Vì sao năm 2021 rồi mà chúng ta vẫn chưa có tựa game Stephen King nào ra trò?

Tại sao dù Stephen King là một nhà văn huyền thoại nhưng tới giờ vẫn chưa có tựa game tuyệt vời nào chuyển thể từ những tác phẩm của ông?

Từ trước tới nay, Hollywood vẫn thường gặt hái những thành công rực rỡ với những bộ phim chuyển thể từ sách. Ví dụ như Forrest Gump, Lord of the Rings hay gần đây là Gambit Hậu. Nhưng nếu chúng ta nhắc tới người có nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim thành công nhất thì không thể không nhắc tới Stephen King

Hai quyển tiểu thuyết The Shawshank Redemption và The Shining của ông khi được chuyển thể thành phim đều góp mặt trong danh sách những bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại. Khi Mọt đang viết bài này thì IT vẫn đang nằm trong top những bộ phim kinh dị kiếm tiền tốt nhất dựa trên chi phí đầu tư. Tuy nhiên, với tư cách là fan cứng của Stephen thì Mọt vẫn không thể hiểu tại sao tới giờ chúng ta vẫn chưa có một tựa game Stephen King cho ra trò.

Những tựa game kinh dị sắp ra mắt đáng trông chờ nhất 2021
Những tựa game kinh dị sắp ra mắt đáng trông chờ nhất 2021
2021 vẫn còn dài, và với các fan của thể loại “đứng tim”, một loạt game kinh dị sắp ra mắt làm cho 2021 trở thành một năm đáng nhớ.

Dẫu biết các quyển sách thường được chuyển thể thành phim nhiều hơn nhưng ngành công nghiệp game không thiếu những cái tên được chuyển thể từ sách đâu nhé. Ví dụ như Lord of the Rings, Harry Potter, Sherlock Holmes hay The Witcher,… Đó là chưa kể tới những tựa game được lấy cảm hứng từ sách như Assassin’s Creed, Bioshock, Spec Ops: The Line hay Bloodborne. Vậy nên Mọt lại càng không thể giải thích nổi lý do tại sao các nhà phát triển game tài năng vẫn chưa động tay vào những tác phẩm của nhà văn huyền thoại này.

Tại sao có rất nhiều bộ phim đóng mác Stephen King?

Lý do có rất nhiều bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của Stephen là bởi vì chuyện đó rất dễ dàng. Có hàng tá đầu sách ở trên trang web của ông thuộc về Dollar Baby Program – chương trình cho phép bất cứ sinh viên ngành điện ảnh nào sử dụng các tác phẩm của Stephen để dựng thành phim với giá chỉ một đô la.

Ngay cả Frank Darabont, đạo diễn của hai tuyệt phẩm The Shawshank Redemption và The Green Mile (R.I.P Michael Clarke Duncan :’(), cũng từng là một thành viên hưởng lợi từ chương trình Dollar Baby. Ngoài hai bộ phim này ra thì ông cũng từng chuyển thể truyện ngắn The Woman in the Room của Stephen King thành phim. 

Bộ phim này khiến nhà văn ấn tượng tới mức mà ông đã trao cho Frank toàn quyền phát hành, việc hợp tác của hai người trong tương lai cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Stephen chỉ yêu cầu 5000 đô cho phí bản quyền của The Shawshank Redemption, rồi sau đó ông đã đóng khung tờ séc đó và gửi lại cho Frank “để đề phòng trường hợp ông cần tiền bảo lãnh”.

Stephen King muốn nhiều người tiếp cận tác phẩm của mình

Mọt kể câu chuyện này với mong muốn làm rõ một điều: Stephen King không quá quan tâm tới tiền bạc mà chỉ mong muốn những đứa con tinh thần của ông được chuyển thể thành những phương tiện truyền thông khác, để có thêm nhiều khán giả biết tới mà thôi. Ừ thì quả thật là ông có  ghét cay ghét đắng bộ phim The Shining của Kubrick, tuy nhiên Dollar Baby Program vẫn hoạt động tới ngày nay. 

