Trước tiên nói đến việc ai chịu trách nhiệm về các hình ảnh trong trò chơi này. Theo như giới thiệu của đội ngũ phát hành, Sử Hộ Vương là dự án do công ty Gamize JSC phát triển, toàn quyền sở hữu về mặt hình ảnh và nội dung. Tức là, công ty là người quyết định và định hướng tạo hình cũng như tác phẩm.
Vậy nhưng, những ngày qua, những người bị chỉ trích, chửi bới, thậm chí đe dọa từ phía cộng đồng lại chính là những họa sĩ của SHV. Không ít người đọc cũng phải thừa nhận rằng art của họa sĩ vẫn có những bức tương đối đẹp, có hồn, song phần đông còn lại cho rằng các nhân vật trong game bị vẽ quá đà, thậm chí không còn đơn thuần là phong cách hoạt hình Anime giúp game trở nên sinh động, mà nó có phần dung tục, 18+…
Cộng đồng mạng đặt rất nhiều câu hỏi rằng tại sao các họa sĩ lại đặt bút vẽ những tấm hình “lệch chuẩn” đến như vây? Không ai bắt bẻ vì sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn là quá trình tự nguyện. Một tài khoản facebook trên cộng đồng game online Việt Nam gay gắt: “Không thể nào nói là các bạn họa sĩ và cả “cố vấn lịch sử” là “Bạch Liên Hoa” vô tội được. Người ta muốn chỉ trích các bạn do cách tạo hình lai căng, lố lăng và vịn cớ “cảm hứng lịch sử” để tuyên truyền văn hóa người lớn cho học sinh, sinh viên đó!”.
Thế nhưng, cũng có những người cho rằng, cộng đồng mạng đã quá khắt khe khi chỉ chửi bới những người làm Sử Hộ Vương, và rằng nên nêu ý kiến mang tính xây dựng hơn để cải thiện dự án.
Một số người còn nhận xét, nếu cứ áp đặt các suy nghĩ cổ hữu về thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì đến bao giờ nước nhà mới phát triển? Phải chấp nhận những điều mới mẻ, phá sách thì mới mong có một sản phẩm chất lượng, sánh ngang với nhiều quốc gia khác…
Hướng nhận đình này cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, ngoài ra còn có một số nhìn nhận khách quan hơn, như là cộng đồng cho nhà sản xuất thêm thời gian để thay đổi, cải thiện lại game theo một cách đúng hướng, đây sẽ là một sản phẩm đáng để chơi thử.
Tuy nhiên, các ý kiến này cũng vấp phải một số ý kiến không đồng tình. Cụ thể, theo một người cho biết, thực tế đội ngũ SHV đã được góp ý rất nhiều, nhưng vẫn không sửa đổi. “Mình từng ở trong nhóm Sử Hộ Vương lúc họ mới public có vài thành viên trong nhóm. Trước mình cũng đóng góp ý kiến về việc sửa lại hình tượng các nhân vật nhưng họ khá là bảo thủ với quan điểm của mình nên mình out group đó… Họ chưa chắc đã là thiên tài bạn ạ.” – một tài khoản facebook than thở.
Nhật Bản hoặc Trung Quốc là những đất nước thường xuyên đưa lịch sử vào game và biến tấu thành những hình vẽ như vậy, nhưng điều này cần phải được suy xét kĩ hơn. Xem xét tình hình quan điểm của người Nhật, họ là một nước phát triển và tương đối Âu Hóa. Nhật theo Thần đạo chứ không theo Tín ngưỡng thờ cúng truyền thống thờ cúng cha ông như người Việt, cũng không theo đạo Nho, đạo Khổng. Xét đến những vị thần của tín ngưỡng Nhật Bản, đối với những nhà làm phim, truyện, họ luôn có tâm thế kính trọng và vô cùng cẩn thận trong tạo hình. Nếu có tạo hình tây hóa hay gì đó khác, đều có lí do rõ ràng chứ không thể nói là “trùng hợp ngẫu nhiên và “lấy cảm hứng lịch sử”.
Facebook bạn có nickname T.L phân tích: “ Trung Quốc cách người ta truyền giữ và tạo hình lịch sử bao nhiêu năm nay rất tốt nên giới trẻ có cái nhìn chắc chắn trong về lịch sử. Việt nam thực sự mà nói kiến thức giới trẻ chưa vững vàng, truyền bá một cái gì đó lệch chuẩn có thể đem lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, thậm chí về lâu dài không còn có thể cứu vãn được nữa”.
Việt Nam ta bao đời nay thờ cúng cha ông. Hàng ngàn năm chống giặc, biết bao vị anh hùng dân tộc chịu thân voi dày ngựa xéo để đổi lấy từng tấc đất quê hương, nơi các bạn sinh ra và lớn lên. Uống nước nhớ nguồn là truyền thống quí báu của dân tộc ta. Một dân tộc có thế hệ trẻ chà đạp lên tinh thần cha ông, là một dân tộc tàn, một thế hệ tàn.
Nhiều độc giả cho hay, từ “cảm hứng” mà các bạn Sử Hộ Vương dùng chính là để đánh tráo khái niệm, “không có nghĩa bạn chỉ lấy nguyên một cái tên trong lịch sử, gắn vài cái fact rời rạc rồi thích vẽ thế nào thì vẽ được”. Hoặc có bạn cho rằng: “Mình cũng rất thích dự án của SHV, nhưng cái cớ “truyền bá lịch sử” cuối cùng lại bảo “trùng hợp ngẫu nhiên” thì thật sự không đồng ý. Game của Nhật nó chế rất nhiều, nhưng mục đích thì phải nêu rõ chứ không nửa nạc nửa mỡ như vậy”.
