Các hiệu ứng khống chế trong LMHT (Phần 2): Khống chế cứng

Khống chế cứng là hiệu ứng quan trọng trong LMHT mà một vị tướng có thể sở hữu, bạn đã biết đâu là hiệu ứng khống chế cứng?

Hiệu ứng khống chế hay Crowd Control là một dạng hiệu ứng quan trọng trong LMHT và là một khởi đầu hoàn hảo để người chơi có thể làm bất kỳ điều gì hướng tới kẻ địch. Từ việc giữ chân, để các kỹ năng sau đó chuẩn xác hơn, kết hợp với đồng đội hay thậm chí là có thế chúng để tạo khoảng cách và rút lui. Vì vậy, hiệu ứng khống chế luôn là điều kiện quan trọng để một đội hình, tướng có thể phát huy tối đa sức mạnh. Vậy có những hiệu ứng khống chế nào trong LMHT, cùng mình tìm hiểu nhé.

Các hiệu ứng khống chế trong LMHT được chia làm 2 nhóm chính mà chúng ta thường gọi là Hiệu ứng khống chế cứng và Hiệu ứng khống chế mềm. Việc xác định hay phân loại các hiệu ứng khống chế là cứng hay mềm sẽ phụ thuộc phần nhiều vào khả năng di chuyển (Immobilizing) sau khi dính khống chế và khả năng kiểm soát hành động (Loss of Control) của mục tiêu. Và đương nhiên, các hiệu ứng khống chế cứng thiên về giữ chân kẻ địch thường sẽ nguy hiểm hơn so với các khống chế mềm có thể được hóa giải.

Hiệu ứng khống chế cứng

Trói Chân (Root/Snare)

Về lí thuyết, Trói chân không thực sự được công nhận là một dạng khống chế cứng nhưng vì khả năng gần như khóa chết mục tiêu nên nhiều người vẫn đánh giá đây là một dạng khống chế cứng. Mục tiêu bị Trói Chân sẽ không thể di chuyển và bị hạn chế một số kỹ năng, phép bổ trợ, trang bị cho khả năng lướt và dịch chuyển. Trói Chân cũng có khả năng ngắt một số kỹ năng đang niệm dạng dịch chuyển như R của Shen, R của Fiddlesticks… Các kỹ năng sở hữu hiệu ứng Trói Chân nổi bật sẽ là Q của Lux và Morgana.

Trên Không (Airborne)

Mục tiêu nhận hiệu ứng Trên Không sẽ bị hất lên không trung hoặc ép buộc di chuyển đến một vị trí cụ thể. Trong thời gian hiệu lực, mục tiêu không thể di chuyển, đánh thường, sử dụng kỹ năng, phép bổ trợ dạng dịch chuyển hay giảm thời gian tác động bằng các nguồn kháng hiệu ứng. Thậm chí khi mục tiêu đang sử dụng các kỹ năng dạng lướt, hiệu ứng trên không sẽ luôn được ghi đè và đạt hiệu quả nên đây là dạng khống chế cứng được đánh giá là khá tốt LMHT.

Các hiệu ứng Trên Không cũng sẽ được chia thành các loại cơ bản bao gồm:

  • Hất tung: Hất mục tiêu lên không trung như R của Malphite, Q của Cho’Gaht
  • Hất văng: Hất văng kẻ địch khỏi vị trí ban đâu như E của Vayne, W của Alistar
  • Kéo: Kéo kẻ địch về phía chủ thể như Q của Thresh, Q của Blitzcrank.

Làm Choáng (Stun)

Làm Choáng hay Stun có lẽ là hiệu ứng quen thuộc với người chơi nhất khi có nhiều vị tướng trong LMHT sở hữu khả năng làm choáng kẻ địch. Mục tiêu bị Làm Choáng sẽ không thể đánh thường, sử dụng kỹ năng, di chuyển hay sử dụng các phép dịch chuyển như khi bị trên không. Tuy nhiên, khả năng kháng hiệu ứng sẽ giúp giảm thời gian làm choáng và hiệu ứng này có thể ngắt các chiêu thức dạng vận sức.