Thêm vào đó thì Shawshank Redemption được công chiếu tận 14 năm sau khi cố đạo diễn Stanley Kubrick mang chúng ta tới khách sạn Overlook. Vậy nên chắc chắn là nhà văn kinh dị huyền thoại không hề cảm thấy chán nản với những tác phẩm chuyển thể. Nhưng đáng tiếc là khi nói tới game thì Mọt nghĩ có thể Stephen King đã thật sự hơi ngán ngẩm rồi.

Những tựa game không kinh dị nhưng chất lượng thật kinh dị

Kể từ những năm 80 của thế kỷ trước thì các tác phẩm của Stephen King đã bắt đầu được chuyển thể thành game, tuy nhiên tất cả bọn chúng đều thật kỳ quái và cũng chẳng mấy hay ho. Stephen King’s F13 là một tập hợp những mini game lấy cảm hứng từ việc thế giới sẽ trở nên tồi tệ như thế nào nếu bàn phím có phím F13…

Ờm, giống như bàn phím của Macbook đó. Những trò chơi trong đó đều dở ẹc, giống như những bản demo chưa được hoàn thiện vậy. À mà cũng đúng thôi bởi vì mục đích tồn tại của Stephen King’s F13 là để quảng cáo cho quyển tiểu thuyết ngắn Everything’s Eventual mà thôi.

Trong khi những tác phẩm xuất sắc của Stephen như The Stand và Dark Tower vẫn chưa được chuyển thể thành game thì The Lawnmower Man – một bộ phim dở tới mức mà tác giả đã phải kiện đoàn làm phim – lại có riêng cho mình một tựa game. Cũng may là không có danh sách game chuyển thể từ sách của Stephen King dở tệ hại nhất mọi thời đại, nếu không thì Mọt chắc chắn là The Lawnmower Man sẽ có tên trong danh sách đó.

The Dark Half là một tựa game point-and-click tạm ổn, The Mist cũng được tính là một trò chơi text adventure bình thường. Vậy là tới giờ, chuyến hành trình của Stephen King trong ngành công nghiệp game đã đạt đỉnh cao với một tựa game point-and-click tạm ổn được phát hành vào năm 1992. Nghe buồn lòng làm sao.

Chất game trong tác phẩm của Stephen King khá mờ nhạt

Thật ra thì Stephen cũng không viết nhiều về game trong các tác phẩm của ông, mà hễ mỗi khi ông nhắc đến thì khả năng cực cao đó là game thùng (arcade). Trái ngược với điều này, ông lại là một người cực kỳ yêu phim ảnh và âm nhạc. 

Khi đọc các quyển tiểu thuyết của Stephen King, chúng ta thường thấy ông  rất thích so sánh những sự kiện trong sách với phim. Ngoài ra, Mọt cũng đã tìm thấy một vài bài hát tủ thông qua những tác phẩm của Stephen, ví dụ như Hey Jude – The Beatles, Bridge Over Troubled Water – Simon & Garfunkel, My Way – Frank Sinatra… 

Đây có lẽ cũng là một trong những lý do ông dễ dàng cho phép những nhà làm phim sử dụng những tác phẩm của mình. Trong khi đó thì game lại là một ngành công nghiệp khiến ông không mấy quan tâm. Thêm vào đó là những trải nghiệm không mấy tốt đẹp với các tựa game “kinh dị” mà Mọt nhắc tới ở trên đã khiến Stephen King quyết định không muốn dính líu gì tới game nữa kể từ khi Stephen King’s F13 được phát hành vào năm 2000.

Đây quả là một điều đáng tiếc khi có rất nhiều tác phẩm của ông giàu tiềm năng để trở thành những tựa game tuyệt phẩm. Điểm đặc trưng của game là sẽ chẳng phải lo lắng tới việc cắt bớt các chi tiết để vừa với giới hạn thời lượng của một bộ phim. Ờm, hoặc học tập IT, chia thành hai phần phim dài hơn hai tiếng đồng hồ chỉ để có thêm khung hình nhét cảnh trò chuyện của Losers’ Club ở nhà hàng Trung Quốc dài gần 15 phút vào.

