Valve và Steam “bại trận” ở Pháp có ý nghĩa gì với game thủ chúng ta? - PC/Console

Valve vừa bị phán quyết không được phép ngăn cản việc bán lại game ở Pháp. Phải chăng điều này sẽ cho game thủ chúng ta cơ hội bán lại game để kiếm tiền?

Vào ngày 17/9/2019, một tòa án ở Pháp đã kết luận rằng trong vụ kiện tụng giữa UFC-Que Choisirs và Valve kéo dài từ tận năm 2015 đến nay, việc Valve cấm game thủ bán lại các nội dung số trên Steam là phi pháp. Theo phán quyết đó, Valve lẫn các nhà phát triển, phát hành game không còn có thể phản đối việc bán lại game ngay cả khi nó được download trên Steam, bởi đây là một hình thức “mua bán” không thời hạn, game thủ sở hữu trò chơi vĩnh viễn chứ không phải là “thuê” kiểu subscription.

Valve và Steam “bại trận” ở Pháp có ý nghĩa gì với game thủ chúng ta?

Đây là một phán quyết quan trọng và có thể gây ra những vấn đề lớn cho tất cả các cửa hàng bán nội dung số, chứ không phải chỉ Valve và Steam. Vì vậy, Valve đã quyết định chống án – theo lời đại diện Valve là ông Doug Lombardi, Valve “không đồng ý với quyết định của Tòa án Sơ thẩm Paris và sẽ chống án. Quyết định đó sẽ không có ảnh hưởng gì lên Steam trong khi đang chống án.”

Nhưng nếu Valve chống án thất bại trong tương lai, họ sẽ phải thay đổi điều khoản dịch vụ (Term of Service – TOS) trong vòng 30 ngày kể từ phán quyết mới.

Ảnh hưởng gì đến game thủ chúng ta?

Trong thời điểm hiện tại, trừ khi bạn là một game thủ Steam mang quốc tịch Pháp, sẽ chẳng có gì thay đổi và bạn cũng không cần phải làm bất kỳ điều gì. Tuy nhiên nếu EU phán quyết rằng quyết định của tòa án Pháp là đúng đắn, họ có thể buộc Valve và Steam phải cho phép game thủ bán lại game trên toàn bộ Liên minh châu Âu.

Khác với điều luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu khiến game thủ chúng ta phải click “Accept” mệt nghỉ khi truy cập vào những trang web đặt tại châu Âu, những game thủ sống bên ngoài khu vực này sẽ không thấy nhiều thay đổi, ít nhất là trong tương lai gần khi các nhà làm luật khác còn chưa chú ý đến vụ kiện. Trong trường hợp cực kỳ hiếm hoi khi Valve bị FTC của Mỹ “sờ gáy”, Steam (và tất cả các cửa hàng online khác như GoG, Itch.io, Epic Games Store, Google Play, App Store…) đều sẽ phải thay đổi phương thức kinh doanh của mình. Tuy nhiên như Mọt đã nói, điều này gần như sẽ không xảy ra.

Rốt cuộc thì game 18+ có còn bị kiểm duyệt trên Steam?
Có vẻ như Valve đang khá lúng túng hoặc "tùy tâm sở dục" trong việc cho phép hay không cho phép những tựa game 18+ xuất hiện trên nền tảng của mình.

Valve có thể làm gì?

Đầu tiên, một điều quan trọng cần phải được nhắc đến là quyết định của tòa án Pháp nêu trên chỉ nói rằng Valve không được phép ngăn chặn game thủ bán lại game, chứ không nói rằng Valve phải giúp game thủ bán lại chúng. Nếu vi phạm điều này, khoản phạt mà Valve phải chịu cũng khá khiêm tốn:  3.000 Euro mỗi ngày trong tối đa 6 tháng – chỉ là tiền lẻ so với doanh số khoảng 4,3 tỉ USD mà Valve đạt được trong năm 2017.

Ngoài việc chống án như họ đang làm hiện tại, Valve có một vài phương thức để ứng phó. Đầu tiên, họ có thể thay đổi điều khoản người dùng của mình và nói rằng họ đang cho game thủ thuê game trong thời hạn… 99 năm, và sau đó công bố rằng Steam chỉ cung cấp dịch vụ subscription vào game chứ không phải bán game. Đây là một trò lách luật có thể sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Steam, nhưng nó có khả năng đem lại cho họ nền tảng pháp lý để tiếp tục ngăn chặn việc bán lại game cũ.

Kế tiếp, Valve có thể tạo ra một phiên bản Steam dành riêng cho Pháp, cũng tương tự như phiên bản Steam Trung Quốc hiện tại. Steam Pháp sẽ phải tuân thủ theo quyết định của tòa án Pháp nhưng sẽ chẳng có gì thay đổi với những game thủ không sử dụng dịch vụ tại quốc gia này. Việc tạo ra một phiên bản Steam mới dĩ nhiên sẽ ngốn của Valve một ít tiền của lẫn thời gian.

Valve và Steam “bại trận” ở Pháp có ý nghĩa gì với game thủ chúng ta?

Cuối cùng, phương thức thứ ba là Valve “chơi đẹp” và cung cấp cho game thủ chúng ta một phương thức bán lại game ngay trên Steam và… thu 30% cho mỗi giao dịch, đồng thời chia lại một phần lợi nhuận mới cho nhà phát hành. Vấn đề ở đây là phương thức này sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Valve lẫn của nhà phát hành, và có thể sẽ đẩy các nhà phát hành game rời khỏi Steam để đến với những nền tảng khác một cách tạm thời, ít nhất là cho đến khi các nền tảng còn lại cũng “lãnh đủ” như Steam.

Tiền lệ nguy hiểm?

Không ít người cho rằng việc tòa án Pháp ra phán quyết bất lợi cho Valve và Steam có thể được dùng như một tiền lệ để châu Âu chống lại những cửa hàng bán nội dung số khác bất kể chúng là game hay ứng dụng. Tuy nhiên khả năng điều này sẽ diễn ra là không cao, bởi ngay trong nội bộ Liên minh châu Âu cũng có những quan điểm khác nhau. Có thể bạn đã quên nhưng hồi năm 2010 và 2014, các tòa án Đức đã hai lần ra phán quyết rằng game thủ không có quyền bán lại game mà họ đã mua qua Steam. Phán quyết của các tòa án Đức lại mâu thuẫn với phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu vào năm 2012 rằng mọi người có quyền bán lại các sản phẩm mua qua hình thức download, và nhà phát hành không được phép ngăn chặn điều đó qua điều khoản người dùng cuối (EULA). Vì vậy, Valve hoàn toàn có thể dùng phán quyết của Đức để chống lại phán quyết của Pháp, và quyền quyết định sẽ thuộc về các quan tòa châu Âu.

Valve và Steam “bại trận” ở Pháp có ý nghĩa gì với game thủ chúng ta?

Dĩ nhiên Valve cũng từng thay đổi chính sách của mình dưới áp lực từ pháp lý, bởi chính sách refund rộng rãi mà chúng ta đang được hưởng ngày nay cũng từng bị xem là bất khả thi, nhưng lại trở thành hiện thực sau khi Valve bị một tổ chức Úc kiện ra tòa, thua kiện và phải trả khoản phạt 2,4 triệu USD. Nhưng Mọt cho rằng chúng ta sẽ không thấy Valve thay đổi chính sách của mình trong tương lai gần.