Mấy nay công đồng cứ rần rần về việc game này game kia dở hay thế nào. Dẫu biết game thì cũng không phải con game nào cũng thành công, cũng đi vào lòng người, nhưng cái thể loại chơi game không giống người xong chê game thì nó trời ơi đất hỡi lắm.
Trước khi bắt đầu, Mọt tui xin nhấn mạnh một điều: bài viết này sẽ không đề cập đến vấn đề crack – bản quyền chi hết. Bản thân người viết thấy dù thuộc nhóm xài hàng chùa hay bỏ tiền ra mua, thể loại game thủ được đề cập dưới đây cũng nhan nhản khắp nơi.
Từ chuyện thích chơi game dễ nhưng đi mua game khó…
Trước tiên, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về một tựa game được phát triển như thế nào. Nguyên tắc cơ bản nhất về một tựa game, đặc biệt khi nhắc đến thể loại game thì người ta nghĩ ngay tới gameplay. Y như trái bóng, nếu đá dưới chân thì gọi là bóng đá, nếu cầm lên ném nó vào rổ thì có tên bóng rổ, nhảy lên đánh nó văng đi thì gọi là bóng chuyền, vân vân… Chỉ là một trái bóng nhưng do sự sáng tạo và mục đích sử dụng của con người mà người ta khai sinh ra biết bao nhiêu môn thể thao hấp dẫn phục vụ cho nhu cầu và sở thích của mỗi con người. Game cũng tương tự như thế.
Ngay từ khi còn là những trò chơi cơ bản trên những chiếc bàn ăn (boardgame) cho đến khi trở thành một ngành công nghiệp tỷ đô như hiện giờ, thế giới game liên tục chuyển mình và đa dạng bản thân để có thể đáp ứng nhu cầu của game thủ. Những thể loại game mới không chỉ liên tục xuất hiện mà còn vượt lên trên những thể loại thông thường rồi đứng ra thành một thể loại riêng biệt, độc nhất và khó ai bì kịp. Tiêu biểu như cái tên From Software nổi tiếng với series Souls và đám game “siêu cấp khổ dâm” như Sekiro: Shadow Die Twice. Tuy vậy, game thủ cũng có game thủ này game thủ kia, và trong đó có một thể loại game thủ có sở thích vô cùng khác người.
Đó là một đám game thủ khá kỳ lạ, những kẻ này có thể sử dụng đồ “chùa” hoặc mua cả game bản quyền. Sau đó về chơi game xong lên mạng chửi rủa như vừa bị ai lừa mất món hàng giá trị vậy. Ông bà ta hay nói “Đừng dạy người khác cách xài tiền” nên Mọt tui không dám bàn đến cái việc chơi game của họ, nhưng cái phong cách mua game thể loại A về chơi theo phong cách B rồi om sòm lên “Sao game dở vậy” hay “Game gì chả được gì hay, chỉ biết làm tiền” thì đó là một dạng khác hoàn toàn rồi. Lấy ví dụ cho dễ hiểu hơn chính là Sekiro, mà Mọt đã từng đề cập trước đây về Easy Mode. Một điều mà ai ai cũng biết là game của From Software thì lúc nào cũng khó, chỉ hợp khẩu vị một số người. Và cái việc vượt qua những thách thức mà tựa game đặt ra chính là cái mốc cao nhất mà bất kỳ ai lỡ yêu dòng game này hướng tới. Ấy vậy mà có những thanh niên, đã không chơi được thì thôi (vì khá khó chơi) lại còn ra điều hạch sách chê bai đủ kiểu. Nào không có Easy Mode, nào là Boss trong game vô lý quá mức xong rồi ca cái bài game này không đáng tiền, chơi chán để biện hộ cho kỹ năng yếu kém của mình.
Đương nhiên, game bạn mua thì bạn muốn chơi ra sao hay làm gì nó là quyền của bạn. Nhưng cái kiểu mua game không đúng mục đích mà chỉ vì cái tiếng rồi tá hỏa ra mình chơi không được thì rõ ràng là có vấn đề. Mà giả như bạn tự mình trách mình thì cũng không nói đến, nhưng bạn lên than vãn, trách móc hay nói với game thủ khác là đừng nên mua hay những thứ đại loại về game trên những không gian cộng đồng thì đúng là bạn xứng đáng nghe ăn chửi. Người viết bài còn từng thấy những lời bình luận phân bua rất… hài hước như kiểu: “Tui đi làm về rất là mệt, nên chơi game để giải trí. Mà giải trí thì giết một con Boss hết cả một đêm thế này thì không giải trí được. Game gì mà dở vãi nồi.” Có thể thấy một cách rõ ràng sự mâu thuẫn trong mấy cái bình luận như vậy. Bạn muốn chơi game dễ để giải trí mà lại đi mua Sekiro, một con game không được dễ để giải trí xong rồi bạn than sao game dở? Thế giới số giờ nhanh lắm, cái gì cũng có thể hỏi Google, nên lấy cái lý do không biết gì để biện hộ là một lý do không thể chấp nhận được. Bạn cứ thẳng thắn thừa nhận là chạy theo số đông, thấy người ta bàn tán nhiều cái cũng ham mua rồi sau đó chơi không hợp là người ta sẽ thông cảm cho bạn. Chứ đừng có lý do là chơi game để giải trí, chỉ là game thôi mà để phủ nhận toàn bộ những cố gắng của người khác để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho bạn. Cứ như bạn tập chạy xe đạp không được liền chửi nhà sản xuất xe đạp là lừa đảo và đòi họ phải bỏ mẫu xe đạp 2 bánh đi và từ nay về sau chỉ sản xuất xe đạp 3 bánh vậy.
