Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Nếu các bộ phim thường dùng người nổi tiếng (KOL) đóng cameo để câu khách thì game cũng nhanh chóng học hỏi và thực hiện điều tương tự thế nhưng điều đó liệu có thật sự cần thiết?

Khi KOL đi làm cameo khiến khán giả thích thú

Ban đầu, cụm từ thường được dùng chính xác là cameo role nhằm mục đích ám chỉ tới một hoặc nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia vào bộ phim nhưng không thủ vai nhân vật cụ thể có ảnh hưởng quan trọng đến cốt truyện mà xuất hiện với tư cách của chính bản thân người đó.

Những cameo (khách mời) này không cần thiết phải sử dụng diễn viên chuyên nghiệp thủ vai mà có thể do chính đạo diễn, chính trị gia, vận động viên, nhạc sĩ hay bất cứ KOL nào tham gia. Phần lớn những vai dạng này đều có đặc điểm chung là thời gian xuất hiện lẫn lời thoại rất ít ỏi.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Tất nhiên là người xem có thể ngay lập tức nhận ra những KOL này ngay khi họ xuất hiện trong khung hình. Trong những tác phẩm này nay, ý nghĩa của cụm từ cameo có thay đổi ít nhiều và chủ yếu nhằm ám chỉ tới tất cả những khung hình có sự xuất hiện ngắn ngủi của bất kỳ KOL nào, với tư cách một nhân vật trong phim hay với tư cách của chính bản thân người đó.

Trường hợp nổi tiếng nhất trong giới cameo có thể kể đến cố họa sĩ Stan Lee, người thường xuyên đóng một vai rất nhỏ trong các bộ phim về siêu anh hùng Marvel và khán giả cũng dần chấp nhận đồng thời xem đó như một truyền thống thú vị.

Theo thông lệ các vai cameo thường không được nhắc đến hay liệt kê trong phần credit cuối tác phẩm. Lý do chủ yếu bởi sự xuất hiện ngắn ngủi của họ hoặc để tránh trường hợp khán giả hiểu nhầm với các ngôi sao đóng vai chính trong phim đó.

Hideo Kojima xuất hiện trong Cyberpunk 2077 với vai trò NPC
Hideo Kojima xuất hiện trong Cyberpunk 2077 với vai trò NPC
Theo đó Hideo Kojima sẽ xuất hiện trong Cyberpunk 2077 với tư cách một NPC. Và để cho cuộc chơi thêm phần kỳ lạ thì tay nhân vật vật này thường lảng vảng ở một quán bar.

Có nhiều lý do để những KOL tham gia các vai cameo. Có thể nhằm mục đích câu khách khi chạy tuyên truyền cho tác phẩm kiểu như: bộ phim có sự góp mặt của ca sĩ A, vở kịch này người mẫu B sẽ thủ vai chính hay nhà thơ C sẽ trở thành một nhân vật quan trọng trong tiểu thuyết sắp xuất bản, đây là kiểu cameo kém cỏi nhất nhưng lại rất được các nhà làm nghệ thuật tại Việt Nam ưa chuộng.

Còn nhớ có một thời nổi lên trào lưu KOL ở nhiều lĩnh vực đi làm cameo trong điện ảnh Việt thậm chí người ta chỉ tò mò ai sẽ cameo phim này hơn là nội dung cốt truyện hay dàn diễn viên chính, tất nhiên trào lưu này lụi tàn cũng nhanh chóng như lúc nó bắt đầu khi khán giả không còn quá dễ dãi như lúc trước.

