Covid-19 không có cửa nếu nhìn lại những sự kiện khủng khiếp sau đây!!! - Cộng Đồng

Trong tình hình đại dịch Covid 19 đang lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, game thủ Việt Nam cần bình tĩnh để đối phó với giặc “bệnh” này.

Tính đến thời điểm hiện tại sau 8 tháng hoành hành trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 19.000.415 trường hợp và tước đi sinh mạng của 711.627 người. Riêng Việt Nam mặc dù đã có sự chuẩn bị và phòng ngừa dịch khá tốt nhưng vẫn ghi nhận 718 ca nhiễm và 10 trường hợp tử vong. Đặc biệt không chỉ gây thiệt hại về nhân mạng, đại dịch Covid 19 còn đánh thẳng vào nỗi sợ và kinh tế của từng quốc gia.

Covid-19 không có cửa nếu nhìn lại những sự kiện khủng khiếp sau đây!!!

Tuy nhiên nếu bạn nghĩ năm 2020 này là thảm họa tồi tệ nhất trong thế hệ của mình thì hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn sinh năm 1900. Hãy cùng Mọt điểm qua những thảm họa đáng sợ trong quá khứ và các sự kiện đó được tái hiện trong game như thế nào nhé!

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Nếu bạn sinh năm 1900 thì khi bạn 14 tuổi, bạn sẽ trở thành nhân chứng lịch sử khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất diễn ra vào ngày 28-7-1914 và khi cuộc đại chiến này qua đi vào ngày 11-11-1918. Nếu may mắn không nằm trong số 19 triệu người hy sinh trong chiến tranh thế giới thứ nhất thì lúc này bạn đã 18 tuổi.

Nếu bạn nghĩ đại dịch Covid 19 là thảm họa hãy nhìn lại những sự kiện game sau đây

Chiến tranh thế giới thứ nhất còn được gọi với cái tên Cuộc chiến tranh chấm dứt mọi cuộc chiến tranh (The war to end all wars) bởi quy mô và sự tàn phá khủng khiếp nó gây ra. Theo ghi nhận tổng thiệt hại vật chất ước tính lên tới 338 tỷ USD, số tiền các nước tham chiến chi cho quân sự vào khoảng 85 tỉ USD. Thậm chí độ khốc liệt của chiến tranh thế giới thứ nhất còn được mô tả vô cùng chi tiết trong từng chiến dịch ở mặt trận phía Đông và mặt trận phía Tây qua tựa game Battlefield 1.

Dịch cúm Tây Ban Nha

Nếu may mắn sống sót qua khỏi chiến tranh thế giới lần thứ nhất thì bạn cũng đừng vội mừng vì ngay sau đó thần chết lại tìm đến Châu Âu với đại dịch cúm Tây Ban Nha (1918-1920). Thậm chí đại dịch cúm Tây Ban Nha này còn nguy hiểm hơn gấp bội so với chiến tranh thế giới thứ nhất khi số người chết do cúm Tây Ban Nha được ước tính vào khoảng 20-50 triệu người (gấp 2 lần chiến tranh thế giới thứ nhất). Và nếu may mắn vượt qua 2 năm dịch bệnh khó khăn này thì bạn quả là chàng trai 20 tuổi đầy may mắn.

Nếu bạn nghĩ đại dịch Covid 19 là thảm họa hãy nhìn lại những sự kiện game sau đây

Thực tế độ khốc liệt của dịch cúm Tây Ban Nha vô cùng đáng sợ bởi lẽ sau khi tham chiến ở chiến tranh thế giới thứ nhất có tới hơn 40% binh sỹ Mỹ đã bị lây nhiễm cúm, cùng với việc di chuyển khắp chiến trường họ đã góp phần đưa dịch bệnh đi khắp thế giới. Thậm chí đến cả tổng thống Woodrow Wilson của Mỹ cũng được báo cáo mắc bệnh vào đầu năm 1919 khi đến Châu Âu ký kết hiệp ước Versailles để kết thúc Thế chiến thứ nhất. Game thủ có thể trải nghiệm không khí chết chóc do dịch bệnh này qua tựa game Vampyr khi nhập vai bác sỹ Jonathan E. Reid.

