Thường thì để tạo ấn tượng tốt nhất với game thủ, các nhà phát triển sẽ cố gắng bổ sung vào game càng nhiều thứ hay ho càng tốt. Hoặc cũng có trường hợp nhà phát triển cứ cố gắng chạy theo xu hướng để được "hưởng sái". Tuy nhiên, đôi lúc nó lại phản tác dụng, khiến những trò chơi nhận lấy thất bại không đáng có. Sau đây là top 10 tựa game cố quá để rồi… "quá cố".
Lawbreakers – Không biết cách tạo điểm nhấn khiến gameplay nhạt nhòa
Lawbreakers là một tựa game bắn súng online miễn phí được phát triển bởi Boss Key Productions (đã "dẹp tiệm"). Tựa game này muốn tạo dấu ấn riêng trong thị trường game online miễn phí, cạnh tranh trực tiếp với những cái tên đình đám, như Overwatch chẳng hạn. Tuy nhiên, trò này lại không hề có điểm nhấn, nếu không muốn nói là… nhạt nhòa.
Lawbreakers là minh chứng cho việc sao chép phong cách đồ họa của Destiny, Call of Duty nhưng rồi phải nhận lấy thất bại vì không có sự sáng tạo trong đó. Ban đầu, Lawbreakers được hứa hẹn sẽ là một cái tên đình đám với dàn nhân vật phong phú, gameplay kịch tính và máu lửa, đồng thời nhà phát triển cũng sẽ liên tục cập nhật tính năng và nhân vật mới.
Tuy nhiên, vì nó quá giống với những game đang có trên thị trường nên game thủ đã lũ lượt rời bỏ Lawbreakers, đến mức trò chơi này phải đóng cửa luôn. Có lẽ đây là một bài học đắt giá về việc hứa thật nhiều nhưng làm lại chẳng bao nhiêu. Đồng thời là hậu quả của việc không có định hướng rõ ràng cho đứa con tinh thần của mình.
Remothered: Broken Porcelain – Cách dẫn chuyện không hợp lý khiến game thủ mau chán
Remothered: Broken Porcelain là tựa game ra mắt vào năm 2020. Ngay từ ngày lọt lòng thì nó đã gặp phải rất nhiều lỗi, nhưng vấn đề khiến game này thất bại nằm ở chỗ chúng ta không hề biết mục đích tồn tại của Remothered là gì. Tựa game này đã "tuyển chọn" những ý tưởng hay nhất từ các game sinh tồn, kinh dị như Silent Hill, Outlast, Amnesia... Nhưng cuối cùng, khi gộp lại thì nó chẳng đâu vào đâu.
Đối với fan của phần đầu tiên thì phần 2 này được hứa hẹn là sẽ có gameplay được cải thiện, cốt truyện sẽ kinh hãi hơn, cơ chế hành động lén lút sẽ được nâng cấp và các địa điểm trong game sẽ có rất nhiều thứ để khám phá. Tiếc thay, những ý tưởng này lại không thể trở thành hiện thực.
Trong phần mở đầu game, bạn sẽ cảm thấy mọi thứ đều rất giả tạo. Các tình tiết cứ liên tục xảy ra, còn người chơi thì phải tự cố mà hiểu lấy những diễn biến này. Thật ra thì nhà phát triển có thể thiết kế cách dẫn truyện theo kiểu này, nhưng trước đó họ phải thiết lập tiền đề thật rõ ràng, hẳn hoi thì game thủ mới có thể hiểu được và sẵn sàng bỏ thời gian để tìm hiểu tiếp cốt truyện. Tuy nhiên, Remothered: Broken Porcelain lại làm ngược lại, khiến game thủ chẳng thể hiểu được điều gì và thế là nhanh cảm thấy chán nản.
Anthem – Hứa thật nhiều để rồi thất hứa cũng thật nhiều
Với những bạn nào chưa biết thì Anthem là một tựa game nhìn tuy hoành tráng nhưng khi chơi thì nó lại vô cùng chán. Anthem được phát triển bởi Bioware – studio đứng sau những game nhập vai đỉnh như Star Wars: Knights of the Old Republic và Mass Effect. Tuy nhiên, do EA nghĩ rằng họ "thông minh" hơn Bioware nên ép nhà phát triển chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình live-service (dịch vụ trực tuyến).