Một kiểu cameo khác thú vị và chất lượng hơn nằm trong trường hợp những bộ phim điện ảnh chuyển thể từ series phim truyền hình hoặc các phim remake, các nhà sản xuất, đạo diễn hay biên kịch có thể mời diễn viên từng đóng trong bản gốc xuất hiện như khách mời trong tác phẩm chuyển thể hoặc làm lại và xem đó như lời tri ân mà ê kíp mới muốn dành cho những nhân vật kỳ cựu.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Đôi khi, một số vai cameo lại là một nhân vật quan trọng trong phim mặc dù từ đầu đến cuối phim chỉ được nhắc tới và chỉ xuất hiện thoáng qua, như Sean Connery trong phim Robin Hood: Prince of thieves (vai vua Richard I).

Nổi tiếng và phổ thông nhất, có lẽ bởi sự phổ cập của các phim siêu anh hùng Marvel trong 10 năm trở lại đây, chính là một hay nhiều vai cameo nhằm mục đích giới thiệu cho một bộ phim sắp ra mắt trong thời gian tới.

Điển hình như sự xuất hiện của Tony Stark vào cuối phim The Incredible Hulk ngầm xác nhận cho việc phim The Avengers có thể sẽ ra mắt trong vài năm sau đó hay cảnh phim sau phần post credit của Ironman,  Samuel L. Jackson bất ngờ xuất hiện trong vai chỉ huy Nick Fury đang bàn bạc với Tony Stark kế hoạch thành lập nhóm The Avengers.

Chuyện cameo trong game của KOL ngày trước

Trong quá khứ, khi mà công nghệ còn chưa phát triển và chi phí để dành cho motion capture vẫn còn quá đắt đỏ thì nhà phát hành sẽ tìm đến một giải pháp tối ưu hơn để sử dụng KOL trong game, đó là thuê sao Hollywood về lồng tiếng.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Khổ một nỗi là game thủ chỉ được nghe giọng của họ qua những đoạn hội thoại nhất định, vì thế nếu không để ý thì có thể chúng ta sẽ không nhận ra sự hiện diện của các ngôi sao trong tựa game của mình. Một ví dụ điển hình chính là tựa game GTA: San Andreas được phát hành bởi Rockstar Games vào năm 2004.

Có thể nhiều game thủ đã phá đảo trò chơi này nhiều lần nhưng nếu không có những tay rãnh rỗi thông kê có lẽ không mấy ai biết diễn viên lồng tiếng cho tay cớm biến chất Frank Tenpenny không ai khác chính là ‘Jack Furry’ Samuel L. Jackson.

Vốn được đánh giá cao nhờ vào diễn xuất xuất thần và giọng nói truyền cảm, diễn viên da màu đã truyền tải gần như hoàn hảo sự lươn lẹo, thủ đoạn và hành vi bất chấp thủ đoạn của tay cớm bẩn. Ngoài ra, còn một số diễn viên Hollywood khác cũng tham gia lồng tiếng cho GTA: San Andreas như David Cross, Chris Penn, James Wood, Peter Fonda…

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Một dòng game khác cũng rất thành công khi hợp tác với sao Hollywood chính là Batman Arkham của Rocksteady. Có thể bạn chưa biết nhưng người lồng tiếng cho nhân vật Joker không ai khác chính là tài tử Mark Hamill với vai diễn để đời Luke Skywalker trong loạt phim Star Wars đình đám.

Ngoài ra, chính Mark Hamill cũng đảm nhận việc lồng tiếng cho gã hề Joker trong loạt phim hoạt hình Batman: The Animated của DC từ năm 1992. Nhân vật Joker của Mark Hamill được lồng tiếng xuất sắc và gây được ấn tượng mạnh với fan hâm mộ.

Trong những năm gần đây, chúng ta có thể nhận thấy các nhà phát hành đang đầu tư rất mạnh cho khoản diễn xuất trong game. Đồ họa của game phát triển kéo theo những yêu cầu khắt khe hơn về cách tựa game đó truyền tải câu chuyện. Một trong những ông lớn bạo tay nhất trong lĩnh vực này chính là Sony khi những đầu game độc quyền của hãng được đầu tư công nghệ motion capture rất hoành tráng.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Kết quả thì chúng ta cũng biết, lần lượt những siêu phẩm như Uncharted 4, God of War, The Last of Us Part II, Ghost of Tsushima, Horizon Zero Dawn…đều được game thủ đón nhận hết sức tích cực. Nếu bỏ qua phần lối chơi mà chỉ bàn tới các đoạn cắt cảnh thì những tựa game này cũng chẳng kém bom tấn Hollywood là bao.

