Ngoài những cái tên nổi như cồn ở phần một, bạn còn nhớ được gương mặt nào mỗi khi nhắc đến các game huyền thoại ở phòng net?
MU “mạng LAN”
Lý do mà MU nổi như cồn vào “ngày xửa ngày xưa” là vì nó là tựa game huyền thoại ở phòng net, dù không hoàn toàn là online. Vào thời điểm đó, cả client lẫn server của MU Online được đóng gói vào các đĩa CD và mỗi phòng net đều có thể tự lập một server MU cho riêng mình, dù chỉ 10-20 người chơi. Các bản MU này thường được gọi vui là MU mạng LAN, vì chỉ toàn game thủ trong tiệm chơi chung với nhau qua LAN chứ không có server online hoành tráng nào cả. Server game đơn giản là một trong số những dàn máy của tiệm, được mở suốt ngày để phục vụ người chơi và đôi khi là bản thân chủ tiệm cũng ngồi lì trên máy để cày game.
Những phòng net có ông chủ ít kỹ năng thì thuê người cài hộ MU mạng LAN, còn các phòng net của thợ thầy có thể tự do điều chỉnh tỉ lệ kinh nghiệm, trang bị, ngọc,… rơi ra từ quái vật. Những “độc chiêu” kinh doanh khác cũng xuất hiện trong giai đoạn này, chẳng hạn 10.000 đồng được một lần reset, 5.000 đồng được 100 điểm chỉ số,… Vì vậy, mỗi phòng net có một nhóm game thủ trung thành riêng, và không game thủ nào có thể mang tài khoản từ phòng net này sang phòng net khác cả.
Tính năng multiplayer của MU Online tại các server miệt vườn này thậm chí còn giúp nó đánh bật Diablo 2 ra khỏi ổ cứng của các phòng net. Trước khi MU Online phổ biến và trở thành game huyền thoại ở phòng net, game thủ thường cùng nhau chiến Diablo 2 và đúp bùa, nhưng khi MU Online xuất hiện, các cuộc hẹn đi đánh Blood Castle, săn Kundun,… trở thành thời thượng. Các bãi săn sẽ được chia nhau mỗi người một góc, nhưng các thanh niên lắm tiền sẵn sàng thuê 2 máy để cày nhanh gấp đôi lũ trẻ con. Thuật ngữ “cắm chuột” cũng sinh ra từ đây, với những con chuột bị cắm một cây tăm hay mảnh giấy dày để nhân vật không ngừng tung chiêu hạ quái vật.
Bây giờ, MU Online đã hoàn toàn thay thế MU mạng LAN, nhưng vẫn bát nháo như ngày nào với vô số server MU của nhiều nhà phát hành khác nhau. Các server này thi nhau quảng cáo và ai cũng là chính thống, chuẩn mực, được làm theo trao quyền của Webzen, hấp dẫn nhất, dễ lên level nhất,… Tuy nhiên chúng không còn nổi trội như MU mạng LAN ngày nào, bởi giờ đây game thủ đã có quá nhiều lựa chọn và không dễ bị lừa bởi quảng cáo như trước nữa.
Virtua Cop
Giống với Beach Head, Virtua Cop của SEGA là một trong những tựa game huyền thoại ở phòng net rất được ưa thích những năm 9x. Nó được phát hành lần đầu năm 1994, lên PC vào năm 1996 và là một game bắn súng arcade dạng “on-rail shooter” đơn giản, khi nhân vật đi theo lộ trình được định sẵn và kẻ địch cũng vậy. Game thủ chỉ việc rê chuột đến đúng mục tiêu rồi bóp cò là kẻ địch sẽ bật ngửa, đơn giản và dễ hiểu. Trò chơi cũng hỗ trợ multiplayer 2 người trên một PC, nhưng thường điều này chỉ xảy ra khi ai đó xin chơi ké bởi người chơi thứ hai buộc phải ngắm bắn bằng các phím mũi tên rất vụng về.
Sau Virtua Cop, SEGA phát triển tiếp Virtua Cop 2 ra mắt trên arcade năm 1995 và tiếp tục chinh phục game thủ tại các phòng game Việt khi xuất hiện trên PC vào năm 1997. Trò chơi có điểm sáng tạo là cho phép game thủ chọn hướng đi tại một số ngã rẽ, điều có thể đã được Capcom học hỏi trong quá trình phát triển Resident Evil 3 sau này. Virtua Cop 3 ra mắt vào năm 2003 trên arcade, nhưng nó hoàn toàn không được chuyển lên bất kỳ hệ máy nào khác và vì thế rất ít game thủ Việt được thưởng thức trò chơi này.
