Sau những đồn đoán, các tựa game bom tấn mới của Riot Games sẽ do VNG phát hành. Điều này gây nên sự bất ngờ cho người hâm mộ bởi thay vì chọn Garena như trước, Riot Games lại gửi gắm những "đứa con tinh thần" cho VNG.
VNG, ông lớn làng game, từng phát hành những tựa game hấp dẫn và thu hút lượng người chơi dồi dào như Võ Lâm Truyền Kỳ, Gunny, Boom online, Kiếm Thế... Khi mobile lên ngôi, các tựa game kể trên cũng được di động hóa.
Tuy nhiên, phần lớn game của VNG đều nặng tính cày cuốc, nạp thẻ. Còn về các tựa game eSports, VNG tỏ ra yếu thế hơn hẳn trước Garena. Do đó, game thủ đã đặt lên bàn cân liệu Riot Games đã chọn đúng nhà phát hành?
Cách xây dựng cộng đồng
Chất lượng tựa game hẳn sẽ không phải vấn đề. Tuy nhiên, cách điều hành của VNG chính là thứ làm người hâm mộ lo lắng. VNG xây dựng cộng đồng kém, không tạo được nhiều điểm nhấn trong làng game eSports Việt Nam.
Bằng chứng là 2 tựa game như Mobile Legends: Bang Bang VNG, PUBG Mobile VN có lượng người chơi tuy đông và số lượt like trên fanpage vượt trội nhưng tương tác lại rất kém so với đối thủ. So sánh nhanh 2 bài post trên Facebook, bạn có thể thấy rõ mức độ chênh lệch, dù rằng lượt like fanpage Mobile Legends gấp 5 lần Liên Quân Mobile.
So sánh lượng tương tác của 2 fanpage triệu like của các nhà phát hành.
Đó là chưa tính đến các trang hay nhóm liên quan - nhà phát hành không quản lý. Số lượng người chơi lớn nhưng VNG lại không tạo được sân chơi thiết thực để liên kết, khiến tựa game chết dần chết mòn.
Nhìn lại về phía Garena, vì ít game hơn nên họ chăm chút từng sản phẩm một. Thật vậy, Garena đã tạo được những cộng đồng vững mạnh, chất lượng. Chi tiết, Liên Minh Huyền Thoại, FreeFire, Liên Quân Mobile hay cả Âm Dương Sư (đã ngừng hoạt động) game nào cũng có lượng fan trung thành, tương tác giao lưu với nhau hàng ngày. Các fanpage luôn sống động, nội dung đa dạng chứ không như VNG.
Tuy vậy, xoay quanh Garena cũng là những drama từ cách vận hành giải đấu, yếu tố chuyên môn, người quản lý đến cả bình luận viên.
Hút máu, pay-to-win
Từ xưa đến nay, VNG luôn nổi tiếng với sự "hút máu" của mình. Trong quá khứ ở các tựa game như Gunny hay Võ Lâm Truyền Kỳ người chơi phải bỏ hàng triệu đồng để trở nên không lạc hậu và bắt kịp nhịp độ.
Để có một acc khủng như thế này thì số tiền đổ vào game không hề nhỏ.
VNG còn nghĩ ra vô số chiêu trò hút máu cộng đồng từ các sự kiện may rủi cho đến những món item giới hạn. Thậm chí đã từng có thời game thủ kêu gọi nhau tẩy chay sự kiện hút máu của VNG trong tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ Công Thành Chiến. Nhưng với 2 tựa game Mobile Legends: Bang Bang VNG, PUBG Mobile VN, ông lớn làng game Việt Nam cũng chưa tỏ ra "vắt kiệt" túi tiền người chơi khi sự chênh lệch về giá tướng cũng như vật in-game không nhiều sự khác biệt so với bản quốc tế.
Về mặt "nạp card", Garena tương tự. Nâng giá phục trong LMHT, tăng giá tướng ở Liên Quân Mobile, giảm quà sự kiện... là những điều game thủ than phiền trên mạng xã hội về nhà phát hành này.
Tuy vậy, với các tựa game eSports cần kỹ năng, tư duy trên PC hay mobile thì người chơi có hay không nạp tiền cũng không quá quan trọng. Hiếm có việc "pay-to-win" ở những tựa game này.