Bạn Q.A nói: “Việc vẽ anime hóa không sai, suy cho cùng cách vẽ theo anime chỉ là một loại nét vẽ mà thôi. Cái chính là cách các bạn khai thác nhân vật lịch sử như thế nào?” Quả đúng vậy, nên đầu tư hơn nghiên cứu lịch sử, và đặt nhiều tâm huyết hơn vào cốt truyện, tâm lí nhân vật và đặc biệt là trang phục của các thời kì lịch sử để chí ít người khác nhìn vào có thể biết được là game Việt Nam, người Việt Nam.
“Hay các bạn cho rằng trang phục cha ông ta Việt Nam xấu xí, quê mùa? Có thể các bạn đã nhầm rồi đấy. Với nét vẽ tốt như các họa sĩ Sử Hộ Vương, riêng các trang phục Việt xưa không cần thêm bớt gì đã quá sức lộng lẫy bạn ạ!” – một bạn nữ yêu lịch sử tỏ thái độ không đồng tình.
Nhiều thầy cô giáo và người lớn tuổi cũng theo dõi vụ việc và tỏ ra rất bất bình: “Dù cho trăm ngàn kẻ địch mạnh, cũng không đáng sợ bằng sự mục ruỗng trong lòng thế hệ trẻ. Thế hệ ngày nay, nhiều bạn trẻ không hiểu được đâu là cái gốc của mình. Hòa nhập nhưng không thể hòa tan, có những cái không thể nào dung nạp được. Các em, các cháu không thể cho rằng, nước mình lạc hậu, nước Nhật là tân tiến, là vô đối. Nhưng ít ra chúng ta chưa bao giờ chịu thua trước bất kì kẻ thù ngoại xâm nào.
Theo như các hội nhóm lịch sử phân tích, Fukuzawa Yukichi, một nhà tư tưởng Nhật, đưa ra kế hoạch cải tiến Nhật Bản bằng cách thay đổi hoàn toàn hệ thống chính trị, bỏ những tư tưởng Á châu hủ lậu, dồn sức canh tân kỹ nghệ để theo kịp Tây phương, và đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng Nhật đối với các nước láng giềng. Họ đã đánh đổi quá nhiều truyền thống để chạy theo Tây phương, nhưng họ vẫn có những điều tôn kính riêng bất khả xâm phạm. Đó là Thần Đạo, đó là Nhật Hoàng. Tại sao họ không bỏ quách đi để tây hẳn? Bởi vì con người sinh ra không được quên đi cái gốc của mình. “Các bạn công nhận cái gốc của nước người, nhưng bỏ đi cái gốc của nước mình ư?”.
Trích lời Bão Lửa, page chuyên phân tích các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội, lí do họ phải đả động đến vấn đề tưởng như không đáng tranh cãi này, đó chính là do Phạm Vĩnh Lộc, “cố vấn lịch sử” của Sử Hộ Vương, chính là một kẻ diệt sử. “ Phạm Vĩnh Lộc nhận thấy rằng đối với Lộc thì chính sử Việt thời cận đại chỉ có Trần Trọng Kim là chuẩn xác nhất, còn lại Lộc đều cho rằng không đáng tin. Bởi lẽ Trần Trọng Kim không chỉ là nhà nghiên cứu lịch sử mà còn từng là người đứng đầu chính quyền bù nhìn do Nhật lập nên, Trần Trọng Kim dù lúc đứng đầu chính quyền bùn nhìn vẫn hướng sự trung thành đến Bảo Đại và Nhật mà Bảo Đại chính là người đã lập nên Quốc Gia Việt Nam, tiếp tay cho Pháp quay lại Việt Nam rồi cũng từ đó đẻ ra VNCH. Phạm Vĩnh Lộc đa số tập trung viết về “Nguyễn Ánh”, những thông tin mà Lộc lấy làm tư liệu viết chủ yếu từ giai thoại “Gia Long phục quốc”. Nói chung Phạm Vĩnh Lộc viết tốt cho Nguyễn Ánh hay triều Nguyễn, mục tiêu cuối cũng là làm trắng cho gốc rễ của chế độ Ngụy do Mỹ lập nên!”
Chưa kể, bỏ qua phần hình ảnh, thì theo một số game thủ, phần gameplay của Sử Hộ Vương cũng hết sức có vấn đề. Theo một confession ẩn danh trên chính trang của Sử Hộ Vương, tiếng là Board game nhưng game không hề đặt trọng tâm vào những combo, hiệu ứng, mà chỉ xoay quanh việc bốc bài theo lượt. “ Chiến thuật nhàn nhạt, combo ít ỏi, từ khóa giải thích qua loa nhưng dồn lực vào art, kết cục lại cho ra một thứ art lai căng khó hiểu. Thiết nghĩ thay vào việc lôi kéo truyền thông bẩn, đội ngũ phát triển Sử Hộ Vương nên ngồi lại và cải thiện cốt lõi của game!”
Ban đầu vốn chỉ là những bình phẩm nhẹ nhàng trên mạng, nhưng sau khi nhiều độc giả phân tích, nhiều ý kiến sâu sắc và cảnh tỉnh đã được nêu ra. Có lẽ đã đến lúc, những bạn trẻ của nước nhà dừng việc tôn sùng những thứ sản phẩm lệch lạc, chắp vá này. “Mất gốc vì một trò chơi board game, liệu có đáng không?”, trích theo một câu hỏi của bạn T.L bình luận trên facebook, cũng là dấu hỏi lớn mà tất cả chúng ta đều phải suy ngẫm…