Mọi chuyện bắt đầu khi những thông tin về một tựa game arcade mang tên Polybius xuất hiện trên website Coinop.org vào ngày mùng 2 tháng 8 năm 1998. Người đăng tải thông tin này cho hay mình vô tình có trong tay bản Rom của Polybius, cho phép ông trích xuất các mảnh thông tin còn lại trong phần "About Game".
Nhưng câu chuyện đi cùng với Polybius mới là thứ khiến người thấy gai người. Tất cả bắt đầu khi Polybius - một tựa game arcade (máy thùng) xuất hiện tại vùng ngoại ô Portland, Oregon, Mỹ vào năm 1981 - một hình ảnh khá lạ lùng vào thời bấy giờ. Không những thành công, Polybius còn tới mức độ gây nghiện khi người người phải xếp hàng quanh chiếc máy thùng để được chơi. Tuy nhiên sau một thời gian, những người chơi Polybius bắt đầu gặp phải những hiện tượng lạ lùng. Ở đó họ luôn gặp phải chứng mất trí nhớ, mất ngủ, căng thẳng, hay gặp ác mộng và thường xuyên sợ hãi ban đêm. Như khiến mọi chuyện trở nên mờ ám hơn nữa, các chiếc máy thùng thường xuyên được ghé thăm bởi các bóng hình mặc đồ đen mờ áp, thu thập thứ gì từ máy đó rồi lập tức bỏ đi. Mọi người đồn thỏi rằng họ là những thành viên của tổ chức chính phủ đang thu thập dữ liệu về phản ứng thần kinh của người chơi, từ đó trợ giúp cho các dự án mật của CIA.
Công ty làm Polybius cũng dấy lên những dấu hỏi đáng ngờ. Mang tên "Sinneslöschen", danh đặt công ty này được ghép bởi hai từ "Sinnes" và löschen" của tiếng Đức. Sinnes mang ý nghĩa "những giác quan", trong khi "löschen" là động từ chỉ sự xóa sổ. Một công ty làm game với cái tên "Xóa sổ giác quan" quả thực không hề khiến bức màn bí ẩn xung quanh Polybius trở nên sáng tỏ chút nào. Trở về thời điểm năm 1998, người đăng tải thông tin về Polybius có tên là Steven Roach. Người này tự nhận mình là một nhà phát triển game và nhận hợp đồng của một công ty nào đó ở Nam Phi. Sau khi phát hành tựa game có những tác dụng xấu đến người chơi và họ quyết định thu hồi nó. Theo Blogger Cat DeSpira cho hay trên thực tế có một Steven Roach đời thật, chỉ có điều không phải là một nhà phát triển game. Người này từng là một Giám đốc an ninh tại "trung thay đổi hành vi thiếu niên" tại Mexico, cũng như một trung tâm khác mang tên "Học viện Morava" tại CH Séc. Vợ của Steven Roach cũng giữ vai trò Giám đốc tại hai trung tâm này, trong khi cả hai đều từng là cảnh sát. Nhưng vào tháng 11 năm 1998, hai trung tâm bị điều tra với cáo buộc lạm dụng trẻ em và buộc phải đóng cửa sau đó. Hai vợ chồng Roach tới nay vẫn đang lẩn trốn pháp luật.
Cat DeSpira trong bài viết của mình nói:
Liệu hai Stephen Roach này là cùng một người? Có chăng mối liên quan giữa Polybius và hai trung tâm bị đóng cửa? Chúng ta không thể biết vì không hề có bằng chứng xác đáng nào kết nối hai vấn đề. Chỉ có một điều được khẳng định ngay vào lúc này, đó là đang có một Stephen Roach bị pháp luật truy lùng ngoài kia. Đâu là sự thật? Nói gì thì nói cho tới nay Polybius vẫn được đóng mác "truyền thuyết" vì không có một tài liệu nào chứng minh sự tồn tại của tựa game. Nhiều người cho rằng tựa game này chỉ là một sản phẩm của việc phóng đại các câu chuyện có thật diễn ra cùng một thời điểm. Trở lại năm 1981 tại Portland, có 3 trường hợp thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe vì chơi game chỉ trong vòng một tuần. Michael Lopez gặp chứng đau nửa đầu khi chơi Tempest; Brian Mauro, 12 tuổi, lâm bệnh sau khi cố gắng lập kỷ lục với Asteroids sau 28 giờ chơi; Jeff Dailey, 18 tuổi, mất vì đau tim trong khi cố gắng lập kỷ lục với Berzerk. Một năm sau, Peter Burkowski, 19 tuổi, cũng mất khi chơi cùng game ấy với ly do tương tự. Cả hai đều lọt vào Top 10 và gặp phải cơn đau tim chỉ vài giây sau khi game kết thúc.
Chính vì sự việc diễn ra quá trùng khớp trong một quãng thời gian ngắn như vậy mà giới trẻ thời đó rất có thể đã đồn thổi về một tựa game lạ lùng gây hại đến thần kinh và sức khỏe của người chơi. Bên cạnh đó, yếu tố những người mang đồ đen xuất hiện xung quanh chiếc máy thùng cũng có thể xuất phát từ các chuyên án của FBI diễn ra cùng thời gian và địa điểm khi tin đồn về Polybius xuất hiện. Chỉ có điều chuyên án của FBI không phải để tẩy não người hay thu thập dữ liệu cho một dự án mật nào đó, mà trên thực tế liên quan đến việc triệt phá đường dây ma túy và cá cược. Thời điểm đó những người sở hữu các khu trò chơi thường tổ chức các vụ cá cược thành tích, vì thế FBI tiến hành bố trí các camera ngầm để theo dõi người ghi điểm cao. Kết hợp với những cuộc tấn công hang ổ của tội phạm buôn bán ma túy gần đó, có lẽ đã khiến nhiều người lầm tưởng ai đó thu thập dữ liệu với lý do mờ ám.
Tuy vậy, tất cả những câu chuyện dù là bác bỏ sự tồn tại của Polybius hay xác nhận nó có thật, tới nay vẫn chỉ là lập luận và giải thuyết. Trên tất cả sau từng ấy năm, nếu có bất cứ bằng chứng nào tồn tại thì nó cũng đã rơi vào quên lãng, chìm đắm đâu đó trong hàng đống giấy tờ hay dữ liệu của những chiếc máy tính hỏng hóc. Suy cho cùng, Polybius vẫn mãi mãi là một câu chuyện truyền thuyết không có lời giải.