Sư tử vồ thỏ cũng dùng hết toàn lực
Khát vọng của Sony trong vụ án thực hiện Nintendo Playstation/SNES PlayStation rất đơn giản, họ cần kinh nghiệm thống trị thị trường game console của đối tác để bước chân vào cuộc chơi. Không phải Sony không muốn làm một mình nhưng các thất bại trước đó đã khiến bộ sậu lãnh đạo tại công ty nhận ra bản thân chỉ là newbie trong lĩnh vực này, cường long mà không có địa đầu xà dẫn đường thì cũng khó mà làm nên chuyện được. Về phần Nintendo, gã khổng lồ này liệu có ngốc đến mức khơi khơi giúp cho một đối thủ có tiềm năng kinh khủng như Sony bước vào phân chia miếng bánh của thị trường? Đáp án dĩ nhiên là không. Con hàng này ngoài mặt cười cười nói nói nhưng đằng sau, Yamauchi đã chuẩn bị sẵn màn lật kèo khi bí mật thuê Philips, tập đoàn điện tử Hà Lan tạo ra ổ đĩa CD cho SNES. Sony lúc này vẫn chưa biết gì và vẫn hoan hỷ với kế hoạch Nintendo Playstation/SNES PlayStation sẽ giúp họ mở ra cánh cửa của thị trường game.
Mối quan hệ nửa vời bắt đầu rạn vỡ tại hội chợ điện tử tiêu dùng CES vào năm 1991. Trong khi Sony hân hoan giới thiệu định dạng CD mới cải tiến cùng concept về một thiết bị đọc đĩa CD dành cho SNES thì ngay hôm sau họ đã bị đối tác quan trọng nhất vả vào mặt một cú đau điếng khi phủ nhận hoàn toàn mọi thỏa thuận trước đó, đồng thời tuyên bố sự hợp tác với Philips trong quá trình khai phá nền tảng console thế hệ mới sử dụng đĩa CD. Ngày nay nhiều người vẫn cho rằng Philips khi ấy đã chi hàng tấn tiền để Nintendo xé hiệp ước với Sony làm giấy chùi ***. Nhưng e mọi sự không có đơn giản như vậy. Cảm giác ngoài động cơ tiền bạc, Yamauchi còn muốn “dạy” cho các lãnh đạo tại Sony một bài học để nhìn nhận được vị thế chính xác của bản thân đang đứng ở đâu nữa. Theo nhìn nhận của Nintendo thời điểm ấy, Sony như gã nhà giàu mới nổi, chúng nó có thể nắm trùm trong ngành điện tử tiêu dùng nhưng bước qua địa hạt game thì chỉ là tân thủ không hơn không kém.
Cú tát tại CES 1991 rất đau, đau đến lộn ruột, đau chết đi sống lại và đau đến mức khiến lòng tự tôn của Sony bị tổn thương nghiêm trọng. Thay vì biết điều làm người như Nintendo kỳ vọng, họ quyết định ngoài mặt phục tùng nhưng âm thầm làm trùm xóm *** để chờ ngày trả lại cả vốn lẫn lãi. Có vẻ kèo này Yamauchi đã tính sai khi dự kiến hết thảy mọi thứ nhưng không dự kiến được sự bá đạo của Sony, bây giờ thì Sony đã thâu liễm rất nhiều rồi chứ ngày xưa máu chó vô cùng luôn. Nhưng Nintendo lúc đó mạnh khủng khiếp nên dù cay lắm nhưng Sony vẫn chưa muốn lật kèo. Thậm chí họ còn tiếp tục ký một thỏa thuận với Nintendo, cả hai đồng ý rằng chiếc máy SNES PlayStation vẫn sẽ được hoàn thiện và bán ra thị trường, nhưng lợi nhuận sẽ đổ vào túi của Nintendo nhiều hơn. Phi vụ câu giờ này không kéo dài lâu khi ráng lết qua được năm 1992 và bị hủy bỏ hoàn toàn khi cuối cùng Sony phải chấp nhận sự thật rằng Nintendo không bao giờ muốn giúp họ bước chân vào thị trường game.
