Top 6 tựa game kinh dị về lời nguyền đáng sợ

Lời nguyền nghe thì hay đấy, nhưng bạn có biết những tựa game thú vị nào về lời nguyền không?

Như chúng ta đã biết thì bên cạnh những thảm họa khủng khiếp hay các ác nhân đáng sợ thì lời nguyền cũng là một yếu tố thú vị hay được sử dụng để chuyển thể thành game kinh dị. Hôm nay hãy cùng điểm qua một số tựa game được xây dựng dựa trên các lời nguyền đáng sợ trong bài viết ngày hôm nay nhé!

Until Dawn

Do Supermassive Games phát triển và phát hành độc quyền trên hệ máy PlayStation 4 bởi Sony Computer Entertainment. Until Dawn là một tựa game góc nhìn thứ ba theo lối chơi QTE hay hiểu đơn giản là bấm phím nhanh trong những tình huống do trò chơi đưa ra.

Bối cảnh của trò chơi được đặt tại khu nghỉ dưỡng cũ Blackwood Pines nằm trên ngọn núi Washington, thuộc quyền quản lý của dòng họ Washington. Tám người bạn sẽ bị mắc kẹt tại nơi này bởi một sự cố bí ẩn, và họ phải tìm cách vượt qua nỗi sợ, chiến đấu để sống sót.

Thiết kế chưa có tên (1).jpg

Nghe qua thì Until Dawn chỉ là một tựa game kinh dị sinh tồn cơ bản, theo mô típ một nhóm bạn trẻ bị kẹt trong một căn nhà biệt lập trên núi, và sau đó bị những tên sát nhân rình rập quanh đấy tước đoạt mạng sống. Nhưng, bên cạnh những hành vi mất nhân tính của con người thì trong Until Dawn còn tồn tại một kẻ phản diện khác mang tên lời nguyền.

Lời nguyền đó đến từ Wendigo, một con quái vật tồn tại trong truyền thuyết mà tôi từng nhắc đến trong video cốt truyện game Citri Plays Noirwood: Vtuber. Ngoài đời thật, Wendigo là nỗi khiếp sợ của những người dân sống ở khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các bộ lạc thổ dân hoặc những người kiếm ăn nhờ rừng rậm.

Người ta mô tả, Wedding cao từ 2.13m đến 4.57m (7 đến 15 feet), đầu là hộp sọ của một con hươu, cặp sừng dài và thích ăn thịt những người xấu số chạm mặt nó. Trong Until Dawn, loài sinh vật này cũng rình rập xung quanh căn nhà của nhóm bạn trẻ, trực chờ ngấu nghiến những con mồi béo bở để lấp đầy chiếc bụng đói.

Thiết kế chưa có tên.jpg

Nghe thì có vẻ không giống kiểu lời nguyền mà các bạn đang nghĩ đến, nhưng sự xuất hiện của Wendigo và nỗi kinh hoàng mà nó mang lại vốn đã được xem là một dạng nguyền rủa bao trùm ngọn núi của gia đình Washington, nó canh giữ ở nơi đó và không cho ai bén mảng đến. Nên về cơ bản, đây cũng có thể xem đây là lời nguyền của Until Dawn.

Silent Hill

Rồi, nhắc đến lời nguyền mà không nói đến series game Silent Hill đình đám một thời thì đúng là thiếu sót lớn. Về cơ bản, Silent Hill sẽ đưa bạn đến một thị trấn mờ sương như trong tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” của nhà văn Hàn Mạc Tử. Trong thị trấn sương khói mờ nhân ảnh đấy là hàng loạt nguy hiểm đang vẫy gọi bạn, nên về cơ bản, thôn Vĩ Dạ thì về, chứ thôn này thì xin kiếu.

Thị trấn trong Silent Hill thậm chí còn đáng sợ đến mức nó đã trở nguồn cảm hứng cho nhiều tựa game kinh dị khác sau này, vậy nên không phải tự nhiên Silent Hill được vinh danh là một huyền thoại trong làng game kinh dị.

Thiết kế chưa có tên (2).jpg

Đương nhiên việc gì cũng có lý do của nó, và lý do mà thị trấn trong Silent Hill trở thành một trong những cơn ác mộng đáng sợ có liên quan đến lời nguyền khủng khiếp đang bao trùm nơi này.

Vào bảy năm trước khi tất cả các sự kiện trong Silent Hill diễn ra, có một kẻ sùng đạo tên là Dahlia Gillespie đã quyết định hiến tế cô con gái Alessa để tạo nên một vị thần. tuy nhiên, nghi lễ hiến tế đã thất bại, thay vì trở thành thần, Alessa đã biến thành một con quái vật với cơ thể cháy đen nhưng bất tử.

