Có lẽ không cần phải nói nhiều về tầm cỡ, những đóng góp và sức ảnh hưởng của Nhật Bản đối với ngành game toàn cầu. Những công ty game hàng đầu như Nintendo, SEGA, Capcom, Bandai Namco, Koei Tecmo,… hàng năm vẫn tung ra không biết bao nhiêu những sản phẩm chất lượng cho game thủ. Thế nhưng bên cạnh những điểm sáng mà chúng ta dễ dàng thấy được, vẫn có không ít những mặt tối của ngành công nghiệp game tại xứ hoa anh đào mà nếu được biết được thì bạn có thể sẽ phải rùng mình.
Đầu tiên, bạn biết gì về Yakuza? Có lẽ đa phần mọi người sẽ nghĩ ngay tới dòng game Yakuza lừng danh của SEGA khi thể hiện vô cùng ấn tượng thế giới ngầm của đất nước Nhật Bản. Còn nếu bạn chưa rõ thì cứ tạm hiểu Yakuza là mafia kiểu Nhật và nó cũng tương tự như mafia Italy, Yakuza cũng là một hoặc tập hợp nhiều gia đình tội phạm với các hoạt động có thể cùng nhau hoặc đối đầu nhau. Tại xứ hoa anh đào, yakuza có phạm vi hoạt động rộng khắp các ngành nghề giải trí.
Theo đó, chính phủ Nhật phân chia các loại hình giải trí theo các hạng mục khác nhau để chúng nằm trong khuôn khổ luật pháp phù hợp. Và ngạc nhiên thay, video game lại có “vinh dự” nằm cùng hạng mục với ngành công nghiệp khiêu dâm và cờ bạc khi chúng có cùng khuôn khổ luật. Cũng bởi vậy mà yakuza có sức ảnh hưởng lớn tới ngành game hơn nhiều người nghĩ. Có vô số các câu chuyện xoay quanh sự liên hệ với yakuza ngay từ thời kì đầu của ngành công nghiệp game, điển hình như ban lãnh đạo bị chặt mất ngón tay, nhân viên bị tấn công, cơ sở vật chất bị phá hoại, những lời đe dọa hay ép buộc, tống tiền, bảo kê,… tóm lại đủ những chuyện khiến ta cảm thấy lạnh gáy.
Nói thẳng ra yakuza đã “tham gia” vào ngành công nghiệp game tại Nhật ngay từ thời buổi sơ khai. Thế nhưng khá buồn cười là những công ty game luôn muốn đảm bảo rằng việc kinh doanh của họ “không có bất kì sự liên hệ nào tới yakuza”. Bởi vậy mà đa phần các thể loại giấy tờ đều bị chỉnh sửa ít nhiều hoặc hoàn toàn không có ghi chép nào, bởi chả mấy ai muốn mình mang tiếng là liên hệ với tội phạm cả. Cũng vì thế mà việc tìm hiểu về mối liên hệ giữa yakuza với các hãng game không hề dễ dàng. Nếu có một cuộc khảo sát để xem công ty game Nhật Bản nào chuyên qua lại với Yakuza, hẳn phải là hãng nào đó có danh tiếng không tốt lại còn sản xuất máy đánh bạc như Konami.
Nhưng thực tế câu trả lời lại là ở Nhật chả có hãng game nào trong sạch cả. Theo John Szczepaniak, tác giả của cuốn sách The Untold History of Japanese Game Developers, gần như toàn bộ các hãng game lớn nhỏ của Nhật Bản đều có qua lại với yakuza, dù ít hay nhiều. Có rất nhiều vụ kiện cáo chống lại các nhà báo hay tác giả viết bài về yakuza. Cũng bởi vậy, phải nhấn mạnh rằng rất nhiều nguồn tin về việc các hãng đi đêm với đám xã hội đen đều là nặc danh vì không ai muốn có một đám lưu manh đứng chặn trước cửa nhà mình cả. Theo đó, sự tham gia của yakuza trong lĩnh vực game là “bí mật ai cũng biết” (open secret) nhưng cực kì ít người biết cụ thế nó ra sao.