Chiến tranh thế giới thứ hai và nạn diệt chủng

Nếu may mắn vượt qua năm 20 tuổi đầy khó khăn thì bạn sẽ chứng kiến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán New York vào năm 29 tuổi kéo theo đó là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với nạn thất nghiệp và đói kém tràn lan khắp nơi. Tuy nhiên đấy vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất bởi lẽ năm 33 tuổi game thủ sẽ tận mắt chứng kiến đảng quốc xã Nazi lên cầm quyền và 6 năm sau đó sẽ là khởi đầu bi ai cho toàn thế giới với cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Nếu bạn nghĩ đại dịch Covid 19 là thảm họa hãy nhìn lại những sự kiện game sau đây

Với quy mô lớn hơn hẳn so với cuộc chiến mà bạn từng chứng kiến năm 14 tuổi, ước tính sơ bộ chiến tranh thế giới hai đã lấy đi sinh mạng của hơn 70 triệu người. Đáng chú ý nhất là tội ác diệt chủng khi có khoảng 6 triệu người Do Thái ở Châu Âu đã bị Đức Quốc Xã tàn sát vô cùng man rợ ở những trại tập trung. Tội ác của chủ nghĩa Phát Xít được chính nhà phát triển Activision mô tả vô cùng chi tiết qua những phiên bản World War II của dòng game Call of Duty.

Nếu bạn nghĩ đại dịch Covid 19 là thảm họa hãy nhìn lại những sự kiện game sau đây

Nạn đói năm 1945 và chiến tranh bảo vệ tổ quốc

Cùng thời gian kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai ở nước ta cũng phải hứng chịu hậu quả nặng nề với nạn đói năm Ất Dậu (hay còn gọi là nạn đói 1945) với hơn 2 triệu đồng bào ngã xuống. Thậm chí bối cảnh nạn đói còn được mô tả vô cùng chi tiết qua ngòi bút của nhà văn Kim Lân qua những câu chữ: ”người chết như ngả rạ”, “ba, bốn cái thây nằm còng queo bên đường” hay “người sống mặt hốc hác u tối đi lại dật dờ như những bóng ma”. Game thủ có thể cảm nhận được không khí u ám này qua tựa game 7554 của nhà phát triển Hiker Games.

Nếu bạn nghĩ đại dịch Covid 19 là thảm họa hãy nhìn lại những sự kiện game sau đây

Nếu may mắn vượt qua được chiến tranh thế giới thứ hai và nạn đói năm Ất Dậu ở Việt Nam thì lúc này bạn đã 45 tuổi và sống hơn nửa đời người rồi. Tuy nhiên thử thách vẫn chưa dừng lại khi bạn sẽ chứng kiến cuộc chiến tranh chống bè lũ xâm lược vào năm 64 tuổi và đến khi cuộc chiến này kết thúc vào năm bạn 75 tuổi thì đã có từ 2-4 triệu đồng bào Việt Nam đã ngã xuống.

Lời kết

Thực tế Mọt đã từng kể chuyện này với ông hàng xóm lớn tuổi lúc cả hai uống trà đánh cờ đàm đạo trước nhà, ông ta chỉ trả lời một câu đơn giản “Cái gì không giết được mình thì chỉ khiến mình mạnh hơn mà thôi”. Sau đó ông kể nhiều hơn về chiến tranh chống Mỹ và những trải nghiệm của bản thân khi bước vào lán trị bệnh sốt rét trong tình trạng “sốt run người, vầng trán ướt mồ hôi”.

Phải chăng game thủ ngày nay đang sống trong ác mộng với nỗi sợ mà chúng ta tự tạo ra mà quên mất rằng thế hệ đi trước từng trải qua nhiều lần thập tử nhất sinh hơn bao giờ hết. Những thông tin và số liệu mà Mọt kể ở đây không nhằm mục đích coi thường dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành. Nhưng mong rằng game thủ nhà mình nhận ra chỉ cần chúng ta giữ được sự lạc quan và tin tưởng, bình tĩnh đối mặt với tinh thần đoàn kết dân tộc thì dịch bệnh nào cũng sẽ sớm đi qua và ngày mai trời lại sáng trên đất nước Việt Nam tươi đẹp.