diễn. Phần cứng mạnh mẽ đã cho phép họ tạo ra một thế giới chi tiết và sống động hơn. Các yếu tố làm nên thành công của dòng game này được mang trở lại. Lần này, Miyamoto muốn đầu tư hơn vào yếu tố kể truyện. Vì thế mà người chơi có thêm nhiều cơ hội để tìm hiểu về thế giới của trò chơi. Người chơi vẫn sẽ điều khiển nhân vật chính có tên Link. Nhưng Link ở phiên phiên bản này là một con người hoàn toàn khác biệt, không liên quan gì tới các phần game trước. Theo nhà sản xuất, cái tên Link hay Zelda là để chỉ các hiện thân của người hùng và công chúa trong dòng lịch sử của trò chơi. Vì thế mà game thủ có thể nhận thấy các điểm khác biệt trong ngoại hình của nhân vật qua các phần game. Bản đồ trong A Link to the Past cũng rộng lớn và chi tiết hơn rất nhiều. Các khu vực làng mạc hay thành quách có vô số nhân vật thú vị để người chơi khám phá. Mọi điểm mạnh của các phần game trước đều được phát huy và cải tiến trong phần game này. Hệ thống dungeon hấp dẫn và đa dạng, các câu đố vô cùng thú vị, hệ thống combat với nhiều cải tiến và phong cách đồ họa tuyệt đỉnh là những thứ đã khiến trò chơi ghi điểm trong mắt người hâm mộ. Đây cũng là lần đầu tiên trò chơi giới thiệu tới game thủ khái niệm về 2 thế giới song song – Thế giới ánh sáng và Thế giới bóng tối. Cơ chế này sau đó còn xuất hiện ở các tựa game Zelda trong tương lai. The Legend of Zelda: A Link to the Past là một thành công rực rỡ cả về mặt chuyên môn lẫn doanh số bán hàng. Thậm chí, một số người còn cho rằng đây là tựa game xuất sắc nhất từng được tạo ra.

The Legend of Zelda: Link’s Awakening – 1993

game

Năm 1993, dòng game này lần đầu tiên đặt chân lên hệ máy chơi game cầm tay Gameboy. Zelda: Link’s Awakening là một phiên bản đặc biệt khi mà câu chuyện của trò chơi không lấy bối cảnh tại vương quốc Hyrule, và không hề có sự xuất hiện của công chúa Zelda hay ác nhân Ganon. Tiếp nối những sự kiện đã diễn ra trong A Link to the Past, người hùng Link dong buồm ra khơi để phiêu lưu tới những vùng đất mới. Cơn thịnh nộ của biển cả đã nuốt chửng chiếc bè gỗ của chàng trai trẻ. Link sau đó trôi dạt vào một hòn đảo lạ có tên Koholint. Tại đây, anh kết giao với những người bạn mới và bắt đầu cuộc hành trình khám của mình. Đây cũng là tựa game Zelda đầu tiên có sự góp mặt của các nhân vật đến từ các dòng game khác của Nintendo như Kirby, Yoshi hay Goombas trong Super Mario Bros. Có lẽ, việc lấy bối cảnh ngoài Hyrule đã cho  các nhà làm game thêm sự tự do để thử nghiệm những tính năng mới trong gameplay. Giờ đây, nhân vật chính có thể nhảy qua các chướng ngại vật trên bản đồ. Ngoài ra, lối chơi của Link’s Awakening cũng thiên về  hành động khi mà các phân đoạn di chuyển và chiến đấu theo màn hình ngang được mang trở lại. Trò chơi được cộng đồng game thủ đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên thì cuộc hành trình lần này của Link có vẻ vẫn chưa trọn vẹn. Và thế là Nintendo quyết định mang đến một phiên bản rực rỡ sắc màu hơn được phát hành trên chiếc Gameboy Color. Nếu tính cả 2 phiên bản, thì Zelda: Link’s Awankening đã bán được khoảng 6 triệu bản trên toàn thế giới. Đến năm 2019, Nintendo đã trò chơi này lên hệ máy mới nhất của hãng là Nintendo Switch. Một phiên bản remake được ra đời. Phiên bản lần này vẫn giữ lại những giá trị cốt lõi của tựa game năm nào, nhưng thêm vào một nền đồ họa vô cùng bắt mắt.

The Legend of Zelda: Ocarina of Time – 1998

game

Năm 1996 đánh dấu một bước chuyển mình của Nintendo. Máy chơi game PS1 của Sony ra mắt trước đó đã tạo ra một áp lực không nhỏ cho ông lớn này. Phần cứng lỗi thời của chiếc SNES đã bó buộc khả năng sáng tạo của các nhà làm game. Thị trường lúc này cũng đổ theo những tựa game 3D mới lạ và hấp dẫn. Hậu quả là những đầu game chất lượng như Final Fantasy hay Dragon Quest lần lượt dứt áo ra đi. Thay đổi hoặc là chết, Nintendo cho ra đời hệ máy chơi game mới có tên N64. Cấu hình mạnh mẽ, khả năng dựng hình ấn tượng. Thế nhưng, cỗ máy này lại không đạt được thành công như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều tuyệt vời nhất mà N64 này làm được có lẽ là tạo ra những tựa game xuất sắc như Super Mario 64, Super Smash Bros. hay The Legend of Zelda: Ocarina of Time.