Hãy bắt đầu với Nintendo, công ty game có thể nói là lớn nhất Nhật Bản. Vào cuối thế kỉ 19 khi mà Nhật Bản bước vào thời kì đổi mới, chính phủ tìm cách cấm chơi bài như một biện pháp chống đánh bạc, điển hình nhất là loại bài hanafuda, loại bài chỉ có hình mà không có số khá phổ biến. Chính phủ Nhật nhận ra có một số kiểu chơi bài không thể bị xóa bỏ hoàn toàn và quyết định hanafuda được hợp pháp hóa. Vào thời điểm này, Nintendo cũng chính thức ra đời vào 1889. Mặc cho hi vọng của chính phủ là bài hanafuda sẽ không được dùng để đánh bạc, những kẻ lách luật đã bí mật vẽ các con số lên những lá bài để phục vụ cho các hoạt động bất hợp pháp.
Tòa nhà trụ sở đầu tiên của Nintendo nằm ở Kyoto, ngay tại khu vực vốn nổi tiếng bởi các hoạt động của yakuza. Thú vị thay, cái tên của đám tội phạm này vốn cũng bắt nguồn từ vấn đề đánh bạc khi mà yakuza nghĩa là 8-9-3, con số lá bài của một trò đánh bạc kiểu cũ. Nintendo dần gây dựng tiếng tăm như một doanh nghiệp, cùng với đó là hoạt động mở “sòng bạc trá hình” thứ 2 tại Osaka, thành phố với tỉ lệ phạm tội cao nhất Nhật Bản. Và đoán xem “cơ sở 2” này phục loại khách hàng nào, không ai khác ngoài yakuza đó. Sản xuất và tổ chức đánh bạc tiếp tục chèo lái con thuyền Nintendo như một công ty cho tới giữa những năm 1950 khi hãng quyết định tìm đến những hình thức kinh doanh mới để rũ sạch quá khứ không mấy tốt đẹp của mình.
Năm 1958, mại dâm bị cấm tại Nhật Bản. Tuy nhiên có điều chắc chắn rằng mại dâm là thứ gì đó rất phổ biến dù là ở đất nước nào và dù có bị cấm hay không. Các doanh nghiệp như Nintendo thấy được cơ hội làm ăn và bắt đầu đầu tư vào Love Hotel. Nếu bạn còn ngây thơ chưa tự hiểu được thì Love Hotel là khách sạn cho thuê phòng theo giờ cho các cặp đôi, và đương nhiên cũng phục vụ cho các hoạt động mại dâm. Nintendo cũng vận hành một vài cơ sở như vậy trong nhiều năm. Love Hotel cùng sự liên kết của nó với ngành công nghiệp thể xác tại Nhật Bản mang tới hình thức kiếm lời mới cho các tổ chức yakuza. Mại dâm đồng thời cũng là một trong những ngành kiếm nhiều lợi nhuận nhất cho đám tội phạm.
Khi công ty hay tổ chức đã kinh doanh (dịch vụ ăn theo) mại dâm thì sự liên hệ với yakuza là điều không thể tránh khỏi. Dù sao cũng phải nhấn mạnh rằng Love Hotel không phải 100% phục vụ mại dâm, thế nhưng cũng chẳng thể chối bỏ sự thật rằng các hoạt động mại dâm được thực hiện thông qua chúng. Có lẽ không ít bạn đọc biết đến máy Pachinko, đăc biệt là khi Konami liên tục tung ra các siêu phẩm như Metal Gear và Silent Hill lên Pachinko. Nếu bạn thực sự chưa biết thì Pachinko là máy đánh bạc với kiểu chơi giống trò pinball, cỗ máy này thường được xếp chung hạng mục với game. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Nhật Bản cấm đánh bạc bởi vậy Pachinko không trực tiếp thưởng tiền cho người chơi khi thắng, thay vào đó phần thưởng là các viên bi kim loại. Và dùng rổ bi đó đổi quà hay đổi tiền là việc của người chơi, lúc đó chính phủ không quản nữa.
