Game nhập vai trực tuyến đã xuất hiện từ sớm và chinh phục game thủ khi internet bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam. Theo thời gian game nhập vai cày cuốc bắt đầu bị thất sủng và nhường chỗ cho ngành công nghiệp mới nổi Esports. Mặc dù còn đó ngọn lửa tâm huyết trong tim những game thủ yêu thích game nhập vai nhưng thay vì tiếp tục cuộc chơi với nhà phát hành Việt Nam, họ lại chọn cho mình những máy chủ game lậu hoạt động chui ở nước ngoài với vô vàn hiểm họa có thể xảy ra để thõa mãn đam mê. Hãy cùng Mọt tìm hiểu lý do tại sao những game thủ này phải đưa ra lựa chọn khó khăn như thế nhé?
Máy chủ game lậu là khái niệm gì?
Máy chủ game lậu hay còn được gọi là “private server” là những máy chủ game hoạt động chui không đăng ký bản quyền và không bị ràng buộc bởi nhà phát triển. Hầu hết những máy chủ game lậu này đều được xây dựng bằng mã nguồn mở dựa trên lỗi bảo mật của game và phát triển một cách tự lập dựa vào nguồn thu từ game thủ.
Đối với game thủ Việt Nam thì khái niệm “game lậu, server chui” vốn không hề xa lạ khi những server game MU không chính chủ như MU Hoàng Long, MU Hà Nội, Mu Sài Gòn… đã xuất hiện từ sớm thậm chí cắm rễ phát triển trước khi server chính thức được phát hành bởi FPT Online ra đời. Có thể nói, những máy chủ game lậu luôn luôn đồng hành cùng những cụm máy chủ bản quyền. Và đây cũng là lựa chọn tương đối dễ với những game thủ muốn trải nghiệm những tựa game đỉnh cao với đồng đội như Call of Duty (2007) hay World of Warcraft mà không cần đầu tư mua game.
Sao cứ thích dây dưa với kẻ ngoài luồng?
Thông thường game thủ tìm đến máy chủ game lậu một phần là để trải nghiệm miễn phí những tựa game đỉnh cao. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp game thủ yêu thích những tựa game nhập vai lâu đời như Võ Lâm Truyền Kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Cửu Âm Chân Kinh… chọn máy chủ game lậu thay vì máy chủ chính thức của nhà phát hành Việt Nam. Nguyên nhân chính là do những tựa game nhập vai kiếm hiệp này đòi hỏi quá nhiều thời gian, tiền bạc và sự kiên nhẫn của game thủ, và với rate drop (tỷ lệ rơi đồ) bèo bọt của nhà phát hành Việt Nam thì chẳng biết đến bao giờ game thủ mới có thể chạm đến những trang bị tuyệt thế như Vô Danh Giới Chỉ mà không phải bỏ ra một số tiền lớn.
Ngoài ra khác với những tựa game nhập vai phương Tây, game kiếm hiệp phương Đông thường sở hữu cốt truyện ít nhiều bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết Kim Dung do đó khoảng thời gian để phát triển và cập nhật mở ra hướng đi mới cho máy chủ chính thức thường rất lâu. Thậm chí như máy chủ Cửu Âm Chân Kinh của nhà phát hành Gosu hiện tại mới chỉ cập nhật đến phiên bản Tứ Đại Thế Gia với 8 môn phái chính thì ở máy chủ game lậu (Cửu ÂM Private) đã cập nhật xong đến môn phái chính thứ 10 là Thiên Sơn. Đặc biệt với tình trạng kén người chơi và mở cửa máy chủ mới liên tục của nhà phát hành Việt Nam không những không giúp game thủ tìm được mục tiêu mới để khám phá mà thậm chí còn khiến họ lạc lối với vòng lẩn quẩn cày lại từ đầu.
Còn với máy chủ lậu đây lại là câu chuyện ngược lại khi game thủ dễ dàng đạt được cấp độ cao như ý muốn từ sớm, thậm chí giá thành và điều kiện để học tuyệt thế võ công sau đó hành hiệp trượng nghĩa cũng nhẹ nhàng hơn nhiều so với server chính (ở máy chủ Việt Nam nếu muốn học tuyệt thế Giáng Long Thập Bát Chưởng cần chuẩn bị ít nhất là 25 triệu Đồng). Thậm chí võ công, nhiệm vụ và những thử thách ở máy chủ game lậu cũng mới mẻ và đáng để khám phá hơn so với máy chủ chính thức.
Trót yêu hàng lậu liệu có bền lâu?
Dễ dàng đạt ngưỡng sức mạnh mong muốn và khám phá sớm những thử thách mới là điểm mạnh của máy chủ game lậu. Nhưng game thủ cũng đồng thời phải đối mặt với vô số hiểm họa tiềm tàng khi hệ thống bảo mật game không được đảm bảo, bên cạnh đó mặc dù nói chơi máy chủ game lậu là miễn phí nhưng bằng một cách nào đó những máy chủ lậu này vẫn có thể “moi tiền” dựa vào đam mê của bạn.
Đó là chưa kể việc vận hành một tựa game lớn vốn không hề đơn giản và nếu chẳng may một ngày đẹp trời, gia tài của bạn bỗng không cánh mà bay thì lúc đó biết kêu ai? Thậm chí ngay cả nhóm vận hành game theo kiểu “làm chui” cũng khó có thể hỗ trợ nhanh cho người chơi bởi lẽ họ phải liên lạc với đơn vị đặt máy chủ ở quốc gia khác để kiếm tra xong sau đó mới có thể đưa phương án giải quyết cho bạn. Đặc biệt nếu xui hơn tựa game yêu thích mà bạn mất cả tháng trời nạp thẻ, cày cuốc lên top bỗng biến mất đột ngột thì lúc đó game thủ biết tìm ai để bắt đền khi nhà phát hành game lậu vốn không hề cam kết đảm bảo gì với người chơi từ khâu đăng ký tài khoản.
Lời kết
Rõ ràng bên cạnh những lợi ích nhỏ mà game thủ nhận được thì những máy chủ lậu còn đó vô số nguy hiểm tiềm ẩn. Nhưng thật sự thì game thủ đâu phải đứa trẻ lên ba, khá nhiều game thủ hiểu rõ mối nguy hại này nhưng vẵn kệ cho qua để thỏa mãn đam mê và trải nghiệm những thử thách mới, điều mà nhà phát hành trong nước không thể đáp ứng cho họ được. Giá như những phà phát hành game Việt Nam có thể chủ động lắng nghe và tiếp xúc cộng đồng nhiều hơn để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của họ thay vì chỉ chăm chăm ra mắt event “nạp thẻ” thì có lẽ game thủ sẽ không nhảy sang máy chủ lậu và trải nghiệm game với tâm lý lo sợ như hiện nay.