Thử tưởng tượng khi bạn tải về một tựa game với những nhân vật cực kỳ dễ thương và dường như đảm bảo một cốt truyện đáng yêu. Thế nhưng sau vài phút chơi thử bạn cảm thấy mọi chuyện không như mình tưởng tượng, những thứ kỳ dị xuất hiện khiến bạn băn khoăn không hiểu game có vấn đề hay là mình đã cài đặt nhầm ở đâu đó. Đối với 4 tựa game dưới đây, sự “lật mặt” đó là cố tình và không dành cho những người yếu tim. Glittermitten Grove Nếu chỉ nhìn qua thì Glittermitten Grove không có gì khác biệt so với những tựa game mô phỏng thông thường, tập trung vào việc quản lý thời gian và giúp các nàng tiên thu thập tài nguyên. Công việc hàng ngày của những nàng tiên là thu thập quả mọng, tìm kho báu và pháo hoa, đôi khi chỉ cần rong chơi trên khu vườn đẹp đẽ.
Không hề có cảnh báo nào về Easter Egg vào thời điểm mà Glittermitten Grove được phát hành. Thế nhưng sau nhiều giờ đào bới xuống lòng đất, game thủ có thể tình cờ tìm thấy một cánh cửa. Cánh cửa này là chìa khóa dẫn tới một… tựa game hoàn toàn khác: Frog Fractions 2. Đây chính là hậu bản của một tựa game từng được Twinbeard Studio phát hành từ năm 2012. Những thiết kế ngẫu nhiên và có phần kỳ quái của Frog Fractions 2 hoàn toàn không liên quan gì đến phong cách và cốt truyện của Glittermitten Grove. Doki Doki Literature Club Ấn tượng về Doki Doki Literature Club là một cảm giác trong sáng nhẹ nhàng, như một cuốt tiểu thuyết bằng tranh về thế giới học đường Nhật Bản. Người chơi là nam chính trong một câu lạc bộ văn học ở trường cấp 3, có một vài cô bạn để nói chuyện làm quen và có thể hẹn hò. Thông qua lựa chọn hội thoại mà nhân vật chính có thể tiếp cận cô gái mà mình thích. Một mẫu game hẹn hò điển hình.
Tuy nhiên, nội dung thật sự của Doki Doki Literature Club hoàn toàn trái ngược với bề ngoài trong sáng của các nhân vật, nó ẩn chứa những bí mật độc ác mà người chơi không thể hiểu nổi. Bên cạnh một cốt truyện dẫn đến “kết thúc tốt đẹp”, những lựa chọn khác của người chơi có thể dẫn đến những kết cục đầy ám ảnh. Tựa game được đánh dấu là không phù hợp với trẻ con hoặc những người yếu tim, nhưng câu cảnh báo này không nhằm mục đích cảnh báo những cảnh khiêu dâm, vì tựa game này khai thác một khía cạnh hoàn toàn khác. Baldi's Basics in Education and Learning Đây là một tựa game được thiết kế để học toán, còn được gọi là “Baldi’s Basic”. Baldi's Basics in Education and Learning có phần hình ảnh vô cùng tệ và sở hữu một nhân vật có dung mạo rùng rợn tên là Baldi. Nếu những hình ảnh đầu tiên chưa đủ tệ để người chơi tắt máy, quả thực Baldi sẽ đặt ra nhiều phép toán để “giúp” học hành.
Tuy nhiên, khi người chơi trả lời sai thì tựa game bất ngờ chuyển sang chế độ kinh dị. Bên cạnh đó, đôi khi những câu hỏi được đặt ra như một trò đùa khiến người chơi không thể trả lời đúng. Tựa game nhận được sự thích thú từ một số ít những game thủ yêu thích sự lập dị, hoàn toàn không thích hợp để dạy toán cho trẻ em. Freddy Fazbear's Pizzeria Simulator Nếu như đã biết đến loạt game Five Nights at Freddy’s thì có lẽ các game thủ sẽ không bị lừa bởi Freddy Fazbear's Pizzeria Simulator. Tựa game này chính là hậu bản thứ 6, một tác phẩm của Scott Cawthon nhưng được núp dưới cái tên mớ để “lừa người”.
Game dẫn dắt người chơi vào cốt truyện mô phỏng nhà hàng bán pizza, nơi có các bạn thú bông thân thiện làm pizza, ném pizza cho khách hàng, cho đám trẻ ăn pizza, và ghi điểm bằng với số pizza bán ra. Nhưng đó chỉ là những gì mà nhà sản xuất mô tả. Thực tế là trò chơi chỉ bắt đầu khi nhà hàng đóng cửa và đám thú bông xuống đường săn người như phim kinh dị. Tựa game được thiết kế ở đồ họa 8-bit nhưng mang đến cảm giác chân thực và đáng sợ không kém gì loạt game Five Nights at Freddy’s.