Trong tự điển Anh-Việt, “toxic” được hiểu với ý nghĩa thứ gì đó độc hại tuy nhiên với game thủ Việt Nam, toxic là từ được dùng để chỉ những game thủ “trẻ trâu”, và những toxicer này thường không ngại làm tổn thương đối thủ hoặc đồng đội của mình bằng lời nói hoặc những đoạn chat với ngôn từ không lành mạnh. Tuy nhiên điều đáng sợ nhất chính là những lời nói mạt sát tưởng chừng vô hại này lại có thể trở thành những lưỡi dao cắt sâu vào tâm hồn người chơi khác, thậm chí nếu không xử lý khéo toxic còn có thể là căn bệnh tiềm ẩn luôn chực chờ gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai.
Hãy cùng Kênh Tin Game xem thử Toxic trong game sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng với game thủ ra sao nhé.
Toxic và cái tôi quá lớn của game thủ
Đối với những tựa game thiên về phối hợp đồng đội như Liên Minh Huyền Thoại, CS:GO hay Dota 2 ắt hẳn không ít lần bạn gặp phải những thể loại đồng đội trời ơi đất hỡi vào game chỉ nhằm mục đích đi cúng mạng cho đối thủ (LMHT), kêu đặt bom bên A lại chăm chăm sang rush B hoặc tệ hơn là chỉ lo canh me săn mạng không thèm quan tâm vụ chiếm giữ cứ điểm (CS:GO, Call of Duty).
Ở thời điểm đen tối nhất của cả đội cũng là lúc cái tôi cá nhân của mỗi game thủ lại lên tiếng mạnh mẽ nhất, thông thường là những câu “đá đểu” sau đó nếu được đà chế độ toxic sẽ kích hoạt để ào ạt xả hết những ức chế lên đối thủ và đồng đội. Nhìn theo hướng tích cực thì toxic cũng là một cách tốt để game thủ xả bỏ bực dọc để thanh thản tìm tới trận đấu mới, nhưng lâu dần toxic lại trở thành thói quen, sở thích của một bộ phận game thủ trẻ. Đáng nói nhất chính là một bộ phận không nhỏ game thủ vì sở thích kỳ lạ này mà luôn tỏ ra “thượng đẳng” ngay khi vào trận cùng đồng đội.
Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác
Không chỉ đem đến ức chế và bực dọc cho đồng đội, hành vi toxic cũng là thứ dễ dàng lây lan như đại dịch Covid-19. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” khi bạn cần phối hợp tốt cùng đồng đội thì cách tốt nhất chính là làm theo họ để hiểu họ, và nếu may mắn gặp phải một gã toxic thì thay vì tệ một phút giây rồi thôi, cả trận đấu đó sẽ là thảm họa.
Đặc biệt “một khi đã máu…” thì game thủ Việt Nam sẽ dễ dàng mất bình tĩnh và tự đưa mình vào bẫy tâm lý, thậm chí một số trường hợp còn tệ hơn khi chỉ vì một pha không hiểu ý nhau bạn mất luôn đồng đội và phải thi đấu thiếu người. Một số trường hợp sẽ thăng cấp mâu thuẫn từ game ra ngoài đời thật khi xin thông tin cá nhân để công khai gạ kèo cũng như dễ bề hạ nhục danh dự đối thủ trên mạng xã hội. Cùng với những trận đấu LMHT diễn ra hàng ngày ở máy chủ VN thì liệu “oan oan tương báo” sẽ còn bám theo game thủ toxic đến bao giờ?
Bạn toxic là việc của bạn nhưng sự sảng khoái nhất thời này có thể để lại ảnh hưởng không nhỏ bởi trong quá trình xây dựng hình tượng LMHT Việt Nam tươi đẹp hơn, nhà phát triển Riot sẽ thẳng tay trừng phạt những tài khoản toxic trong game. Những lần đầu có thể chỉ bị cấm chat 7-14 ngày, nhưng nếu tái phạm nhiều lần thì tài khoản đó sẽ bị khóa vĩnh viễn và cho dù mua tài khoản mới nhưng tâm ma toxic sẽ vẫn bám theo game thủ và chờ cơ hội để trừng phạt tiếp tài khoản tiếp theo.
Cả game thủ chuyên nghiệp cũng toxic như ai
Toxic vốn không quá khó để trị dứt điểm và đây cũng là cửa ải quan trọng để luyện thành cái đầu lạnh và khả năng phán đoán xử lý tình huống của game thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên cửa ải này vốn không hề dễ vượt qua và bằng chứng cụ thể có nhiều tuyển thủ chuyên nghiệp cũng toxic như ai. Có thể kể đến nhưng cái tên nổi bật như Jensen (từng bị ban 1000 năm tài khoản Incanati0n vì toxic), TF Blade, Senna (thời còn thi đấu cho SF5 từng bị xử phạt vì chửi QTV trong chế độ xếp hạng). Mới đây trong giải đấu giao hữu Mỏ Neo Championship của BLV Lê Khôi, sau khi kết thúc trận chung kết đầy căng thẳng và chiến thắng Hue Gaming, người đi đường giữa của SPG đã chat all cuối trận “tuoi lol” để ăn mừng chiến thắng và khiêu khích đối thủ một cách đầy phản cảm.
Về cơ bản khiêu khích vốn không hề bị cấm trong thi đấu, thậm chí một số đội tuyển như G2, Team Flash… còn tận dụng điều này để “trashtalk” gây áp lực tâm lý cho đối thủ. Tuy nhiên ranh giới thật sự giữa thái độ toxic trong từng tế bào và trashtalk chiến thuật nó vốn mong manh như sợi chỉ tơ và khi đã mất đi thái độ tỉnh táo vì say máu ăn thua, cái kết cuối cùng của game thủ chuyên nghiệp mà đi toxic ắt hẳn sẽ còn thê thảm hơn người bình thường gấp nhiều lần.
Lời kết
Sẽ có những game thủ biện hộ và cho rằng game thủ chuyên nghiệp cũng là người và cũng có lúc sẽ mất kiểm soát bởi những áp lực tâm lý trong những trận đấu xếp hạng. Tuy nhiên cần biết rằng một khi đã trở thành game thủ chuyên nghiệp, bạn đã là đầu tàu và tấm gương để những game thủ khác học hỏi. Với việc thể thao điện tử vẫn còn đang phát triển thì những game thủ toxic không chỉ làm chậm bước tiến của Esports mà còn có thể hủy đi thành quả bao năm tốn công xây dựng hình ảnh thương hiệu.