Cho trùm cuối xuất hiện ngay khúc đầu game không phải mô-típ mới nhưng cực kỳ thú vị. Hắn có thể giả bộ "thảo mai" xuyên suốt cốt truyện để tạo ra sự bất ngờ cho phần kết thúc. Tuy nhiên, dù được cài cắm thế nào, trùm cuối cùng lại xuất hiện nhởn nhơ trước mặt nhân vật chính ngay từ đầu thì có vẻ không theo logic thông thường lắm. Sau đây là top 10 tựa game cho bạn chạm mặt boss cuối ngay trong đoạn mở đầu.
Sekiro: Shadows Die Twice
Tương tự nhiều con game siêu khó của From Software như Demon's Souls, Dark Souls và Bloodborne... Sekiro: Shadows Die Twice có màn "hướng dẫn tân thủ" cho bạn biết ngay lập tức là bạn có hợp với game này hay không (tức là nó hành bạn sấp mặt đấy, thấy không chịu được thì nghỉ game đi).
Vừa vào game là nhân vật chính Sekiro đã gặp ngay cái tên khó chịu Genichiro Ashina. Hắn ta chính là nguồn cơn của cả một câu chuyện dài mà bạn sẽ phải ăn hành sấp mặt phía sau. Tên cục súc này đã to con mà còn tấn công siêu dồn dập, vừa cận chiến lại còn biết bắn cung... nói chung là cực kỳ khó chịu.
Hắn gần như chắc chắn sẽ đập bạn ra bã nếu gặp lần đầu. Tuy nhiên, cho dù bạn có là một game thủ cứng cựa với kỹ năng đủ cao để bật lại được hắn thì Genichiro Ashina cũng sẽ dùng tiểu xảo để chém mất 1 cánh tay của bạn, sẵn tiện bắt cóc luôn ấu chúa Kuro.
Đến khi bạn lết xác qua được bao nhiêu khó khăn trắc trở và mò được đến cuối game thì bạn sẽ được gặp lại hắn (lần thứ 3). Sau khi hạ được Genichiro thì bạn sẽ được diện kiến "kiếm thánh" Isshin - ông nội của hắn.
Nhiều người cho rằng vụ này không tính vì về mặt kỹ thuật thì lão "kiếm thánh - thương thánh - súng thánh" Isshin mới là trùm cuối. Tuy nhiên nếu để thua trong tay lão thì bạn sẽ lại phải vật nhau với Genichiro lần nữa. Thế nên theo lý mà nói thì Genichiro cũng có thể miễn cưỡng được tính như một tên "trùm nửa cuối", vì dù sao thì hắn cũng là một phần trong trận đấu trùm mà.
The Legend Of Zelda: A Link Between Worlds
Phản diện của những tựa game The Legend Of Zelda thường không phải tên trùm cuối của toàn series – Ganon – mà là là những kẻ dành hầu hết thời gian để hồi sinh hắn ta. Con boss Yuga trong The Legend Of Zelda: A Link Between Worlds cũng vậy.
Người chơi sẽ gặp Yuga một lần ngay trong cái dungeon đầu game – Eastern Palace. Đó là một trận đánh boss khá đơn giản vì tên này yếu như một con creep vậy. Tuy nhiên cách nói chuyện của hắn thì lại thể hiện như hắn quan trọng hơn thế nhiều. Mà cũng đúng là vậy thật, vì hắn sẽ đợi bạn ở cuối game.
Lúc này Yuga đã hợp nhất với một phần được hồi sinh của Ganon, giúp hắn mạnh hơn rất nhiều và dễ dàng đập người chơi ra bã. Thế nên nếu có chơi con game này thì tốt nhất là bạn nên nâng skill bắn cung cho thật mạnh vào, lúc đó sẽ đỡ ăn hành hơn.
Redline
Redline thuộc thể loại game FPS đời đầu trên PS1 (vào khoảng những năm 90 đó). Dù nó chỉ được giới chuyên gia đánh giá ở mức trung bình nhưng được cái là gameplay rất độc đáo, kết hợp giữa bắn súng và đua xe, mang đến cho người chơi trải nghiệm cực kỳ phấn khích.
Game lấy bối cảnh hậu tận thế vào vào năm 2066, tương tự như Mad Max. Redline cho người chơi đụng trùm cuối Red Sixer ngay đầu game. Mặc dù bị bạn đánh bại nhưng hắn vẫn sẽ sống sót đến cuối để chờ đợi cơ hội báo thù rửa hận.
Tuy nhiên lần gặp lại thì người chơi sẽ thấy hắn ngồi trong một cỗ xe thiết giáp to đùng, bá đạo và bay lơ lửng trên không.
Mặc dù rồi thì vẫn sẽ đánh bại hắn thôi nhưng lần này khó hơn nhiều, chấp cả trùm cuối lẫn cỗ xe bay. Và điều đó sẽ cho bạn thấy rằng mình đã mạnh lên thế nào, tiến bộ ra sao kể từ khi mọi thứ bắt đầu.
Undertale
Undertale là một tựa game giải đố cực kỳ sâu sắc và mọi thứ trong game không phải lúc nào cũng như vẻ về ngoài của nó. Điển hình là nhân vật Flowey the Flower. Trông thì có vẻ vô hại nhưng nó lại là tên sát nhân tâm thần nguy hiểm nhất của tựa game.
Flowey là nhân vật bạn gặp đầu tiên, nó chào đón bạn nồng nhiệt, sau đó bắt đầu giải thích cơ chế game cho bạn. Tuy nhiên nếu bạn tin vào vẻ bề ngoài vô hại và sự thảo mai của nó thì bạn đã bị dụ rồi đấy. Tất cả được sắp đặt trong một âm mưu để đánh lừa người chơi.
Sau khi người chơi không còn chút nghi ngờ nào nữa thì nó mới làm lộ rõ bản chất của thế giới trong Undertale: Giết hoặc bị giết!
Trong Neutral Ending, nó sẽ biến thành một thực thể tà ác được gọi là Photoshop Flowey. Đây là ending duy nhất mà bạn phải đối mặt với Flowey như một con trùm cuối và cũng là ending phổ biến nhất đối với những người mới chơi.
Final Fantasy
Với những tín đồ Final Fantasy thì hẳn đã quen với mô-típ này. Vừa vào, những con trùm cuối có thể xuất hiện để "nhá hàng" cho game thủ biết, hoặc là cho bạn... "ăn hành" ngập mặt.
Điển hình là Final Fantasy (1987). Vừa vào game là bạn sẽ được choảng nhau với con trùm cực mạnh là Garland. Bạn vẫn có thể đánh bại tên hiệp sĩ này và mọi thứ có vẻ như đã yên bình trở lại. Tuy nhiên, đến gần cuối game, khi nhóm nhân vật chính quay ngược thời gian 2000 năm về trước thì phát hiện ra rằng Garland cũng trở về quá khứ giống họ, và còn đang sống nhăn răng. Chỉ khác một điều là hắn ta lúc này đã trở thành một con ác quỷ tên là Chaos.
Thời nay anh em có thể đã quen với kiểu cốt truyện đánh nhau kỳ quặc này. Tuy nhiên với những game thủ mới chơi Final Fantasy hồi năm 1987 thì kiểu gì họ cũng bị sốc khi thấy con trùm sau khi bị đánh bại đã trở lại với hình hài còn quái ác hơn và bá đạo hơn cả lần đầu.
Nguồn WhatCulture biên dịch Gearvn