Vụ kiện 30% của Epic và quan điểm các bên
Một lần nữa, Epic lại chứng minh rằng họ xứng đáng với cái tên của mình khi khơi mào cho cuộc chiến ở tầm cỡ “vô tiền khoáng hậu” với Apple và Google. Bằng cách đưa tính năng mua V-Buck trực tiếp từ Epic vào Fortnite thay vì thông qua Apple hay Google, Epic đã né qua khoản phí 30% trong hợp đồng mình ký kết với hai nhà phát triển hệ điều hành di động, và lập tức khởi kiện theo đúng kế hoạch khi Fortnite bị xóa khỏi cửa hàng. Hẳn bạn đã biết rõ lý do của cuộc chiến: bên dưới lớp áo khoác đạo mạo “vì các quyền tự do cơ bản của nhà phát triển và game thủ,” nguyên nhân căn bản là vì Epic không thích việc mình phải mất gần 1/3 doanh thu từ mọi giao dịch mua bán trong Fortnite cho hai gã khổng lồ của làng công nghệ, và quyết tâm thay đổi tình trạng đó.
Thật vậy, một số ước tính của các tổ chức nghiên cứu thị trường nói rằng Fortnite thu về khoảng 44 triệu USD chỉ riêng trong tháng 4/2020. Dĩ nhiên không phải toàn bộ nguồn thu này đều đến từ Android và iOS, bởi một phần không nhỏ của con số 44 triệu USD này được đóng góp bởi game thủ PC, PS4, Xbox One, Switch. Trong số 6 nền tảng mà Fortnite đang hoạt động, chỉ có PC là Epic không phải nộp tiền cho ai bởi tính chất mở của nó, trong khi cả 5 nền tảng còn lại (iOS, Android, PS4, Xbox One, Switch) thì Epic đều phải mất 30%. Rõ ràng đây là một số tiền đủ lớn khiến Epic tìm cách để không phải chia sẻ nó với người ngoài.
Sau khi vụ kiện diễn ra, cả Google lẫn Apple đã nói rõ lập trường của mình: họ sẽ không cho Epic được ngoại lệ. Apple nói nếu Epic muốn Fortnite được trở lại App Store thì tính năng mua V-Buck không thông qua Apple phải bị xóa bỏ. Apple cũng ra “tối hậu thư” cho Epic 2 tuần để làm điều này nếu không muốn nhận chiêu trả đũa là loại Epic khỏi chương trình Apple Developer Program, khiến Epic không còn có thể sử dụng các công cụ phát triển phần mềm cho iOS hay Mac. Bên phía Google thì họ chỉ nói rằng Android cho phép game thủ truy cập vào các ứng dụng ngoài Play Store lẫn mua sắm trong các ứng dụng đó mà không cần phải thông qua Google hay phải chia 30%.
30% đến từ đâu?
Theo Mọt được biết, ông Steve Jobs – đồng sáng lập Apple là người đã đưa ra điều luật buộc những công ty như Epic phải chi 30% doanh thu từ việc bán ứng dụng hay đăng ký thành viên (subscription) trên App Store. Quy định này đã được giữ nguyên kể từ ngày đầu tiên của App Store, và thay đổi duy nhất là việc giảm giá còn 15% khi người dùng đã đăng ký thành viên trên một năm. Android ra mắt sau đó và đơn giản là đi theo mức phí 30% mà Apple đang sử dụng.
Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi con số 30% đó bắt nguồn từ đâu mà ngày nay ai cũng sử dụng? Theo sự tìm hiểu của Mọt, khoản phí này đã tồn tại gần 40 năm và khởi nguồn từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó, Windows còn chưa tồn tại và Nintendo đang là kẻ thống trị thị trường game với hệ máy console Famicom vừa ra mắt. Namco – một trong những nhà sản xuất game arcade lớn nhất thời bấy giờ – liên kết với một nhà làm game khác là Hudson Soft (tác giả của Bomberman) để đề nghị Nintendo mở cửa hệ máy Famicom cho các hãng khác cùng làm game.
