Theo báo cáo mới của công ty nghiên cứu dữ liệu kỹ thuật số Superdata cho biết, thị trường eSports thế giới được định giá vào khoảng 1,5 tỷ USD trong năm 2017.
Một nửa trong số đó đến từ các khoản đầu tư của “các tổ chức thể thao và thương hiệu cao cấp, nêu bật sự tự tin về khả năng đột phá, thâm nhập vào thị phần của các phương tiện truyền thông chính thống.”
“Vốn một thời chỉ phát triển ở những thị trường chủ chốt tại châu Á như Hàn Quốc, Esports hiện đã mở rộng ra toàn cầu và trở thành tâm điểm chú ý của mọi nhà xuất bản, nền tảng và thương hiệu,” Superdata viết.
“Với 1,5 tỷ USD cho năm 2017, doanh thu eSports trên toàn cầu sẽ tăng 26% vào năm 2020, thông qua việc thu hút được nhiều lượng khán giả chính thống hơn. Sự gia tăng này sẽ được thúc đẩy bởi lượng người xem dự kiến tăng trưởng 12% mỗi năm và số lượng đầu tư của bên thứ ba ngày một lớn.”
Báo cáo cũng ghi nhận thành công vượt bậc của hình thức crowdfunding trong làng esports, nhất là giải đấu vô địch thế giới Dota 2 – The International với hơn 24 triệu USD tổng tiền thưởng. Nhưng khoản tiền lớn nhất vẫn đến từ doanh thu trực tiếp, chẳng hạn như phí nhượng quyền thương mại, các khoản tài trợ và buôn bán hàng hóa, cũng dự đoán sẽ phát triển vượt bậc trong những năm tới.
Giải đấu Overwatch League, vốn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, cũng đặc biệt được đề cập vì nó giúp thành lập các đội tuyển có trụ sở ở các thành phố, “làm cầu nối giữa eSports và thể thao truyền thống”. “Điều này giúp Overwatch dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư thể thao truyền thống.”
Đồng thời, bản báo cáo cũng cho thấy những khán giả thường xuyên theo dõi các giải đấu cũng có đóng góp không nhỏ vào sự thành công của làng thể thao điện tử. Một ví dụ nổi bật chính là Playerunknown’s Battlegrounds, thu về hơn 200 triệu người xem riêng biệt chỉ trong vòng 7 tháng.
“Lượng khán giả lớn chưa từng có của PUBG bây giờ đã gấp 20 lần số người chơi, cho thấy mức độ phổ biến ngày một tăng cao ngay cả trong cộng đồng vốn không chơi game,” báo cáo cho hay. “Overwatch League mở ra một loạt các biện pháp quản lý mới, còn PUBG giúp tạo ra làn sóng mới trong làng esports.”
Đối với những người thường xuyên theo dõi eSports, họ vẫn thích Twitch hơn YouTube mặc dù số lượng chênh lệch không quá cao. Đại đa số những người xem esports tại Mỹ xem cả hai: Twitch cho những nội dung phát trực tiếp và YouTube cho những “nội dung mang tính lưu trữ nhiều hơn”.
Theo PCGamer