Mới đây, cộng đồng game thủ không chuyên cũng như chuyên nghiệp tại Việt Nam đã phải dậy sóng với một đoạn status chia sẻ trên group quy tụ hàng vạn game thủ DOTA 2 nước nhà. Chuyện là chủ quản, một nhà phân phối phần cứng máy tính có tiếng tại thành phố Hồ Chí Minh đã đăng đàn phàn nàn về việc team DOTA 2 chuyên nghiệp mà họ đang tài trợ đòi hỏi việc chia tiền thưởng nhận được sau các giải đấu theo hướng các game thủ sẽ được nhận 90%, còn chủ quản team chỉ nhận được 10% mà thôi:
"Cạn lời, giờ mình hiểu tại sao rồi. Một gaming house tiêu chuẩn, một phòng tập tiêu chuẩn, cộng với những option mà nói thẳng là Việt Nam này nếu có manager hay ông chủ nào làm mà chỉ lựa chọn những gì tốt đẹp nhất cho nhân viên của họ. Nhất là môi trường eSports. Và điều kiện của các anh ấy: Player 9 [phần]. Hy vọng các thế hệ pro DOTA 2 player tiếp theo lấy chẵn 10 luôn cho đẹp."
Ngay lập tức, chủ đề này đã tạo ra những cuộc tranh cãi gay gắt từ chính bên trong cộng đồng game thủ, những player chuyên nghiệp đang thi đấu cho các team DOTA 2 tại Việt Nam cũng như chính bản thân những cái tên lớn trong cộng đồng eSports nước nhà. Ủng hộ có, phản đối cũng có, như một lẽ tất nhiên của mọi cuộc tranh luận trên mạng internet.
Nhưng một điều rõ ràng nảy sinh, ở thời điểm hiện tại, làng thể thao điện tử Việt Nam, hay nói chính xác hơn là DOTA 2 nước nhà vẫn còn đang lúng túng đi tìm cho riêng mình lối đi để tiến lên chuyên nghiệp, với những cái tên lớn từng tham gia các giải đấu quy mô Đông Nam Á mà chúng tôi từng đưa tin. Và nội việc bất đồng trong chuyện chia giải thưởng (ít nhất là nếu có) cũng chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề còn chưa có cách giải quyết đích đáng để cả hai bên, chủ quản lẫn các game thủ tìm được tiếng nói chung tiếp tục hỗ trợ và thi đấu.
Một game thủ chia sẻ: "10% là cái rate phổ biến và chấp nhận được ở hầu hết các team chuyên nghiệp trên thế giới. Có người sẽ bảo vì team thế giới thắng nhiều giải, nhiều tiền. Nhưng thật ra các owner các team cũng chẳng cần lắm khoản đó đâu vì nó còn các mảng kinh doanh khác rồi. Ở đây đơn giản là cái tiếng của team bù vào cái miếng của chủ quản để kinh doanh thôi."
Bản chất của vấn đề chúng ta đang theo dõi ở đây là, chủ quản của team DOTA 2 kể trên đầu tư gaming house, trang thiết bị máy móc thi đấu và tập luyện là để tìm được lợi nhuận từ việc đội tuyển của mình thi đấu và giành chiến thắng ở các giải đấu. Đó là cách duy nhất để giải thích cho việc vì sao 10%, theo đơn vị chủ quản, là chưa đủ để bù lại những gì đã đầu tư cho team.
Trong khi đó tại các quốc gia khác, tiền thưởng hoàn toàn không phải nguồn thu nhập duy nhất của các team eSports hay các tổ chức chủ quản các team đó. Thay vào đó, họ bán quần áo, phụ kiện có logo team, như C9 hay TSM, cùng với đó là bán bản quyền sử dụng hình ảnh và nhận diện thương hiệu của các đội tuyển lên các sản phẩm khác, ví dụ như ghế chơi game hay gaming gear chẳng hạn.
Nhờ vào việc các hãng mua bản quyền, cộng với cộng đồng hâm mộ đông đảo của các team, số lượng các sản phẩm được gọi là "team merchandise" này bán ra cũng thu về một khoản tiền không nhỏ. Nhưng tại Việt Nam điều này chưa thể thực hiện đơn giản vì chúng ta vẫn còn quẩn quanh "ao làng" chưa tìm được thành công ở trường quốc tế.