Nhưng còn một thứ cảm xúc nữa khó chịu hơn cả việc chơi phải một tựa game tồi, đó là việc một thứ gì đó người game thủ yêu quý từ tận tậm can, thứ mang lại cho họ cảm giác bồi hồi, trân trọng mà họ không chút gào thét vào nó.
… Để rồi giờ đây họ có lí do rõ ràng để gào lên trong sự căm tức tột độ. Vâng, đó là những tựa game thuộc những series game đình đám, lâu đời nhưng lại đi phát triển phiên bản mới theo những hướng đi “mới” theo kiểu quay mông lại với quá khứ, với truyền thống, với những gì làm nên sự tốt đẹp của đó khiến cho dù game chưa ra mắt nhưng đã khiến game thủ cáu tức vô cùng, dẫn đến hoài nghi, đến tẩy chay hàng loạt. Và gần đây tình trạng đó có vẻ đang diễn ra khá là nhiều với những cái tên quen thuộc chìm trong sự thất vọng của những con người trung thành, yêu thương nó nhất. Đó là Top những tựa game đình đám nhưng ra mắt trong tình trạng “không ai thích, chẳng ai thèm”.
1/ Fallout 76
Đầu tiên chúng ta phải đến với tựa game mới nhất, những cảm xúc mới nhất vừa ập đến với thế giới game của chúng ta, Fallout 76. Với Fallout, Bethesda thực sự đã đánh một canh bạc tất tay khi đưa Fallout xa ra khỏi cái gốc rễ, cội nguồn ban đầu của nó và thật không ngờ, đã nhận được thành công to lớn và ngay lập tức có cho mình một trong những tựa game được tán dương nhiều nhất của thế hệ máy console đương thời, tất nhiên là nó có thiếu sót một số thứ hay ho và không có được trọng vẹn sự thử thách như ban đầu, nhưng quả thật đã nâng tầm lên cho cả series rất nhiều.
Và tựa game đó chính là Fallout 3 chứ không phải tựa game bạn đang nghĩ trong đầu, Fallout 76 đâu.
Nói ra cái quá khứ huy hoàng chưa quá xa vời đó để mọi người có thể hiểu được rằng Fallout 76 cũng nhận được sự kì vọng rất lớn khi gắng sức đạt được điều tương tự như Fallout 3, tất nhiên là cho đến khi Bethesda công bố rằng Fallout 76 sẽ là một… tựa game online MMO. Tất nhiên là cũng chẳng có gì sai khi online hóa một tựa game RPG cả, nhưng nếu tựa game RPG đó thuộc một series game nổi tiếng lâu đời với kiểu chơi đơn thì đó quả là một canh bạc quá lớn. Mà nhất là điểm mạnh và cảm giác thú vị nó mang lại đó là lang thang đơn độc trong một thế giới rộng lớn với một câu chuyện giàu tính tiết nữa chứ?
Khỏi phải nói, khi biết rằng Fallout 76 sẽ trở nên lộm nhộm với cả đống người trần mắt thịt thay vì những nhân vật game đáng nhớ được xây dựng chỉn chu; rằng thay vì lang thang khám phá cốt truyện, họ lại phải chịu đựng một cơ chết game chẳng khác gì những tựa game MMORPG khác trên thị trường. Các game thủ đã căm phẫn đến từng nào khiến cho doanh số Fallout 76 tụt dốc thảm hại chưa từng có.
2/ Diablo Immortal
Đã nhiều năm không ra hậu bản nối tiếp, ấy vậy nhưng đã làm là ra mắt thẳng trên… điện thoại luôn. Khỏi nói, đứa con lạc loài Diablo Immortal bị mọi người miệt thị, ghẻ lạnh đến nhường nào. Không chỉ bởi bỏ qua các game thủ PC kì cựu của dòng game Diablo nói riêng và hãng Blizzard nói chung. Mà hệ máy di động cũng là hệ máy mà ít game thủ nào dám đặt hi vọng vào việc có được một trải nghiệm thẳng thắn, súc tích không nhảm nhí vớ vẩn cả, nhất là với tượng đài huyền thoại Diablo, vốn nặng về rương đồ, loot box từ thuở đầu rồi.