Sau đó, hàng loạt những chuyện khủng khiếp đã xảy ra với Alessa, khiến tinh thần cô gái tội nghiệp ấy sụp đổ. Cuối cùng, Alessa đã dùng năng lực tâm linh của mình nguyền rủa toàn bộ thị trấn, biến nơi này thành một vùng đất chết chóc với đầy những hiện tượng siêu nhiên mà ta thấy trong Silent Hill.

Thiết kế chưa có tên (3).jpg

Thêm một điều thú vị là sắp tới, phần 2 của Ngọn đồi câm lặng sẽ được nhà phát triển làm lại, đồng thời, một phần game khác trong vũ trụ Silent Hill, nhưng lấy bối cảnh là những truyền thuyết rùng rợn của Nhật Bản cũng đã được Konami nhá hàng, nên bạn nào là fan trung thành của series game này đừng bỏ lỡ nhé.

Eternal Darkness

Là tựa game ra mắt từ những năm 2002, nên có lẽ, cái tên Eternal Darkness khá xa lạ với những anh em game thủ hiện tại. Về cơ bản, tựa game này được xây dựng theo hướng phiêu lưu hành động, nên nếu bạn đang tìm tựa game kiểu lời nguyền kinh dị chết chóc thì Eternal Darkness không phải lựa chọn lý tưởng lắm.

Nhưng, xét về mặt nào đó thì Eternal Darkness vẫn có đầy đủ những yếu tố ghê rợn mà một lời nguyền nên có. Đầu tiên, cốt truyện trong trò chơi được kể bằng nhiều câu chuyện, xảy ra ở những mốc thời gian khác nhau và được tổng hợp lại bên trong quyển sách Tome of Darkness làm bằng thịt người.

Thiết kế chưa có tên (4).jpg

Và Tome of Darkness thật ra là một quyển sách bị nguyền rủa, cảnh báo cho nhân loại về một mối đe dọa khủng khiếp chuẩn bị ập đến trong tương lai. Lý do mà Tome bị nguyền rủa cũng vì nó có mối liên hệ với các vị thần Elder, những người lên kế hoạch tạo ra các thảm họa để trừ khử nhân loại khỏi thế giới.

Hiển nhiên rằng, những người dính dáng đến hai chữ nguyền rủa thì thường phải đón nhận kết thúc chẳng mấy tốt đẹp. Trong Eternal Darkness, những nạn nhân được quyển sách Tome of Darkness chỉ mặt gọi tên sẽ lần lượt phải đón nhận những kết cục thảm khốc mà tôi không tiện miêu tả.

Và trong tựa game này, chúng ta sẽ nhập vai vào cô nàng Alex Roivas, bước trên hành trình trở thành chúa cứu thế, sử dụng quyển sách Tome of Darkness để chống lại những vị thần Elder tối cao, trả lại bình yên cho xã hội loài người.

Thiết kế chưa có tên (5).jpg

Khuyến cáo nho nhỏ cho những anh em muốn trải nghiệm thử Eternal Darkness, thì vì tựa game được ra mắt từ tận những năm 2002, nên có thể phần đồ họa sẽ không đủ thỏa mãn những anh em đã quen với độ bóng bảy của game bây giờ, nhưng xét về những khía cạnh khác thì Eternal Darkness chắc chắn sẽ không khiến các anh em phải thất vọng.

Fatal Frame

Cách đây không lâu thì Fatal Frame: Mask of the Lunar Eclipse vừa được làm lại, và tôi cũng có một video về cốt truyện của phần đó rồi, anh em có thể xem nếu thích nhé. Còn nếu anh em nào chưa xem video đó thì về cơ bản, Fatal Frame là một series game của Koei Tecmo, lấy ý tưởng từ những nơi bị nguyền rủa và những nghi thức kỳ lạ.

Thông thường, cốt truyện trong các phần game Fatal Frame sẽ đi theo một tình tiết cố định, đó là một nơi nào đó thực hiện nghi lễ hiến tế rồi thất bại, dẫn đến việc vùng đất đó bị vướng phải một lời nguyền chết chóc, khiến toàn bộ người dân thiệt mạng, trở thành những hồn ma canh giữ lãnh địa lời nguyền, không cho những kẻ bên ngoài bước chân vào đấy.

Thiết kế chưa có tên (6).jpg

Phần game đầu tiên của series được lấy bối cảnh ở tòa nhà Himuro. Trong quá khứ, tòa nhà này là nơi diễn ra nghi thức đóng cổng địa ngục nhưng thất bại. Sang đến phần hai, một ngôi làng thực hiện lễ hiến tế cặp song sinh nhưng cũng thất bại, dẫn đến việc cả ngôi làng bị tuyệt diệt. Đến phần 3, câu chuyện đã đổi mới hơn khi cho lời nguyền xâm nhập vào giấc mơ của những con người xấu số. 

Rồi đến phần 4 mới được làm lại gần đây, ta sẽ đến với hội chứng ánh trăng, khiến con người ta mất ký ức, hủy hoại gương mặt rồi dẫn đến tử vong, và hiển nhiên cũng có liên quan đến một vụ hiến tế thất bại từng xảy ra trong quá khứ.

