Hồi 2015, thiên hạ từng náo loạn khi thấy xuất hiện nguyên mẫu đầu tiên cũng là duy nhất của Nintendo Playstation, thiết bị chơi game do hai ông lớn hợp tác sản xuất, xuất hiện tại thị trường chợ đen với mức giá không tưởng. Về cơ bản đó là cỗ máy console chưa bao giờ được bán ra thị trường, số lượng sản xuất cực kỳ ít ỏi (đâu đó tầm 200 chiếc). Có thiết kế hơi ngồ ngộ khi vừa sở hữu khe cắm băng game cartridge của Nintendo, vừa có đầu CD (Compact Disc) để đọc đĩa định dạng mới của Sony. Nhìn lại thiết bị này, những tay hoài cổ lại cảm thấy hết sức ngậm ngùi khi ước gì ngày đó nếu Nintendo bớt tham lam hơn thì bây giờ cả lò PlayStation từ không có số đến số 5 chắc không bao giờ được ra mắt. Hãy cùng nhìn lại những ân oán tình thù của hai kẻ có thời đã tình chàng ý thiếp ném cẩu lương ngập mặt như truyện ngôn tình ba xu mà giờ đây hận sâu như biển, bất cộng đái thiên không khác gì mối thù giữa Tạ Tốn và Thành Khôn vậy.
Thiên hạ võ công máy game xuất Sony
Tình bạn gay thoạt nhìn có vẻ tốt đẹp của Nintendo và Sony kể ra thì dài còn hơn 3000 chương của Đế Bá. Chỉ biết từ thập niên 80 hai ông này đã cặp kè với nhau trong nhiều phi vụ làm ăn mà đôi bên cùng có lợi. Điển hình nhất là vụ Sony thầu chip âm thanh DSP cho máy SNES. Lúc này Sony gần như vô địch thanh lịch khắp vũ trụ về mấy cái linh kiện điện tử này nên máy SNES có chip âm thanh dòng SPC-700 thì nhạc nhẽo ngon lành lắm. Những thử nghiệm sau này đã cho thấy chất lượng âm thanh của dòng chip SPC-700 xuất ra âm lượng không kém cạnh gì sample của CD ca nhạc luôn. Trưởng dự án của vụ làm DSP cho SNES này chính là huyền thoại Ken Kutaragi. Thành công của dự án nói trên khiến bộ sậu tại Nintendo nhớ kỹ mặt mũi ông Ken để rồi sau này một câu chuyện thay đổi toàn bộ lịch sử của ngành công nghiệp game đã xảy ra.
Sự kiện kinh thiên động địa như Hiệp Khách Đảo mời cao thủ Trung Nguyên đi ăn cháo lạp bát bắt nguồn từ quá trình phát triển của công nghệ khi Sony phát triển định dạng đĩa CD và cuối thập niên 80. Ở thời điểm này, khi một bộ phim giáo dục giới tính chất lượng trung bình của đảo quốc cũng đã có dung lượng tính bằng gigabyte thì CD chả là cái cóc khô gì với 700MB bèo bọt. Nhưng xin nhớ cho cuối 80 đầu 90, khi người ta còn dùng băng VHS để xem phim, băng cassette để nghe nhạc thì con số 700MB đó là cái gì đó hết sức khủng khiếp mà quần hùng võ lâm vô cùng e ngại. Riêng Nintendo thì không bởi họ có vị thế của một ông chủ (từng thuê Sony làm công vụ gắn chip SPC-700 cho SNES đó thôi). Và ông chủ sẽ có suy nghĩ của ông chủ, khi biết Ken Kutaragi có ý tưởng gắn ổ CD-ROM cho SNES họ liền đặt vấn đề hợp tác.
Lật lại lịch sử một chút, trước khi định dạng đĩa CD thống trị hoàn toàn thị trường băng đĩa (phim, game, nhạc, “tài liệu học tập”…) vào giữa thập niên 90. Toàn bộ ngành công nghiệp game vẫn đang quen dùng băng cartridge lưu trữ dữ liệu của trò chơi để bán ra thị trường. Băng cartridge giá thành rẻ, dễ sản xuất và gần như đáp ứng tốt mọi nhu cầu của thời điểm đó khi mà trò chơi nặng nhất thế giới lúc bấy giờ có dung lượng chưa bằng phân nửa một tấm ảnh RAW ngày nay (số liệu ghi nhận game có dung lượng nặng nhất thập niên 80 vào khoảng 6MB). Công nghệ phát triển, nhu cầu con người tăng cao, giống như Vô Nhai Tử chưởng môn phái Tiêu Dao vậy. Y có cô vợ đẹp như tiên tên Lý Thu Thủy nhưng ẻn ẻn nhau có con rồi tự nhiên một ngày bỗng chán vợ chuyển sang crush cô em vợ, thậm chí còn tạc tượng để thỏa mãn tâm lý biến thái.
