Để nối tiếp phần đầu tiên của loạt bài Resident Evil và những tựa game kinh dị nổi bật khác, hãy tiếp tục cùng Kênh Tin Game tìm hiểu về một số thương hiệu đình đám, lấy cảm hứng không chỉ từ đề tài khoa học viễn tưởng sci-fi (Science Fiction), mà còn bao gồm những yếu tố lạnh gáy đến từ các tác phẩm văn học thuộc phạm trù kinh dị vũ trụ (Cosmic Horror) của tiểu thuyết gia lừng danh H. P. Lovecraft nhé!
Phụ lục
The Evil Within (2014)
The Evil Within là một dự án game kinh dị sinh tồn, sử dụng góc nhìn thứ ba (khá giống với lối chơi của những tựa game Resident Evil đời đầu), được thực hiện bởi Shinji Mikami – cha đẻ của thương hiệu Resident Evil nổi tiếng, và đội ngũ phát triến đầy tài năng của hãng Tango Gameworks. Kể từ được phát hành bởi Bethesda Softworks vào ngày 14 tháng 10 năm 2014, bằng lối chơi bắn súng ở góc nhìn thứ ba, cùng với những bầu không khí u tối ảm đạm, trò chơi đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của những game thủ đam mê thể loại kinh dị nói chung, và fan hâm mộ gạo cội của series Resident Evil nói riêng.
Cốt truyện của The Evil Within chủ yếu xoay quanh công việc của một gã thám tử tư tên là Sebastian Castellanos (nhân vật chính). Vào một ngày nọ, trong lúc đang điều tra về một vụ giết người hàng loạt. Thì Sebastian cùng với cộng sự của anh bỗng dưng chạm mặt với một thực thể bí ẩn, “chúng” đánh anh bất tỉnh và giết sạch tất cả mọi người. Ngay sau khi tỉnh dậy, nhân vật chính của chúng ta mới phát hiện rằng bằng một cách nào đó, anh đã bị “lạc trôi” vào một thế giới u ám đáng sợ bao trùm bởi cái chết, đầy rẫy những nỗi kinh hoàng và tràn ngập với đủ các loại sinh vật cực kỳ khủng khiếp.
Chẳng hạn như Reborn Laura – một yêu nữ sở hữu nhiều chi và di chuyển bằng cách bò giống như loài nhện (loại này khá giống với The Thing – một bộ phim kinh dị của Mỹ). Hay là The Keeper, một tay đồ tể có đầu là một chiếc két sắt, tay cầm một chiếc búa dần thịt khổng lồ. Nhận ra rằng không còn cách nào khác, Sebastian buộc lòng phải làm mọi cách để sinh tồn và chiến đấu để tìm đường quay trở lại với thực tại của mình.
Darkwood (2014)
Đây là một game thế giới mở kết hợp với những yếu tổ của thể loại kinh dị sinh tồn, lấy bối cảnh tại một khu rừng tăm tối bí ẩn, nơi được cho là thuộc về vùng lãnh thổ của đất nước Ba Lan hoặc thậm chí là của Liên Xô. Tại đây người chơi sẽ cần phải làm quen với hệ thống kỹ năng, chế tác, cũng như tận dụng hiệu quả cơ chế lén lút và kỹ năng chiến đấu cá nhân để chống lại nhiều loại kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Từ đám thây ma khát máu, cho đến nhiều loại quái vật khổng lồ có ngoại hình trông rất chi là kinh khủng.
Tuy nhiên, khác hẳn với lối chơi hành động bắn súng ở góc nhìn thứ ba của series Resident Evil, lẫn các thương hiệu nổi tiếng mà Mọt tui đã nhắc trước đó. Acid Wizard Studio – cha đẻ của Darkwood, đã tận dụng hiệu quả góc quay thẳng từ trên xuống (đây còn được gọi là game thuộc thể loại Top-down), một điều mà rất ít nhà phát triển game có thể làm được vào gần 10 năm trước đây. Trò chơi bước vào giai đoạn Early Access trên nền tảng Steam vào ngày 24 tháng 7 năm 2014. Thời gian thấm thoát trôi qua và vào ngày 17 tháng 8 năm 2017, phiên bản chính thức của Darkwood cuối cùng cũng đã được đến tay người hâm mộ.
