Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng "bỏ cuộc", kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới

Việc Vietnam Championship Series (VCS) được tách khỏi giải đấu Garena Premier League (GPL) là bước tiến lớn cho nền eSports Việt Nam nói chung và Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam nói riêng. Với nhiều thành tích đáng nể cùng kỹ năng điêu luyện, các tuyển thủ Việt Nam luôn là tầm ngắm của nhiều đội tuyển hàng đầu quốc tế.

Nhưng những rào cản về văn hóa, giao tiếp tại môi trường mới chưa bao giờ là dễ thở với các game thủ Việt. Trong số hàng chục game thủ Việt đã từng xuất ngoại thi đấu cho các đội tuyển LMHT nước ngoài, hầu như không có ai gây ấn tượng hay có thành tích đáng kể. Thế mới thấy, việc SofM tỏa sáng tại LPL, trở thành một trong những game thủ hàng đầu của nền LMHT thế giới kỳ diệu tới mức nào.

Chướng "Navy" Viễn Long

Tới thời điểm hiện tại, rất ít người hâm mộ LMHT Việt Nam còn nhớ đến cái tên Chướng "Navy" Viễn Long. Nhưng cựu vận động viên thể thao điện tử này lại chính là game thủ đầu tiên của Việt Nam thi đấu cho một đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại nước ngoài.

Khi nền LMHT Việt Nam đang còn ở giai đoạn sơ khai, Navy đã sang Thái Lan thi đấu và cùng đội tuyển giàu truyền thống nhất xứ chùa Vàng Bangkok Titans vô địch LOL Thailand Championship Series, qua đó góp mặt tại vòng chung kết Vô địch LMHT Đông Nam Á năm 2013. 

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 1.

Trong thời kỳ mà việc thi đấu thể thao điện tử còn gặp nhiều khó khăn, chỉ sau 2 tháng anh đã phải về lại Việt Nam để phục vụ cho việc học hành và giã từ thi đấu chuyên nghiệp không lâu sau đó. 

Nguyễn "NoWay" Vũ Long

Được mệnh danh là xạ thủ hàng đầu của LMHT Việt Nam, NoWay từng là cái tên hàng đầu cho vị trí đường dưới ở khu vực VCS. Khác với SofM, NoWay chọn Ascension Gaming của Thái Lan làm bến đỗ tiếp theo trong sự nghiệp sau khi rời khỏi Hanoi Skyred. 

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 2.

Chỉ thi đấu duy nhất 1 mùa giải tại Thái Lan nhưng chừng đó là đủ để NoWay có những thành công nhất định. Sau chức vô địch Thailand LCS Mùa Xuân 2017 và Á quân tại GPL Mùa Xuân 2017, NoWay trở về Việt Nam và gia nhập đoàn quân của HLV Tinikun - GAM Esports. Tiếp tục càn quét cùng các đồng đội, NoWay nắm giữ mọi vị trí quán quân ở giải đấu khu vực và thẳng tiến tới CKTG 2017.

Hiện tại, NoWay đã giải nghệ và trở thành streamer toàn thời gian, nhưng anh là xạ thủ xuất sắc VCS là điều mà không ai dám phủ nhận.

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 3.

Noway và Cara Phương đang thu hút rất nhiều sự chú ý sau chương trình Người Ấy Là Ai

Đỗ "Levi" Duy Khánh

Mặc dù là tuyển thủ duy nhất của VCS đã thi đấu ở trên 2 khu vực là LCS Bắc Mỹ và LPL Trung Quốc nhưng thành tích du đấu của đội trưởng GAM Esports gần như không có gì nổi bật nếu không muốn nói là tệ.

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 4.

Sau những màn trình diễn thăng hoa với GAM Esports tại MSI và CKTG 2017, Levi nhanh chóng được nhiều đội tuyển trên thế giới để ý đến. Nhanh chóng, Levi chọn một nước đi có phần dễ dàng là đội tuyển hạng 2 của LCS, 100 Thieves Academy. Tuy vậy, tuyển thủ người Việt Nam vẫn không thể mang đến bất ngờ nào cho người hâm mộ Bắc Mỹ khi 100T Academy chỉ xếp cao nhất là thứ 6.

Kết thúc một năm ở Bắc Mỹ, Levi được JD Gaming chiêu mộ nhưng anh phải cạnh tranh suất thi đấu với người đi rừng Hàn Quốc của JDG lúc đó là Flawless. Tuy vậy, điều trớ trêu nhất với Levi khi ở JD Gaming không phải là phải ngồi dự bị mà đó là JDG giành chức Á quân tại LPL Mùa Xuân 2019 nhưng tỉ lệ thắng của anh lại là con số 0 tròn trĩnh. Kết thúc hơn 1 năm du đấu không thành công, Levi trở về với mái nhà xưa GAM Esports và tiếp tục hành trình chinh phục VCS với đội tuyển này.