Sang đến phần cuối cùng, game sẽ đưa chúng ta đến một ngọn đồi bị nguyền rủa, nơi có một dòng nước được chảy trực tiếp từ địa ngục. Nếu là một người thích kiểu game kinh dị liên quan đến hiến tế, nguyền rủa thì tôi nghĩ bạn chọn Fatal Frame là đúng bài rồi đấy.

Amnesia: The Dark Descent

Là một tựa game phiêu lưu sinh tồn đậm chất kinh dị của nhà Frictional Games, câu chuyện trong Amnesia: The Dark Descent chủ yếu xoay quanh những cơn ác mộng, những hành lang hẹp đáng sợ mà bạn thường thấy trong những bộ phim kinh dị phương Tây.

Thiết kế chưa có tên (7).jpg

Vào vai một chàng trai tên Daniel, bạn tỉnh dậy trong một tòa lâu đài hoang vắng và gần như quên hết mọi thứ, cả kể việc mình là  ai và đây là nơi nào. Bước vào hành trình khám phá tòa lâu đài bí ẩn không người, ta sẽ bị lạc trong những ký ức tăm tối của Daniel, kèm theo đó là những cơn ác mộng không hồi kết, và góc tối tồn tại trong suy nghĩ của mỗi con người.

Đương nhiên, đã nằm trong top ngày hôm nay thì không có lí do gì câu chuyện trong Amnesia: The Dark Descent lại được giải thích theo hướng khoa học kỹ thuật. Càng đi sâu vào game, ta sẽ biết rằng, thứ đang theo đuổi Daniel là một thế lực bí ẩn đáng sợ mang tên “The Shadow”.

Và khi ta biết được điều đó cũng là lúc Daniel nhận ra bản thân đang vướng phải một lời nguyền đáng sợ. Lý do của lời nguyền đó bắt nguồn từ việc Daniel đã lấy cắp một quả cầu huyền bí nằm trong một ngôi mộ ở Algeria, và hiển nhiên là, những kẻ trộm mộ thì thường không có kết thúc tốt đẹp.

Thiết kế chưa có tên (8).jpg

Quả cầu mà Daniel lấy là một quả cầu bị nguyền rủa, những kẻ nào dám động đến nó sẽ lần lượt trở thành nạn nhân của thực thể The Shadow. Về cơ bản thì các nạn nhân sẽ bị The Shadow theo đuổi đến khi con mồi tội nghiệp không còn chạy trốn được nữa mới thôi. Vậy nên, nhiệm vụ của bạn trong trò chơi này là giúp Daniel tìm cách sửa chữa sai lầm và phá bỏ lời nguyền đáng sợ đang ám lấy anh ta.

Siren: Blood Curse

Cuối cùng, để kết thúc video thì tôi sẽ nói đến Siren: Blood Curse. Và nghe tên thì chắc anh em cũng biết rồi đấy, Siren: Blood Curse lấy bối cảnh tại ngôi làng Hanuda ở Nhật Bản, nơi bị dính lời nguyền của máu. Trong game, ta sẽ vào vai nhân vật chính tên là Howard Wright, một học sinh người Mỹ đến làng Hanuda do nhân được một email bí ẩn.

Ngôi làng Hanuda bị nguyền rủa này từng là quê hương của một giáo phái kỳ lạ tên Mana. Sau khi bị nguyền rủa, nơi này đã trở thành vùng đất của lũ zombie, khi đám xác sống liên tục vờn quanh khu vực Hanuda, và đương nhiên chúng chính là thành quả của lời nguyền màu do “vị thần” Mana Kaiko đặt lên làng Hanuda.

Thiết kế chưa có tên (9).jpg

Và vì ảnh hưởng của lời nguyền, nên làng Hanuda đã trở thành một nơi chỉ có vào mà không có ra. Vậy nên trong trò chơi, không chỉ phải cố gắng tìm thoát khỏi sự truy đuổi của đám xác sống khát máu, Howard còn phải tìm cách hóa giải lời nguyền máu nếu muốn thoát khỏi ngôi làng quái quỷ này.

Không chỉ thế, trò chơi còn đề cập đến những nghi lễ hiến tế bí ẩn của những người dân làng Hanuda, cũng như những tập tục quái dị ở nơi này. Và vì phải sinh tồn giữa bầy xác sống nên Siren: Blood Curse vừa kinh dị tâm linh nhưng cũng vừa máu me, rùng rợn chẳng kém gì mấy tựa game combat ì xèo thời nay, nên nếu thích kiểu game tâm linh, hiến tế, mà cảm thấy những phân cảnh combat trong Fatal Frame nhẹ nhàng quá thì bạn có thể thử trải nghiệm Siren: Blood Curse nhé.

Theo dõi Kênh Tin Game để không bỏ lỡ những bài viết hay về game nhé~