10 Tựa game điện tử băng gắn liền với tuổi thơ 8x, 9x

Cái thời mà game điện tử băng vẫn đang làm "bá chủ" thì biết bao người đã trốn học, bỏ ăn, bỏ ngủ, thậm chí trèo tường sang nhà hàng xóm chỉ để hí hoáy chiếc tay cầm chơi game 4 nút trước màn hình TV.

Đối với thế hệ 8x hay đầu 9x thời ấy thì thế giới công nghệ lúc đó là một thứ gì đó rất diệu kỳ. Có đứa trẻ nào cưỡng lại được sút hút từ các game điện tử băng chứ? Tuy độ phân giải thấp và cách chơi khá đơn giản nhưng đây lại chính là sức hút của những tựa game đã làm tuổi thơ của chúng ta thêm sống động. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ cảm giác điều khiển Mario đi cứu công chúa hay khi con Pacman cố gắng chạy trốn khỏi những con ma đủ màu chứ. Hãy cùng nhau điểm lại những game điện tử tuyệt nhất mà chúng ta không thể nào quên nhé. Super Mario Brothers 3

Super Mario là dòng game kinh điển, không chỉ ở điện tử cắm băng mà còn trên cả những nền tảng khác. Ban đầu Super Mario được Nintendo phát triển trên nền tảng NES Console vào năm 1985. Trong game, người chơi sẽ điều khiển "anh thợ sửa ống nước" Mario vượt qua Vương quốc Nấm để cứu công chúa. Trò chơi có cách chơi tương đối đơn giản: chỉ cần di chuyển, nhảy, cúi và nếu ăn được hoa có thể bắn lửa. Ở phiên bản Super Mario Brothers 3, người chơi có thể nhặt các con quái thú lên và ném chúng, thậm chí là điều khiển cho Mario biến thành con cáo bay. Vì thế, phiên bản game này đã trở thành phiên bản tuyệt nhất lúc bấy giờ. Đồ họa cũng được cải tiến hơn nhiều so với bản gốc Super Mario. Contra

Contra là một tựa game theo thể loại chạy và bắn khá nổi tiếng trên thế giới, được phát triển bởi hãng Konami. Tựa game này được tung ra lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 2 năm 1987 dưới dạng trò chơi điện tử bằng xèng. Phiên bản dành cho gia đình mãi phải tới năm 1988 mới xuất hiện cùng Nintendo Entertainment System và từ đó, Contra nhanh chóng được phát triển sang nhiều nền tảng khác. Ở Việt Nam, Contra là một trong những game điện tử băng được yêu thích nhất nhờ cốt truyện đặc sắc, lối chơi đơn giản nhưng nhịp độ nhanh, lôi cuốn.

Đặc biệt, chẳng cần là một dân nghiền game thì chắc chắn bạn cũng từ nghe đến cụm từ "phá đảo". Có bao giờ bạn thắc mắc về nguồn gốc của nó không? Thực ra "phá đảo" chính là xuất phát từ game này mà ra. Sau khi người chơi vượt qua được tất cả các thử thách và tiêu diệt được trùm cuối, họ sẽ được xem một đoạn phim ngắn cho thấy cảnh hai người hùng lên một chiếc trực thăng để thoát khỏi hòn đảo đang phát nổ. Cảnh game huyền thoại này đánh dấu sự chiến thắng của bạn trong Contra và bởi Contra là một trong những tựa game rất được người Việt yêu thích và gắn bó, từ "phá đảo" về sau được dùng với rất nhiều trò chơi khác để ám chỉ sự chiến thắng mặc dù trong game có thể chẳng có hòn đảo nào cả. Mike Tyson’s Punch Out

Thực ra tựa game này là một bản port của series Punch-Out từ các máy arcade lên NES. Việc này vừa để tiếp tục nối dài sự thành công của series vừa để tận dụng tên tuổi của tay đấm đang lên như mặt trời ban trưa thời điểm đó là Mike Tyson. Để có đươc bản quyền hình ảnh, Nintendo đã chịu chi ra 50.000 USD cho một hợp đồng 3 năm với Mike Tyson. Thương vụ này đặc biệt trở nên thành công khi Mike Tyson vô địch WBC hạng nặng vào năm 1986, ngay sau đó một năm Nintendo cũng cho ra Mike Tyson’s Punch-Out. Và không khó hiểu khi nó ngay lập tức trở thành một cơn sốt cho game thủ. Ngoài việc đưa phần lối chơi quen thuộc ở các phiên bản cũ, Mike Tyson’s Punch-Out cho người chơi thử nghiệm cảm giác đánh bại nhà vô địch quyền anh thế giới trong vai trò là trùm cuối, một chiêu trò kinh doanh hiệu quả biến Mike Tyson’s Punch-Out trở thành một trong các tựa game huyền thoại từ đó tới nay. Popeye

Tựa game này do Nintendo phát hành năm 1986. Nghe tên thôi là chúng ta cũng dễ dàng nhận ra game lấy cảm hứng từ câu chuyện tình tay ba của thủy thủ Popeye, nàng Olive và anh chàng phá đám Bluto trong loạt phim hoạt hình nổi tiếng Popeye.
Excite Bike

Cái tên Excite Bike nghe có vẻ quá xa lạ với hầu hết người chơi Việt Nam, thực ra chúng ta thường gọi nó bằng những cái tên quen thuộc hơn như “đua xe” hay “đua xe vượt địa hình”. So với những game trên NES thời đó thì Excite Bike là cả một sự cách mạng, khi nó là game đầu tiên cho phép game thủ tự thiết kế màn chơi của riêng mình.

