Các nhà phát triển game học được gì từ hiện tượng Genshin Impact?

10 triệu người đăng ký trước, Genshin Impact đang tạo nên một hiện tượng toàn cầu, nhưng ít ai biết nhà phát triển đứng sau thành công này lại đến từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp game Trung Quốc thời gian gần đây ngày càng tạo được tiếng vang lớn trên toàn cầu. Không lâu sau khi Black Myth: Wukong tung trailer khiến dân tình xôn xao, đến lượt Genshin Impact tấn công thị trường nước ngoài bằng chất lượng thực sự.

Thành công của Genshin Impact là điều đã được lý giải. Nhưng xa hơn thế, nhà phát triển miHoYo đã làm được điều gì?

Thành lập vào năm 2012 ở Thượng Hải, miHoYo ban đầu là một studio nhỏ với chỉ ba chàng trai có niềm đam mê bất tận với văn hóa Nhật Bản. Họ tự nhận mình là các otaku, những người nghiện anime/ manga, cosplay, video game, idol... của Nhật Bản. Từ đó, cả 3 đề ra khẩu hiệu xuyên suốt từ lúc làm game đến giờ là "Otaku công nghệ giải cứu thế giới".

Các nhà phát triển game học được gì từ hiện tượng Genshin Impact? - Ảnh 1.

CEO Lưu Vĩ, đồng sáng lập miHoYo

Có thể thấy, thành công của miHoYo đến giờ chính là gắn kết chặt chẽ các sản phẩm với sứ mệnh mà họ đã đề ra. Studio này chưa từng đi chệch hướng và không có ý định làm gì khác ngoài những sản phẩm đậm chất otaku.

Kết quả, một nhà phát triển Trung Quốc lại có thể làm một game Nhật Bản mà nếu không tìm hiểu kỹ, ai cũng ngỡ như Genshin Impact hay Honkai Impact 3 là game của Nhật. Với tôn chỉ đó, các sản phẩm do miHoYo phát triển tuy là hàng "made in China" nhưng lại đậm chất Nhật Bản. Từ phong cách thiết kế đến lối chơi, khả năng tùy biến, tính năng, cốt truyện. miHoYo tự đi một con đường riêng và bắt đầu gặt hái thành công lớn với Honkai Impact 3, trước khi Genshin Impact ra đời.

Thành công của miHoYo cũng cho thấy các nhà phát triển không nhất thiết phải làm những game thuần văn hóa bản địa, mà thay vào đó nên hướng tới các sản phẩm có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Các nhà phát triển game học được gì từ hiện tượng Genshin Impact? - Ảnh 2.

Khẩu hiệu làm game của miHoYo: Otaku công nghệ giải cứu thế giới

Không nói đâu xa, một nhà phát triển Trung Quốc khác là Snail Games đã từng gặp khó khi đem bom tấn Age of Wushu (Cửu Âm Chân Kinh) đi phát hành ở các nước phương Tây. Văn hóa phương Tây vốn không chuộng kiếm hiệp, võ công Trung hoa và Age of Wushu không hề tạo được tiếng vang ở trời Âu. Kết quả cũng là tương tự với những 9Dragons (Cửu Long Tranh Bá) hay Twelve Sky 2 (Độc Bá Giang Hồ) dù đây là những game do Hàn Quốc sản xuất nhưng lấy bối cảnh kiếm hiệp Trung Quốc.

Tại Việt Nam, không ít studio lao đao khi chạy theo xu hướng nhất thời của thị trường thay vì tập trung vào các sản phẩm mang tính kế thừa cốt lõi. Kết quả là các game MOBA, battle royale hàng Việt chưa kịp ra đời đã phải đóng cửa do không có khả năng cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Tất nhiên, không thiếu các studio chỉ tập trung làm các sản phẩm thế mạnh của mình và đã gặt hái được thành công vượt ra khỏi biên giới Việt Nam như Amanotes, Bravestars (tiền thân là Zonmob) hay Divmob...

Cuối cùng, bài học mà miHoYo để lại chính là lấy ngắn nuôi dài, lấy thành công trong ngắn hạn để nuôi dưỡng đam mê lâu dài. Trước khi làm game bom tấn và đầu tư cả trăm triệu USD vào Genshin Impact, miHoYo biết cách sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý để phân bổ vào những game giúp studio này tồn tại qua những đợt bão của thị trường.

Ảnh: Internet