Trước giờ tôi vẫn luôn quan niệm rằng theo cách nào đó cuộc sống xung quanh ta chính là một tựa game. Kể từ khi thức dậy mở mắt đón ánh bình minh cho tới khi lết cái thây mệt mỏi sau một ngày làm việc mệt nhoài về nhà có khác gì việc chúng ta kết thúc một chương đâu? Những công việc lặp đi lặp lại đầy nhàm chán hay vùng vẫy sáng tạo banh nóc tùy đặc thù công việc chính là những nhiệm vụ giúp mỗi cá nhân có thể thu thập thêm kinh nghiệm nhằm lên level hay nâng cấp kỹ năng. Dĩ nhiên là hàng ngày, chúng ta cũng phải đối thoại, gặp gỡ với rất nhiều người. Điều này giống như việc bạn đang tham gia tìm hiểu cốt truyện hay đang trò chuyện với các NPC trong game vậy.
Đối với mỗi người, tựa game “cuộc đời” này sẽ thuộc thể loại khác nhau. Tùy vào nhãn quan cũng như hoàn cảnh mà có người sẽ thấy tựa game này chán hoặc hay, đầy thách thức hay tẻ nhạt. Nhưng suy cho cùng, dù thuộc thể loại nào thì chúng ta vẫn phải trải nghiệm một game chưa biết khi nào tới hồi kết.
Cuộc đời là game thế giới mở cho bạn tự do lựa chọn
Rất nhiều trò chơi ngày nay cho phép game thủ có thể tự do quyết định hướng đi của cốt truyện với rất nhiều lựa chọn được đưa ra để giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên việc game thủ đưa ra từng quyết định đều sẽ dẫn tới hậu quả khác nhau và tốt hay xấu thì cũng còn tùy góc nhìn riêng của họ. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng là một trò chơi y hệt như vậy, hàng ngày từ khi thức giấc cho tới lúc leo lên giường ngủ, chúng ta luôn phải suy nghĩ và đưa ra biết bao quyết định.
Tuy nhiên, trò chơi điện tử khác ở chỗ nó cho phép chúng ta quan sát với thị giác tổng thể và có thể lựa chọn lại ở những trường đoạn mà người chơi muốn thay đổi. Cuộc sống thực tế có phần tương tự khi bạn có thể nhìn lại tất cả những quyết định mình từng đưa ra cho tới hiện tại hay nhận thức tất cả những hệ quả mà nó đem lại nhưng bạn không bao giờ có thể lựa chọn lần thứ 2.
Ngay cả việc bạn quyết định đi ngủ hay tiếp tục chơi game cũng ảnh hưởng nhiều tới diễn biến của ngày tiếp theo. Từng phút trôi qua, từng lời bạn nói hay từng hành động bạn làm đều đem lại hệ quả có tác động sâu sắc tới tương lai. Thêm một điểm khác giữa trò chơi điện tử và trò chơi “cuộc đời” là thực tại dạy ta phải biết cách chấp nhận.
Nếu như trong game, bạn không chấp nhận cốt truyện đi theo hướng này, bạn chỉ cần mở lại menu, vào lại phần save game trước đó rồi bắt đầu lại từ đầu là xong. Còn khi thực tế khi đã xảy ra, bạn chỉ còn cách chấp nhận rằng không còn đường quay trở lại rồi tiếp tục hướng tới những điều kế tiếp trong cuộc sống. Chẳng phải chúng ta vẫn luôn có câu “phóng lao thì phải theo lao” hoặc “không ai tắm hai lần trên một dòng sông” hay sao? Rõ ràng quá khứ là để chiêm nghiệm chứ không phải để thay đổi, trừ khi bạn có một con mèo béo ngốc nghếch màu xanh dương ở trong tủ quần áo.
Do đó, nếu như chơi game bạn cẩn trọng trong từng quyết định ra sao, thì ở ngoài đời bạn phải suy nghĩ kỹ lưỡng gấp 10, gấp 100 lần như thế. Có thể bạn không nhìn thấy được những gì sẽ xảy ra tiếp theo khi đưa ra quyết định giống như trong game, nhưng ít nhất việc suy nghĩ kỹ trước khi nói hay làm có thể giúp giảm thiểu tối đa hệ quả xấu mà nó đem lại.
Sao chúng ta phải tự chôn chân trong 4 bức tường?
