Ready Player One, nếu như bạn chưa từng nghe đến, là một bộ phim về game được đạo diễn bởi bàn tay của một trong những “nhà ma thuật” nổi tiếng nhất của bộ môn nghệ thuật thứ 7 – Steven Spielberg. Phim diễn ra vào năm 2045, thời điểm mà hầu như tất cả mọi người đều tham gia vào một thế giới ảo mang tên OASIS. OASIS không chỉ đơn giản là một trò chơi, mà còn là một môi trường thực tế ảo, nơi người dùng có thể làm mọi thứ mình muốn. Người sáng tạo ra OASIS, James Halliday, để lại trong game một “Easter Egg” mà nếu ai tìm thấy, sẽ trở thành người sở hữu thế giới ảo này (một gia tài tương đương với vô số tỷ đô la).
“Easter Egg” là một thuật ngữ được xuất hiện lần đầu trong ngành game. Nguồn gốc dân gian của nó là từ Lễ Phục Sinh của người phương Tây, khi mà người lớn thường giấu những quả trứng được sơn màu rực rỡ để trẻ con đi tìm trong ngày lễ này. Khi xuất hiện trong game, nó được ám chỉ về những bí mật nho nhỏ được nhà thiết kế của trò chơi dấu kín, nhằm tạo ra những trải nghiệm thú vị hơn cho game thủ khi giải được. Cánh bảo: Có spoil phía dưới. Để tìm thấy Quả Trứng Phục Sinh này trong OASIS, nhân vật chính của chúng ta phải giải mã được 3 câu đố có liên quan đến cuộc đời của James Halliday. Trong đó, ở câu đố thứ 3, câu đố cuối cùng, không phải gì khác, mà chính là về Adventure - tựa game đầu tiên mà Easter Egg xuất hiện trên thế giới. Để tìm thấy “quả trứng” này, người chơi Adventure phải tìm thấy một căn phòng bí mật, nhặt một món đồ tưởng chừng như vô dụng (được hiển thị như một dấu chấm trong game), mà đem nó tới một địa điểm tưởng như chẳng liên quan. Khi làm được điều này, một bức tường trong game sẽ biến mất, và người chơi có thể bước vào một căn phòng nơi hiển thị tên của người làm ra trò chơi: Robinett. Nhân vật chính của Ready Player One đã làm đúng như vậy, để lấy được chiếc chìa khóa thứ 3 dẫn đến Easter Egg.
Như vậy, tại sao Robinett lại quyết định đưa vào dòng chữ: “tựa game này được thiết kế bởi Robinett” trong tác phẩm của mình? Chẳng nhẽ không làm thế thì không ai biết được ông là tác giả của Adventure hay sao? Trên thực tế thì…đúng như thế. Vào những năm 1979, khi mà ngành game vẫn còn đang ở thưở sơ khai, các nhà thiết kế lúc này vẫn bị các công ty game đối xử như những công nhân, chứ không phải là tác giả của những đứa con tinh thần của họ. Người chơi thường xuyên chỉ biết đây là game của hãng nào (ở đây là Atari), chứ không hề biết ai làm ra nó. Robinett quyết định “phản kháng”, bằng một cách chưa ai từng nghĩ ra vào thời điểm đó. “Khi biết rằng tôi đang thiết kế một tựa game cho một công ty được điều hành bởi những người sẽ ép tôi trở thành một gã vô danh nào đó dù bản thân tôi đã làm ra cả trò chơi, nó khiến tôi cảm thấy phát điên”_Robinett trả lời trong một cuộc phỏng vấn năm 2016_”Đó là trò chơi của quyền lực, và sau khi thất bại trong chuyện chống đối, cảm thấy không vui vẻ vì phải làm việc dưới trướng những kẻ lắm tiền nhiều của, tôi có một ý tưởng thầm kín về việc giấu tên mình bên trong tựa game.”
Bí mật này của Robinett được tìm thấy bởi một game thủ 15 tuổi cách đó khá lâu, khi mà ông đã rời khỏi Atari. Kể từ đó, nó trở nên nổi tiếng đến nỗi mọi tựa game ở giai đoạn này đều phải có không nhiều thí ít một vài bí ẩn được giấu kín.
Trở lại với Ready Player One, đây là một bộ phim nói về cái cách mà một tác giả, một nghệ thuật gia, liên hệ với tác phẩm của mình. OASIS của Halliday là một thứ mà ông muốn chia sẻ với mọi người chơi trên thế giới, nhưng thế vẫn chưa đủ. Ông tạo ra một mê cung câu đố, để những người chơi giải được nó sẽ hiểu thêm về cuộc đời của chính ông, cách mà ông thành công, cũng như cách mà ông thất bại. Halliday không “vô danh” như Robinett, ông rất nổi tiếng. Nhưng trên thực tế, ông chỉ nổi tiếng vì làm ra OASIS, còn con người thực của ông thế nào thì chẳng ai hiểu rõ. Bởi vậy, có thể nói rằng, suy nghĩ của Halliday khi tạo ra câu đố về Easter Egg, cũng giống hệt như những gì mà Robinett từng nghĩ, khi giấu tên mình vào trò chơi mà mình tạo ra.