Đến chê game dở vì… trang phục thêm bán mắc
Mà đó không phải là nạn nhân duy nhất. Mortal Kombat 11 mới ra đây chính là hậu quả của phong cách chơi game thể loại này mà đánh giá theo thể loại khác với điểm số thấp lè te trên các trang đánh giá. Mortal Kombat 11 nhận được rất nhiều thiện cảm của giới đối kháng chuyên nghiệp khi đây là tựa game được đánh giá tiến bộ nhất của cả series nhiều năm tuổi này với những sự thay đổi về gameplay và mechanic của game. Bản thân game cũng đang giành được sự chú ý và kỳ vọng khi có thể một bước tiến vào eSports như những gì mà những người đồng nhiệm Street Fighter V, Tekken 7,… làm được. Thế mà, game được đánh giá thấp thảm hại vì lý do…microtransition. Đa phần những bình luận và nhận xét tiêu cực mà game nhận được đều phàn nàn về việc mua bán mấy vật phẩm trong game chứ không phải do gameplay của game có vấn đề. Không lẽ họ quên mất rằng họ đang chơi một tựa game đối kháng, chứ không phải game thời trang như Ngôi Sao Hoàng Cung mà phàn nàn về việc mua bán của game.
Nên nhớ, những vật phẩm đó chỉ mang tính làm đẹp và cũng không làm cho nhân vật bạn chơi mạnh thêm, vậy thì có gì mà phải kêu gào “hút máu” ở đây. Cơ bản, bạn mua game và bạn được tận hưởng gần như toàn bộ tinh hoa mà game đem lại rồi, việc mua Rương chẳng qua cũng chỉ làm đẹp, chẳng ai bắt bạn mua mà cũng chẳng cần dùng đến. Thay vì cố gắng kiếm được những thứ mình muốn, game thủ nên tập trung nghiên cứu về trò chơi, cách một game đối kháng như Mortal Kombat 11 vận hành như thế nào và làm sao để giành chiến thắng khi đấu với người thực còn hay hơn đấy. Những người đánh giá tệ hại cho game đa phần đều là người chơi casual, giải trí chứ những người chơi chuyên và “fan ruột” thì lại ít phàn nàn về việc này hơn. Không bàn đến doanh thu của game ở đây, nhưng liệu bạn mua một con game về mà không tận dụng hết toàn bộ những cái hay nhất, bản sắc nhất của game mà chỉ quan trọng vẻ ngoài của game hay không? Tại sao lại phải làm tựa game trở nên xấu xí đi khi nó không phải là lỗi của nó mà là lỗi của chính bạn?
Mà nghĩ cũng lạ, Counter Strike: Global Offensive cũng bán skin súng lấy tiền nhưng chả mấy ai chê nó hút máu bằng bán thùng súng. Còn Dead or Alive thì nhìn ra thói xấu này của bà con dân game nên làm hẳn các bản spin off “rửa mắt” cho những ai chỉ thích ngắm không thích chơi đối kháng như Dead or Alive Xtreme Beach Volleyball, ngắm thỏa thích, mua thời trang thỏa thích với tiền kiếm được trong game chứ chả phải nạp tiền luôn!
Tóm lại thế giới game còn, và còn rất nhiều tựa game bị chính người chơi cho mình cái quyền được chơi game theo cách “ngược đời” rồi gò ép nhà sản xuất và người khác phải chiều theo mình như vậy. Vẫn biết các nhà phát hành phải thay đổi để chiều lòng đám game thủ càng lúc càng tự tư tự lợi, nhưng cũng chính vì vậy mà giết đi những thể loại game vô cùng tuyệt vời để sau đó bị quăng lại một câu “mất đi bản sắc”. Còn game thủ nữa, hãy chơi game theo đúng cách mà tựa game ấy vận hành, hoặc giả như không hợp thì hãy giữ im lặng chấp nhận mình đã sai lầm khi thử nghiệm cái mới để cho người chơi khác có cái nhìn khách quan hơn. Chứ đừng vì sự cố chấp của bản thân mà đôi khi hại chết một tựa game hay.
Đăng ký tham gia event ALAX để nhận được những phần quà công nghệ giá trị: http://bit.ly/309lSNF