Tại sao bạn lại thích game phiêu lưu? Chẳng phải nó hấp dẫn bởi những chuyến hành trình đầy hiểm nguy nhưng cũng không kém phần hấp dẫn hay sao? Yếu tố khám phá và vượt qua những thử thách đã tạo nên những giờ phút căng thẳng, sóng gió và cũng rất khó quên sau khi bạn hoàn thành một trò chơi phiêu lưu. Và chỉ từ những cuộc phiêu lưu như vậy, nhân vật chính mới trưởng thành, rút ra rất nhiều bài học trong cuộc sống.
Nếu nhìn rộng ra, cuộc sống của mỗi người cũng là một trò chơi thuộc thể loại phiêu lưu. Bạn hoàn toàn có thể ra ngoài, tham gia các hoạt động xã hội kể cả đi du lịch, khám phá thêm nhiều điều mới mẻ đang có xung quanh mình. Có thể các cuộc phiêu lưu ngoài thực tế không được hoành tráng như trong game nhưng bạn chẳng thể phủ nhận được kinh nghiệm hay bài học xương máu từ ngoài xã hội có thể giúp bạn thêm trưởng thành.
Tuy nhiên, dường như nhiều game thủ lại đang tự bó buộc mình vào 4 bức tường, ngại giao tiếp hay không muốn mở rộng các mối quan hệ xã hội. Họ có xu hướng không muốn thay đổi cuộc sống thường nhật của mình, sợ phải thay đổi hay sợ phải đối mặt với một chuyện nào đó vượt ngoài tầm kiểm soát. Rất nhiều người đang mắc phải vấn đề này.
Bạn hãy nhìn các nhân vật trong thể loại game phiêu lưu xem, vẫn có những người bắt đầu từ hình tượng nhút nhát, sợ sệt; rồi sau đó trải qua biết bao thử thách, họ trưởng thành và trở thành một con người hoàn toàn khác, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ngay cả từ cách nói chuyện thôi cũng thể hiện được sự thay đổi của một nhân vật, một con người.
Tôi biết khác với game, con người ngoài đời thực có rất nhiều tính cách và hoàn cảnh sống không giống nhau. Và ngay cả bạn có lựa chọn cách sống trói buộc mình lại, không dám thể hiện ra bên ngoài, không dám mở rộng các mối quan hệ, không muốn khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống thì đó cũng là quyền tự do cá nhân của bạn. Nhưng tại sao bạn có thể điều khiển các nhân vật trong game dễ dàng vượt qua thử thách, dễ dàng bắt chuyện với người khác hay không ngại khám phá những điều mới lạ trong khi không thử làm điều đó với chính bản thân?
Hãy coi cuộc đời này là một game phiêu lưu và bạn là một nhân vật chính. Bạn không cần phải tham gia những chuyến phiêu lưu đầy nguy hiểm, chỉ riêng việc bạn dám bước chân ra ngoài kia khám phá những điều mới lạ như: các mối quan hệ xã hội mới, đi qua nhiều nơi để mở mang tầm mắt và kiến thức cũng như vốn sống của bản thân cũng đã quá tốt rồi. Tôi tin một thời gian sau đó, bạn sẽ thấy mình trưởng thành không khác gì nhân vật trong các game mình hay chơi.
Nếu cuộc đời là một tựa game vậy hãy chơi cho đáng
Giờ đây, video game không hẳn chỉ là trò chơi giải trí nữa, trong đó còn hàm chứa biết bao bài học về cuộc sống, biết bao kiến thức có thể chỉ ra cho người ta thấy xã hội này đang vận hành ra sao hay cuộc sống này tàn khốc như thế nào. Và trên hết, nhiều trò chơi còn dạy bạn cách sống làm sao cho đáng.
Cuộc đời chính là một tựa game và đối với mỗi người tựa game này sẽ thuộc thể loại khác nhau. Bạn không có quyền save game, không có quyền xóa đi cài lại, không thể biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, không biết thời lượng của “trò chơi” này là bao nhiên. Và hơn hết, bạn chỉ có một lần chơi duy nhất mà thôi, không reload hay checkpoint. Vậy tại sao chúng ta lại không chơi “trò chơi” này một cách xứng đáng nhất, cẩn thận nhất và đáng tiền nhất?
Để sau này về già, khi nhìn lại chúng ta có thể tự hào khoe với con cháu rằng mình đã sống một cuộc sống hào hiệp, đúng nghĩa và trọn vẹn hệt như các nhân vật trong một trò chơi điện tử nổi tiếng nào đấy. Nếu chẳng may không làm được như thế thì bạn cũng đừng buồn bởi rất nhiều người có thể dễ dàng điều khiển các nhân vật game của mình vượt qua những thử thách chết người, nhưng lại bó tay không thể điều khiển chính bản thân mình vượt qua những khó khăn nho nhỏ trong cuộc sống.