Như vậy 5 cái tên mạnh nhất LCK đã lộ diện gồm DAMWON Gaming, Gen.G, DRX, T1 và Afreeca Freecs. 5 đội này ngoài việc sẽ tranh giành chiếc cúp mùa hè thì đây còn là cơ hội để họ để có chiếc vé đi tới Trung Quốc tham dự CKTG 2020.
DAMWON Gaming (DWG)
DWG được đánh giá đang là đội có nửa trên khủng khiếp nhất trong mùa hè này. Nuguri - Canyon - ShowMaker là vô đối, bảng xếp hạng MVP vòng bảng có tới 2 người thuộc về nửa trên của DWG chiếm lĩnh, đủ thấy sức mạnh của họ ở mức nào. Với độ lực như vậy, không khó để DWG có chiếc vé vào thẳng trận chung kết LCK mùa Hè năm nay.
Cấm chọn cũng là thứ khiến cho DWG mùa này trở thành khác biệt. Đã có nhiều trận họ làm bất ngờ đối thủ vì những con bài "lạ" nhưng hiệu quả của mình. Họ cũng có thể biến tấu đội hình, ví dụ như đội hình với những kỹ năng AOE trong trận gặp DRX hoặc ngẫu hứng sử dụng tướng, nhưng vẫn có hiệu quả như khi BeryL cầm Sejuani.
Nhưng nói như vậy, nhưng DWG vẫn có điểm yếu. Khả năng đánh Bo5 của họ vẫn còn là dấu hỏi lớn. Kể từ mùa Xuân năm 2019, họ đã đánh tổng cộng 3 trận Bo5 ở playoff và chưa giành được bất kỳ chiến thắng nào. Trận chung kết sắp tới là cơ hội cực tốt để họ lên ngôi vô địch lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển. Thế nhưng nếu thua ở trận đấu này, e là sẽ chẳng còn cơ hội nào cho họ nữa.
DRX
Nếu DWG là vô đối ở nửa trên của Summoner's Rift thì nửa dưới lại thuộc về DRX. Việc chiêu mộ thành công Chovy khiến cho cho CvMax vô lo về đường giữa. Keria cũng là phát hiện thú vị của DRX trong mùa giải lần này.
"Thần đồng" hỗ trợ đã sử dụng 20 vị tướng sau 19 trận đấu. Bể tướng rộng giúp DRX có khả năng tùy biến linh hoạt ở đường dưới. 900 điểm MVP - số 1 trong các người chơi hỗ trợ cho cậu ta là hoàn toàn xứng đáng.
Thế nhưng, DRX vẫn có 2 điểm yếu khá chí mạng cần phải khắc phục trước khi playoff diễn ra. Đầu tiên phải kể đến tâm lý thi đấu không hề ổn định của Doran. Bất chấp việc có nửa dưới ở dạng mạnh nhất LCK, nhưng Doran vẫn là người khiến CvMax phải lo lắng nhất. Nếu so sánh các thông số với những người chơi đường trên trong top 4, thì Doran chỉ ngang với Rascal. Nếu đường trên không tạo được sức ép với đối phương, sẽ rất khó cho Pyosik để dồn tài nguyên cho nơi cần nhất của đội - bộ đôi đường dưới.
Thứ hai, vấn đề cấm chọn. Bo5 là nơi cấm chọn lên ngôi và cũng thể hiện rõ nhất phong cách của HLV. CvMax luôn thích đánh bài dị, tất nhiên vài lần có hiệu quả, thế nhưng, khi ở thế thua anh lại quá bảo thủ hoặc không có phương án thay thế. Trong vòng playoff này, CvMax cần nhiều bài vở hơn để đánh lại những đối thủ còn lại đều có khả năng cấm chọn tốt.
Gen.G Esports (GEN)
Sau thời gian không thành công ở giải quốc nội, GEN đã quyết định chi lớn khi mua về toàn những hảo thủ. Tất cả vì mục tiêu lần đầu giành được chiếc cup LCK. Thế nhưng, sau khi đạt thành công vượt bậc với chức Á quân mùa Xuân thì mùa Hè lại chứng kiến phong độ giảm sút của cả 5 tuyển thủ trong đội.
5 người của GEN đều có kỹ năng cực cao lẫn tư duy thi đấu ở mức rất tốt. Thế nhưng, họ luôn có những khoảng khắc "dâng hiến" trận đấu cho đối phương. Đã có không ít lần trong mùa giải này, GEN để mất lợi thế, mà nặng nhất là đi cả trận đấu vì những pha "bò lạc" của các thành viên.
Thứ 2, chiến thuật của GEN vẫn là thứ cần phải xem lại. Đồng ý là họ có những tuyển thủ có kỹ năng, nhưng họ vẫn lạc lối giữa việc chọn sử dụng chiến thuật kiểm soát mục tiêu hay dùng kỹ năng cao để đàn áp kẻ địch. Việc không thể quyết định nên sử dụng lối chơi nào khiến GEN chưa tạo dấu ấn rõ nét trong trận đấu.
T1
T1 thực sự đang gặp khủng hoảng mùa hè này. Tất nhiên, không đến mức tồi tệ như năm 2018 thế nhưng cũng là đủ để các đội tuyển còn lại trong top 5 khai thác. Cấm chọn là một trong yếu điểm của họ. T1 vẫn giữ lối cấm/ chọn truyền thống, ít sự biến hóa. Lối chơi này tất nhiên vẫn có hiệu quả. Thế nhưng, khi gặp những đội có khả năng chơi bài "dị" như DWG hoặc DRX thì T1 sẽ gặp nhiều khó khăn.
T1 đang có vấn đề về giao tiếp trong nội bộ, chính HLV Kim đã phải thừa nhận việc Faker vào sân sẽ khiến việc kêu gọi bị loạn. Điều này dẫn đến việc tụt giảm về khả năng giao tranh tổng - thứ làm nên thương hiệu của T1. Đã có không ít trận trong mùa giải này, T1 bỏ lỡ thời cơ giao tranh chỉ vì liên lạc không tốt với nhau.
Việc Clozer vào sân ở giai đoạn cuối mùa Hè, T1 đã tạm thời giải quyết 2 vấn đề trên, nhưng chừng đó là chưa đủ. Họ cần phải cố gắng hơn nữa nếu vẫn muốn chiếc cúp bạc ở lại với gaming house của mình.
Afreeca Freecs (AF)
Sau thành công ở Kespa Cup, Afreeca mùa hè này đã hiện nguyên hình là đội hạng trung. Chiến thuật không có gì mới mẻ, các thành viên cũng chỉ ở mức trung bình. Mùa hè này, họ không khác gì ranh giới giữa những đội nhóm trên. 18 trận đấu, thì họ thua 8, 8 trận đó là đối đầu với các đội trong top 4. Với tiềm lực chỉ ở mức trung bình, có lẽ, họ phải đánh với 1000% sức mạnh mới mong có cơ hội tới CKTG.
Ảnh: LCK