Con khủng long nào đáng để Mọt tui gọi là khó ưa nhất trong làng game? Không phải con Giganotosaurus trong Dino Crisis, không phải Alpha 06 trong Jurassic World: The Game, càng không phải những đàn khủng long to nhỏ đủ cỡ nhét hành cho Mọt tui vô số lần trong Ark: Survival Evolved mà Epic vừa tặng miễn phí gần đây. Đó là con khủng long trong… minigame của trình duyệt Chrome, luôn xuất hiện mỗi khi đường truyền internet có vấn đề và bạn không thể tiếp tục chìm đắm vào thế giới online. Như ông bà ta thường nói “yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”, chú T-Rex tội nghiệp do đặc thù khi xuất hiện đã trở thành con khủng long bị ghét nhất làng game.
Sự ra đời của game khủng long
Xuất hiện lần đầu tiên trong Chrome vào tháng 9/2014, chú khủng long của chúng ta thật ra được tạo nên với mục đích cao đẹp là dành cho những người dùng thích táy máy một bất ngờ thú vị khi rớt mạng, bởi Google hoàn toàn không nói gì về nó trong bản update Chrome. Nó là nhân vật chính của một minigame nho nhỏ khi bạn điều khiển chú ta nhảy nhót tưng bừng trong một thế giới 2D vô tận và cực kỳ nguy hiểm, đến mức chỉ một gai xương rồng cắm vào chân cũng đủ để “knock out” người chơi.
Lý do mà Chrome chọn con khủng long làm nhân vật chính trong trò chơi không tên (tạm gọi là Chrome Dino) này thật ra rất dễ hiểu: người thiết kế trò chơi là ông Sebastien Gabriel nói rằng khi rớt mạng và không có Wi-Fi, người ta sẽ cảm thấy như mình “trở về thời tiền sử,” và thế là con khủng long được chọn. Một điều thú vị khác mà Mọt muốn chia sẻ cùng các bạn là khi mới bắt đầu phát triển, trò chơi được gọi là Project Bolan. Cái tên này được đặt ra để tưởng niệm ca sĩ Marc Bolan quá cố, giọng ca chính của ban nhạc rock T-Rex vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Bạn có muốn biết tại sao con khủng long và cảnh vật xung quanh nó lại đơn giản đến vậy không? Ban đầu, các kỹ sư Google định cho khủng long khả năng quay đầu, gào rú để báo hiệu rằng người dùng có thể tương tác với nó, nhưng rồi quyết định chỉ tạo ra đúng ba động tác thật cứng nhắc là chạy, nhảy và cúi người, những độc tác mà bất kỳ tựa game dạng endless runner nào cũng phải có.
Bên cạnh đó, do đã vẽ sẵn xương rồng, sa mạc làm bản nháp của trang “You are offline”, nhóm làm Chrome Dino quyết định giữ mọi thứ thật đơn giản cho giống với những trò chơi ra đời trong thời tiền sử của ngành game, hay nói cách khác là những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Kể từ khi ra mắt Chrome Dino đã được cập nhật khá nhiều lần, chẳng hạn bổ sung thêm lũ thằn lằn bay Pterodactyl hay chế độ ban đêm. Đôi khi chú khủng long cũng thoát khỏi cảnh trần truồng khi được diện một chiếc nón xanh dương trong ngày sinh nhật của Chrome.
Có ghét cũng có yêu
Những tưởng chỉ là một minigame để chúng ta giết thời gian trong khi chờ đợi internet trở về với thôn làng, ấy vậy mà chú khủng long này cũng rất lắm fan. Mọt tui được biết rằng có những game thủ đã đạt điểm số cả chục ngàn, một con số mà có lẽ chỉ những game thủ thừa thời gian nhất, nhàm chán nhất và cũng tài giỏi nhất mới có thể nhận được bởi độ thử thách của game tăng không ngừng theo thời gian. Có khá nhiều bản sao của trò chơi xuất hiện trên internet dưới dạng minigame trên web hay app trong các cửa hàng, và có lẽ nó góp phần giúp dự án Kickstarter phát triển Dino Run 2 với đồ họa đẹp mắt hơn thành công!
