Những năm trở lại đây, thị trường game Việt Nam đang có sự chuyển biến mạnh mẽ để từng bước phát triển thành ngành công nghiệp game mang tầm cỡ thế giới. Trong bối cảnh đó, nhiều lập trình viên, startup trẻ có tài năng và niềm đam mê về game đã thiết kế ra những trò chơi điện tử tạo được sức ảnh hưởng lớn trong nước và quốc tế.
Không chỉ chú trọng vào việc xây dựng, phát triển mảng đồ họa, các tựa game đó còn chủ động đưa vào những dấu ấn mang bản sắc văn hóa Việt để tạo ra nền tảng phát triển thêm nhiều trò chơi "made in Vietnam" trong tương lai.
Sau đây, hãy cùng điểm qua những tựa game do người Việt tạo ra khiến cộng đồng game thủ Việt Nam và quốc tế phải ngả mũ thán phục nhé.
Free Fire
Trải qua hơn 5 năm phát triển, Free Fire đã đạt được nhiều thành tựu lớn và tạo ra cơn sốt với game thủ không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng tựa game sinh tồn nổi tiếng toàn cầu này lại được phát hành đầu tiên bởi người Việt Nam. Ban đầu, tựa game có tên gọi là Free Fire: Battle Royal và do 111Dots Studio - một hãng phát triển game của Việt Nam sản xuất.
Ra mắt trong cơn sốt game bắn súng sinh tồn, Free Fire là tựa game battle royale mobile xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam và nhanh chóng tạo được tiếng vang lớn thời điểm đó. Ngay khi mới ra mắt, Free Fire gây ấn tượng bởi lối chơi đơn giản và phần hình ảnh sống động, tuy nhiên do chỉ mới triển khai hai giai đoạn là Alpha Test và Open Beta Test, Free Fire vẫn chưa thu hút được nhiều người chơi. Đến khi Garena mua lại và trở thành nhà phát hành chính thức, Free Fire mới xây dựng được nhiều server trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Dù chịu nhiều sự cạnh tranh từ các tựa game cùng thể loại, Free Fire vẫn biết cách xây dựng thế mạnh riêng và đạt được nhiều kỳ tích lớn như: cán mốc doanh thu 1 tỷ USD, 1 tỷ lượt tải về trên Google Play, đạt kỷ lục 150 triệu người chơi trong một ngày. Thành tích này có được không chỉ nhờ tiềm lực to lớn của Garena mà còn là công sức của 111Dots Studio trong việc phát triển và cập nhật trò chơi. Đặc biệt, họ đã cùng Garena tiếp tục cho ra mắt một phiên bản có chất lượng đồ họa cao hơn là Free Fire Max.
Flappy Bird
Ra mắt vào giữa năm 2013, Flappy Bird được Nguyễn Hà Đông - nhà thiết kế trò chơi người Việt Nam tạo ra chỉ trong vài ngày nhưng đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng game toàn cầu. Lối chơi của Flappy Bird khá đơn giản khi chỉ cần điều khiển chú chim bay qua những cột ống xanh dài bất tận mà không đâm vào chúng. Tuy nhiên, chính điều đó đã trở thành yếu tố thu hút người chơi và thậm chí Flappy Bird còn được đánh giá là một "tựa game gây nghiện".
Từ những thành công bước đầu đó, Flappy Bird nhanh chóng trở thành tựa game mobile được tải xuống nhiều nhất trong cả App Store và Google Play trong năm 2014. Bên cạnh đó, tựa game còn mang về cho Nguyễn Hà Đông hàng tỷ đồng mỗi ngày từ quảng cáo cũng như xuất hiện rộng rãi trên truyền thông trong và ngoài nước. Đặc biệt, Flappy Bird còn đưa danh tiếng của làng game Việt đến hàng trăm quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, Flappy Bird đã bị chính Nguyễn Hà Đông gỡ xuống trên cửa hàng App Store và Google Play vào tháng 2 năm 2014. Theo chia sẻ của anh, quyết định này xuất phát từ việc tựa game đã phá tan cuộc sống vốn đơn giản của bản thân. Việc Flappy Bird đột ngột bị gỡ xuống khiến cộng đồng vô cùng tiếc nuối, nhưng “Chú chim vỗ cánh” đã để lại những dấu mốc đáng ghi nhận và sau này cũng xuất hiện nhiều tựa game “ăn theo” Flappy Bird.
