Với cộng đồng game thủ thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, các phần mềm gian lận và người dùng gian lận đến từ Trung Quốc đã là chuyện quá đỗi quen thuộc, quá bình thường, hệt như trời vẫn cao và nước vẫn ướt. Trong bài viết này, Mọt tui sẽ nói với các bạn chút chuyện bi hài từ ngành công nghiệp gian lận trong game của ông hàng xóm chúng ta.
Chuyện gian lận trong cộng đồng game thủ tại Trung Quốc phổ biến đến mức nào? Nói khơi khơi thì khó tin, dùng số liệu lại hơi khô khan, nên Mọt sẽ cho các bạn một ví dụ khá đơn giản xảy ra gần đây. Khoảng 2 năm trước, khi hãng lớn nọ giới thiệu một model máy tính xách tay mới Trung Quốc, phó chủ tịch phụ trách mảng quảng bá khách hàng và kinh doanh nhỏ của hãng đã bước lên sân khấu và tự tin nói rằng với chiếc laptop được thiết kế để chơi game của hãng, game thủ Trung Quốc sẽ có thể… cheat một cách hiệu quả hơn trong PUBG.
“Những game thủ Trung Quốc sử dụng ngoại quải (cách gọi phần mềm cheat của game thủ Trung Quốc) sẽ trở thành những người có năng lực thống trị nhất thế giới, chẳng hạn có thể chạy nhanh hơn người khác, phá hủy 10 chiếc xe cùng một lúc… Nếu những game thủ giỏi nhất này sử dụng CPU Intel đời 8 (trong laptop đang được giới thiệu), họ sẽ có thể chạy càng nhiều ngoại quải để thành công ăn gà. Những game thủ có thể chạy nhiều ngoại quải đều là nhờ vào tính năng mạnh mẽ của laptop này.”
Tại sao?
Tại sao game thủ Trung Quốc lại thích gian lận trong game? Là người ngoài, Mọt không có quyền lên tiếng nhưng may mắn là có một game thủ người Trung Quốc nọ đã lên diễn đàn Reddit để chia sẻ với game thủ thế giới những suy nghĩ của mình. Game thủ có nick LeHsynthe chia sẻ rằng mình biết đến cheat từ năm 12 tuổi và đã có khoảng 10 năm kinh nghiệm dùng cheat, đã chứng kiến sự lan tỏa của “ngành công nghiệp gian lận” và muốn giải thích tại sao chuyện gian lận lại trở thành phổ biến tại Trung Quốc.
Theo LeHsynthe, có ba lý do chính khiến gian lận trở thành một vấn nạn lớn trong cộng đồng game thủ nước anh. Đầu tiên là hình tượng “con người ta” mà các bậc phụ huynh, những người họ hàng Trung Quốc thường dựng lên cho con cháu mình, một đứa trẻ hoàn hảo về mọi mặt, là tấm gương cho đứa con phải noi theo. Họ muốn con cháu mình phải đạt được trình độ như con người ta, phải có điểm số cao như con người ta, phải tài giỏi, phải đạt nhiều giải thưởng, vân vân và vân vân. Điều này tạo ra tâm lý ganh đua trong lũ trẻ và dẫn đến việc chúng muốn chiến thắng bằng mọi cách. “Vì vậy nếu bạn nói với tôi rằng tôi có thể thắng một trò chơi bằng cách dùng hack, dĩ nhiên tôi sẽ dùng hack. Phần lớn thế hệ chúng tôi không quan tâm đến danh dự hay nỗ lực hay cách chiến thắng, mà chỉ quan tâm đến chuyện có thể thắng.”
Lý do thứ hai là sự lan tràn của phần mềm lậu đã bị chỉnh sửa. “Gần như tất cả game thủ thế hệ của tôi đều chơi Plants vs Zombies với mặt trời (dùng để mua cây) vô tận, Call of Duty với máu và đạn bất tận khiến cả Makarov cũng không giết được bạn trong no Russian.” Sau khi đã được những tựa game offline này “huấn luyện” cho quen với việc dùng các phần mềm chỉnh sửa, họ trở nên phụ thuộc vào những phần mềm có thể cải thiện kết quả (chứ không phải trình độ) và khi thời đại game online tiến đến, rất nhiều game thủ trong thế hệ này chuyển thành những kẻ dùng hack trong game online.
Và nguyên nhân thứ ba mà LeHsynthe đưa ra là lượng sinh viên ngành công nghệ thông tin mới ra trường đông đảo của Trung Quốc. Đây là một ngành học rất được ưa chuộng, nhưng khi “bong bóng” nổ, rất nhiều người trở thành thất nghiệp và tìm đến những việc làm có liên quan chút đỉnh đến công việc của mình, bao gồm việc tạo ra phần mềm hack game dựa trên kiến thức đã học. Sự cạnh tranh trong ngành nghề mới này khốc liệt đến mức các “studio” viết phần mềm hack cạnh tranh nhau về giá cả và tính năng, nên game thủ CSGO có thể mua phần mềm hack 1 tuần với giá 6 USD, một mức giá rẻ bèo với game thủ Trung Quốc.