Theo một số liệu được kỹ sư Edward Jung của Google tiết lộ 2 năm trước, mỗi tháng các cư dân mạng (nhưng không có mạng) trên khắp thế giới chơi Chrome Dino đến khoảng 270 triệu lần. Đại đa số những “game thủ bất đắc dĩ” này đến từ các khu vực có đường internet kém cỏi như Brazil, Indonesia, Mexico, Ấn Độ,… Ngày nay lượng người online đã tăng lên rất nhiều, nên số lượng game thủ gặp gỡ chú khủng long hẳn cũng đã tăng cao. Với những game thủ này, chú khủng long vừa khó ưa vừa dễ mến bởi nó đem đến cho họ chút giải trí trong khi chờ đợi internet trở lại, nhưng Mọt dám cá là ai cũng vừa chơi vừa hóng cho con khủng long chết tiệt này “biến cho khuất mắt” khi chơi.
Mọt tui không đùa khi nói rằng người ta vừa yêu vừa ghét Chrome Dino. Dù ông Edward Jung nói rằng nó chỉ là một con T-Rex thân thiện giúp người ta đỡ nhàm chán khi mất kết nối, nhưng rồi nhóm phát triển Chrome Dino lại gặp một điều bất ngờ thú vị. Theo các phản hồi mà Google nhận được, trò chơi quá hấp dẫn và gây nghiện đến mức học sinh, nhân viên văn phòng mê mẩn đến mức bỏ quên học tập và công việc. Thế là nhóm kỹ sư làm ra trò chơi phải tạo ra một tính năng cho phép những người quản trị mạng vô hiệu hóa nó nhằm tránh khỏi vấn đề trên.
Điều này cũng dẫn đến việc họ phải tạo ra một cách để gặp lại nó dễ dàng ngay cả khi đang có mạng. Chỉ cần gõ dòng chữ chrome://dino vào thanh địa chỉ của trình duyệt là bạn có thể gặp được chú ta để thử thách khả năng phản xạ cũng như sự kiên nhẫn của mình ngay lập tức. Dòng địa chỉ này áp dụng được cả với Chrome bản PC lẫn mobile, và bạn có thể thử gặp nó ngay bây giờ để xem mình có thể được bao nhiêu điểm. Hơi đáng tiếc là Chrome không có tính năng ghi lại thành tích để giúp game thủ thế giới biết được ai là “siêu nhân” thực thụ trong trò chơi này.
Với các tay nerd “rành 6 câu” về máy tính và lập trình, chuyện tự nhảy để ghi điểm chỉ là trò sơ cấp. Bởi Chrome Dino được tạo ra bằng Javascript đơn giản, họ có thể hack game để con khủng long tiếp tục chạy và ghi điểm ngay cả khi đã chạm vào xương rồng, hoặc viết hẳn một đoạn mã autoplay đơn giản để khủng long tự động nhảy tránh mọi chướng ngại vật một cách hoàn hảo. Nếu Chrome Dino có một bảng xếp hạng, có lẽ nó sẽ bị thống trị bởi những nhân vật này.
Nhưng thực sự thì điểm số tối đa mà bạn có thể nhận được là bao nhiêu? Không ai biết, nhưng ông Edward Jung có nói rằng họ thiết kế trò chơi với mục tiêu khiến game thủ phải mất… 17 triệu năm để “phá đảo,” bằng với khoảng thời gian mà T-Rex từng tồn tại trên trái đất. Nếu bạn không tin lời của ông ta và muốn thử sức mình với trò chơi này xem thời gian thực tế sẽ mất bao lâu, hãy chuẩn bị đủ số lượng bàn phím và máy phát điện để tránh những vấn đề có thể xảy ra nhé!
Tại sao khủng long lại chạy?
Lý do chính thức mà Google đưa ra để giải thích tại sao con khủng long trong Chrome Dino muốn chạy và nhảy suốt 17 triệu năm là để giúp người dùng Chrome giải sầu, nhưng Mọt tui muốn nghĩ ra một lý do nào đó sang chảnh hơn cho nó. Có lẽ nó đang đi tìm mẹ như chú khủng long cổ dài trong The Land Before Time, hoặc nó cũng giàu trí tưởng tượng hệt như lúc bạn ngồi trong xe, nhìn ra cửa sổ và tưởng tượng có một gã nào đó bận đồ xanh đỏ đang nhảy nhót ngang qua dòng xe ngược chiều hay bay lượn trên nóc các ngôi nhà. Nhưng bất kể chú ta chạy vì lý do gì, điều quan trọng là chúng ta có được những phút giải trí thú vị khi nhìn đôi chân ngắn ngủn của nó nhúc nhích trên con đường dẫn tới màn hình Game Over.