Thần Trùng
Là một tựa game thuộc thể loại kinh dị, Thần Trùng thu hút sự chú ý của game thủ khi lồng ghép vào đó đề tài tâm linh đậm chất Việt Nam. Tựa game do DUT Studio - nhóm sản xuất game gồm các streamer có tiếng trong cộng đồng như Dũng CT, Vũ Hay Ho và Đạt Óc. Theo chia sẻ của các thành viên DUT Studio, đội ngũ nhân sự đều không phải lập trình chuyên nghiệp và chủ yếu mày mò tới đâu, làm tới đó. Thế nhưng, tựa game đã khiến cả làng game Việt háo hức muốn trải nghiệm khi chỉ vừa tung đoạn trailer đầu tiên.
Bước vào thế giới Thần Trùng, người chơi sẽ vào vai một thanh niên trong hành trình giải mã những câu đố mà trò chơi đặt ra, đồng thời phải chạy trốn trước sự truy sát của ma nữ. Với mỗi câu đố được giải, người chơi sẽ từng bước vén bức màn bí mật đang ẩn giấu đằng sau và qua đó thoát khỏi căn nhà trọ ma ám. Đặc biệt, tựa game còn có những chi tiết rất Việt nam như: tờ báo, gạch sàn, biển hiệu, móc áo, đèn pin…
Hiện tại, bản demo của Thần Trùng đã có mặt trên nền tảng Steam và được nâng cấp hơn so với phần trailer trước đó. Dù còn nhiều "sạn" nhưng Thần Trùng vẫn nhận về những đánh giá tích cực từ người chơi, đặc biệt là phần hình ảnh và cốt truyện được xây dựng một cách chỉn chu. Ngoài ra, nhiều fan cũng đang rất mong chờ DUT Studio sẽ cho ra mắt bản hoàn chỉnh để game thủ có cơ hội trải nghiệm tựa game một cách trọn vẹn.
Hoa
Ra mắt vào tháng 8/2021, Hoa là một tựa game giải đố được phát triển bởi Skrollcat Studio - nhóm phát triển indie game người Việt Nam. Dù là sản phẩm đầu tay nhưng tựa game đã gây ấn tượng mạnh mẽ với game thủ quốc tế bởi phần đồ họa tươi sáng, đậm chất nghệ thuật, thậm chí nhiều người còn ví bối cảnh tựa game như một bộ phim hoạt hình Nhật bản Ghibli mà game thủ có thể được trực tiếp trải nghiệm.
Đồ họa của Hoa được so sánh với các bộ phim của hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiếng Studio Ghibli
Lối chơi của Hoa không phức tạp khi người chơi sẽ được hóa thân thành một nàng tiên nhỏ và bước vào cuộc hành trình khám phá nhiều vùng đất mới. Điểm nổi bật của tựa game là phần nhịp độ chậm rãi nhưng vô cùng hấp dẫn, bản nhạc nền du dương cùng với sự xuất hiện của vô vàng các sinh vật được thiết kế vô cùng đáng yêu. Tất cả các yếu tố đó khiến cho người chơi như được đắm chìm vào không gian thơ mộng, bình yêu nhưng vô cùng diệu kỳ.
Rõ ràng, nhà phát triển Skrollcat Studio đã lựa chọn một lối chơi đơn giản và dễ dàng để giúp tựa game tiếp cận được nhiều game thủ hơn. Bên cạnh đó, hoa còn mở ra một hướng đi mới cho dòng game indie tại Việt Nam khi mà thị trường game nội địa vẫn đang chú trọng phát triển thể loại được nhiều người chơi như FPS hay MOBA.
Có thể thấy, các tựa game do người Việt tạo ra cũng hấp dẫn và lôi cuốn không thua kém gì quốc tế. Tuy nhiên, việc sáng tạo và phát triển game vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn về cả nhân sự lẫn kinh tế, đặc biệt là với các studio nhỏ. Vậy nên, thị trường game quốc nội cần có sự nhìn nhận và đầu tư đúng đắn để các tựa game "made in Vietnam" có cơ hội phát triển và cạnh tranh sòng phẳng với thế giới, đặc biệt là khi tiềm năng ngành công nghiệp game tại Việt Nam là vô cùng lớn.
Ảnh: Tổng hợp