Từ những ngày đầu mới ra mắt cho tới nay, CS:GO vẫn nổi tiếng là một tựa game có tính cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đặc biệt là ở đấu trường thi đấu chuyên nghiệp. Xuyên suốt 8 năm phát triển của CS:GO, đã có những đội tuyển vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của thế giới và ghi dấu vào lịch sử với era của riêng mình. Hãy cùng chúng tôi điểm mặt những cái tên này nhé!
1.NiP
Là một trong những đội tuyển lâu đời và giàu truyền thống nhất lịch sử CS:GO nói riêng và CS nói chung, NiP đã từng là ông vua của nền CS chuyên nghiệp trong giai đoạn 2012 - 2014, thời kỳ CS:GO mới được ra mắt. Tổ chức đến từ Thụy Điển này đã đi vào lịch sử với chuỗi trận 87-0 bất bại, một kỳ tích mà tới nay vẫn còn sừng sững. Xuyên suốt năm 2013, NiP tham dự tổng cộng là 17 giải LAN và vô địch tới 11 giải trong số đó. Hai thất bại đáng kể nhất có lẽ là tại EMS One - Fall 2013 và tại Dreamhack Winter 2013, Major đầu tiên được tổ chức trong lịch sử CS:GO, và tại ở cả hai giải đấu này các anh chàng ninja đều lọt vào tới trận chung kết. Tổng cộng trong lịch sử NiP đã có tới 5 lần vào trận chung kết tổng Major và một lần nâng cao chiếc cup vô địch tại ESL One: Cologne 2014.
GeT_RiGhT bật khóc trên sân khấu chung kết của ESL One Cologne 2014
Một phần lý do giúp NiP thống trị nền CS:GO chuyên nghiệp chính là việc họ được tiếp xúc với tựa game này từ những ngày đầu mới ra mắt, giúp họ có nhiều thời gian làm quen hơn với những pro player vẫn quyết định gắn bó thêm với CS 1.6. Một yếu tố nữa là việc họ sở hữu cho mình GeT_RiGhT và f0rest, 2 tài năng sáng giá nhất của nền CS Thụy Điển nói riêng và nền CS thế giới nói riêng vào thời điểm đó. Sự xuất sắc của bộ đôi này là không cần bàn cãi khi GeT_RiGhT đã 2 lần được bầu chọn là player xuất sắc nhất thế giới vào năm 2013 và 2014, còn f0rest cũng không kém cạnh với vị trí #2 vào năm 2013 và vị trí #7 vào năm 2014.
Đôi bạn thân thiết GeT_RiGhT và f0rest
Một điều khá thú vị khác khi nói về era của NiP là việc đây cũng là thời kỳ mà các thành viên VeryGames có phong độ cực cao và là kình địch của các anh chàng ninja. Sở hữu cho mình những cái tên như ScreaM, SmithZz, NBK hay shoxie,... VeryGames đã từng được coi là đội tuyển mạnh nhất mọi thời đại ở CS 1.6 và chuyển sang CS:GO, họ cũng đã nhiều lần cho các thành viên NiP phải ngậm trái đắng. Tuy nhiên những vấn đề về tài chính đã khiến Very Games tan rã vào năm 2013, còn các player chuyển sang khoác áo Titan.
2. Fnatic
Ngay sau era của NiP chính là era của Fnatic. Cũng là một đội tuyển Thụy Điển với truyền thống rất lâu đời, Fnatic đã gắn bó với tựa game CS từ những phiên bản đầu tiên cho tới phiên bản mới nhất CS:GO. Xuyên suốt năm 2015, các thành viên Fnatic đã thể hiện sự thống trị tuyệt đối của mình trên đấu trường chuyên nghiệp với 2 chức vô địch Major cùng hàng chục các danh hiệu danh giá khác. Điều càng khiến era của Fnatic ấn tượng hơn là năm 2015 được đánh giá là một năm đầy sôi động của nền CS:GO với rất nhiều các top team trỗi dậy như LDLC, TSM, Na`vi và thậm chí là cả người đồng hương với "NiP magic" luôn chực chờ bùng nổ.
Từ trái qua: JW, Flusha, pronax, KRIMZ và Olofmeister
Fnatic của năm 2015 là sự kết hợp hoàn hảo giữa phong độ xuất sắc của các cá nhân cùng khả năng call team tuyệt vời của bộ não số một Thụy Điển - pronax. Sở hữu cho mình một Olofmeister đang ở đỉnh cao phong độ, một JW với lối chơi cực kỳ khôn ngoan, bộ đôi Flusha và KRIMZ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cùng những chiến thuật mới lạ của pronax, Fnatic vào thời điểm đó là ông vua của nền CS thế giới.
Một pha di chuyển cực kỳ xuất sắc của JW trong trận đấu gặp TSM
Sau một năm 2015 đầy thành công, năm 2016 thực sự là một thảm họa với các thành viên Fnatic khi ngôi sao Olofmeister phải tạm nghỉ thi đấu do chấn thương cổ tay và họ phải thi đấu với stand-in. Sau khi Olofmeister trở lại thì anh đã không còn duy trì được phong độ như cũ và bắt đầu những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ team. Đỉnh điểm là sau khi thua VP ở trận chung kết ELEAGUE Season 1 thì một nửa đội hình của họ đã rời team và gia nhập GODSENT, chấm dứt mọi hy vọng vào sự trở lại của Fnatic era.