Và sự ê chề như được thổi bùng lên với màn marketing đầy thảm họa của Diablo Immortal trong kì Blizzard vừa qua. Với hi vọng rằng Diablo IV sắp được ra mắt đang tràn trề trong cộng đồng fan với hàng loạt tin đồn đại, dự đoán…. Để rồi sấp mặt khi đích thân chỉ đạo thiết kế Wyatt Cheng phủ nhận sự tồn tại của phiên bản PC cho Diablo Immortal, cũng như ngoáy thêm vào các game thủ đang giận dữ với câu nói “Các cậu không có điện thoại à?”. Thành thử ra Diablo Immortal, thay vì được mọi người nhìn nhận nghiêm túc thì trở thành cái nôi sinh ra cả đống meme, sỉ nhục của mọi người với đoạn trailer nhận nhiều dislike nhất từ trước tới giờ.
3/ DmC: Devil May Cry
Devil May Cry từ lâu đã là một trong những tượng đài lâu đời nhất của thể loại game hành động chặt chém với không khí đậm chất Anime Nhật Bản từ tạo hình gương mặt cho đến cách nói năng, điệu bộ nhân vật… Nhưng dần dà qua năm tháng, các nhà làm game ngày càng cố gắng lái Devil May Cry theo một hướng đi Tây hóa hơn, người lớn hơn để tiếp cận được nhiều đối tượng game thủ hơn. Đặc biệt là các game thủ phương Tây vốn không… hợp gu Nhật Bản cho lắm.
Và vậy là sau phiên bản Devil May Cry 4 thành công nhưng thiếu sự đột phá, studio kì cựu Ninja Theory nhận nhiệm vụ phát triển bản Reboot DmC. THoạt nhìn qua, DmC được đỡ đầu bởi một bộ sậu vô cùng tiếng tăm, Studio Ninja Theory thì nổi tiếng với việc phát triển ra những tựa game hành động chặt chém rõ hay dù bị Underrated vô cùng đáng tiếc như Heavenly Sword và Enslaved: Journey To The West. Cùng với đó là kịch bản viết bởi Alex Garland, nhà biên kịch kì cựu đứng sau kịch bản của những bom tấn Hollywood đày sức sống như 28 Days Later, Dredd, Ex Machina, và Annihilation…
Ấy vậy nhưng dù quả thật, tựa game có chất lượng rất tốt với đồ họa đẹp, gameplay chặt chém đã tay đúng chất Qủy cũng phải khóc và nhận được đánh giá cao từ giới phê bình. Ấy vậy nhưng ngay từ khi chính thực được công bố với những hình ảnh đầu tiên. Cộng đồng fan trở nên giận dữ ngay lập tức bởi sự Tây hóa và… tã hóa quá đà với chàng Dante cool ngầu thuở nào. Giờ trông như một tay xì ke trẻ trâu mới bước quả tuổi teen vậy. Kết quả là doanh thu của DmC thất vọng đến bất ngờ, thậm chí nhân viên của Ninja Theory còn bị dọa giết kia đấy.
4/ Call of Duty: Infinite Warfare
Sau nhiều trắc trở và sự đổi thay, cuối cùng hai năm gần đây, series Call of Duty đã trở lại đúng đường với những cải tiến lớn lao và đáng giá, khơi lại niềm tin của người chơi. Với nhiều studio cùng bắt tay vào làm, mỗi phiên bản mỗi năm mang đến sự khác biệt lớn chứ không phải thứ bình mới rượu cũ như nhiều năm trước đó nữa.
Tuy nhiên, không phải sự thay đổi nào cũng mang đến trái ngọt, cụ thể là trong trường hợp của Infinite Warfare. Qủa thực, Call of Duty: Infinite Warfare là một tựa game tốt với cái chất giao chiến không gian giống như trong Battlestar Galactica được thổi vào hơi thở hành động dồn dập của Call of Duty vậy. Ấy nhưng vấn đề là ở chỗ sau nhiều năm thể nghiệm không thành công lắm với bối cảnh đương đại, hiện đại và cộng đồng fan đang khao khát một trải nghiệm kinh điển, đậm chất Classic như bộ ba Modern Warfare ngày nào thì việc tọng vào mồm họ một phiên bản game lấy bối cảnh tương lai, bắn nhau trong… không gian hoàn toàn không hấp dẫn một chút nào.
