Game đã cứu mạng người ta như thế nào? - PC/Console

Có khá nhiều lần những kỹ năng người ta học được từ game giúp cứu mạng mình hoặc những người xung quanh, và đây là những trường hợp tiêu biểu nhất.

Xưa nay, game thường bị đánh đồng với những trò vô bổ, lãng phí thời gian và sức khỏe của người chơi. Nhưng dần dần khi thời gian trôi qua, những game thủ ngày nào lớn lên để bắt đầu đóng góp cho xã hội đồng thời xoay chuyển quan niệm cổ hủ ngày nào. Giờ đây, người ta biết được rằng game không chỉ là một trò giải trí, mà nó còn có rất nhiều công dụng khác nhau. Trong bài viết này, Mọt tui lại muốn đem đến cho các bạn những câu chuyện “người thật việc thật” cho thấy rằng game thậm chí còn có thể cứu người theo những cách mà bạn khó có thể ngờ đến.

Cứu người online

Hồi năm 2011, một sự kiện ấm lòng đã diễn ra trên Xbox Live. Một cậu bé người Canada 14 tuổi đăng nhập vào trò chơi yêu thích của mình để nhận ra “chiến hữu” 14 tuổi từ Texas đang rất buồn rầu, “cảm thấy mình vô dụng” và có nguy cơ tự sát. Bởi chưa từng gặp mặt hay trao đổi bất kỳ thông tin gì khác, game thủ Canada hỏi bố mẹ mình xem mình nên làm gì để giúp người bạn cách xa hơn 2.250km của mình rồi được khuyên nên gọi cảnh sát. Một sĩ quan cảnh sát Canada (giấu tên) lập tức có mặt, và cả hai cùng bỏ ra hơn 2 giờ chat với game thủ người Mỹ qua Xbox Live nhằm tìm kiếm vị trí thật của game thủ này.

Người phát ngôn của sở cảnh sát Thunder Bay nói rằng đó là một cuộc trao đổi dài đầy căng thẳng, bởi họ cần phải lấy được sự tin tưởng của cậu bé người Texas và tránh kích thích cậu làm điều điên rồ. Sau hơn hai giờ trao đổi, viên cảnh sát biết được rằng cậu bé Texas đang ở nhà còn bố cậu đang ở phòng kế bên. Anh thuyết phục cậu bé gọi bố mình để có một cuộc nói chuyện qua Xbox Live. Ông bố tỏ ra cực kỳ bất ngờ trước tình trạng của cậu con trai, nhưng may mắn là vấn đề đã được giải quyết nhờ một người xa lạ cách đó hàng ngàn cây số.

Game đã cứu mạng người ta như thế nào?

Robert Chamber được cứu sống nhờ người xa lạ trong game online.

Một game thủ khác cũng được cứu mạng nhờ game online vào năm 2011 là Robert Chambers, sống ở hạt Spokane, Mỹ. Khi đang chơi tựa game trình duyệt Evony, lửa bất ngờ bùng lên trong căn hộ của Robert bởi một chiếc bánh mì cháy kẹt trong lò nướng. Bởi một chứng bệnh về cơ bắp, Robert không thể tự mình gọi điện thoại cầu cứu, nhưng may mắn là anh đang chơi game. Anh báo tình huống cùng địa chỉ của mình cho những người đang online trong phòng chat của Evony, hai người trong số đó lập tức gọi cảnh sát. Một nhân viên tổng đài nhớ lại lúc đó cô không thực sự tin tưởng vào những cuộc gọi này, nhưng vẫn gọi cho lính cứu hỏa hạt Spokane đến kiểm tra. Khi các lính cứu hỏa đến nơi, họ cứu Robert ra ngoài trước khi dập tắt đám cháy

“Bác sĩ” bất đắc dĩ

Trong các game bắn súng, thường chúng ta chỉ cứu mạng đồng đội bằng cách hạ gục những kẻ địch đang định làm hại đồng đội của mình sau đó “teabag” đối phương để thể hiện trình độ, hoặc cao lắm là bấm nút để thấy một thao tác kích tim đơn giản. Điều này đúng với đại đa số game bắn súng trên thị trường, trừ một cái tên: America’s Army. Trò chơi này được quân đội Mỹ sử dụng như một công cụ huấn luyện và tuyển mộ, nên nó không chỉ có phần chiến đấu vô cùng chân thực mà còn cho người chơi biết phải làm gì khi cứu chữa đồng đội bị thương. Trò chơi không có những máy kích tim nhiệm màu có thể vá víu những lỗ đạn xuyên người, mà chỉ có bông băng thuốc đỏ cùng rất nhiều vật dụng y tế khác.

Game đã cứu mạng người ta như thế nào?

Bài huấn luyện Medic trong America’s Army.

Paxton Galvanek, một game thủ của America’s Army đã dành rất nhiều giờ để luyện tập việc cấp cứu trong America’s Army, cho đến một ngày nọ anh tình cờ gặp được một vụ lật xe trên đường. Chiếc SUV trước mặt anh lật nhào và bắt đầu bốc khói đen, nên Paxton lập tức kéo các hành khách trong xe ra ngoài. Thật không may là một trong số các nạn nhân đã mất hai ngón tay, chảy máu rất nhiều và cần được sơ cứu khẩn cấp. Paxton dùng một chiếc khăn để băng bó cầm máu, dặn nạn nhân giơ tay qua khỏi đầu để giảm lượng máu mất đi như một bác sĩ thực thụ.