Trong một số trường hợp đặc biệt, khả năng làm choáng cũng được kích hoạt trong trạng thái Lơ Lửng (Suspension) như khi Yasuo Trăn Trối kẻ địch trên không, Thủy Ngục của Nami hay Hất Tung của Vel’Koz. Nổi bật với khả năng làm choáng mục tiêu có lẽ là Leona với 3 kỹ năng có thể choáng kẻ địch.

Bắt Buộc Hành Động (Forced Action)

Khi bị trúng hiệu ứng, những mục tiêu bị bắt buộc hành động sẽ không thể tử chủ trong quá trình điều khiển thao tác như di chuyển, đánh thường hay sử dụng kỹ năng, phép bổ trợ dạng dịch chuyển. Giống như trên không, Bắt buộc hành động sẽ luôn được ghi đè lên bất kỳ trang thái lướt nào của mục tiêu nhưng khi kẻ địch bị hạ gục, hiệu ứng sẽ biến mất (trừ Cuồng Loạn) và được giảm trừ từ kháng hiệu ứng.

  • Mê Hoặc (Charm): Mục tiêu bị mê hoặc sẽ tiến đến chủ thể trong trạng thái bị làm chậm. Nổi bật là chiêu E của Ahri, W của Evelynn
  • Hoảng Sợ/Bỏ Chạy (Fear/Flee): Mục tiêu bị Hoảng Sợ sẽ trái ngược với mê hoặc khi khiến chúng chạy ngược lại trong trang bị bị làm chậm. Nổi bật là Q của Fiddle và E của Nocturne.
  • Khiêu Khích (Taunt): Mục tiêu bị khiêu khích sẽ tự động di chuyển về phía chủ thể và đánh thường cho đến khi hết hiệu lực. Hiệu ứng có trên chiêu E của Shen và Rammus.
  • Cuồng Loạn (Berserk): Cuồng loạn là hiệu ứng mới khá thú vị trong LMHT được tạo ra bởi chiêu cuối của Renata ép những kẻ địch trúng chiêu phải đánh thường lẫn nhau trong bán kính 1000 tầm dù là đồng minh hay kẻ địch.

Tĩnh (Stasis)

Tĩnh là trạng thái đặc biệt khi mục tiêu sẽ không thể làm bất kỳ điều gì ngay cả sử dụng các phép bổ trợ hay trang bị để giải thuật. Đương nhiên các chỉ số kháng hiệu ứng cũng không có tác dụng như đổi lại, mục tiêu sẽ không thể bị chọn làm mục tiêu và miễn nhiễm sát thương trong thời gian hiệu lực. Vì vậy, chưa chắc hiệu ứng Tĩnh đã phải là hiệu ứng bất lợi khi sử dụng. Hiệu ứng này sẽ xuất hiện khi người chơi chủ động mua các trang bị là Đồng Hồ Ngưng Đọng hay Đồng Đồ Cát và từ chiêu cuối của Bard.

Ngủ (Sleep)

Trước đó chúng ta có hiệu ứng khống chế mềm là Buồn Ngủ thì Ngủ sẽ là hiệu ứng khống chế cứng diễn ra sau khi Buồn Ngủ. Trạng thái Ngủ của mục tiêu sẽ tương đồng với khi bị Choáng (Stun) khi không thể di chuyển, sử dụng kỹ năng hay các phép bổ trợ dạng dịch chuyển. Chỉ số kháng hiệu ứng cũng sẽ có tác dụng khi giúp giảm thời gian ngủ để người chơi có thể tỉnh sau đó.

Áp Chế (Suppression)

Cuối cùng chúng ta có hiệu ứng Áp Chế. Mục tiêu khi bị Áp Chế sẽ không thể di chuyển, sử dụng kỹ năng, đòn đánh hay bất kỳ phép bổ trợ nào. Kháng hiệu ứng sẽ không có tác dụng khi bị áp chế mà các đồng minh cần gây các hiệu ứng khống chế cứng khác vào chủ thể Áp Chế để ngắt quá trình hoặc sử dụng Khăn Giải Thuật và các kỹ năng giải khống chế đặc biệt. Chỉ có hai vị tướng có thể gây ra hiệu ứng Áp Chế là Malzahar và Warwick.