Sau thuở hoàng kim ban đầu tại các phòng game nước ta, Virtua Cop cũng rơi vào số phận giống với Beach Head là bị thay thế bởi những trò chơi FPS hấp dẫn hơn, sinh động và lôi cuốn hơn. Nhưng thực ra Virtua Cop còn hẩm hiu hơn Beach Head ở chỗ nó hoàn toàn không được phát triển thêm phiên bản mới nào kể từ năm 2003 và hoàn toàn biến mất trên thị trường. Chẳng mấy game thủ ngày nay biết đến Virtual Cop và các cuộc vui mà nó mang lại cho game thủ Việt thuở ban đầu ấy.
Road Rash
Thường được gọi là “đua xe đường phố” hoặc “đua xe đánh lộn”, Road Rash do EA phát hành cho PC vào năm 1994 từng một thời rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Với đồ họa 3D trông khá bắt mắt và gameplay vui nhộn, trò chơi này cho game thủ trải nghiệm cảm giác mạnh của đua xe bất hợp pháp. Game thủ sẽ phóng mô tô vun vút trên đường và đánh nguội các đối thủ cạnh tranh lẫn những người thực thi pháp luật. Dĩ nhiên là bạn chỉ nên đua trên máy tính ở nhà, còn ra đường đua thật thì không lên nóc tủ ngắm gà thì cũng tù rục xương chứ chẳng chơi.
Nếu tay lái không đủ vững, nhân vật của người chơi trong Roash Rash sẽ thường xuyên đụng phải bà già, cán chó băng qua đường và dẫn tới những pha ngã xe, lăn lông lốc hàng trăm mét. Vậy nhưng sau những tai nạn thảm khốc này, nhân vật chính vẫn có thể đứng dậy, chạy hùng hục về chỗ chiếc mô tô của mình để tiếp tục cuộc đua. Phải nói rằng 99% game thủ Road Rash chơi chỉ để thực hiện các pha combat và tông nhau, nên hầu hết đều trở thành “loser” khi cuộc chơi kết thúc.
Dù Road Rash từng là game huyền thoại ở phòng net nhưng ngày nay hoàn toàn biệt tích tại các phòng net bởi một lẽ đơn giản là series này đã bị EA xếp xó từ lâu. Thật may là nếu muốn chơi game đua xe, chúng ta vẫn có rất nhiều series khác để lựa chọn, chẳng hạn Need for Speed, MotoGP, Dirt, và thậm chí là cả… GTA.
Gunbound
Ra mắt vào năm 2005, Gunbound là một trong những game online đầu tiên tại Việt Nam và cũng là tựa game khai sinh ra thuật ngữ “gà” dành cho các game thủ chơi dở, dựa trên mức rank đầu tiên của game mang hình ảnh chú gà con. Lối chơi đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ năng và sự tính toán, đồ họa 2D dễ thương không yêu cầu cấu hình máy cao giúp Gunbound trở thành game huyền thoại ở phòng net vào thời kỳ mạng ADSL mới bắt đầu lan tỏa. Không ít nữ game thủ cũng xuất hiện tại các tiệm net chỉ để chơi tựa game này!
Với những game thủ từng chinh chiến các đấu trường Gunbound, họ có thể nhớ như in những hiệu ứng của từng loại xe, cách canh góc ở từng mức gió, những lần may mắn random vào Rồng, Ngựa, và cả những pha thoát chết may mắn do ngược gió. Bởi là tựa game bắn súng canh tọa độ duy nhất trên thị trường, những game thủ nào muốn thưởng thức thể loại này chỉ có một lựa chọn duy nhất là Gunbound.
Mà Gunbound còn đóng góp vào làng game Việt nhiều hơn thế. Khi trò chơi tổ chức một giải đấu quốc tế đầu tiên tại Hàn Quốc, các tuyển thủ Việt Nam đã giành giải nhất và phần thưởng 10.000 USD hoành tráng, đưa khái niệm “eSports” vào tầm mắt game thủ Việt. Thật không may là Gunbound buộc phải đóng cửa vào đầu năm 2007, buộc những ai còn đam mê phải tìm đến với server nước ngoài. Nhiều nỗ lực mang Gunbound trở về Việt Nam cũng đã được thực hiện, nhưng không có phiên bản nào đủ sức tạo ra sức hút lớn như ngày xưa.
