Loại dưa hấu cực độc mọc ở sa mạc, dù có khát cũng không ai dám ăn

Được trồng hiều ở vùng sa mạc Shaphatou, Trung Quốc, nhưng người dân địa phương lại cắm biển cấm khách du lịch ăn loại dưa hấu kì lạ này. 

TIN LIÊN QUAN

Khi thời tiết nắng nóng, được ăn những miếng dưa hấu mọng nước và ngọt lịm có lẽ là điều mà ai cũng muốn. Được tìm thấy lần đầu tiên tại lăng mộ của vị vua Ai Cập cổ đại Tutankhamun, cách đây 3.300 năm, điều đó chứng tỏ dưa hấu đã là món ăn yêu thích của con người từ thời kỳ xa xưa. Tuy nhiên, ở sa mạc nắng nóng tại Shaphatou của Trung Quốc lại có một loại dưa hấu kỳ lạ, dù có khát cháy cổ cũng không ai dám hái.

Shaphatou nằm ở rìa đông nam của sa mạc Tengger (sa mạc lớn thứ tư Trung Quốc), thuộc khu tự trị Ninh Hạ. Nhờ cảnh quan độc đáo và kỳ vĩ, nơi đây đã trở thành địa điểm thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan hàng năm. Năm 2008, Shaphatouđược đánh giá là một trong “50 thắng cảnh đặc sắc nhất của Hoàng Hà” tại Hội nghị Du lịch Hoàng Hà.

Dưa hấu mọc trên sa mạc Shaphatou, Trung Quốc

Bên cạnh “biển” cát trải rộng, trập trùng, ở Shaphatou cũng có sự xuất hiện của sông, núi và các ốc đảo. Nếu may mắn, khi đến đây bạn còn có cơ hội được trải nghiệm những ảo ảnh lộng lẫy và huyền bí. Ở lưu vực sông, độc đáo nhất phải kể đến bè da cừu – một loại phương tiện di chuyển và chở hàng lâu đời nhất của sông Hoàng Hà. Ngoài ra, các khu vực núi và ốc đảo cũng được coi là nơi bảo tồn các loài động vật quý hiếm, nằm trong danh sách cần được bảo vệ của Quốc gia.

Với địa hình như vậy, không lạ khi ở Shaphatou người ta trồng rất nhiều giống dưa hấu khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết những cánh đồng dưa hấu này đều được cắm biển cấm, nhắc nhở khách du lịch không được hái ăn. Nguyên nhân là do loại dưa hấu trên sa mạc ở Shaphatou không hẳn là dưa hấu thật.

Độc tính của dưa hấu Shaphatou

Thông thường, dưa hấu chúng ta ăn là loại có vỏ mỏng, phần thịt bên trong ruột đỏ, xốp, nhiều nước và có thể ăn trực tiếp ngay sau khi bổ. Tuy nhiên, loại dưa hấu ở Shaphatou này lại không thể ăn “sống” như thế.

Các nhà thực vật học đã nghiên cứu ra rằng, trong dưa hấu Shaphatou có chứa 4 loại saponin, 3 loại hợp chất sắt và 2 loại ancaloit. Khi các chất này kết hợp lại sẽ tạo ra độc tính cực mạnh, có thể gây tử vong ở người. Ngoài ra, mặc dù trong ruột của nó không có nhiều nước, nhưng nước tập chung ở cây dây leo có tính ăn mòn cao, khi tiếp xúc với da sẽ gây hiện tượng bỏng, rát. Chính vì thế, người dân địa phương gọi loại dưa hấu này là “dưa hấu độc dược”.

Bề ngoài của dưa hấu Shaphatou khá giống với dưa thông thường: hình tròn, màu xanh, có sọc thẳng

Không chỉ vậy, vỏ của chúng còn có rất nhiều lông tơ. Sợi lông mịn này chứa hàm lượng kiềm cao, nếu chẳng may chạm vào sẽ vô cùng ngứa ngáy.

Đã có nhiều trường hợp vì không thể chịu nổi cái nóng và khát trên sa mạc, nhiều loài động vật đã mạo hiểm ăn dưa hấu “độc dược” và kết quả là bị suy thận, thậm chí chết ngay tại chỗ. Những người dân địa phương cho biết, ở bên cạnh những cây dưa độc dược luôn có rất nhiều xác động vật.

Thịt quả đắng, ăn không ngon

Để nghiên cứu kỹ hơn về loại dưa hấu này, các nhà khoa học đã mạo hiểm thử một lượng nhỏ thịt quả (rất ít, không đủ để gây nguy hiểm đến tính mạng) và nhận xét rằng nó có xốp, ruột rỗng, cứng, có nhiều hạt, không khác gì ăn ruột quả bầu già.

Ruột dưa hấu Shaphatou có màu trắng, nhiều hạt, xốp và vị đắng

Hơn nữa, do thịt quả chứa nhiều chất kiềm nên có vị đắng như mướp đắng (khổ qua). Những con vật tò mò ăn phải chúng một là mất mạng, nếu có may mắn sống sót thì cũng vì vị đắng đó mà tránh xa.

Giống như các loài cây khác trên sa mạc, dưa hấu “độc dược” cũng tồn tại và phát triển dựa trên cơ chế tích nước. Nhưng vì không mọc gai như xương rồng, chúng chỉ có thể tự vệ bằng cách tiến hóa để trở nên cực độc.

Có thể dùng làm thuốc chữa bệnh

Nếu bạn thắc mắc tại sao nó độc nhưng những người nông dân vẫn trồng thì câu trả lời là nó còn có giá trị làm thuốc và chắn gió, chắn cát trên sa mạc.

Mặc dù độc nhưng chúng vẫn được trồng nhiều ở các sa mạc, không chỉ riêng Shaphatou

Nó được biết đến là một loại dược liệu rất tốt trong việc chữa bệnh dạ dày. Dược tính của nó tập chung phần lớn ở hạt. Từ xa xưa, nhiều người đã biết phơi khô và ngâm hạt dưa làm thuốc nhuận tràng.

Mặc dù vậy, theo những nghiên cứu khoa học hiện đại, người ta khuyên rằng chỉ nên dùng nó thay thuốc trừ sâu sinh học để bảo vệ cây trồng và tránh ô nhiễm môi trường.