Dĩ nhiên, điều này đã khiến Anthem phải nhận lấy thất bại ê chề. Gameplay thì cứ lặp đi lặp lại, nhiệm vụ thì cứ tập trung vào phần loot đồ. Nói chung Anthem cố gắng làm thật nhiều nhưng rồi lại không tạo được ấn tượng gì cả, và thế là game thủ dần bỏ đi hết. Game theo hình thức live-service đã xuất hiện nhiều rồi, và EA muốn nhảy vào cuộc chơi với Anthem nhưng lại không tạo được dấu ấn riêng.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại này là do Bioware hứa hẹn sẽ đem đến thật nhiều nội dung mới cho game thủ trong thời gian dài. Cụ thể thì tựa game nhập vai này dự kiến được liên tục bổ sung nội dung mới trong nhiều năm. Như có thêm DLC cho phần cốt truyện, vũ khí mới, bộ giáp mới, khu vực mới để khám phá và nhiệm vụ mới để người chơi cùng chinh chiến với bạn bè... Tuy nhiên, cuối cùng thì những thứ này lại phải bỏ đi hết để Bioware tập trung đập đi xây lại Anthem từ đầu nhằm thu hút nhiều game thủ hơn.
Radical Heights – Thiếu sự sáng tạo trong khâu thiết kế
Tiếp tục là một tựa game khác của Boss Key Productions, lần này studio đã tạo ra Radical Heights trong sự tuyệt vọng. Thậm chí có thể nói là nỗ lực cuối cùng để cứu studio sau thất bại của Lawbreakers. Đây là một tựa game battle royale được lấy cảm hứng từ những năm 80 của thế kỷ 20, kết hợp cùng một số ý tưởng gameplay khá là độc đáo, mới lạ. Tuy nhiên, cuối cùng thì game này lại nhìn y chang các đối thủ, ví dụ như Fortnite, cho nên chẳng được ai đánh giá cao.
Việc thu hút những game thủ đã dành hàng trăm giờ cho Fortnite hay PUBG là một thử thách vô cùng lớn. Nhưng Radical Heights vẫn rất kiên định và tự tin là mình sẽ làm được ngay từ khi game còn trong giai đoạn "early access". Tuy Boss Key Productions đã rất thẳng thắn trong việc thừa nhận game còn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng game thủ vẫn không thể nào ưa nổi một tựa game nhìn dị hợm, chơi thì đầy lỗi, còn nội dung thì chẳng có gì đặc sắc. Phải chi ra mắt trước Fortnite và PUBG thì còn đỡ, đằng này ra sau nên bị chìm vào quên lãng luôn.
Resident Evil 6 – Game kinh dị nhưng lại tập trung vào yếu tố hành động
Resident Evil 6 là một tựa game kinh dị, nhưng vào game chơi không thấy kinh dị đâu mà toàn thấy những pha hành động bắn súng ì xèo. Với phần này, Capcom đã quyết định lái game theo hướng một bô phim hành động với một vài yếu tố kinh dị phụ họa cho đẹp. Đồng ý rằng trong Resident Evil 6 cũng có một vài phân đoạn đầy căng thẳng và sợ hãi tột độ nhưng phần lớn trong game vẫn là những pha hành động.
Có lẽ mục đích của Capcom lần này là để thu hút càng nhiều game thủ càng tốt nên đã coi nhẹ yếu tố sinh tồn – kinh dị. Vì lẽ đó, Capcom bổ sung một đống cảnh hành động khiến fan lắc đầu ngao ngán. Đến phần 7 thì hãng này đã chuộc lại lỗi lầm, nhưng nếu chỉ xét đến Resident Evil 6 thôi thì chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng series đang đánh mất chính bản thân mình để chạy theo số đông.
Nguồn: What Culture biên dịch gearvn