Age of Empire 2
Đế Chế 2 là tựa game chúng tôi chọn để kết thúc danh sách này, bởi một lẽ đơn giản là nó cực kỳ hấp dẫn và xứng đáng với cái tên game huyền thoại ở phòng net. Trò chơi được Microsoft cho ra mắt vào năm 1999 để tiếp nối thành công của Age of Empires, và thậm chí còn thành công hơn, hoàn toàn thay thế người tiền nhiệm trên phạm vi thế giới. Game có thêm nhiều phe phái, nhiều loại quân, nhiều campaign hơn, giúp nó được đánh giá cao hơn rất nhiều so với phiên bản trước.
Vào thời điểm ra mắt, Age of Empires 2 nhanh chóng được các chủ tiệm game cài đặt, và những tiệm nào không cài game sẽ nhanh chóng bị thuyết phục bởi họ… mất khách vào tay những tiệm có tựa game này. Dù phần hình ảnh của Age of Empires 2 trông rất khác biệt so với Age of Empires (và chúng tôi từng nghe một số game thủ đánh giá là xấu hơn), lối chơi của Đế Chế 2 thực sự giữ nguyên ưu điểm của phiên bản đầu trong khi bổ sung thêm nhiều tính năng mới giúp việc điều binh khiển tướng dễ dàng hơn, các trận đánh hoành tráng hơn hẳn.
Đặc biệt, hồi năm 2016 Microsoft cũng đã đưa quân đội Đại Việt vào bản HD của game với tên gọi Vietnamese. Chúng ta có những đàn voi đông đảo, những chiến sĩ chuyên khắc chế cung của kẻ địch và những lợi thế khác phù hợp với lịch sử, chỉ tiếc là không hiểu sao Microsoft lại cho phe Việt Nam trong game dùng cùng loại công trình với… Khmer. Tuy nhiên bỏ qua vụ lẫn lộn văn hóa đó thì có “lính Việt” đã khiến game càng nhận được thiện cảm từ game thủ Việt, nhưng lúc này thì Đế Chế đã không còn tồn tại trong các phòng net nữa rồi.
Hiện tại, Đế Chế 2 vẫn đang sống khỏe trên các PC tại nhà của game thủ sau hai lần nâng cấp, và Microsoft cho biết vẫn có hàng triệu người chơi các phiên bản Age of Empires 2 của họ. Dù vậy, các bản Đế Chế đều rất khó tìm được trong ổ cứng các phòng game, dù là Đế Chế 1 cổ điển, Đế Chế 3 mới nhất hay Đế Chế 2 thành công nhất.
Lý do thì cũng dễ hiểu bởi các tựa game chiến thuật nói chung không còn được ưa thích như ngày nào, và game thủ ngày nay bị dụ dỗ bởi những tựa game online miễn phí, dễ chơi, dễ “khoe hàng” hơn hẳn. Đế Chế 4 sắp ra mắt hẳn cũng sẽ khó tìm được đường vào phòng net, nhưng nó hẳn sẽ dễ dàng có chỗ trong ổ cứng của các PC tại gia.
Lời kết
Hẳn các bạn có thể nhận ra một điều là trong các game huyền thoại ở phòng net của danh sách này có rất nhiều game chiến thuật gồm hai bản Đế Chế, Warcraft 3, StarCraft. Chúng vẫn rất phổ biến trên các PC của game thủ, nhưng bạn hoàn toàn không thể tìm thấy chúng tại các phòng net dù có thời từng là huyền thoại. Đó là vì thể loại chiến thuật đòi hỏi nhiều thời gian để làm quen đã bị thay thế bằng MOBA dễ tiếp cận hơn hẳn.
Về phần các game huyền thoại ở phòng net thuộc thể loại bắn súng với lối chơi cổ xưa như Beach Head, Virtua Cop cũng biến mất, thế chỗ chúng là những trò chơi Battle Royale hoặc các chiến trường multiplayer hoành tráng của Call of Duty Warzone, Battlefield 5, PUBG,… Đây chính là quy luật của thị trường: cái gì dễ tiếp cận số đông hơn, mới mẻ hơn thì sẽ thành công, dù cái cũ chưa chắc đã là dở.
Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?