Vào những năm 70 và 80, yakuza trực tiếp tham gia vào quá trình đổi thưởng. Theo đó, những quả bóng thắng được từ máy Pachinko có thể mang ra đổi thành các phần quà hiện vật, sau đó có thể mang ra đổi lấy tiền tại các tiệm cầm đồ cũng do yakuza kiểm soát. Một các lách luật khá công phu phải không. Các máy game thùng (arcade) cũng được cho là tương tự Pachinko, vậy nên những ai chơi Pachinko đều cho rằng nó cũng như chơi game chứ không phải đánh bạc. Bởi vậy mà game arcade và Pachinko đều được áp đặt luật quản lý tương tự nhau. Hầu hết các hoạt động liên quan đến Pachinko đều nằm dưới sự kiểm soát của yakuza. Và ở Nhật nói đến Pachinko thì đa phần các hãng game lớn đều có chân trong lĩnh vực này. Tiêu biểu nhất phải kể tới đó là SEGA và Konami khi 2 hãng này đều vẫn rất thành công ở mảng sản xuất máy Pachinko và arcade.
Bên cạnh các hãng game máu mặt, yakuza cũng không quên hỏi thăm các hãng game vừa và nhỏ. Theo đó, các công ty game vừa và nhỏ thường bị ép buộc trả tiền để được bảo kê khỏi các băng nhóm hay chính các doanh nghiệp khác, thậm chí có thể là khỏi chính đám bảo kê. Đa phần các hãng game đều bị ép phải tham gia những thỏa thuận này. Roy Ozaki, cựu nhân viên của Data East (công ty game Nhật Bản đã đóng cửa từ 2003) cho biết một trong những thỏa thuận như vậy yêu cầu công ty phải mua một quyển lịch giá cả ngàn đô la Mỹ. Sao lại có cuốn lịch đắt đỏ đến thế và ai lại dư tiền đi mua nó chì để xem ngày cơ chứ? Thế nhưng những công ty có cuốn lịch ngàn đô đó sẽ được bảo kê từ “người bán”. Rõ ràng yakuza bắt các công ty game vừa và nhỏ phải mua lịch hàng năm để “được bảo vệ”.
Ngoài ra yakuza cũng nhận bảo kê phần lớn các tụ điểm game arcade tại Nhật Bản những ai có ý định kháng cự thường sẽ gặp hậu quả. Không sử dụng các thủ đoạn thấp kém như trong phim ảnh hay game, chúng sẽ không đập phá và đốt sạch mọi thứ. Thay vào đó nếu không chấp nhận đề nghị được bảo vệ, nhiều khả năng công ty đó sẽ bị quấy rối cho tới ngày phá sản, dù theo cách nào. Những kiểu thỏa thuận bắt đầu bằng bảo kê mà không được chấp thuận nhiều khả năng dẫn tới các hình thức đe dọa khác, đôi lúc các lãnh đạo cấp cao của công ty có thể bị hẹn gặp bởi yakuza và sau đó đám tội phạm sẽ “bổ nhiệm” người khác vào thay cho vừa ý của chúng. Đến nay yakuza vẫn thống trị các khu phố vui chơi sầm uất tại Nhật, dù không còn trắng trợn như hồi thập niên 70 và 80.
Một kiểu dằn mặt khác của yakuza đó là sao chép game lậu hoặc nhái game như một cách để phá hoại việc kinh doanh. Điển hình như tựa game Breakout của Atari được gửi đến cho Namco để sản xuất nội dung cho máy arcade. Bằng cách nào đó, đám yakuza đã tiếp cận được tựa game này và tạo ra một game nhái đến 90% rồi phát hành hàng loạt với giá rẻ mạt. Hóa ra đây là đòn trả đũa vì Namco “dám” quyết định tự mình làm game khi việc sản xuất máy arcade cho hãng khác liên tục bị yakuza gây khó. Người tốt cuối cùng được báo đáp bởi sau khi từ chối đề nghị hợp tác làm ăn của yakuza (điều mà đa phần các hãng khác khi đó đều chấp nhận), Namco đã tạo ra tựa game huyền thoại Pac-Man. Nintendo cũng từng phải bí mật vận chuyển máy Famicon vào ban đêm để tránh việc Yakuza tiếp cận và đánh cắp chúng.