Sau khi vụ việc xảy ra, Paxton nói rằng mình học được cách khống chế mất máu từ việc chơi phần huấn luyện của lớp nhân vật Medic trong America’s Army. Có lẽ các động tác sơ cứu của anh lành nghề đến mức các nạn nhân của vụ lật xe nghĩ rằng mình thật may mắn khi có một bác sĩ thực thụ ngay tại đó. Một điều thú vị là trong thông cáo báo chí của nhà phát triển game, họ nói rằng đây là lần thứ hai một game thủ cứu mạng người khác bằng kỹ năng học được từ trò chơi, dù họ không tiết lộ thông tin về những gì đã xảy ra trong lần trước.

Và bác sĩ xịn

Hai năm trước đây, cậu sinh viên Tony Hansberry II lên trang bìa của nhiều tạp chí y học bởi anh phát minh ra một phương pháp khâu vết thương mới cho bệnh nhân. Bằng cách biểu diễn phương thức khâu của mình trên một hình nhân, Tony đã thuyết phục được tất cả mọi người rằng phương thức khâu của mình vượt trội hơn hẳn, khi chỉ mất 1/3 thời gian so với phương pháp khâu cũ, đồng thời cũng chính xác hơn và chắc chắn hơn. Với thành tựu này, y học dùng tên của Tony Hansberry để đặt tên cho phương pháp khâu mới.

Game đã cứu mạng người ta như thế nào?

Tony Hansberry và thiết bị y tế cho phương pháp khâu mang tên mình.

336x280

Game liên quan gì ở đây? Các bác sĩ nói rằng thao tác mà Tony thực hiện trong phương thức khâu vết thương của mình giống hệt như những động tác mà Tony đã thực hiện khi chơi game. Tony cho biết mình đã có ý tưởng về phương thức khâu này từ năm 2009, khi chỉ mới 14 tuổi. Khi thử nghiệm lâm sàng trên người bệnh, các bác sĩ nhận thấy rằng nó giúp giảm bớt đau đớn cho người bệnh, rút ngắn thời gian lành vết thương và cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Đem skill trong game ra đời thực

Một trường hợp kỹ năng học được từ game cứu mạng người ngoài đời thực khá nổi tiếng xảy ra hồi năm 2013 khi một nhóm trẻ em ở Mandaue, Philippines tìm thấy được một vài vật thể lạ. Chúng đùa nghịch với các vật thể đó trước khi cậu bé 12 tuổi Jose Darwin Garciano nhận ra rằng đó là lựu đạn nhờ từng chơi Counter-Strike. Cậu thuyết phục bạn mình bỏ chúng xuống và gọi cảnh sát đến nơi để xử lý.

Matthew Krizsan, một game thủ người Canada cũng thề rằng game đã cứu mạng mình khi đang lái xe trên đường cao tốc ở Ontario. Khi một chiếc xe tải chạy ngược chiều lao vào dải phân cách và hướng về phía mình, Krizsan đã tránh thoát được chiếc xe tải nhờ phản xạ mình rèn luyện được khi chơi game. Một game thủ 11 tuổi khác cứu mạng cả mình lẫn người ông đã 79 tuổi khi ông bất ngờ ngất trong lúc đang lái xe bằng kỹ năng lái học được từ GTA.

Game đã cứu mạng người ta như thế nào?

Hi vọng rằng cách lái xe là thứ duy nhất cậu bé học được từ GTA.

Cuối cùng, Mọt muốn nhắc tới một trường hợp mà các bạn có thể đã nghe nhiều lần. Hồi năm 2007, cậu bé 12 tuổi Hans Olsen và cô em gái 10 tuổi của mình đang trên đường đến trường thì bắt gặp một con nai sừng tấm. Khác với hình tượng trên phim ảnh, nai sừng tấm là loài có ý thức lãnh địa rất mạnh và hung hãn, chứa khoảng 700kg cơ bắp, xương và sừng, luôn sẵn sàng tấn công kẻ xâm nhập đất của mình. Trong mắt con nai đó, Hans cùng em gái là kẻ xâm nhập cần phải bị đuổi đi.

Mùa hè và những cột mốc khó quên của một gã game thủ 8X
Mùa hè và những cột mốc khó quên của một gã game thủ 8X
Mùa hè tha hồ chơi game thì ai chẳng thích nhưng bài toán cơm, gạo vẫn cứ trĩu nặng trên vai mỗi ngày như cái giá của việc trưởng thành thì tính sao?

Để cứu mạng em gái mình, Hans sử dụng kỹ năng mà mình học được từ… World of Warcraft. Cậu biết rằng mình phải “giữ aggro” – thuật ngữ chỉ việc thu hút sự chú ý của boss – để con nai không đuổi theo em gái. Hans kích thích chú ý của con nai, khiến nó đuổi theo húc vào cậu từ phía sau lưng. May mắn là chiếc ba lô mà Hans đeo hấp thụ phần lớn sức mạnh của cú va chạm, nên Hans chỉ bị ngã xuống đất.

Game đã cứu mạng người ta như thế nào?

Một con nai sừng tấm đực có thể nặng đến 700 kg.

Lúc này, lại một tia sáng lóe lên trong óc cậu bé 12 tuổi: Feign Death, kỹ năng giả chết mà nhân vật trong World of Warcraft học được khi ở level 30. Là game thủ xịn, dĩ nhiên Hans đã đạt đến cấp bậc này và vì thế cậu quyết định giả chết. Con nai sừng tấm ngửi cậu bé thêm một lúc trước khi tin tưởng rằng kẻ xâm nhập đã bị giải quyết rồi bỏ đi.

Hans được mọi người khen ngợi là người hùng, và khi một tờ báo Na Uy hỏi cậu có sợ hãi khi phải đối mặt với con nai sừng tấm hay không, cậu chỉ nói rằng “mọi thứ đều ổn thỏa.” Nếu cậu có thể đối phó với một con nai sừng tấm một cách “ổn thỏa” khi chỉ mới 12 tuổi, Mọt đoán giờ Hans đã là một Beastmaster.