Khoảng nửa năm trước, Epic Games đã mang đến cho chúng ta Unreal Engine 5 (UE5), đây là một engine đồ hoạ thế hệ mới hứa hẹn sẽ đem lại rất nhiều thành công dành cho cộng đồng các nhà phát triển, cũng như nhiều trải nghiệm mới dành cho game thủ.
Trong bản tech demo ‘Lumen in the Land of Nanite’, Nhà phát triển không chỉ trình diễn cho người xem về một thế giới với cấu hình đồ hoạ cực đẹp và hoành tráng như trong một bộ phim Hollywood, mà còn giới thiệu về hai công nghệ xây dựng thế giới ảo mới, có tên là Lumen và Nanite.
Từ trước đến nay, các bản tech demo luôn được xem là những nguồn tài nguyên có tiềm năng và đó chính là những gì mà engine đồ hoạ có thể đúc kết và đem lại cho người dùng. Điều đó cũng phần nào nói lên được ý tưởng và mục tiêu chính đằng sau Unreal Engine 5 đó là tạo ra được những hình ảnh và hiệu ứng đồ họa chân thật, đồng thời sử dụng càng ít tài nguyên, nhân lực và tiết kiệm nhiều thời gian càng tốt.
Trước tiên chúng ta hãy nói về công nghệ Nanite được nhà phát triển Epic Games mang vào UE5. Được biết đây được xem là một trong những loại công cụ có thể biến nỗi lo ngại về giá thành đắt đỏ trong việc sử dụng tài nguyên trở thành dĩ vãng.
Nhưng Nanite sẽ thực sự có những tác động gì đến với những nhà làm game?
Nanite là công cụ giúp kết xuất các “hình học vi đa giác ảo hoá” giúp tự động tạo nhiều chi tiết về hình học mà mắt thường không thể thấy được. Điều này đồng nghĩa với việc những hạng mục đồ họa có chất lượng ngang các bộ phim điện ảnh bao gồm hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ đa giác siêu nhỏ có thể được nhập trực tiếp vào Unreal Engine và xử lý toàn bộ. Theo Epic, công cụ sẽ xử lý các luồng dữ liệu và điều chỉnh trong thời gian thực mà không làm giảm chất lượng.
Loại công nghệ mới này sẽ giúp cho những nhà phát triển có thể tập trung toàn lực vào chuyên môn của họ hơn, ví dụ như đối với các hoạ sĩ và thiết kế, họ có thể tập trung hơn vào việc sáng tạo nghệ thuật mà không cần phải chú ý quá nhiều về những yếu tố kỹ thuật.
Tiếp theo là Lumen, đây là một hệ thống công cụ chiếu sáng mới của Epic và cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc giúp các nhà phát triển sử dụng UE5 để tạo ra những hình ảnh tự nhiên và chân thật nhất.
Lumen tự động tính toán những thay đổi trong môi trường khi di chuyển, cho dù đó là ngọn đuốc đổ bóng trên các bức tường của hang động hay ánh sáng chiếu xuống từ trên cao. Loại bỏ những yêu cầu phiền toái trong việc cần phải vẽ ra nhiều loại bản đồ ánh sáng khác nhau khi môi trường có sự thay đổi đột ngột về ánh sáng.
Khi kết hợp hai loại công nghệ đó lại với nhau, chúng ta có thể thấy được vai trò chính của từng loại. Lumen sẽ đảm nhiệm làm một hệ thống chiếu sáng tổng quát năng động, có thể phản ứng trong tích tắc với bất kỳ sự thay đổi nào về bối cảnh và ánh sáng. Còn Nanite thì có nhiệm vụ ảo hóa hình học vi đa giác (micropolygon geometry). Nói một cách khác, Unreal Engine 5 còn cho phép những nhà phát triển tạo ra được nhiều tài nguyên có chi tiết lớn một cách cực kỳ dễ dàng.
Tuy nhiên, không thể nào chỉ có mỗi công nghệ thế hệ mới mà không cần một loại phần cứng tương thích đi kèm được. Đây là lúc mối quan hệ giữa Epic và Sony trở nên vô cùng quan trọng và biến tất cả những ước mơ công nghệ xa vời của Epic trở thành hiện thực.
Được biết Sony đã đầu tư 250 triệu USD vào Epic Games trong tháng 7 năm ngoái. Với mục đích tạo được nhiều cơ hội cho đôi bên cùng hợp tác và phát triển để mang đến những trải nghiệm mới không những dành cho khách hàng mà còn cho cả ngành công nghiệp trò chơi điện tử.
Các nhà phát triển đã cùng nhau thảo luận về cách họ nhận thức về kiến trúc lưu trữ của công nghệ bây giờ. Một trong những vấn đề chính là quá trình tải dữ liệu của các máy console thế hệ cũ. Chúng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào ổ cứng, tức là sẽ luôn có độ trễ và độ trễ sẽ luôn thay đổi một cách khó đoán, điều này tạo ra rất nhiều hạn chế không chỉ cho Epic mà còn cho những đơn vị phát triển game. Cho đến khi Playstation 5 được ra mắt, được xem là một cuộc cách mạng cho khả năng lưu trữ và nó bắt đầu giải quyết gần như triệt để những vấn đề nan giải ấy.
Chiếc PlayStation 5 không chỉ được tạo ra dựa trên một bộ lưu trữ flash khổng lồ mà còn có băng thông rất cao cùng với độ trễ thấp, giúp cho Epic có thể dễ dàng truy cập và thực hiện bất kỳ loại dự án nào. Nhưng quan trọng nhất, tất cả đều nhờ vào hệ thống IO trên ổ SSD (input-output – nhập-xuất dữ liệu) của PS5. Sau khi nhận được lệnh, công nghệ Nanite của UE5 sẽ sử dụng tốc độ của SSD để truyền dữ liệu gần như ngay lập tức.
Khi đó cho dù có hàng triệu hay thậm chí là hàng tỷ đa giác, chỉ cần ‘bụp’ một cái là phải hiển thị ngay trước ống kính và đến ngay tới mắt người xem. Đây thực sự là một bước nhảy vược bậc của công nghệ.
Epic cũng chia sẻ với mọi người rằng họ cũng sẽ cho phép các dự án game được chuyển đổi từ UE4 sang UE5. Tạo điều kiện cho các nhà làm game có cơ hội tận dụng tấn cả các tính năng của engine đồ hoạ mới một cách hiệu quả nhất.
Giờ đây trọng tâm của Epic đó chính là sản xuất và cung cấp các công cụ quan trọng để giúp cho các nhà phát triển có thể cùng nhau xây dựng một nền công nghiệp game mang tính ‘cạnh tranh, độc lập và lành mạnh’.
Họ có thể chọn công cụ tốt nhất cho nhu cầu của mình, họ có thể chọn các dịch vụ trực tuyến tốt nhất mà mình thích, họ có thể đem sản phẩm của mình lên tất cả các nền tảng mà họ muốn. Sau đó họ có thể xây dựng một trò chơi và tạo ra một cộng đồng mà mọi người đều có thể kết nối và giao lưu nhau.
Có vẻ như bản tech demo của Epic Games đã và đang khiến cho rất nhiều nhà phát triển game lẫn cộng đồng game thủ vô cùng hào hứng. Unreal Engine 5 có thể sẽ trở thành bước đầu tiên trong công cuộc đổi mới mô hình phát triển của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Biết đâu chúng ta sẽ được chứng kiến một điều gì đó vượt xa những gì có thể tưởng tượng với next-gen gaming trong tương lai thì sao.