Trương "Beyond" Vĩnh Thanh

Đội trưởng của 269 Gaming lừng lẫy một thời Trương "Beyond" Vĩnh Thanh cũng là một trong số ít tuyển thủ từng du đấu ở nước ngoài. Beyond tham gia đội tuyển Fortius của Indonesia và nhanh chóng lấy được chức vô địch tại giải đấu LoL Garuda Series 2017. 

Tuy vậy, Indonesia thực sự không phải là quốc gia mặn mà với LMHT. Nhận thức được điều này, Beyond thành lập EVOS Esports dựa trên nền tảng của Fortius và chuyển khu vực của đội từ Indonesia thành Việt Nam. 

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 5.

Dưới sự dẫn dắt của Beyond, EVOS Esports đã có những thành công nhất định trong những năm hoạt động với chức vô địch VCS mùa Xuân 2018 và luôn nằm trong top 4 đội mạnh nhất của VCS trong nhiều năm liền.

Mới đây, EVOS Esports đã tuyên bố giải thể nhưng những giá trị mà Beyond và EVOS Esports để lại cho LMHT Việt Nam sẽ không bao giờ mất đi.

Lê "SofM" Quang Duy

Vua trò chơi, thần đồng LMHT Việt Nam Lê "SofM" Quang Duy là tuyển thủ vĩ đại nhất mà VCS từng sản sinh. Tư duy đỉnh cao cùng kỹ năng chơi game thượng thừa đã giúp anh nổi tiếng trong cộng đồng LMHT từ lúc mới 14 tuổi.

Nổi danh từ rất sớm và là ngòi nổ chính của Full Louis, SofM nhanh chóng gặt hái được nhiều thành công lớn nhỏ với đội tuyển này. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang khi Full Louis sớm bị nhiều ông lớn gạt giò bằng lối chơi chiến thuật đầy kỷ luật, bài bản thay vì phong cách đánh "tay to" của các chàng trai Hà Nội.

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 6.

SofM đã nổi tiếng với Lee Sin từ những ngày đầu anh bước chân vào đấu trường chuyên nghiệp

Sau thất bại tại VCS mùa Xuân 2016, chàng trai trẻ tìm kiếm con đường mới cho mình tại LPL Trung Quốc với Snake Esports. Ngay trong mùa giải đầu tiên tham dự, anh nhận ngay giải Tân Binh xuất sắc nhất năm và suýt chút nữa đến được với Chung Kết Thế Giới 2016 sau khi để thua đáng tiếc trước World Elite với chuỗi 10 trận đấu lịch sử.

Là ngoại binh Việt Nam duy nhất Trung Quốc nhưng điều đó không trở thành khó khăn mà còn là động lực để SofM tiếp tục cố gắng tỏa sáng. 3 năm ở LPL dù thành tích cả đội có ra sao thì SofM vẫn luôn lọt vào top 5 những người đi rừng hay nhất giải đấu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, SofM là nhân tố chính giúp LPL thay đổi lối chơi trước tình cảnh toàn bộ tuyển thủ Trung Quốc bị phụ thuộc quá nhiều vào lối đi rừng của người Hàn. Phong cách xâm lăng rừng hổ báo, tính toán thời gian vòng rừng chuẩn xác được SofM khai phá cho các tuyển thủ LPL đã giúp họ thống trị nền LMHT thế giới trong 2 năm 2018 và 2019.

Năm 2020 này, SofM hoàn thành tâm nguyện bấy lâu và còn vượt quá kỳ vọng của nhiều người hâm mộ khi đánh bại nhiều đối thủ sừng sỏ để giành lấy ngôi vị Á Quân CKTG 2020. Qua đó, anh cũng trở thành tuyển thủ Việt Nam có thành tích quốc tế cao nhất hiện tại.

Hiện tại, các thành tích của SofM đã được cộng đồng, truyền thông trong và ngoài nước ghi nhận. Anh chàng cũng đang nằm trong hạng mục Game thủ/ Streamer của năm với số phiếu bầu khá cao.

Còn các khán giả cũng đừng quên bình chọn cho người xứng đáng nhất tại website: https://wechoice.vn/

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Diệu kỳ Việt Nam.

Sự diệu kỳ của Việt Nam trong năm 2020 không chỉ đến từ những con số về nền kinh tế tăng trưởng, sự rộng lớn hay quyền lực. Sự diệu kỳ ấy đến từ mỗi con người của một đất nước nhỏ bé, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện, nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại WeChoice Awards 2020. Thời gian bình chọn từ ngày 13/01/2021 đến 23h59 ngày 21/01/2021.

Truy cập wechoice.vn để lan tỏa niềm cảm hứng ngay hôm nay.

Game thủ Việt xuất ngoại: Người nhanh chóng bỏ cuộc, kẻ đánh mất chính mình, chỉ riêng SofM là biểu tượng vươn tầm thế giới - Ảnh 8.