Tác phẩm nào có nhiều tiềm năng trở thành game hay?

The Girl Who Loved Tom Gordon là một cuốn tiểu thuyết rất hay nhưng lại không được nhiều người biết đến. Cuốn tiểu thuyết này nói về Trisha McFarland, một cô bé 9 tuổi bị lạc trong rừng. Sau nhiều ngày cố gắng sinh tồn, Trisha đã chạm mặt và chạy trốn khỏi (hoặc hoang tưởng ra) God of the Lost, một thực thể tà ác với khuôn mặt của loài tò vò. Cô bé đã phải cân bằng giữa việc cố gắng sống sót, giữ sức, chạy trốn khỏi nguy hiểm và không phát điên bằng cách nghe đài về tuyển thủ bóng chày Tom Gordon của đội Boston Red Sox.    

Mới nghe sơ qua thôi cũng biết là cuốn tiểu thuyết này sẽ có thể trở thành một tựa game hết sức tuyệt vời rồi. Ngoài ra, với khối lượng đồ sộ gồm 62 cuốn tiểu thuyết và hơn 200 truyện ngắn, Mọt tin chắc rằng sẽ có những quyển tiểu thuyết phù hợp để chuyển thể thành game. Ví dụ như IT, Misery, The Shining, The Dark Tower hay bộ ba cuốn sách về thám tử Bill Hodges,…

Ảnh hưởng của Stephen King tới ngành công nghiệp game

Ngay cả khi những tác phẩm của ông không thực sự được chuyển thể thành game thì chúng vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà phát triển game. Mọt không thể xem trailer của Life Is Strange: True Colors mà không liên tưởng tới Insomnia. Chúng ta cũng không thể nào bỏ quên Alan Wake, tựa game hành động phiêu lưu được lấy cảm hứng từ các tác phẩm của Stephen King. Cũng có nhiều game thủ cho rằng Bioshock có những sự tương đồng nhất định với The Dark Tower.

Stephen King không chỉ đơn giản là một nhà văn nổi tiếng, ông còn được gọi là Beatles của thể loại kinh dị. Stephen đã trở thành một huyền thoại và thậm chí ngay cả những người chưa từng đọc quyển sách nào của ông cũng biết tới. Các tác phẩm của ông thường mang tính điện ảnh, dễ liên tưởng với nhịp độ nhanh. Theo Mọt thì đó là những đặc tính cực kỳ phù hợp để làm thành game. Giờ đây chúng ta chỉ cần một studio game có tâm và có tầm nữa mà thôi.

Nếu đã đọc đến đây thì chắc hẳn bạn rất yêu thích Stephen King, và các thể loại game kinh dị. Mọt cũng như vậy, dù nhiều lúc đọc sách hay chơi game xong là không dám đi vệ sinh một mình luôn. Tuy nhiên với việc các studio game Việt Nam chuẩn bị ra mắt rất nhiều game kinh dị rất có tiềm năng. Mọt đã quyết định rằng dù tim đập, chân run, mồ hôi lạnh chảy khắp mặt cũng phải chơi cho bằng được. Bạn có thể tìm hiểu thêm về ba tựa game này tại đây.

Fanpage Kênh Tin Game Esports - khu vườn địa đàng với hàng ngàn tin tức Esports và 7749 loại meme/video.. vui tính hơn cả crush của bạn. LIKE NGAY ĐỂ CẢM NHẬN!
Bạn có sẵng sàng "tám" xuyên biên giới tại Gia đình Kênh Tin Game, nơi có những thiên tài như Elon Musk, bí ẩn như Dr.Strange và lịch lãm như Constantine?
Và cuối cùng bạn đã đăng ký kênh Youtube của Kênh Tin Game chưa? Đăng ký đi vì nó miễn phí.