Theo chia sẻ của các nhà sản xuất trò chơi, từ độc lập cho đến bom tấn AAA, thì các nền tảng như Twitch, Youtube đang có một tác động thực sự đáng kể đối với những tựa game mà họ lựa chọn phát triển.
Với các công ty được hỗ trợ để làm game độc quyền (first-party), họ được tài trợ nguồn lực và điều kiện quảng bá sản phẩm cho các hãng game lớn như Sony hay Microsoft. Tuy nhiên, những ai thuộc bên thứ ba (third party) lại không có được may mắn đó, và họ phải rất cân nhắc trước khi triển khai dự án. Nó cần phải thu hút sự chú ý của các nhà sáng tạo nội dung (Youtuber, Streamer) có ảnh hưởng như PewDiePie, Markiplier, Ninja… nhằm tiếp cận cộng đồng.
Theo anh Rami Ismail của Vlambeer, nếu các studio muốn tận dụng lợi thế của những người sáng tạo nội dung, thì cách tốt nhất là chỉ cần tạo một sản phẩm có nội dung… không bao giờ kết thúc. Kiểu như Sea of Thieves, No Man’s Sky, Destiny, và thậm chí những trò chơi chỉ có mỗi cái… khung sườn cơ bản, rồi từ từ cập nhật nó và mọi người sẽ thay bạn quảng cáo.
Thành thật mà nói, ngay cả khi các nhà phát triển chọn cách không cập nhật, rất nhiều người sẽ tiếp tục chơi nếu cốt lõt của sản phẩm vững chắc. Ví dụ như PUBG, không bao giờ lo hết nội dung, vì mỗi trận đấu hoàn toàn khác nhau, bởi những người chơi khác nhau.
Chúng ta vẫn thấy nhiều người tiến hành stream các tựa game chơi đơn khi chúng vừa ra mắt. Như God of War đạt tới gần 300.000 người xem trên Twitch ngay trong tuần đầu tiên. Tuy nhanh chóng trở thành một trong những trò chơi được xem nhiều nhất, nhưng nó vẫn ở đằng sau Fortnite và Minecraft – các trò chơi tuy cũ hơn nhưng không ngừng phát triển nội dung và tính năng multiplayer.
Lý do chính cho các sản phẩm multiplayer chiếm ưu thế trên các dịch vụ đó là do khi người sáng tạo nội dung đã hoàn thành trò chơi đơn theo cốt truyện định sẵn, không có lý do gì để khán giả phải xem lại cùng một nội dung lần nữa. Chỉ trong tháng 4 năm nay, hơn 33.000 video về Fortnite đã được tải lên và các kênh YouTube phát triển nhanh nhất tập trung hoàn toàn vào trò chơi đó. Càng nhiều nội dung được tạo ra về Fortnite, liên tục, sẽ càng thu hút thêm những người chơi mới tìm đến.
Có một hiện trạng cần nhắc đến là ngày càng có nhiều người lên Twitch và YouTube để có cái nhìn thoáng qua về trò chơi đình đám họ đang chú ý. Nhưng ngay lập tức đập vào mắt là những dòng thông tin tiết lộ nội dung trắng trợn, (hoặc bản thân họ không kềm lòng được để rồi xem hết một mạch) khiến cảm thấy không cần thiết phải bỏ tiền mua nữa. Persona 5 là một trong những tựa game đầu tiên tiến hành đặt ra các giới hạn stream trực tuyến nghiêm ngặt để ngăn chặn điều này. Tuy nhiên, nó cũng khiến họ hứng chịu không ít chỉ trích từ phía cộng đồng.
Numinous Games, studio đã tạo ra trò chơi gây nhiều ấn tượng That Dragon Cancer năm 2016, đã viết một bài blog nói rằng văn hóa Let’s Play (Cùng Chơi, Cùng Trải Nghiệm) thực sự làm tổn hại doanh thu của công ty
“Khi những trải nghiệm cốt truyện ngắn, tương đối tuyến tính như của chúng tôi được gửi đến cho hàng triệu người xem, các đoạn clip và video trải nghiệm đã thỏa mãn sự tò mò và họ không bao giờ tiếp tục tương tác với trò chơi theo cách mà chúng tôi muốn. Nếu bạn so sánh hàng triệu lượt xem toàn bộ trò chơi của chúng tôi trên YouTube với doanh số ước tính trên SteamSpy, bạn sẽ thấy sự khác biệt.”
Chứng kiến cảnh này, không quá khó hiểu khi một số nhà phát triển nhỏ lẻ hoặc không quá dư dả trở nên dè dặt hơn khi lên kế hoạch sản xuất các trò chơi đơn.
Theo nhà phân tích Michael Pachter, các game thủ đang có xu hướng gắn bó lâu dài với một trò chơi hơn.
“Vấn đề là khi nhiều người chọn gắn bó với một tựa game nào đó lâu hơn, họ sẽ ít bỏ tiền mua các trò chơi mới.”
Mọi người đang đổ xô chìm đắm cùng Fornite, Sea of Thieves và mua ít trò chơi. Điều này khuyến khích các nhà phát triển theo đuổi định hướng làm game theo phong cách dịch vụ (game-as-a-service), nơi họ dễ dàng thu được lợi nhuận liên tục. Thách thức bây giờ đã chuyển từ “Chúng ta sẽ bán những trò chơi này’ như thế nào?” sang “Chúng ta sẽ bán chỉ một trò chơi này, nhưng khiến game thủ phải gắn bó, trở nên trung thành và sẵn sàng tiêu tiền như thế nào?”
Tất nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc các tựa game chơi đơn sẽ biến mất. Chúng có thể xuất hiện ít hơn, nhưng chất lượng được chăm chút vượt trội hơn. Ngoài ra, chúng cũng sẽ chuyển hướng sang thế giới mở, với môi trường thay đổi liên tục và hoàn toàn ngẫu nhiên để mang đến trải nghiệm độc nhất qua mỗi lần chơi. Có thể điều này sẽ khiến cộng đồng cảm thấy có phần hụt hẫng, nhưng với tình trạng hiện tại thì nó là cứu cánh cho rất nhiều nhà phát triển.
Theo IGN