Lúc này dù có tự gạt mình gạt người thì Sony cũng phải hiểu rõ ràng mọi thỏa thuận bấy lâu nay giữa đôi bên chỉ là động thái của Nintendo nhằm ngăn không cho Sony tham gia thị trường máy chơi game. Ngay cả quân bài dự bị Philips cũng bị Nintendo chơi xỏ lá dẫn tới việc hãng điện tử Hà Lan tung ra chiếc máy CDi, nhưng hoàn toàn bị cộng đồng game thủ ngó lơ. Nintendo có thể không cần quan tâm đến cảm xúc của những đối tác bị họ chà đạp nhưng một khi cơn giận của lòng tự ái bị tổn thương bùng phát, nó sẽ rất khó lường. Như trong Hiệp Khách Hành chẳng hạn, khi phu nhân Sử Tiểu Thúy bị lão chồng Bạch Tự Tại làm cho chạm tự ái đã bỏ nhà ra đi. Chưa đã cơn giận, bà ta còn sáng chế ra Kim Ô Đao Pháp khắc chế tuyệt đối kiếm pháp phái Tuyết Sơn của mình. Kim Ô là mặt trời, vầng thái dương chói chang mà gặp tuyết (sơn) thì kết quả ra sao ai cũng biết rồi ha. Chọc vào lòng tự tôn hay tự ái của đối phương gây hậu quả nghiêm trọng lắm chứ chẳng chơi.
Quân tử trả thù, ngày nào cũng được
Ken Kutaragi có thể là một kỹ sư vui tính nhưng ông cũng là một con người nhiệt huyết. Vụ Sony bị làm nhục khiến tay kỹ sư này cảm thấy bản thân nên làm điều gì đó để trả mối hận này. Bên cạnh đó trưởng dự án Nintendo Playstation/SNES PlayStation cũng cho rằng, tất cả những khoản vốn đầu tư, những công sức mồ hôi xương máu của các kỹ sư Sony không nên để đổ sông đổ bể như vậy. Sony nên tiếp tục tiến vào thị trường game mà không cần nhờ tới sự trợ giúp của Nintendo. Thậm chí Ken còn nhận ra điều quan trọng nhất là nền tảng đồ họa 2D với hạn chế CPU 16-bit đã trở nên lỗi thời. Tại sao Sony không tận dụng cơ hội này để khai phá hết tiềm năng của đĩa CD bằng cách nâng lên 32-bit với phần cứng được phát triển riêng để chạy game 3D theo thời gian thực? Ban lãnh đạo Sony nghe Ken trình bày cũng bùi tai lắm nhưng nghĩ tới công sức bấy lâu nay không được gì lại phải tốn thêm mớ tiền khai phá riêng máy PlayStation thì hãi quá.
Nhiều cuộc họp được tổ chức mà không mang lại kết quả gì bởi trong thâm tâm của giới chóp bu tại Sony dù rất căm tức Yamauchi cùng Nintendo nhưng họ chưa có đủ dũng khí để đối chọi với con quái vật khổng lồ này. Ken Kutaragi quyết định tung chiêu cuối, đánh trúng chỗ ngứa của những vị giám đốc tập đoàn khổng lồ. Đó là sức mạnh của tình bạn! Nhầm. Đó là sức mạnh đến từ lòng thù hận. Ông ta trần thuật một điều rất hiển nhiên rằng tạo ra PlayStation không chỉ để bước chân vào thị trường game đầy béo bở. Đó còn nhằm mục đích trả lại cái bạt tai còn đau nhói năm nào mà Nintendo từng vả vào mặt Sony tại CES. Cuối cùng lòng tự ái của các sếp’s đã chiến thắng. Dẫu gì họ cũng là một phương hét ra lửa trong ngành điện tử tiêu dùng, Nintendo có thể mạnh thật nhưng bung tiền ra chơi chưa biết ai thật sự chết về tay ai đâu. Vậy khi thế thời thời phải thế, sao không làm một vố lớn cho đám kiêu căng tại Nintendo biết mặt, không thành công cũng thành thụ mà.