Nintendo chấp thuận lời đề nghị này, tuy nhiên vấn đề ở đây là so với Nintendo thì cả Namco lẫn Hudson Soft đều khá nhỏ và không có khả năng sản xuất băng game cho máy Famicom. Vì vậy, Namco đưa ra một lời đề nghị mới: họ sẽ trả Nintendo 10% phí bản quyền để được làm game cho Famicom, còn Hudson trả thêm 20% để Nintendo sản xuất băng game. Nhìn thấy được lợi ích của những lời đề nghị này, Nintendo gật đầu đồng ý và thế là nó trở thành nền tảng của khoản phí 30% ngày nay.
Kể từ khi ra mắt, khoản phí này đã có một vài lần giảm xuống rồi lại tăng lên do sự thay đổi của phương tiện lưu trữ (băng, đĩa mềm, đĩa CD, DVD), nhưng nó đã trở thành con số chung mà đại đa số mọi người đều chấp nhận. Apple, Google, Microsoft, Sony, Valve đều thu phí 30% từ các phần mềm, game được bán trên nền tảng của mình, bất kể chúng được bán qua đĩa vật lý hay tải về từ internet. Cũng có một số trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn Microsoft từng thu phí 40.000 USD mỗi lần nhà phát triển muốn tung ra một bản patch cho game trên Xbox 360, còn trên PS3 thì Sony thu 0,16 USD mỗi GB patch mà game thủ tải về – tức là nếu bản patch 1 GB được 100.000 game thủ tải về, nhà phát triển sẽ phải trả 16.000 USD.
Và 30% để làm gì?
Khác với ý tưởng của nhiều người rằng các nhà phân phối chỉ ngồi không nhận 30% tiền, những khoản ăn chia này thực ra phải được chi vào nhiều thứ khác. Ngay cả chi phí băng thông mà các nhà phân phối phải mua từ các nhà mạng để phân phối ứng dụng cũng là một khoản chi khổng lồ. Mọt không rõ chi phí mà các nhà phân phối như Valve hay Apple phải bỏ ra cho dữ liệu của mình là bao nhiêu, nhưng để tham khảo thì Amazon Web Service thu khoảng 500 đồng cho mỗi GB được truyền tải từ server của họ đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, Sony nói rằng 30% của họ được chi vào phí giao dịch, tiền vận hành và bảo trì server, chi phí bản quyền. Apple cho biết khi nhận 30%, công ty của họ cung cấp sự bảo đảm an ninh, hỗ trợ khách hàng và cơ hội cho các nhà phát triển được đem ứng dụng của mình đến với hơn 1 tỉ người dùng. Phần còn lại sau khi trừ các chi phí này sẽ là lợi nhuận của nhà phân phối, còn lợi nhuận cao thấp thế nào thì là bí mật kinh doanh.
Với đặc trưng hoạt động qua mạng internet, rõ ràng là các nhà phân phối như Apple, Valve, Microsoft… không cần phải chi tiền vào việc sản xuất và phân phối băng đĩa vật lý như trong quá khứ, nhưng họ lại gặp những khoản chi mới cho những hoạt động mới như đã được Mọt nhắc đến bên trên. Vì vậy, lời chỉ trích của Epic rằng 30% đã lỗi thời có thể là hợp lý, nhưng để khiến những gã khổng lồ của làng game nói riêng và ngành công nghiệp nội dung nói chung chấp nhận giảm một phần miếng bánh của mình không phải là chuyện dễ dàng, và ngay cả nếu họ chấp nhận thì việc cắt đi bao nhiêu cũng là một vấn đề lớn đòi hỏi những cuộc cãi cọ mới.
- Apple bất ngờ “cấm cửa” Fortnite khỏi kho ứng dụng Apple Store.
- Spotify và Match Group ủng hộ Epic, chỉ trích Apple tham lam
- Epic tiếp tục phá luật bằng sức mạnh và tiền của từ Fortnite
- Facebook đứng về phía Epic Games chống độc quyền với Apple
- Epic chơi quá dơ khi kéo game thủ vào vụ kiện Apple bằng Nineteen Eighty-Fortnite
- Đừng mua iPhone cài sẵn Fortnite, hãy xem hướng dẫn cách cài trên iOS dưới đây!!!
- Apple tố Epic yêu sách không được liền trở mặt, Tim Sweeney phản pháo đầy bất ngờ
- Con số 30% đang khiến Epic, Apple, Google, Valve… phải đau đầu đến từ đâu?