Chẳng còn mấy ngày nữa là đến Tết, thấy bạn bè đứa nào cũng háo hức, hăm hở cả. Niềm vui của tôi so với chúng nó chắc bị giảm đi một nửa. Về quê, đồng nghĩa là tôi phải tạm thời chia tay người tình “game” của mình trong gần 1 tháng trời. Bạn biết đấy, chẳng bố mẹ nào thoải mái trong việc cho con mình chơi game cả. Một tháng chẳng có gì là to tát nhưng đối với một game thủ chính hiệu như tôi thì đó thực sự là một thử thách không hề đơn giản. Cũng giống như một thói quen mà khi mất đi bạn sẽ cảm thấy khó chịu đến mức nào. Hay cũng giống như cảm giác vừa thất tình hay vừa đánh mất một thứ gì đó vậy.
Nói đến đây, chắc bạn sẽ nghĩ ngay rằng tôi là một “con nghiện” game ở cái mức trầm trọng. Bởi game chứ có phải người yêu, bạn gái gì đâu mà có chưa đến một tháng trời phải than vãn, nhớ nhung, buồn khổ đến thế. Nói ra thì rất nhiều cảm xúc, nhưng thực chất đó chỉ là nơi tôi giải trí và tìm niềm vui cho mình thôi, chưa đến cái mức mà không phân biệt được đâu là ảo, đâu là thực như một số ví dụ mà người ta vẫn hay đưa ra để tẩy chay game đâu. Cái lý do duy nhất cho cái cảm xúc hụt hẫng, thiếu vắng này chỉ đơn giản bởi nó đã trở thành một thói quen, hay nói một cách lãng mạn hơn thì nó là tri kỷ, là đam mê, là tình yêu. Mà tất cả những cái đó đều không thể dùng từ “nghiện” để thay thế được. Tuy đều thể hiện cái mức độ “cần” nhưng nó sẽ làm mất hết đi cái ý nghĩa vốn có của game mất rồi. Ít nhất là đối với tôi. Mà kể cũng lạ, tại sao con người ta lại cứ thích phải tách biệt rõ ràng ảo và thực ra đến vậy. Tôi thì vẫn cứ nghĩ nếu không có thế giới ảo chắc con người ta tự đắm chìm trong những bế tắc của cuộc sống thực lâu rồi. Chẳng phải bởi thế mà ngày trước các nhà thơ mới cũng tự vẽ ra những thế giới tưởng tượng trong những tác phẩm của mình sao. Nơi mà ở đó họ được sống với một cái “tôi” khác, được nhìn thấy những điều mới mẻ và tuyệt sáng hơn.
Chẳng nói đâu xa xôi làm gì, game cũng đơn giản giống vậy mà thôi. Game ảo thật đấy, thực tâm tôi cũng chỉ nghĩ nó là những trò chơi giải trí thôi, nhưng tôi tìm thấy niềm vui của mình ở những bước nhảy, những bản nhạc trẻ trung, sôi động trong Audition, những pha ép thẻ hồi hộp đến nghẹt thở trong FIFA online, những trận rượt đuổi trong một tựa game kinh dị, những chiến trường PK hoành tráng khốc liệt trong Đồ sát mobile… Hẳn là quá nhiều cung bậc cảm xúc thật khó lý giải. Hãy tạm thôi nói về những cảm xúc, bởi chắc ai cũng có những cảm xúc như thế đối với những sở thích riêng của mình thôi. Một chàng trai mê bóng đá, hay một cô nàng thích shoppinh ắt hẳn đều sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc khi được làm những gì mình thích. Tôi vẫn nghĩ game cho chúng ta nhiều thứ hơn là những cảm xúc. Đứa em gái tôi mới học lớp 7 có chơi một tựa game là Talking Tom, ở đó người chơi phải chăm sóc một con mèo, cho nó ăn, ngủ, tắm rửa, vệ sinh… đến khi mèo lớn dần lên, y như chăm sóc một đứa bé vậy. Mới những ngày đầu, em gái tôi háo hức và chăm sóc con mèo đó cẩn thận, ra dáng một người chị lo lắng cho đứa em lắm. Nhưng rồi theo các bạn, con bé lại chuyển sang chơi game thời trang hay nàng tiên cá gì đó, dường như không ngó ngàng gì đến chú mèo trong tựa game kia nữa. Trẻ con là minh chứng điển hình cho cái sự “cả thèm chóng chán”.
Lại cũng chỉ được một thời gian, em gái tôi muốn quay lại chơi trò cũ. Nhưng con mèo đã không còn ở đó nữa, chỉ để lại một lời nhắn rằng đến lúc nó phải đi vì nó đã không được ai chăm sóc trong một thời gian khá dài rồi. Thực ra con mèo trong tựa game đó cũng giống như một người bạn của chúng ta ở ngoài đời thực vậy. Nếu ta bỗng dưng quay lưng lại với bạn, một thời gian dài không quan tâm, chia sẻ cùng bạn, thì chắc hẳn người bạn đó rồi cũng sẽ bỏ ta mà đi. Nói như vậy để thấy rằng một tựa game đơn giản cũng dạy cho một đứa trẻ biết trân trọng hơn những người bạn mà mình đang có. Nó không đơn thuần là cảm xúc nữa, mà là bài học.
Cũng giống như tôi, đằng sau những trận cười hả hê, dường như thắng là vui, thua là buồn ấy, tôi vẫn học được từ game những điều giản đơn nhưng đôi khi trong cuộc sống thực tôi phải đối mặt rất nhiều. Rằng sức mạnh đến từ sự kiên nhẫn và bền bỉ trong Series Heroes; rằng chiến thắng được làm lên từ tinh thần tập thể trong World of Warcraft; rằng thành công không phải là một trò chơi có phần cuối, kết thúc của lượt chơi này sẽ mở ra sự khởi đầu cho những lượt tiếp theo… Tôi vẫn luôn tin vào câu nói “Tất cả mọi thứ suy cho cùng đều có liên quan đến nhau”. Và game, thực ra nó được bắt nguồn từ chính cuộc sống thực, đã, đang và sẽ chẳng bao giờ tách khỏi cuộc sống của chúng ta được cả. Thế nên chẳng thể nói rằng game là một thế giới đối lập đưa con người cách xa cuộc sống thực. Vị trí của nó là song hành với chúng ta, đem đến những điều mới mẻ trong thế giới thực tại này.