Game thủ cũng có người biến thái, may mắn chỉ là số ít nhưng tất cả bọn họ đều có một khẩu vị rất khó để chiều chuộng. Đám sản xuất game biết điều này nên ngày qua ngày, họ làm game phải đẹp hơn, nhiều nội dung cốt truyện hơn, nhiều hành động, nhiều hiệu ứng đẹp mắt hơn. Lúc này điểm yếu chết người của băng cartridge bộc lộ khi nó có dung lượng quá sida khiến các NSX không thể không chia ra nhiều băng để nhồi nhét vào. Điều này thật sự không kinh tế cũng không tiện dụng vì băng cartridge khá cồng kềnh và chi phí sản xuất dù có rẻ nhưng một game mất đến vài cuốn băng để lưu trữ không phải là ý hay. Do đó chẳng có gì khó hiểu khi ngay cả trong giai đoạn cực thịnh của băng cartridge, người ta cũng chưa hề dừng lại công cuộc nghiên cứu phát triển một định dạng mới ưu việt hơn để lưu trữ các tựa game.
Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long
Đừng hiểu lầm, vẫn chưa đến lúc nói về chiếc máy PlayStation huyền thoại đâu nhưng thật ra cái vụ này cũng rất chi là liên quan luôn, ít nhất về mặt hình tượng. Đọc qua Ỷ Thiên Đồ Long Ký chắc ai cũng biết trong ruột của Đồ Long đao là là binh pháp Võ Mục Di Thư của Nhạc Phi, một vị tướng lĩnh tài năng thời Tống để lại. Đến cuối truyện khi Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm đều gãy, bí mật lộ ra người ta mới biết đồ quý nằm ở trong ruột chớ nếu chỉ sở hữu đao kiếm nguyên vẹn, thật ra chỉ nằm ở mức thần binh lợi khí mà thôi. PlayStion cũng vậy, phải công nhận là cái console này rất ghê gớm nhưng không có cái ruột (định dạng đĩa CD) thì nó cũng chẳng tạo ra một sự đổi thay kinh khủng đến vậy trong ngành công nghiệp game.
Trở lại thời quá khứ, khi Sony công bố định dạng đĩa CD do họ nghiên cứu, chẳng khác gì một cơn địa chấn vừa bùng phát. Dung lượng quá khủng của chiếc đĩa cứng so với đĩa mềm và băng game đã khiến cho không ít nhà phát triển cũng như các đại gia làng game phải lo lắng. Nhưng họ có lo thêm cũng chẳng ích gì vì đĩa CD thật sự quá hoàn hảo vào thời kỳ đó. Mỗi chiếc đĩa lưu được 700 MB dữ liệu, gấp 100 lần những tựa game nặng nhất thời bấy giờ. Ở lĩnh vực khác của cuộc sống như âm nhạc, người dùng ban đầu có thể hơi ngợp với mức giá của một chiếc đầu máy CD nhưng sau khi nếm trải ngon ngọt mà nó mang lại, dần dà họ sẽ quay lưng lại với đầu máy phát băng cassette để chuyển sang sử dụng thiết bị phát thời kỹ thuật số với những đầu đọc mắt laser tân thời cùng đĩa CD thay cho băng từ từng là lựa chọn số một.
Ở ngành công nghiệp game, không phải Sony (lúc này còn chưa phẫn chí mà làm ra PlayStation đâu); không phải Nintendo (lúc này còn đang cay cao cùng SNES), chính NEC là kẻ khởi đầu cuộc đua máy chơi game dùng ổ đĩa CD, với add-on PC Engine vào năm 1988. Thiếu gia hay đú SEGA thấy vậy dĩ nhiên không chấp nhận làm kẻ đến sau, chỉ tầm 2 năm sau họ liền tung ra SEGA CD (hoặc Mega-CD nếu nó được bán ra ở ngoài thị trường Bắc Mỹ và Brazil), thiết bị hỗ trợ cho phép máy Sega Genisis có thể đọc được đĩa CD đồng thời tích hợp bộ xử lý trung tâm giúp trò chơi chạy mượt hơn đồng thời cải tiến đồ họa. Khi không chơi game, SEGA CD có tác dụng như một máy chơi nhạc thông thường khi cân luôn cả đĩa CD lưu trữ âm thanh. Nintendo thấy vậy bắt đầu e ngại nên đã đổ cả đống tiền để phát triển những nền tảng phần cứng chạy được đĩa CD.
Sony làm ra đĩa CD, họ đã kiếm đầy bồn đầy bát rồi nhưng ở đời tham thì sẽ được thêm nên họ cũng chẳng muốn bỏ qua miếng bánh trong thị phần thiết bị chơi game gia đình. Nhưng than ôi, khác với sự hùng bá trong lĩnh vực điện tử gia dụng, trong địa hạt game vào thời đó Sony chả là cái đinh gì bất chấp thằng cha này đã đổ không biết bao nhiêu tiền vào để đánh chiếm thị phần. Những thất bại đau đớn từ mẫu máy tính MSX và thương hiệu phát hành game mang tên ImageSoft khiến tham vọng của bộ sậu tại Sony bị thử thách ghê gớm. Cuối cùng, hai tâm hồn cô đơn cũng phải gặp nhau để cất lên bản giao hưởng rên rỉ đầy nỉ non. Nintendo cần kinh nghiệm về định dạng đĩa CD của Sony, trong khi kẻ kia cần nền tảng vững chắc trong thương vụ làm máy chơi game console. Thế là hai ông bạn gay tốt ngày trước giờ lại bắt tay thêm lần nữa với sợi dây liên kết là đức ngài Ken Kutaragi đáng kính.
- Nintendo Playstation và câu chuyện 2 ông lớn xỏ nhau
- Võ lâm tranh đoạt: Nintendo Playstation truyền kỳ – P.1