The Legend of Zelda

Được Nintendo phát triển trong 5 năm ròng rã, Ocarina of Time đã không làm fan hâm mộ thất vọng khi trở thành một cú địa chấn của ngành công nghiệp game thời điểm đó. Eiji Aonuma là cái tên được chọn vào vị trí đạo diễn. Tận dụng được những công nghệ mới trên chiếc N64, các nhà làm game đã có thể triển khai những ý tưởng mới lạ mà trước đó chưa thực hiện được. Trò chơi cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn cho dòng game khi sử dụng nền đồ họa 3D tân tiến. Giờ đây người chơi sẽ điều khiển nhân vật của mình ở góc nhìn thứ 3. Bản đồ rộng lớn, cử động nhân vật sống động, các đoạn cắt cảnh đậm chất điện ảnh là những thứ đã đặt nền móng cho nhiều tựa game sau này.

Sau 20 năm xuất hiện trên thị trường, đồ họa của trò chơi vẫn mang một nét hoài cổ riêng biệt. Cốt truyện của trò chơi được mở rộng, cho chúng ta biết thêm về thân thế của nhân vật Link cũng như nguồn gốc hình thành của vương quốc Hyrule. Ocarina of Time cũng là tựa game đầu tiên trong series giới thiệu cơ chế du hành thời gian. Các hành động trong quá khứ có thể dẫn đến những hậu quả trong tương lai. Vì thế mà dòng thời gian của series cũng bị chia làm 2 hướng: Dòng thời gian nơi người hùng bị đánh bại và dòng thời gian nơi người hùng chiến thắng. Hai dòng thời gian này lại mở ra các nhánh nhỏ khác giúp liên kết tất cả các tựa game với nhau. Ngoài ra, các dungeon và đặc biệt là những màn đấu trùm được thiết kế vô cùng xuất sắc. Các cơ chế mới như ngắm bắn ở góc nhìn thứ nhất hay khóa mục tiêu được áp dụng để phù hợp với không gian 3 chiều của trò chơi. Âm nhạc xuất sắc cũng điểm khiến người ta nhớ tới trò chơi này khi nó sở hữu nhiều bản nhạc được xếp vào hàng kinh điển của series. The Legend of Zelda: Ocarina of Time nhận được số điểm kỷ lục trên Metacritic và được đánh giá là một trong những tựa hay nhất mọi thời đại.

The Legend of Zelda: Majora’s Mask – 2000

The Legend of Zelda

Những tưởng, thành công to lớn này sẽ khiến Nintendo ngủ quên trong chiến thắng. Nhưng chỉ 2 năm sau đó, ông lớn này đã cho ra đời tựa game tiếp theo với tên gọi The Legend of Zelda: Majora’s Mask. Câu truyện của trò chơi tiếp nối những gì đã xảy ra trong Ocarina of Time. Sau khi chào tạm biệt công chúa Zelda, Link lên đường để phiêu lưu đến vùng đất mới có tên Termina. Thời gian sản xuất ngắn ngủi khiến đội ngũ phát triển phải sử dụng lại nhiều tài nguyên từ tựa game trước. Điều này rất ít khi xảy ra trong các tựa game của Nintendo. Vì thế mà nhiều người tỏ ra hoài nghi về chất lượng của trò chơi. Hệ thống combat trong Majora’s Mask không có nhiều thay đổi so với phần game ra mắt năm 1998. Tuy nhiên, những cơ chế mới mẻ được áp dụng lại khiến trò chơi khác biệt hoàn toàn so với người đàn anh của mình. Toàn bộ diễn biến cốt truyện của Majora’s Mask chỉ diễn ra trong đúng 3 ngày, vì thế, Link đã phải liên tục sử dụng cây sáo thần của mình để thao túng thời gian và giúp Termina tránh khỏi những tai họa đang ập tới. Hệ thống mặt nạ mở ra những lối chơi mới vô cùng thú vị. Trò chơi cũng sử dụng một bối cảnh tăm tối hơn, giúp tạo ra một không khí đặc biệt khi trải nghiệm. Kết hợp với một cốt truyện vô cùng xuất sắc, Majora’s Mask được đánh giá là hay ngang ngửa, hoặc thậm chí còn hay hơn cả người tiền nhiệm Ocarina of Time. Tuy nhiên, doanh số bán ra của trò chơi lại không mấy khả quan khi trong suốt vòng đời của mình, Majora’s Mask chỉ tiêu thụ được 3.4 triệu bản.

The Legend of Zelda: Oracles of Ages/ Oracles of Seasons – 2001

The Legend of Zelda

Trong quá khứ, Zelda: Link’s Awakening đã cho thấy các hệ máy cầm tay cũng là một miền đất hứa với dòng game này. 2001 là một năm khá đặc biệt khi mà Nintendo cho ra mắt tới 2 tựa game thuộc dòng game này. Zelda: Oracles of Ages và Zelda: Oracles of Season diễn ra trong dòng thời gian của A Link to the Past. Trong Oracle of Ages, Link sở hữu một bảo vật với khả năng du hành đến quá khứ và tương lai. Còn trong Oracles of Season, người hùng của chúng ta sử dụng một cây gậy phép để giải các câu đố và thay đổi các mùa trong trò chơi. Cả 2 đều sở hữu cốt truyện và lối chơi riêng biệt. Trong khi Oracles of Ages tập trung vào yếu tố hành động thì Oracles of Season lại nghiêng về yếu tố giải đố. Tuy không có nhiều đột phá trong lối chơi, 2 phần game này vẫn được cộng đồng đón nhận tích cực và trở thành một trong những trò chơi bán chạy nhất trên hệ máy Gameboy Color với tổng cộng 8 triệu bản được bán ra.

(Còn tiếp)