3. Luminosity/SK Gaming
Được thành lập vào tháng 2/2015 và sau một số thay đổi đội hình thì tới tháng 7, họ đã mua lại đội hình Brazil của Keyd Stars với sự góp mặt của những cái tên như FalleN, fer, Boltz,... Sau một số thay đổi trong đội hình thì Luminosity đã làm cả tất cả phải ngỡ ngàng với chức vô địch MLG Major Championship: Columbus 2016 đầy danh giá. Đến giữa năm 2016, họ chuyển sang thi đấu cho SK Gaming và tiếp tục lên ngôi vô địch tại ESL One: Cologne 2016, Major thứ 9 được tổ chức.
Các thành viên SK Gaming với chức vô địch ESL One Cologne 2016
Thành công của Luminosity/ SK Gaming phần lớn đến từ kỹ năng cá nhân xuất sắc của tất cả các thành viên. Họ sở hữu cho mình một con quái vật Coldzera với 2 lần được vinh danh là MVP tại Major và là player xuất sắc nhất thế giới 2 năm liên tiếp; một FalleN đầy kinh nghiệm chinh chiến và đang ở đỉnh cao phong độ của mình; fer, một rifler xuất sắc với lối chơi cực kỳ hổ báo. Bộ đôi TACO và fnx/ felps đều là những player support xuất sắc và tạo khoảng trống để những ngôi sao trong team tỏa sáng.
Pha nhảy bắn AWP đi vào lịch sử của Coldzera tại MLG Major Championship: Columbus 2016
Tuy nhiên era của Luminosity/SK Gaming cũng được đánh giá là không trọn vẹn khi ngoài 2 chức vô địch Major họ chỉ có được thêm 2 danh hiệu LAN khác, một con số khá khiêm tốn khi so sánh với những cái tên ở trên. Sang năm 2017 tuy vẫn là một thế lực rất mạnh của nền CS:GO thế giới nhưng họ không còn quá áp đảo các đối thủ và tại cả 2 Major của năm 2017 họ đều không thi đấu tốt và phải dừng bước ở vòng New Champions.
4. Astralis
Sau khi era của SK Gaming chấm dứt, CS:GO thế giới bước vào một giai đoạn đầy hấp dẫn khi không có một cái tên nào là quá vượt trội so với phần còn lại. VP, Astralis, FaZe Clan, SK Gaming,... là các top team của thời kỳ này và đều có những chức vô địch danh giá, nhưng không ai có thể trụ quá lâu ở ngôi vương của mình. Vào tháng 2/2018, ngôi sao trẻ của Astralis Kjaerbye, MVP của ELEAGUE Major: Atlanta 2017, đã bất ngờ rời team để gia nhập North. Thay thế cho anh là Magisk, một cái tên không quá nổi bật ở thời điểm đó, và như người ta vẫn hay nói: "phần còn lại đã trở thành lịch sử."
Chỉ ít lâu sau khi Magisk gia nhập, Astralis đã trở thành một thế lực của nền CS:GO thế giới với hàng loạt các chức vô địch LAN danh giá. Dù vẫn có một số giải đấu mà Gla1ve cùng các đồng đội bất ngờ thất bại như ESL One Cologne 2018 hay DreamHack Masters Stockholm thì mọi sự nghi ngờ đều đã chấm dứt khi những người lên ngôi vô địch một cách đầy thuyết phục tại FACEIT London Major. Xuyên suốt giải đấu này, Astralis chỉ để thua duy nhất 2 trận ở vòng ngoài và bất bại với 3 chiến thắng 2-0 ở vòng playoff, trong đó có cả một Na`vi đang hừng hực khí thế và có cho mình một s1mple đang đỉnh cao phong độ.
Các thành viên Astralis với chức vô địch Faceit Major London 2018
Astralis tiếp tục thống trị nền CS:GO thế giới trong năm 2019 với 2 chức vô địch Major danh giá, khiến họ trở thành đội tuyển thành công nhất trong lịch sử và là team đầu tiên vô địch 3 kỳ Major liên tiếp. Không chỉ thành công ở các kỳ Major, Astralis cũng là đội tuyển đầu tiên hoàn thành thử thách Intel Grand Slam mùa 1 với 1,000,000 USD cùng hàng chục các chức vô địch danh giá khác. Sự thống trị của Astralis còn được thể hiện qua hàng loạt các kỷ lục khó có thể bị xô đổ: họ là đội tuyển đầu tiên trong lịch sử có cả 5 thành viên xuất hiện trong BXH 20 player xuất sắc nhất năm; đứng ở vị trí #1 hltv trong tổng cộng là 406 ngày; có chuỗi 31 trận bất bại trên map thi đấu Nuke và được vinh danh là team Esports của năm tại sự kiện Esports Award 2018…
Các thành viên Astralis nổi tiếng với những pha sử dụng nade vô cùng hiệu quả
Khi nói về Astralis, điều đầu tiên người ta nói về chắc chắn sẽ là sự kỷ luật và lối chơi đầy khoa học của những người Đan Mạch. Dưới sự dẫn dắt của Gla1ve và huyền thoại CS 1.6 Zonic, Astralis đã vượt trội so với phần còn lại của thế giới khi trình diễn một thứ CS tiệm cận với sự hoàn hảo với khả năng phối hợp chuẩn chỉ của tất cả các thành viên. Cũng không thể không kể tới sự xuất sắc của các cá nhân, đặc biệt là Dev1ce, player đứng thứ 2 của năm 2018 và thứ 3 của năm 2019.