Cũng nhờ những tiến bộ về công nghệ mà giờ đây, các nhà làm game có thể tận dụng tối đa diễn xuất của diễn viên trong các tựa game của mình. Diễn viên giờ đây không còn bị gò bó trong vai trò lồng tiếng nữa mà khả năng diễn xuất của họ cũng sẽ được đưa luôn vào game thông qua tính năng motion capture.

Chính vì thế mà các ngôi sao Hollywood cũng có nhiều đất diễn hơn khi tham gia hợp tác làm game. Những năm gần đây thì tần suất xuất hiện của các tài tử Hollywood trong game tăng vọt. Có thể kể đến những cái tên như Kit Harington (Jon Snow – Game of Thrones) xuất hiện trong Call of Duty: Infinite Warfare; Rami Malek (Bohemian Rhapsody) trong Until Dawn; Terry Crews (White Chicks) với vai trò nhân vật chính trong Crackdown 3; Keanu Reeves đảm nhận vai Johnny Silverhand trong Cyberpunk 2077.

Có thật sự cần thiết hay chỉ là công cụ để PR

Như Mọt tui đã nói ở trên, việc mời KOL vào game là bài toán dễ tính đối với nhà sản xuất khi nó có thể mang lại lơi ích tức thời. Còn nhớ hồi E3 năm 2019, chưa cần biết Keanu Reeves sẽ làm gì trong Cyberpunk thì khán giả đã phát cuồng khi ngôi sao phim John Wick xuất hiện với câu nói được lan truyền chóng mặt trên mạng và trở thành meme: “YOU’RE BREATHTAKING”.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Mới nhất là trailer của Far Cry 6 với sự góp mặt của Giancarlo Esposito (tay trùm Gus Fring trong series Breaking Bad) “ngầu lòi” trong vai phản diện chính. Dù mới chỉ là đoạn CGI giới thiệu, nhưng chúng ta vẫn thấy rõ diễn xuất của Giancarlo Esposito tốt đến nhường nào và vì thế, game thủ có thể hi vọng vào một tay phản diện mới cực kỳ đáng nhớ của thương hiệu sau Vass và Pagan Min.

Bên cạnh khả năng diễn xuất đã được bảo chứng và danh tiếng lẫy lừng, Sự xuất hiện của những tài tử Hollywood giống như một lời khẳng định rằng trò chơi điện tử là THỨ GÌ ĐÓ nghiêm túc và mang lại tầm ảnh hưởng. Nó khiến game thủ có thể tự nói rằng rằng thứ đam mê này có thể đứng ngang hàng với môn nghệ thuật thứ 7.

Nói tóm lại, mối quan hệ này mang tới lợi ích cho cả 3 bên: game thủ, diễn viên và nhà phát hành. Game thủ thì được thỏa ước mơ chạm tay vào thần tượng của mình; các tài tử có dịp quảng bá hình ảnh và nhà làm game thì đảm bảo được chất lượng của các tựa game, ít nhất là với những đoạn cắt cảnh khiến người ta mê mẩn như đang xem xi-nê.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Viết đến đây Mọt lại nhớ về Jean Reno, diễn viên gạo cội người Pháp được biết đến thông qua nhiều tác phẩm rất thành công như: Nikita, Leon The Professional, Da Vinci Code, Mission: Impossible… Có lẽ, chính khuôn mặt trầm ổn, sự từng trải và vẻ cứng rắn của Jean Reno đã được Capcom để mắt tới. Họ ngay lập tức liên hệ và mời ông hóa thân thành người lính mang tên Jacques Blanc trong Onimusha 3: Demon Siege.