Giải đấu và các sân chơi cộng đồng
Có thể nói đây chính là nơi thế mạnh về tiềm lực kinh tế của VNG phát huy tác dụng. Ông lớn làng game Việt Nam sở hữu nguồn tài chính khổng lồ, các giải đấu được VNG tổ chức hứa hẹn đều vô cùng hoành tráng.
Giải đấu Mobile Legends Bang Bang với tiền thưởng khủng.
Mặt khác, tiềm lực kinh tế của VNG cho phép họ thực hiện những sự kiện offline cộng đồng thường xuyên, to hơn. Việc cho ra mắt các sản phẩm âm nhạc collab cùng những diễn viên hay ca sĩ là chuyện "như cơm bữa" đối với VNG.
MV hoành tráng có sự góp mặt của diễn viên Trần Nghĩa trên nền nhạc Mr.Siro.
Năm 2019, VNG đã chơi lớn mời cả Trần Nghĩa (Ngạn trong Mắt Biếc) cùng Mr.Siro làm hẳn một MV cho PUBG. Hãy thử tưởng tượng việc mời Đen Vâu hay J97 hát về những vị tướng trong Tốc Chiến xem, còn gì tuyệt vời hơn.
Tuy vậy, Garena cũng không hề kém cạnh khi sở hữu những giải đấu có tổng giải thưởng khủng, nhiều MV hay trailer kết hợp với ca sĩ/rapper tên tuổi. Đồng thời với sự bùng nổ của Liên quân Mobile, Garena cũng tổ chức hàng loạt event online, offline rất hoành tráng và được cộng đồng đón nhận tích cực.
Kinh nghiệm xây dựng và vận hành giải đấu eSports
Có thể thấy, về việc này Garena đã và đang làm tốt hơn hẳn so với VNG. Từ Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, FIFA Online cho đến Free Fire, Garena đều tổ chức các giải đấu eSports một cách chuyên nghiệp, xuyên suốt, trực tiếp, có bình luận viên để mọi người cùng dõi, tạo được chuỗi kết nối. Hơn nữa, việc PR giải đấu, truyền thông những lịch trình, tuyển thủ trên fanpage, trang tin hay nhóm Facebook đều rõ ràng, dễ nắm bắt.
Nhìn sang nhà phát hành VNG, họ tổ chức các giải đấu eSports cho Mobile Legends: Bang Bang VNG hay PUBG Mobile VN chưa thật sự quá nổi bật. Dù rằng, theo một số thông tin nội bộ, VNG đang củng cố đội ngũ nhân sự "mạnh về kinh nghiệm" và "khỏe về sức sáng tạo" nhưng có lẽ, đây không phải là câu chuyện một sớm một chiều mà thành công được.
Nhà phát hành "đi cùng" game
Nhiều người hẳn đã nhận ra chiến lược kinh doanh của VNG những năm gần đây. Ông lớn làng game chuyên đi thu mua những game nhỏ lẻ (đa phần ở Trung Quốc), quảng bá, phát hành một thời gian cho đến khi hoàn vốn đẻ ra lời (3-4 năm) thì đóng cửa.
Một bộ phận người chơi rất ghét cách kinh doanh này của VNG. Họ cho rằng nhà phát hành chỉ ra game để bòn tiền người hâm mộ. Đến khi tựa game giảm sức hút thì thay vì tiếp tục, họ bỏ hẳn nó để tìm kiếm những cái tên tiềm năng khác.
Tựa game 3Q 360mobi được quảng bá rầm rộ một thời vẫn bị VNG bỏ ngỏ sau khi hết hot.
Điều này thật sự đáng lo ngại khi tất cả bom tấn mới của Riot Games đều nhắm đến xây dựng cộng đồng vững mạnh, đồng hành cùng game theo năm tháng. Phong cách phát hành game "ăn xổi ở thì" của VNG không hề phù hợp với các siêu phẩm này.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm vận hành, phát triển lâu năm và những siêu phẩm chất lượng từ Riot Games trong tay, cơ hội để VNG cải thiện để đưa những tựa game đi đến thành công là hoàn toàn có thể.