Excite Bike có 3 kiểu chơi là đua một mình, đua với máy và thiết kế màn chơi. Game tuy chỉ có 5 màn chơi nhưng lại chứa đầy những niềm vui không tả, nhất là khi nhân vật của bạn bị ngã lộn cổ theo đúng nghĩa đen khi băng qua các chướng ngại vật. Vào cái thời mà khái niệm game đua xe còn hoàn toàn xa lạ thì cảm giác băng qua mấy ngọn đồi liên tiếp nhau thực sự rất đã. Hình ảnh của game cũng cực kỳ tuyệt vời, nhất là cảnh tượng tay đua lật đật chạy lại nhặt xe mỗi khi ngã hay bị cuốn quay vòng vòng mỗi khi đổ dốc thất bại. Rad Racer

Rad Racer là tựa game về đề tài đua xe của hãng Square "ra lò" năm 1987. Với 2 triệu bản được bán ra, Rad Racer trở thành một trong những game đua xe hay nhất trên NES Console. Trong game này, bạn sẽ điều khiển chiếc Ferrari 328 hay chiếc xe F1 xuyên suốt chặng đua. Rad Racer còn cho phép người chơi thưởng thức vòng đua ở chế độ 3D bằng cách bấm "Select" và dĩ nhiên phải đeo kính 3D để trải nghiệm.
Mega Man 2
Phiên bản Mega Man đầu tiên đã khá thành công và những phiên bản khác trong series cũng được đánh giá cao. Nhưng nếu chỉ được chọn ra một phiên bản duy nhất để đại diện cho cả series thì chắc chắn đó là Mega Man 2. Mega Man 2 khắc họa hình tượng những con boss tốt hơn, đồ họa và âm nhạc cũng không chê vào đâu được và vũ khí thì đỉnh của đỉnh. Chưa dừng ở đó, hộp năng lượng dự trữ E-tank chính là một bước đột phá lớn lao. Double Dragon 2
Đa số những game thủ đời đầu đều ít nhất một lần chơi thử những game đi cảnh đơn giản với hệ máy 4 nút như Double Dragon. Double Dragon II do hãng Acclaim Entertainment phát hành năm 1990. Tựa game này thuộc thể loại "beat them up" có độ thử thách khá cao nhưng đồng thời tỷ lệ thuận với niềm vui khi chơi cùng nhau. Người chơi điều khiển một trong hai anh chàng là Billy và Jimmy trong hành trình trừng trị kẻ ác, trả thù cho cái chết của Marian - nữ thành viên của của băng Double Dragon đã bị thủ lĩnh băng Black Warriors bắn chết. Maniac Mansion
Có quá nhiều thứ để nói về chuyến phiêu lưu kỳ quái này của Dave Miller và những người bạn. Mỗi nhân vật trong game đều có những kỹ năng sinh tồn cơ bản, những thói quen, điệu bộ cử chỉ, lời nói rất đặc trưng khiến họ trở nên đặc biệt dễ phân biệt và dễ nhớ. Những tình huống trong game khá hài hước nhưng lại hơi creepy như “bảo dưỡng” chiếc lò vi sóng bằng một con chuột đồng, ... cùng những kết thúc đa dạng của game (dựa trên những việc mà bạn đã làm hoặc không làm trong khi chơi) khiến chúng ta không thể không coi đây là trò chơi tiên phong trong việc đặt nền móng cho những series game kinh dị xuất sắc xuất hiện sau này như: Resident Evil, Silent Hill, Alone In The Dark hay Clock Tower… The Legend of Zelda Sau thành công vang dội của Super Mario Bros, Nintendo tiếp đà chiến thắng và tung ra bom tấn thứ 2 ngay sau đó chỉ một năm. The Legend of Zelda ngay lập tức trở thành một hiện tượng tại Nhật Bản trước khi nó càn quét cả thế giới và trở thành một tựa game huyền thoại, con gà đẻ trứng vàng cho Nintendo kể từ đó về sau.

Cả Super Mario Bros lẫn The Legend of Zelda đều là những tựa game khai sáng cho cộng đồng khi tiên phong đưa âm nhạc trở thành một phần quan trọng trong lối chơi. Nếu so sánh với những game thời đó chỉ là những âm thanh đơn điệu thì The Legend of Zelda thực sự là một kiệt tác không thể so sánh được. Tựa game đã mở đường và tạo cảm hứng cho rất nhiều thế hệ về sau đi theo. The Legend of Zelda cũng là tựa game đầu tiên cho phép người chơi save game, mặc dù nó hơi phiền phức khi bạn cần một cục pin gắn ngoài, nhưng chừng đó vẫn là quá đủ để “mê hoặc” hàng mấy thế hệ già trẻ suốt hơn 30 năm rồi.