Một câu chuyện diễn ra cách đây không quá lâu cho thấy vấn đề mà ngành công nghiệp game tại Nhật phải đối mặt khi dám tỏ thái độ chống đối với đám yakuza. Đó là việc cạnh tranh thiếu lành mạnh, theo đó có một công ty đang cạnh tranh với Nintendo nên đã lệnh cho đám yakuza thân quen bắt cóc em gái của nhân viên từ công ty đối tác của Nintendo rồi nhốt nạn nhân vào phòng kín (isolation room). Vụ bắt cóc như một lời đe dọa, buộc công ty kia ngừng làm ăn với Nintendo. Nghe đâu tay nhân viên có người thân bị bắt cóc cũng không thèm trình báo cảnh sát mà sử dụng các biện pháp rất “xã hội” để giải cứu con tin. Không ai biết rõ về danh tính công ty đứng sau vụ bắt cóc, chỉ biết rằng đó là “một trong những công ty game lớn nhất Nhật Bản”.
Đồng thời công ty này cũng gặp vấn đề vào khoảng năm 2000 với việc sử dụng phòng kín (isolation room) để tạo môi trường làm việc độc hại cho nhân viên. Thú vị thay là cũng trong thời gian này, SEGA cũng gặp phải tranh cãi về vấn đề isolation room, đương nhiên không có bằng chứng cụ thể để liên hệ công ty này với vụ việc ở trên. Trong các công ty game lớn tại Nhật, Konami có thể nói là chịu ảnh hưởng lớn và lâu dài bởi yakuza. Trong cuốn sách The Ultimate History of Video Games, tác giả Steve Kent cho biết rằng từng có một gia tộc yakuza lớn đã tìm cách chiếm quyền kiểm soát Konami. Giám đốc Konami khi đó là Kagemasa Kozuki đã đáp trả bằng cách cầu cứu một gia tộc yakuza khác vốn là đối thủ của kẻ muốn thôn tính công ty.
Không rõ thỏa thuận giữa Konami và băng yakuza kia ra sao, thế nhưng xung đột nhanh chóng nổ ra giữa 2 phe tội phạm. Kozuki còn buộc phải lẩn trốn một thời gian nhằm bảo đảm an toàn tính mạng khi mà cuộc đối đầu giữa 2 gia tộc yakuza càng lúc càng đi theo hướng bạo lực hơn, dẫn tới chiến tranh toàn diện giữa 2 phe. Cần lưu ý một lần nữa rằng tất cả những thông tin ở trên đều vô cùng nhạy cảm đối với những công ty có liên quan. Đa phần các tài liệu ghi chép về những sự kiện, tên công ty, tổ chức hay cá nhân đều đã bị chỉnh sửa hoặc censor, ít có cái tên cụ thể nào bị tiết lộ. Kể cả nguồn cũng thường ẩn danh. Không ai có thể nói ra trực tiếp tên của cá nhân và tổ chức có liên quan.
Các công ty game cũng cố gắng tránh mọi lời ong tiếng ve, đặc biệt là khi nó có liên quan đến đám tội phạm lâu đời tại Nhật Bản. Bất kì ai dám trực tiếp nêu đích danh tên cá nhân, tổ chức đều phải đối mặt với khả năng kiện cáo từ công ty và tổ chức đó. Kết quả thường là bên lắm tiền lắm quyền hơn sẽ chiến thắng. Bằng chứng thì luôn hiện hữu, vấn đề là có ai thực sự dám đứng lên đưa chúng ra ngoài ánh sáng không. Kể cả những tác giả, nhà báo tận tụy nhất cũng không dám nêu đích danh mà chỉ ám chỉ hay ẩn dụ để độc giả suy luận và tự hiểu. Tại Nhật Bản, dù bạn có là ai, khi bạn bị cho là có dính dáng tới yakuza sự nghiệp của bạn coi như chấm dứt. Tuy nhiên các công ty làm game tại Nhật càng về sau càng tự tách mình khỏi sự khống chế của yakuza nhiều hơn khi mở rộng thị trường tới các nước khác, nơi mà yakuza không thể vươn tay tới.