Trên thực tế, đây cũng là tựa game duy nhất mà Jean Reno nhận lời vào vai nhân vật chính. Ở thời điểm đó có người đã nghi ngại về tính khả thi của thương vụ này nhưng thật đáng mừng khi vụ đầu tư của Capcom đã xứng đáng, Onimusha 3 sau khi ra mắt nhanh chóng đạt được thành công lớn. Đó không chỉ là một cốt truyện quá đỗi kịch tính mà còn là lối chơi chặt chém kết hợp giải đố đầy cuốn hút.

Thành công vang dội là thế nhưng thời gian gần đây việc đưa KOL vào game có vẻ đang bị lạm dụng để trở thành một chiêu trò PR nhiều hơn là nâng tầm chất lượng trò chơi một cách có chủ định. Còn nhớ khi Death Stranding của Hideo Kojima ra mắt, chưa cần bàn tới chất lượng game chỉ cần nhìn vào dàn cast chính lẫn cameo cũng đủ khiến dân tình phải há mồm vì độ chịu chơi của NSX.

Đưa người nổi tiếng (KOL) vào game, cần thiết hay thừa thãi?

Sở hữu dàn KOL thực lực là thế nhưng ngoại trừ Norman Reedus thủ vai nhân vật chính và Mads Mikkelsen cùng Léa Seydoux có vai trò quan trọng xuyên suốt cốt truyện. Các KOL còn lại như Guillermo del Toro, Conan O’Brien, Junji Ito, Jordan Vogt-Roberts hay Geoff Keighley quá mờ nhạt, không đóng vai trò quan trọng và dường như có cũng được mà không có cũng chẳng sao. May thay chất lượng của game nằm ở mức khá tốt chứ nếu thành bom xịt thì chắc chắn nhiều người sẽ tự hỏi thuê (hay nhờ vả?) nguyên dàn KOL khủng đó rốt cục để làm gì vậy?

Kết

Với những lợi ích rõ ràng như vậy, việc đưa KOL vào game chắc chắn là một xu hướng cần thiết của các tựa game bom tấn nói riêng hoặc ngành công nghiệp game nói chung. Đưa người nổi tiếng vào game chưa chắc sẽ giúp trò chơi hay hơn nhưng đó là nguyên liệu cực tốt cho những chiến dịch truyền thông rầm rộ ngay từ trước khi trò chơi chính thức thức ra mắt.

Nếu vẫn còn hoài nghi về việc này thì cứ nhìn vào trường hợp của Far Cry 6 với sự góp mặt của Giancarlo Esposito. Khi đó người ta còn chẳng buồn quan tâm lối chơi thế nào, đồ họa ra sao, mọi các luồng thông đều xoay quanh việc Esposito sẽ nắm vai trò gì và đất diễn của ông ta trong game được bao nhiêu. Thậm chí người ta còn cho rằng Giancarlo Esposito chắc chắn là một tay phản diện mới cực kỳ đáng nhớ của thương hiệu sau Vass và Pagan Min.

Tất cả là bởi vì họ tin vào tài năng đã được khẳng định của nam diễn viên. Dĩ nhiên việc hãng làm game bắt tay với các ngôi sao Hollywood không có nghĩa là những diễn viên (chuyên lồng tiếng cho game) khác không có đất diễn. Chúng ta vẫn còn nhớ màn thể hiện xuất sắc của Christopher Judge khi vào vai chiến thần Kratos của siêu phẩm God of War năm 2018, hay Roger Clark với vai diễn Arthur Morgan đã từng lấy đi bao nước mắt của game thủ trong tựa game Red Dead Redemption 2.

Và vẫn còn đó vô vàn những cái tên đã và đang có những đóng góp thầm lặng tạo nên những tác phẩm tuyệt vời cho chúng ta thưởng thức.