Faker: Ping cao ảnh hưởng đến T1 tại MSI 2022 nhưng quan trọng là fan vui

Huyền thoại cho rằng T1 sẽ chơi “khác đi” nếu độ trễ dưới 10ms và cảm thấy “rất tiếc” với việc RNG phải đấu lại 3 trận thắng.

Giai đoạn Vòng Bảng của 2022 Mid-Season Invitational (MSI) đã kết thúc vào tối qua (15/5) nhưng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề trong khâu tổ chức giải đấu. Chính Riot Games đã xác nhận rằng sự khác biệt về độ trễ (ping) đã tác động trực tiếp tới 10 đội tuyển đang thi đấu tại Busan và T1 cũng không nằm ngoài số đó. Nhưng theo siêu sao của T1, đây không phải là vấn đề quan trọng miễn là người hâm mộ có một giải đấu hay ho để theo dõi.

(Ping cao hơn) đã ảnh hưởng đến cách chơi của chúng tôi và nó vẫn đang ảnh hưởng đến màn trình diễn của cả đội” – Faker trả lời phỏng vấn Dot Esports. Đường giữa của T1 đã thi đấu với mức ping cao hơn trong những ngày đã qua tại MSI 2022 và Faker tin rằng cả đội sẽ chơi “khác đi” nếu độ trễ dưới 10ms – như những gì họ vốn quen thuộc từ trước giải đấu.

Theo Faker, ping không “quá là quan trọng” miễn là nó không làm xáo trộn trải nghiệm của người xem. Với anh ấy, điều quan trọng nhất là tất cả đều thi đấu ở điều kiện như nhau để cạnh tranh công bằng và cung cấp “trải nghiệm tốt nhất cho người hâm mộ.” Mức ping chênh lệch đang dẫn tới hậu quả nghiêm trọng tại MSI 2022 – giải đấu được coi là tai tiếng nhất trong lịch sử tổ chức LMHT chuyên nghiệp của Riot.

Royal Never Give Up, đại diện của LPL đang thi đấu tại Trung Quốc, được xác định là thi đấu với ping chênh lệch hơn hẳn so với ba đối thủ còn lại tại Bảng B. Dù đã có kết quả 3-0 sau ba ngày đầu, RNG vẫn buộc phải thi đấu lại theo yêu cầu của Riot. Chung cuộc, RNG vẫn thắng cả sáu trận Vòng Bảng và cùng với T1 lẫn G2 Esports là ba đội vẫn giữ được mạch bất bại tại MSI 2022.

Faker cảm thấy “rất tiếc” cho ĐKVĐ vì phải thi đấu nhiều hơn so với bình thường. “Tôi tin rằng (tất cả những việc này) đã xảy ra bởi Riot đã không thể giải quyết được vấn đề ping và kiểm soát nó dẫn đến hậu quả” – Faker nói. Tuyển thủ của T1 hy vọng về “hoàn cảnh bình đẳng” giữa tất cả các đội để MSI 2022 là sân khấu của những màn 5v5 “bình đẳng”.

Vấn đề độ trễ không phải là trở ngại duy nhất mà các đội phải đối mặt tại MSI 2022. Việc thay đổi thể thức dẫn đến nhiều trận đấu một chiều và lịch thi đấu dài hơn cho tất cả các đội - ảnh hưởng đến cả đội chủ nhà.

Mặc dù T1 đã toàn thắng sáu trận tại Vòng Bảng nhưng họ vẫn phải thi đấu nhiêu hơn so với những năm trước khiến Faker cảm thấy “đôi chút áp lực” ở phần còn lại của giải đấu. Faker cho rằng thể thức của các kỳ MSI trước “phức tạp hơn nhiều” so với năm nay. Nó cho các đội tuyển cơ hội “thả lỏng” trong một khoảng thời gian ngắn để dồn sức cho những cặp đấu căng thẳng.

Tuy nhiên, Faker vẫn đề cao cảm xúc của người xem MSI 2022 bất chấp đang phải đối đầu với sức ép vô hình. Bởi theo anh thì khán giả sẽ được xem nhiều trận đấu hơn, có nhiều lựa chọn hơn nên có thể coi đây là một ưu điểm mà Riot đem lại.

Sau RNG, T1 đang hứng chịu “búa rìu” dư luận sau khi màn hình của Zeus được chiếu trên sóng livestream trong trận đấu gặp Saigon Buffalo vào tối qua. Tại đó, mức ping của tuyển thủ này là 21ms và thi thoảng nhảy lên 22. Trên Twitter, nhiều fan đã trận vào LOL Esports và cả T1 để chỉ trích họ không thi đấu với độ trễ 35ms như RNG và nhiều đội tuyển khác. Riot đã phải lên tiếng đính chính rằng độ trễ trên màn hình hiển thị không phải là con số chính xác.

Với công cụ sửa độ trễ của chúng tôi, hiện vẫn còn một bug khiến cho ping được hiển thị không đúng thực tế Người chơi ở Busan đang chịu một lỗi khiến cho ping thực tế cao hơn 13ms so với ping hiển thị. Vậy nếu như phía máy RNG hiển thị 37ms, máy ở Busan hiển thị 24ms, nhưng thực tế ping hai bên là như nhau” – BTC bổ sung vào phần hỏi đáp từ cộng đồng.

Chốt lại, Faker đang kỳ vọng vào những màn đọ sức “hấp dẫn” với RNG và G2 tại Vòng Hỗn Chiến MSI 2022 từ 15g00 ngày 20/5. Hiện Riot vẫn chưa thông báo lịch thi đấu cụ thể.