Dĩ nhiên những lý do mà LeHsynthe đưa ra chỉ là nhận định của một người, nhưng ít nhất chúng đem lại cho chúng ta một góc nhìn từ người trong cuộc. Những nhận định của game thủ này cũng là có cơ sở, bởi văn hóa Á Đông đặt nặng tính ganh đua và vai trò của chiến thắng, trong khi văn hóa phương Tây đôi khi chỉ chú trọng việc tham dự và “làm hết sức mình.” Như lời cây hài độc thoại George Carlin mà Mọt tui rất yêu thích từng nói, đại khái là “ngày nay ở Mỹ, không còn đứa trẻ nào thua cuộc. Tất cả mọi người đều thắng cuộc. Tất cả đều có thưởng. Bạn biết thời buổi này họ nói gì với đứa trẻ thua cuộc không? ‘Cháu là người thắng sau cùng, Bobby.’”
Cho đến lúc này, đã có những kẻ phải trả giá cho chuyện gian lận trong game, chẳng hạn hồi năm 2017, một “trùm” cung cấp phần mềm gian lận trong CSGO tại Trung Quốc bị cảnh sát thộp cổ sau khi Perfect World trở thành nhà phát hành chính thức của CSGO tại Trung Quốc. Mọt tui không theo dõi vụ việc này nên không rõ sau ba năm, số phận của nhân vật này hiện ra sao.
Lạm bàn
Dĩ nhiên không phải chỉ có game thủ Trung Quốc mới cheat, và càng không phải game thủ Trung Quốc nào cũng cheat. Theo một thống kê được Irdeto, một công ty an ninh mạng thực hiện với gần 9.500 game thủ đến từ Trung Quốc, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ vào năm 2018, có đến 37% số game thủ được hỏi thú nhận rằng mình từng cheat trong game. Trong số 63% còn lại, 57% nói rằng mình không bao giờ cheat, 5% không biết có từng cheat chưa và 1% không muốn nói.
Đôi khi, có lẽ game thủ cheat là vì họ nghĩ rằng thế giới “ảo” là không thật, và không làm hại đến ai (dù thật ra họ đã làm hại đến những người chơi khác trong cùng trận với mình khi phá hỏng trải nghiệm của họ, và gián tiếp ảnh hưởng đến nhà phát triển game). Như Mọt còn nhớ, Bluehole từng phải hoãn việc phát triển nội dung mới cho game để tập trung phát triển phần mềm chống gian lận của mình, điều ảnh hưởng đến cả doanh thu của hãng lẫn trải nghiệm của game thủ. Kẻ gian lận còn có thể dẫn đến sự lan tràn như bệnh dịch: khi một game thủ bị kẻ khác đánh bại bằng cách gian lận, có thể anh ta sẽ nghĩ đến chuyện “báo thù” bằng cách… gian lận theo!
Và điều này dẫn đến một hiện trạng xấu xí của làng game: cũng theo kết quả cuộc thăm dò của Irdeto, chỉ có 12% số game thủ chơi game online chưa từng bị ảnh hưởng xấu từ việc người khác gian lận trong game. Con số này cho thấy rằng game thủ trên toàn cầu không hề cảm thấy mình được bảo vệ khỏi những kẻ gian lận hay các loại phần mềm hay plugin có hại, và rất nhiều người sẽ chỉ trích các nhà phát triển / phát hành game phớt lờ chuyện phòng thủ tựa game của mình. Ở đây, các nhà phát triển cũng là nạn nhân bởi họ chỉ có thể phòng thủ một cách thụ động, còn những giải pháp chủ động kiểu khống chế máy tính của game thủ để chặn các phần mềm khác ngoài game sẽ bị chửi tắt bếp đến khi nào bị dẹp bỏ thì thôi!
Có giải pháp nào không?
Gian lận trong game là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi,” nhưng chúng ta vẫn cứ phải nói. Chống gian lận đòi hỏi sự mạnh tay của nhà phát triển lẫn nhà phát hành với các giải pháp phần mềm tiên tiến cũng như những biện pháp trừng phạt nặng, nhưng đó là chưa đủ. Đây không thể chỉ là chuyện của game thủ hay của nhà phát hành, mà thậm chí cả nhà chức trách cũng cần vào cuộc. Tại Trung Quốc, Mọt biết rằng chính phủ nước này đã đặt ra các điều luật cấm việc phát triển và phát tán phần mềm cheat cũng như sử dụng chúng để gian lận trong game, yêu cầu tài khoản game phải được chứng thực,…
Tuy nhiên để ngăn chặn việc game thủ Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào khác dùng cheat không hề dễ dàng, bởi hậu quả của việc dùng cheat là rất khó nhận ra, trong khi ích lợi của nó nằm ngay trước mắt: những trận thắng đến dễ dàng mà không cần nỗ lực hay trình độ. Nói đâu xa, ngay tại nước nhà chúng ta vẫn có những game thủ chơi cheat “cho vui” vì không thể thắng nổi khi không gian lận, và những streamer “hút view” bằng cách dùng cheat có một cộng đồng fan sẵn sàng hoan hô, ủng hộ và đem lại cho họ danh tiếng lẫn tiền nong!