Hệ quả là đoạn trailer đầu của game đã thành công trong việc lập kỉ lục đoạn trailer bị dislike nhiều nhất trên Youtube (cho tới khi mới bị chiếm chỗ bởi Diablo: Immortal). Lượng bản copy đặt trước thấp kỉ lục đến nỗi Activision đành phải chơi trò… con tin với việc mang Call of Duty 4: Remastered ra như một bản game bán kèm đắt đỏ để buộc các game thủ phải mua Call of Duty: Infinite Warfare. Cuối cùng, dù vẫn rất ăn khách nhưng Call of Duty: Infinite Warfare vẫn chỉ có thể đạt được nửa số doanh thu của người tiền nhiệm do làm mất lòng một lượng lớn fan hâm mộ lâu năm.
5/ Metal Gear Survive
Không chỉ là một tựa game tồi, Metal Gear Survive là một dấu chấm than đáng nhớ đánh dấu cho sự ra đi của Hideo Kojima khỏi hãng Konami. Mang cái tên “gần từa tựa” như series Metal Gear năm nào, có điều rẻ tiền hơn nhiều lần, ngay cái tên cũng mang nặng mùi của một tựa game linh tinh nào đó bạn tình cờ gặp phải trên forum mod game của Steam trong một ngày linh tinh lướt web bừa vậy. Và quả thật, thiếu đi ánh sáng dẫn đường của Hideo Kojima, hãng Konami đã tự tay hắt đổ đi chén cơm, hủy hoại đi tựa game huyền thoại, ăn khách bậc nhất của mình.
Lúc đó, các fan của Konami, vẫn đang gượng dậy từ nỗi đau rằng bản Silent Hills mới đầy hứa hẹn sẽ không ra mắt thì Metal Gear Survive xuất hiện như một nhát dao đâm nhói lòng những fan hâm mộ trung thành đó, không cốt truyện sâu sắc, không chiều sâu gameplay. Ngay từ những đoạn trailer, gameplay đầu tiên, Metal Gear Survive đã trung thực phô bày ra sự hổ lốn của mình như thể một bản mod rẻ tiền cho Metal Gear Solid 5 vậy, hoặc bét nhất cũng chỉ là phiên bản thứ cấp của chế độ Zombie mode ra mắt hằng năm của Call of Duty mà thôi. Và quả thực, chỉ vài tháng sau khi ra mắt, tựa game này đã được xếp vào dạng… game chết bởi dù dựa chủ yếu vào phần chơi mạng co-op nhưng lượng người chơi gần như không tồn tại. Bởi ai mà ưa nổi một tựa game bắt người chơi phải trả tới 10USD cho file save thứ hai chứ ?
6/ Dead Space 3
Có thể nó, studio Visceral đã đánh một canh bạc may rủi khá là lớn với Dead Space 2 rồi, bởi xét về mức độ thành công quá lớn của tựa game đầu thì có khá là nhiều hố bẫy nhà làm game có thể vấp phải với bản sequel này. May mắn làm sao, Dead Space 2 thành công lớn với một cốt truyện sống động hơn khi Visceral đã quyết định cho chàng kĩ sư Isaac Clarke một giọng nói cũng như cải tiến toàn diện tựa game của mình. Đáng tiếc thay, sự sáng tạo chỉ đi xa được nhường vậy mà thôi, khi mà công ty mẹ của bạn là EA.
Chỉ trích doanh thu chưa được như mong muốn, EA nhúng tay nhiều hơn vào quá trình phát triển game của Dead Space 3, chỉ đạo cho series xa rời dần khỏi gốc rễ kinh dị tâm lí trong hai tựa game đầu tiên để hướng tới một trải nghiệm chơi mạng mang tính hành động hơn. Kết quả ra đời là một tựa game giống Lost Planet ơi là giống dù tựa game đó cũng chẳng thành công gì nhiều. Thứ kết quả đó mang lại không gì ngoài sự ghẻ lạnh, ghê tởm của công đồng fan lâu năm cùng sự tức giận khi biết rằng hệ thống giao dịch bằng tiền thật đầy hút máu đã được tích hợp thêm vào game. Dead Space 3 đã đẩy những fan hâm mộ trung thành của mình ra xa và thất bại trong việc tìm được người chơi mới dẫn đến một cái kết buồn ảm đạm cho series game kinh dị mang tính tượng đài này và xa hơn nữa, là chính studio Visceral, mới bị đóng cửa năm vừa qua.