Với nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của Ken Kutaragi cùng đám thuộc hạ trâu bò, năm 1994 đánh dấu sự hoành không xuất thế của PlayStation. Sony đã tính toán thời điểm quá độc, năm đó SNES đang bước vào sự thoái trào trong những năm cuối của dòng đời và sự xuất hiện của PlayStation lật đổ hoàn toàn nhận thức của giới game thủ. Không còn những màn hình phẳng với đám nhân vật 2D, giờ đây thế giới game bắt đầu có “chiều sâu về không gian” thật sự chớ không phải sử dụng thủ pháp đổ bóng hình ảnh 2D để tạo cảm giác nữa. Phần cứng của PlayStation quá mạnh mẽ và nó còn được hưởng lợi khi tương thích hoàn hảo với định dạng đĩa CD đang rất hot lúc bấy giờ. Khỏi phải nói luôn, y như mấy em Sky bây giờ được gặp mặt tiếp chuyện với Sếp’s vậy, các nhà phát triển và phát hành game không hẹn mà gặp, cùng xù lông xông lên dâng hiến game cho PlayStation, biến nó trở thành cỗ máy console đầu tiên bán được hơn 100 triệu máy trên toàn thế giới.
Nintendo bắt đầu hoảng loạn, bắt đầu cảm thấy sợ hãi trước kẻ mà tầm 10 năm về trước còn đi làm thuê gắn chip âm thanh cho mình, bị mình làm nhục cũng không dám phản kháng. Họ nhanh chóng đổ tiền vào dự án Nintendo 64 với mong muốn nó sẽ trở thành đối trọng của chiếc console do Sony sản xuất. Nói một cách công tâm, chất lượng của N64 tốt hơn PlayStation nhưng không tốt hơn quá nhiều khi chất lượng một bên được 10 thì bên kia cũng cỡ 8.5~9. Nhưng việc ra mắt chậm hơn khi PlayStation đã trở thành chuẩn mực khiến N64 không thể coi là thất bại nhưng khoảng cách đến cái gọi là thành công rực rỡ là mục tiêu không bao giờ có thể với tới. N64 vẫn sống tốt, vẫn có tập khách hàng riêng vì danh tiếng cùng những tựa game độc quyền của Nintendo và các NSX ngự dụng nhưng nó mãi mãi nằm ở chiếu dưới cũng như không bao giờ thoát khỏi dâm uy cực kỳ khủng bố của PlayStation. Đến năm 2001, Microsoft cũng có câu chuyện hơi giống với Xbox nhưng Mọt tui không phải fan của hãng này nên sẽ không kể thêm ở đây.
Đó chính là toàn bộ câu chuyện về một chiếc máy chơi game console dù không bao giờ có cơ hội được ra đời nhưng lại ảnh hưởng cực lớn tới mức có thể thay đổi số phận của nhiều công ty, nhiều con người trong thị trường game. Có kẻ thỉnh thoảng vẫn chép miệng nếu thời đó, Nintendo bớt tham lam, tiếp tục bắt tay với Sony, thì ngày hôm nay chắc chắn chúng ta sẽ có một làng game khác biệt hoàn toàn. Mọt tui không cho là như vậy, Nintendo khi đó đã là vương giả tối thượng trong ngành công nghiệp game và họ không có lý do gì phải coi trọng cảm xúc của Sony, dù kẻ kia cũng không phải hạng dễ trêu chọc. Chẳng qua họ đã thất bại khi gìn giữ ngai vàng của mình trước kẻ khiêu chiến mà thôi. Bây giờ Sony vẫn rất mạnh nhưng Microsoft cũng không phải loại ăn chay trường. Ngoài ra Nintendo sau nhiều năm mất phương hướng cũng có sự trở lại mạnh mẽ cùng chiếc máy Switch. Giờ thì cứ thử đánh nhau đi, ai sống ai chết, ai phế võ công, ai mà biết cơ chứ!
- Nintendo Playstation và câu chuyện 2 ông lớn xỏ nhau
- Võ lâm tranh đoạt: Nintendo Playstation truyền kỳ – P.1
- Võ lâm tranh đoạt: Nintendo Playstation truyền kỳ – P.2
- Võ lâm tranh đoạt: Nintendo Playstation truyền kỳ – P.Cuối