Không những thế, để tăng thêm độ khó cho game, Darkwood còn giới thiệu một tính năng khá thú vị, đó chính là chu kỳ ngày/đêm. Vào buổi sáng, chúng ta có thể chu du khắp nơi để khám phá thế giới và tìm thêm nhu yếu phẩm. Hoặc nếu muốn ta có thể dành thời gian để sửa chữa, đặt rào chắn xung quanh và nâng cấp nơi ẩn náu. Khi đêm xuống, game thủ buộc lòng phải ở nhà để lên kế hoạch phòng thủ và sống sót cho đến khi mặt trời mọc. Nếu “thủ nhà” thành công, nhân vật của chúng ta sẽ nhận được nhiều điểm tín nhiệm với những tay thương gia, điều này sẽ giúp cho người chơi có thể mua được những món vũ khí và vật phẩm đắt tiền. Còn trong trường hợp thất bại và bị thây ma giết, các bạn sẽ tỉnh dậy vào sáng hôm sau mà chẳng nhận được bất cứ điểm thưởng gì cả.
Dead Space (2011)
Nói về thể loại kinh dị sinh tồn góc nhìn thứ ba như Resident Evil, chắc chắn chúng ta không thể không nhắc đến siêu phẩm Dead Space, ra mắt vào năm 2008. Trò chơi được phát triển bởi EA Redwood Shores studio và được EA cho xuất bản trên các hệ máy PlayStation 3, Xbox 360 và PC. Trò chơi lấy bối cảnh trên một con tàu vũ trụ bị tấn công bởi những con quái vật ngoài hành tinh có hình thù đáng sợ và sở hữu khả năng điều khiển xác chết, tên là Necromorphs. Những sinh vật này đã vô tình được tạo ra khi phi hành đoàn phát hiện được một cổ vật gọi là The Marker.
Bằng lối chơi bắn súng sinh tồn ở góc nhìn thứ ba, kết hợp với những yếu tố thuộc thể loại kinh dị, Dead Space đã rất thành công trong việc khiến cho những game thủ gan dạ nhất cũng phải run sợ trước những pha tấn công ác liệt và khả năng biến hình đẫm máu từ xác chết của đám Necromorph. Không những thế, trò chơi còn nhanh chóng trở thành một trong những tựa game được ưa chuộng nhất ngay tại thời điểm lúc bấy giờ.
Đến với Dead Space, người chơi sẽ điều khiển một kỹ sư tên là Isaac Clarke và anh buộc phải chiến đấu với rất nhiều loại Necromorphs để sinh tồn. Cũng như tìm đủ mọi cách để đến được phòng điều khiển của con tàu vũ trụ tuy nhiên, mọi chuyện lại không hề đơn giản như chúng ta thường nghĩ. Trong những game zombie thông thường, chúng ta chỉ việc bắn vào đầu thây ma là chúng chết ngay lập tức. Còn đối trong Dead Space, cách duy nhất để tiêu diệt đám Necromorph, đó chính là bắn đứt tất cả những chi của chúng nhưng game thủ cũng phải cực kỳ cẩn thận, bởi chúng có thể tiến hoá và trở thành một loài khác, mạnh hơn cả biến thể trước đây của chúng.
Alone in the Dark (2005)
Alon in the Dark là một tựa game kinh dị sinh tồn, đồng thời là phần đầu tiên trong series game kinh dị cùng tên, được phát triển bởi Infogrames. Nhiều trò chơi của hãng cũng được lấy cảm hứng từ nhiều tác phẩm thuộc thể loại kinh dị vũ trụ (Cosmic Horror) của tiểu thuyết gia H.P. Lovecraft. Đây không phải là vấn đề quá kỳ lạ bởi đây là trào lưu làm game rất được ưa chuộng đến mức thiên hạ thường gọi chung là “Trường phái Lovecraftian”. Thể loại này thường khai thác về những thực thể liên hành tinh-vũ trụ và sở hữu những hình thù kì dị, một trong những sinh vật nổi tiếng nhất mà nhà văn Lovecraft đã từng tạo ra, đó chính là thực thể Cthulhu.
Phiên bản đầu tiên của Alone in the Dark Lấy bối cảnh ở bang Louisiana vào những năm 1920, người chơi sẽ vào vai một thám tử tư mang tên Edward Carnby và nhiệm vụ chính của họ lúc này là điều tra những bí mật ẩn sâu bên trong căn biện thự bị ma ám của Derceto. Song song với đó game thủ sẽ phải đối mặt và chiến đấu chống lại nhiều loại sinh vật khủng khiếp, từ những bóng ma đáng sợ cho đến lũ quái vật hung ác.
Kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1992, Alone in the Dark đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ phía giới phê bình, lẫn cả cộng đồng người hâm mộ các tác phẩm thuộc trường phái Lovecraftian. Không những thế, cũng bởi vì đây là game kinh dị 3D đầu tiên nên nó còn được rất nhiều người ca ngợi là “bước đột phá của ngành công nghiệp trò chơi điện tử”, đồng thời là sản phẩm có sức ảnh hưởng nhất thời bấy giờ. Chưa dừng lại ở đó, Alone in the Dark còn nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá, chẳng hạn như giải Game có Đồ hoạ Đẹp nhất và Độc đáo nhất tại sự kiện European Computer Trade Show, tổ chức vào năm 1993.
Đỉnh cao là vào năm 2009 khi Empire – một tạp chí điện ảnh rất nổi tiếng của Anh, đã đưa Alon in the Dark vào danh sách Top 100 trò chơi điện tử hay nhất mọi thời đại. Mãi đến tận bây giờ, Alone in the Dark vẫn được xem là cha đẻ của thể loại kinh dị sinh tồn và sức ảnh hưởng của thương hiệu này cũng là nguồn cảm hứng chính để giúp các nhà phát triển Capcom tạo ra loạt game Resident Evil đình đám.
Deep Fear (1998)
Sau khi chứng kiến những thành công viên mãn của phần Resident Evil đầu tiên (ra mắt từ năm 1996), cũng như nhìn thấy được tiềm năng phát triển lâu dài của thể loại kinh dị sinh tồn, SEGA – nhà phát triển game nổi tiếng của Nhật Bản, từng cho ra mắt nhiều thương hiệu đình đám, đơn cử như Virtual Cops (Cảnh Sát Bắt Cướp) và game đi cảnh bắn zombie The House of the Dead (Ngôi nhà Ma), liền quyết định sẽ tạo ra Deep Fear – một trong những tựa game kinh dị sinh tồn đời đầu, được phát hành độc quyền trên hệ máy Sega Saturn vào năm 1998.
Deep Fear sẽ cho game thủ vào vai John Mayor – một cựu quân nhân của quân đội Hoa Kỳ, bây giờ là thành viên của ERS (Emergency Rescue Services – tạm dịch: Tổ chức Giải cứu và Cứu hộ Khẩn Cấp). Một ngày nọ, anh được cử đến một khu căn cứ quân sự bí mật, được đặt sâu dưới lòng đại dương để làm nhiệm vụ thế nhưng công việc thường nhật của John bất ngờ gặp nhiều trở ngại, khi toàn quân nhân bỗng dưng biến dạng và trở thành những con quái vật có thân hình kinh khủng. Ngay sau khi nhận rằng không còn cách nào khác, anh buộc phải tìm vũ khí để chống trả và tiêu diệt hết tất cả bọn chúng.
Cũng bởi vì là một cơ sở mật được đặt sâu bên dưới mực nước biển, nên áp suất không khí cũng sẽ phần nào tạo ra nhiều trở ngại cho game thủ. Cụ thể hơn, mỗi căn phòng trong khu căn cứ bí mật đều chứa một lượng Oxy nhất định và điều thiết yếu chúng ta cần làm trước khi bước vào, đó chính là kiểm tra xem lượng Oxy và áp suất không khí có nằm ở mức tiêu chuẩn (an toàn) hay không. Trong trường hợp đồng hồ chỉ vạch đỏ, tức là Oxy đang ở mức thấp nhất và cực kỳ nguy hiểm, điều này có nghĩa là nếu muốn tiếp tục chiến đấu, chúng ta sẽ phải bơm thêm Oxi vào phòng bằng cách kích hoạt Hệ thống Điều hoà Không khí.
Nói thì nghe có vẻ dễ nhưng không đâu, bởi vì Oxy là một thứ tài nguyên vô cùng khan hiếm và cũng cực kỳ quan trọng trong Deep Fear. Người chơi cần phải biết tiết kiệm hết mức có thể, cũng như đau đầu suy nghĩ xem lúc nào mới thực sự cần dùng Oxy để mở phòng, lúc nào thì cần dùng Oxy để duy trì sự sống cho nhân vật. Đây chắc có lẽ là một trong những tính năng độc đáo đã góp phần làm cho những tựa game kinh dị ngày xưa trở nên nổi bật hơn, khó hơn và thậm chí là thử thách hơn những trò chơi cùng thể loại bây giờ.
Còn tiếp…
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.